Các bài nghiên cứu SƠN MÀI VIỆT NAM - CON ĐƯỜNG DI SẢN Nguyễn Văn Minh Nghề sơn được hiểu như một nghề truyền thống, phát triển trên cơ sở hình thành những quần cư nông nghiệp lúa nước. Ban đầu, việc dùng nhựa sơn chỉ có ở vùng Viễn Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, vùng Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia hay Thái Lan,… Xuất phát điểm của nó rất có thể từ Trung Quốc rồi lan dần sang các nước khác theo một tiến trình giao lưu văn hóa. Từ đó, sơn mài Việt Nam trên con đường phát triển, ít nhiều chịu ảnh hưởng, tác động của sơn mài các nước, nhất là Trung Quốc, nhưng vẫn khẳng định được bản sắc riêng, độc đáo của mình. Sự tồn tại và phát triển của văn hóa nghệ thuật ở mỗi dân tộc, mỗi quốc gia xưa nay bao giờ cũng chịu quy luật tác động, ảnh hưởng hay giao lưu khách quan lẫn nhau. Trong tiến trình lịch sử, có những loại hay chất liệu như: gốm sứ, đồng thau, sơn dầu, sơn mài, v.v… Nhiều dân tộc, nhiều vùng đều có, kể cả cùng một thời kỳ. Song ở mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có những đặc thù riêng, không giống nhau (bao gồm những chủng loại, chất liệu giao thoa, du nhập từ dân tộc này sang dân tộc kia). Chính những gì không giống nhau đó là những sáng tạo độc đáo, những bản sắc riêng của từng dân tộc hay của từng vùng. Tìm đúng những bản sắc riêng, những sáng tạo độc đáo đó, cũng là phát hiện được những tương đồng và dị biệt giữa các nền văn hóa. Từ đó, tìm thấy con đường di sản sơn mài Việt Nam. Sơn mài truyền thống Việt nam được nhìn nhận qua các loại hình mang tính chuyên môn và lịch sử theo tiến trình của con đường di sản như sau: Đồ sơn trang trí gắn liền với tôn giáo tín ngưỡng là phục vụ cuộc sống tinh thần qua các đồ thờ trong chùa, đền, đình, cung điện. Các cột kiến trúc, hoành phi, cửa võng, câu đối, khám thờ, bát bửu, kiệu, võng, long đình, tranh thờ,… Một số đồ sơn mang chức năng khác, bởi vì mỗi di vật tự thân nó đã chứa đựng chức năng thực dụng và chức năng thẩm mỹ. Việc phân loại những chức năng đồ sơn chỉ là tương đối nhưng những di vật phục vụ đời thường thì không thể là đồ thờ và ngược lại, những di vật chế tác phục vụ đồ thờ thì không thể làm vật dụng của đời thường do yếu tố tâm lý tín ngưỡng đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân ta trong nhiều thế kỷ. Qua các thư tịch mô tả, các nghiên cứu đúc kết từ các tư liệu cho thấy đồ sơn có những đặc tính ưu việt của nó như: Tính hấp dẫn ở màu sắc lộng lẫy, trang nghiêm và sang trọng. Tính đa dạng: những hiện vật có cốt khác nhau sau khi đã phủ sơn làm thay đổi một cách căn bản hình thức bên ngoài, tạo sự liền khối, và đa dạng với mọi kích thước khác nhau. Tính kết dính và hòa hợp của sơn với một số loại vật liệu cốt: Khi kết dính các vật liệu với sơn thì vật liệu trở thành bổ trợ, còn sơn trở thành chất liệu chính. Do đó, người ta gọi chúng là đồ sơn, hàng sơn. Tính bền đẹp và giản dị: Nhờ màu sắc và nghệ thuật trang trí nên đồ sơn có vẻ đẹp chân phương, sâu lắng. Đẹp trong sự bền vững nhưng không thô kệch, nặng nề. Tính khái quát và chi tiết: Đồ sơn không chỉ thể hiện được tính khái quát, ước lệ trên vật thể ở hình khối, sắc độ mà còn thể hiện được tính chi tiết, tỷ mỷ trong trang trí nhưng không làm rối, làm nát sản phẩm. Nhờ màu sơn với những sắc độ gần gũi nhau mà sản phẩm trở nên thống nhất trong một tổng thể. Tính dễ bảo quản và dễ tôn tạo: Do đặc tính lý, hóa học, sơn