SỞ GD-ĐT BÌNH ĐỊNH TRUNG TÂM GDTX-HN AN NHƠN ……………… BÀI THU HOẠCH SAU KHI GIẢNG DẠY XONG “CHIẾU CẦU HIỀN” CỦA NGÔ THÌ NHẬM Giáo viên giảng dạy: LÊ THỊ XUYÊN Tổ : Giáo dục thường xuyên Năm học: 2010 - 2011 Năm học: 2010 - 2011 MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do viết bài thu hoạch 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của bài thu hoạch 3. Phương pháp nghiên cứu 4. Đóng góp của bài thu hoạch PHẦN NỘI DUNG 1. Hoàn cảnh ra đời và tác giả bài chiếu 2. Thể loại chiếu 3. Kết cấu bài chiếu 4. Nội dung, nghệ thuật bài chiếu PHẦN TỔNG KẾT TÀI LIỆU THAM KHẢO PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do viết bài thu hoạch Là một trong những tác phẩm thuộc thời kì văn học trung đại, lại liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử thời đại, và là tác phẩm mới được đưa vào chương trình cải cách sách giáo khoa mấy năm gần đây, “ Chiếu Cầu hiền” của Ngô Thì Nhậm là một trong nhiều tác phẩm hay đòi hỏi người đọc - hiểu cần phải có lượng kiến thức về lịch sử, xã hội sâu rộng mới có thể thẩm thấu giá trị của văn bản. Điều này đặt ra cho tất cả các giáo viên THPT nói chung và khối 11 nói riêng cần phải có sự định hướng phù hợp để có thể giúp học sinh đến được với tác phẩm mà không cảm thấy khô khan và nhàm chán. Đó là lý do thứ nhất để tôi chọn đề tác phẩm này làm bài thu hoạch sau khi giảng dạy xong trên lớp. Một điều nữa không thể không nói đến là hiện nay giới trẻ rất ít thiết tha với lịch sử. Minh chứng là thông qua các bài thi tốt nghiệp hoặc bài kiểm tra lịch sử trên lớp, các điểm số zê rô , 1, 2… đồng loạt xếp hàng vì những sự kiện chắp nối, lẫn lộn ngày tháng, nhân vật, thời đại…của các em. Thiết nghĩ, một hạt giống tốt bao giờ cũng được nảy mầm trên một mảnh đất màu mỡ thì một tác phẩm văn chương có giá trị chắc chắn phải ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, muốn tiếp cận nó thì trước hết cần phải đi vào cái nơi mà nó sinh ra. Tôi nghĩ “Chiếu Cầu hiền” là một tác phẩm như thế. Do đó, tôi muốn chọn tác phẩm này để viết bài thu hoạch với mong muốn có thể góp một phần nhỏ trong việc đưa học sinh tiếp cận với lịch sử, bên cạnh những giá trị văn chương mà nó đem đến. Đến với văn bản này, tôi sẽ sử dụng những kinh nghiệm mà mình học được từ những giáo viên đi trước thông qua những tiết dự giờ, kết hợp với kiến thức về lịch sử có liên quan và kiến thức giảng văn chủ yếu để soi sáng tác phẩm nhằm giúp các em tiếp cận văn bản này ở mức độ sâu sắc nhất. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của bài thu hoạch Đối tượng nghiên cứu của bài thu hoạch tôi đang tiến hành đó chính là văn bản “Chiếu cầu hiền”.Đây là một tác phẩm thuộc thời kì văn học trung đại đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông 11 cải cách trong mấy năm gần đây. Phạm vi nghiên cứu của bài thu hoạch là: hoàn cảnh, tác giả, thể loại, kết cấu, nội dung, nghệ thuật bài chiếu. 3. Phương pháp nghiên cứu Thực hiện bài thu hoạch này, tôi vận dụng một số phương pháp chủ yếu là: so sánh đối chiếu, phân tích - tổng hợp, nêu vấn đề. Chiếu cầu hiền ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử hết sức đặc biệt, liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng cho nên trong quá trình nghiên cứu, tôi còn sử dụng thêm phương pháp thực chứng – lịch sử nhằm làm rõ văn bản trong quá trình tìm hiểu tác giả, tác phẩm. Ngoài ra, vì tác phẩm thuộc thể loại chiếu - một trong những thể loại tiêu biểu của văn học cổ nên bài thu hoạch này, tôi còn sử dụng phương pháp loại hình, phương pháp cấu trúc để nghiên cứu. 4. Đóng góp của bài thu hoạch - Biết thêm về đặc điểm của thể chiếu, một thể văn nghị luận trung đại. - Những giá trị về văn chương cũng như lịch sử mà tác phẩm đem lại. - Có thái độ trân trọng đối với tư tưởng sử dụng hiền tài của vua Quang Trung và biết quí trọng những hiền tài của đất nước. PHẦN NỘI DUNG 1.Hoàn cảnh ra đời và tác giả bài chiếu Bài chiếu xuất hiện trong điều kiện lịch sử đặc biệt. Đó là lúc vua