đã góp phần hạn chế đến mức cao nhất sự phá hoại của côn trùng, mối mọt và điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên. Đồ sơn không chỉ dễ bảo quản mà còn dễ sửa chữa, dễ gắn, dễ chắp vá khi bị sứt mẻ hoặc gãy vỡ. Đồ sơn ứng dụng không chỉ phổ biến trong cuộc sống thường nhật của nhân dân lao động mà cả trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Đồ sơn không chỉ là những vật dụng đơn thuần mà trong nó đã được nâng lên thành hàng hóa. Sản phẩm đồ sơn hiện nay có những giao lưu trao đổi với các nước khác trong khu vực và thế giới. So với Trung Quốc, đồ sơn của họ phong phú và đa dạng hơn về kiểu dáng và màu sắc với các màu xanh lục và cẩm thạch, trong khi đồ sơn chúng ta chỉ có 3 màu: đen, đỏ và vàng. Nghệ thuật trang trí đồ sơn Việt Nam dung dị, khái quát và ước lệ, còn đồ sơn Trung Quốc thường trang trí công phu, tỷ mỷ và chi tiết với màu sắc rực rỡ. Sản phẩm là những mặt hàng có tính thủ công mỹ nghệ, trong quá trình chế tác, các công đoạn chủ yếu đều được làm hoặc vẽ bằng tay. Sản phẩm đều được chế tác bằng kỹ thuật có tính cổ truyền qua các công đoạn như: chuẩn bị cốt – vóc, vẽ nhiều lớp, mài, đánh bóng hoàn thiện hoặc sơn quang. Bằng những nguyên vật liệu có tính chất truyền thống như: vàng lá, bạc lá, vỏ trai, vỏ xà cừ, màu son,… và đặc biệt là sơn ta, loại cây được trồng nhiều ở Yên Bái, Nghĩa Lộ, Phú Thọ,… Trong kho tàng nghệ thuật truyền thống Việt Nam, chất liệu sơn ta đóng một vai trò quan trọng ở những “Hợp thể kiến trúc – điêu khắc và trang trí” từ đồ nội thất, đồ cung đình đến các chùa, đền , đình, miếu,… Giá trị sử dụng của nó vừa đẹp vừa bền chắc với thời gian, gắn bó với tâm thức, mỹ thức dân tộc. Tranh sơn mài Việt Nam qua các tác phẩm thể nghiệm, nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật cổ truyền vào việc sáng tác nghệ thuật của các nghệ nhân và họa sỹ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nghệ thuật sơn mài đã có những chuyển biến rất độc đáo, tinh tế trên mặt tranh: vỏ trứng trắng và cứng được họa sỹ dùng để diễn tả chất da thịt mềm mại; màu vàng óng ả đã biến thành ánh sáng mặt trời khi mô tả cảnh đẹp thiên nhiên; màu sơn son thếp vàng quyền quý trở thành dung dị khi diễn tả cỏ cây, mặt nước, quần áo, nhân vật,… Tính chất huyền ảo, sâu thẳm của sơn mài đã được các họa sỹ diễn đạt về những đề tài thích hợp: tâm trạng lãng mạn hay sinh hoạt thôn xóm, cảnh thiếu nữ vui chơi trên mặt hồ, cảnh đình làng vào hội, cảnh đêm trăng, v.v… Ngoài những màu sắc đã sử dụng: đen, đỏ, nâu, vàng, bạc nay có thêm những hòa sắc mới như lam và lục, làm phong phú thêm bảng màu sơn mài mà vẫn giữ được bản sắc của chất liệu. Sơn mài thực sự trở thành một loại hình nghệ thuật hội họa độc đáo, những tác phẩm: “Tát nước đồng chiêm” của họa sỹ Trần Văn Cẩn, “Đánh cá đêm trăng” của họa sỹ Nguyễn Khang, “Bên đầm sen” của họa sỹ Nguyễn Gia Trí, “Con nghé”, “Thánh Gióng”, “Điệu múa cổ” của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, “Hành quân qua bản cũ” của họa sỹ Lê Quốc Lộc, “Nhớ một chiều Tây Bắc” của họa sỹ Phan Kế An, “Trái tim và nòng súng” của họa sỹ Huỳnh Văn Gấm, “Tổ đổi công miền núi” của họa sỹ Hoàng Tích Chù, “Nhà tranh gốc mít” của họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sỹ Nguyễn Sáng, “Bình minh trên nông trang” của Nguyễn Đức Nùng, “Cảnh trung du” của họa sỹ Phạm Đức Cường, “Cái bát” của họa sỹ Sỹ Ngọc, “Thôn Vĩnh Mốc” của họa sỹ Huỳnh Văn Thuận,… là những minh chứng cho thành quả của một giai đoạn hội họa sơn mài Việt Nam. Qua ba góc độ của sơn mài truyền thống Việt Nam: sơn mài trang trí, sơn mài ứng dụng và tranh sơn mài, ta nhận thấy rằng để có được vẻ đẹp tuyệt mỹ của một sản phẩm hay một tác phẩm sơn mài, không chỉ đơn giản ở kỹ xảo, kỹ năng chế tác hay kỹ thuật thể hiện mà nó được tạo ra bởi sự kết hợp giữa ba yếu tố chính, đó là chất liệu, kỹ thuật và nghệ thuật. Trong sơn mài truyền thống, các nghệ nhân đã thành công khi sử dụng ba phương pháp chính của nghệ thuật trang trí đó là: trang trí bằng các mảng màu, trang trí bằng tạo chất bề mặt (matière), trang trí bằng hoa văn. Sơn mài truyền thống dù ở góc độ nào cũng là một bộ phận của mỹ thuật Việt Nam, hiện diện đều khắp, đồng thời tương hợp với ba lĩnh vực chính: mỹ thuật tạo hình, mỹ thuật truyền thống và mỹ thuật ứng dụng ngày nay. Mỗi lĩnh vực có vai trò, vị trí, tác dụng, đặc trưng và phương thức hoạt động riêng, nhưng đều đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, và cả ba loại hình đều thâm nhập, ảnh hưởng và tác động lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển trong một phong cách chung của mỹ thuật mang đậm tính cách Việt Nam. Sơn mài Việt Nam có chung một tiếng nói với sơn mài các nước ở tính trang trí, tính ứng dụng, phục vụ đời sống sinh hoạt và tín ngưỡng của con người. Nhưng từ nửa đầu thế kỷ XX, sơn mài truyền thống Việt Nam còn có thêm một giá trị mới, đó là đưa chất liệu sơn ta cổ truyền thành chất liệu của hội họa bằng sự ra đời của tranh sơn mài trên nền tảng kỹ thuật sơn truyền thống. Tranh sơn mài tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và kỹ thuật từ khâu làm vóc cho đến thể hiện nhằm cho ra đời những bức tranh sơn mài rất Việt Nam mà không một quốc gia nào có được. Nhìn chung, sơn mài các nước đều mang tính ứng dụng, trang trí, chưa một quốc gia nào thể hiện tranh sơn mài thành công như Việt Nam. Chính tên gọi “Sơn mài” đã bao gồm cả các công đoạn làm một bức tranh. Sơn là vẽ tranh bằng chất liệu sơn ta; mài là cắt lớp bề mặt bị oxy hóa, để lộ màu sắc bên trong. Tác dụng mài là làm phong phú, sống động hình vẽ mang tính chất hội họa dưới nhiều lớp màu chồng chất. Họa sỹ mài tranh để lộ ra những mảng màu mong muốn đúng chỗ, đúng cảm xúc mang yếu tố ngẫu nhiên hoặc bất thần tìm được trong lúc mài, để làm thành một tác phẩm hội họa. Điều này không nằm trong quy luật sản xuất hàng loạt. Một yếu tố quan trọng khác là chất sơn lấy từ cây sơn vùng Phú Thọ, Yên Bái của Việt Nam, được gọi là sơn ta (để phân biệt với sơn điều hay sơn công nghiệp), là một trong các loại nhựa sơn tốt trên thế giới. Điều này góp phần cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam có một sắc thái tuyệt mỹ. Tuy cũng là chất nhựa của cây sơn, nhưng sơn của ta không dễ lẫn với sơn của Nhật Bản hay Trung Quốc… Từ nét đẹp truyền thống đó, ngày nay, sơn mài được các nghệ nhân và các họa sỹ khai thác tối đa tính ưu việt của nó trên mọi chất liệu và khả năng kết hợp của sơn mài với các loại hình nghệ thuật khác, làm phong phú sáng tác nghệ thuật. Một loại hình mới của sơn mài truyền thống có thể gọi là “sơn ta tổng hợp” (theo họa sỹ Hồ Hữu Thủ) dần hình thành và được ứng dụng ngày càng nhiều, báo hiệu một chặng đường mới cho sơn mài Việt Nam. Từ những nhận định trên, ta thấy rằng, nghệ thuật sơn mài Việt Nam qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, đã phân hóa thành ba ngã rẽ song song, vừa hiện diện trong nền mỹ thuật ứng dụng, vừa có trong tác phẩm hội họa. Nó đã thật sự trở thành di sản của dân tộc. N.V.M (Thông tin Mỹ thuật -Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh Số 23-24 tháng 11 năm 2008) VÀI SUY NGHĨ VỀ TÍNH TRUYỀN THỐNG TRONG TRANH SƠN MÀI VIỆT NAM HIỆN ĐẠI Nguyễn Văn Minh Nghệ thuật sơn mài Việt nam gần một thế kỷ đồng hành cùng các họa sỹ tâm huyết luôn tìm tòi, nghiên cứu làm giàu đẹp thêm tiềm năng lớn lao của chất liệu tạo hình độc đáo này. Từ một chất liệu trang trí cổ truyền họ đã góp công chuyển thành chất liệu nghệ thuật. Tính truyền thống ấy càng đậm đà hơn qua bàn tay điêu luyện và yêu nghề của các nghệ sỹ nhiều thế hệ đã biết tiếp thu tinh hoa nghệ thuật thế giới và dân tộc làm phong phú thêm ngôn ngữ của nghệ thuật sơn mài Việt Nam hiện đại. Từ thực tế sáng tác phong phú, đa dạng của thời kỳ có quá nhiều khúc xạ trong nghệ thuật hiện nay, một điều chúng ta nhận thấy là: Nếu như trước đây các họa sỹ trẻ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã học tập và sử dụng kỹ thuật tạo hình, phối cảnh, màu sắc, bố cục của hội họa châu Âu nhưng lại chuyên chở được nét đặc sắc cái hồn của phương Đông trong cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của mình đối với chất liệu của dân tộc, thì ngày nay, cũng với chất liệu ấy, các họa sỹ trẻ đang khoác cho nó một chiếc áo mới với đủ mọi màu sắc, xu hướng của thời đại. Đây là một tín hiệu đáng vui mừng nhưng đồng thời cũng là hồi chuông báo động về những khuynh hướng lệch lạc của một số họa sỹ chạy theo “kinh tế thị trường” đánh mất tính truyền thống của chất liệu dân tộc. Truyền thống, theo họa sỹ - nhà lý luận phê bình Nguyễn Quân đã viết: “Như một khái niệm quan trọng trong thời đại giao lưu và thông tin ngày nay, thật không dễ định nghĩa”. Tuy nhiên, phần chữ nghĩa cốt lõi của nó theo suy nghĩ của ông, “truyền thống là sự lấy lại những suy nghĩ, những xúc cảm, những hành vi của một tập đoàn xã hội, của một con người hay một dân tộc. Truyền thống giúp cho con người giữ lại những thành quả của quá khứ để không phải làm lại từ đầu. Truyền thống vì thế là bậc thang để nhân loại tiến lên phía trước”. (Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật số 4(87), 1989, trang 16-20) Thiết nghĩ, bảng màu của sơn mài truyền thống tự thân nó ít ỏi, tuy nhiên từ trước tới nay chưa có ai – kể cả các họa sỹ nổi tiếng – dám cho là mình đã khai thác hết khả năng của chất nhựa cây kỳ diệu mà tự nó đã có thể biến hóa thành hai màu chủ yếu: Cánh gián và then, rồi từ hai màu này lại có thể tạo ra vô số những sắc nhị và sắc độ khác nhau. Việc tiếp thu truyền thống trong tranh sơn mài trước hết là ở khâu chế biến nhựa sơn qua các công đoạn nghiêm ngặt, vất vả và khả năng ứng dụng chất nhựa sơn vào tác phẩm của từng nghệ sỹ như thế nào, chứ không phải vay mượn một loại sơn công nghiệp ngoại nhập khoác lên nền vóc những vật liệu mỹ nghệ rẻ rúng, không chịu được sự thử thách của mắt nhìn và thời gian. Họa sỹ không chỉ vẽ bằng mắt và tay mà vẽ bằng cả trái tim và cái đầu nữa. Do đó, khi nói đến tính truyền thống trong tranh sơn mài không thể chỉ đề cập đến kỹ thuật chất liệu mà phải xem xét cả phong cách tạo hình và nội dung chủ đề. Đây lại chính là bản lĩnh sáng tác của họa sỹ, là khả năng biểu cảm nghệ thuật thông qua phong cách trong bố cục, trong việc xây dựng hình tượng điển hình và trong bút pháp, màu sắc diễn tả. Bởi vì, chất liệu dù có quý giá, quan trọng nhưng sẽ vô hồn nếu thiếu bàn tay của người nghệ sỹ mang đến cho nó một sức sống rung động lòng người. Vì vậy, cần có những họa sỹ tài năng, cảm nhận sâu sắc chất liệu và làm chủ kỹ thuật biểu hiện. Để có được một bố cục, một phong cách tạo hình và một chất liệu phù hợp với chủ đề tư tưởng của một tác phẩm không phải là một công việc dễ làm và trong một sớm một chiều của một người “dễ tính”… Để có được tính truyền thống đó, người nghệ sỹ phải sống, học hỏi và lao động như thế nào?! Sau cùng, truyền thống được nhắc đến như một phương pháp nhìn nhận, chắt lọc và tái hiện cuộc sống. Cha ông ta từ bao đời nay với đức tính cần cù, trung thực, lạc quan, vị tha để chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt cũng như mọi quân thù xâm lược, đã hình thành nên một “cách nhìn” vô cùng thực tế, cụ thể nhưng cũng vô cùng tinh tế, lạc quan, cho nên, công chúng thưởng thức khó có thể chấp nhận xu hướng gợi cảm thông qua những tín hiệu nghệ thuật, nhất là với những gơi cảm “vô hình” hay “siêu hình” như hiện nay của một số họa sỹ. Do đó, khả năng nắm bắt và tái hiện cuộc sống thực tế như là mạch giống nòi chảy xuyên qua bao thế hệ nghệ sỹ, như một lời động viên hun đúc: Vẽ cái gì, vẽ cho ai và vẽ như thế nào? Họa sỹ có quyền chọn một đề tài nhất quán trong sự nghiệp sáng tác cũng có thể cùng lúc vẽ nhiều đề tài phản ánh cuộc sống vận động quanh mình. Cái cần học ở truyền thống, ở các tác giả lớn là cách nhìn đời sống chứ không phải là những nét hình cụ thể trong tác phẩm. Tất cả là ở thái độ của người vẽ trước cuộc sống. Bởi vì, nghệ thuật chính là con người nghệ sỹ thông qua tác phẩm được công chúng chấp nhận. Đó chính là một yếu tố không thể thiếu của truyền thống và cũng chính là quan điểm nghệ thuật của người viết vậy. Quy luật phát triển của nghệ thuật Việt Nam là sự thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, giữa nhân tố bản địa và nhân tố ngoại nhập, giữa đối tượng được phản ánh với chủ thể phản ánh. Vấn đề đặt ra không phải là mới hay cũ về mặt hình thức và phương tiện biểu hiện mà ở chỗ nó đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân Việt Nam. Người viết hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, và một vài suy nghĩ trên không nằm ngoài việc khẳng định sự thành công của nghệ thuật sơn mài Việt Nam hiện đại bên cạnh việc tiếp thu tính truyền thống đã làm nên tính độc đáo của một chất liệu dân tộc để chia sẻ cùng các anh chị tâm huyết (nhất là các họa sỹ trẻ) trong việc làm giàu đẹp thêm ngôn ngữ của nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. N.V.M. (Thông tin Mỹ thuật - trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, số 11-12 tháng 5 năm 2006) . nét đặc sắc cái hồn của phương Đông trong cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của mình đối với chất liệu của dân tộc, thì ngày nay, cũng với chất liệu ấy, các họa sỹ trẻ đang khoác cho nó một chiếc. cứu làm giàu đẹp thêm tiềm năng lớn lao của chất liệu tạo hình độc đáo này. Từ một chất liệu trang trí cổ truyền họ đã góp công chuyển thành chất liệu nghệ thuật. Tính truyền thống ấy càng đậm. ngưỡng đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân ta trong nhiều thế kỷ. Qua các thư tịch mô tả, các nghiên cứu đúc kết từ các tư liệu cho thấy đồ sơn có những đặc tính ưu việt của nó như: Tính hấp