Quang Trung mới lên ngôi, nhà vua rất mong muốn có những người hiền tài ra giúp nước, nhưng lại chưa thật hiểu rõ về đất Bắc.Vì vậy, ông đã giao phó cho Ngô Thì Nhậm viết chiếu. Do đó, để dạy bài này, giáo viên cần huy động những kiến thức về lịch sử và những hiểu biết về người chỉ đạo viết chiếu ( vua Quang Trung), người chấp bút bài chiếu (Ngô Thì Nhậm) và các đối tượng mà bài chiếu hướng tới (các sĩ phu Bắc Hà). Ngoài những kiến thức mà sách giáo khoa cung cấp thì giáo viên cần mở rộng một số ý: + Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) là con trai đầu của Ngô Thì Sĩ (ông là nhà sử học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở thế kỉ XVIII tại Việt Nam, được Phan Huy Chú đánh giá là người có “ học vấn sâu rộng, văn chương hùng vĩ, làm rạng rỡ cho tông phái nho gia, là một đại gia ở Nam Châu”). Năm 24 tuổi, Ngô Thì Nhậm đỗ Giải nguyên, năm 30 tuổi đỗ tiến sĩ. Trong những năm làm quan dưới triều vua Lê chúa Trịnh, ông từng giữ chức Đốc đồng trấn Kinh Bắc (chức quan coi giữ miền biên giới và ban cấp lương thực cho quân lính) - theo Từ điển Chức quan Việt Nam 450/290 của Đỗ Văn Ninh, nxb Thanh Niên. Ngoài ra, ông còn có những kiến nghị cụ thể về các lĩnh vực: chính trị, pháp luật, giáo dục,…nhưng các ý kiến của ông đều không được chấp nhận. Khi triều Lê – Trịnh sụp đổ, Ngô Thì Nhậm đã đi theo phong trào Tây Sơn và được cử làm Lại bộ Tả thị lang (chức quan đứng hàng thứ ba trong Lại bộ thời Nguyễn, là chức quan tá nhị của Thượng thư ở 6 bộ) - theo Từ điển Chức quan Việt Nam 809/453, 1305/680 của Đỗ Văn Ninh, nxb Thanh Niên, rồi Binh bộ Thượng thư (tên chức quan đứng đầu quan Binh bộ) - theo Từ điển Chức quan Việt Nam 87/124 của Đỗ Văn Ninh, nxb Thanh Niên. Ông là người được vinh dự viết Chiếu tức vị (Chiếu lên ngôi) cho vua Quang trung và soạn thảo nhiều giấy tờ quan trọng khác về đối nội , đối ngoại. Khi triều Tây Sơn sụp đổ, Ngô Thì Nhậm phải ra trình diện rồi bị Đặng Trần Thường, lúc đó là Tổng trấn Bắc thành vốn có hiềm khích với ông từ lâu , đánh đòn và trả thù trước sân Văn Miếu, sau về nhà ốm và qua đời. Không chỉ giỏi về chính trị, thao lược, Ngô Thì Nhậm còn viết văn chính luận và làm thơ. Văn phong trong sáng, lí lẽ mạch lạc, lập luận chặt chẽ. Đặc biệt, những tác phẩm ông viết thay cho vua Quang trung đều mang một khí thế hào hùng, tiêu biểu cho tư tưởng, ý chí của nhà vua và của triều đại Tây Sơn. + Vua Quang Trung, nho sĩ Bắc Hà và hoàn cảnh ra đời bài chiếu: Khoảng năm 1788-1789, sau khi đại thắng quân Mãn Thanh, đất Bắc được giải phóng, Quang Trung lên ngôi hoàng đế. Nhà vua quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước. Đây là công việc rất cần có sự góp sức của những người tài đức trong nước, đặc biệt là các sĩ phu Bắc Hà. Tuy nhiên, khác với Ngô Thì Nhậm hay Phan Huy Ích thì đại đa số họ còn lúng túng, bi quan, chán nản; hoặc trốn tránh sợ liên lụy; hoặc cố giữ quan niệm cổ hủ của Nho gia “Tôi trung không thờ hai chủ”; hay coi Tây Sơn là giặc, chiêu mộ quân chống lại… Tình hình chính trị trở nên rối ren. Một điều cấp thiết đặt ra là làm thế nào để thuyết phục họ hiểu được mục đích và tấm lòng của nhà vua để họ sẵn sàng ra hợp tác với triều đại mới trong khi nhà vua lại chưa thật hiểu rõ về đất Bắc ? Và sự ra đời của Chiếu cầu hiền đã đáp ứng yêu cầu đó. 2. Thể loại chiếu Giáo viên cần tích hợp những kiến thức đã học về thể chiếu và vấn đề hiền tài đã học: Chiếu dời đô ( Lí Thái Tổ), Hoàng Lê nhất thống chí ( Ngô gia văn phái), Hiền tài là nguyên khí của quốc gia (Thân Nhân Trung) để giúp học viên khơi gợi và nắm được thể loại chiếu trong tương quan với những thể loại khác cùng thời. Chiếu là một thể văn thư do nhà vua dùng để ban bố mệnh lệnh cho tất cả thần dân (gồm cả quan lại và thứ dân). Công văn hành chính thời xưa gồm hai loại: một loại do cấp dưới đệ trình lên nhà vua hoặc triều đình (tấu, chương, biểu, sớ, khải,…), một loại do nhà vua truyền xuống cho bề tôi ( chiếu, mệnh, lệnh, chế, dụ, cáo,…). Chiếu nói chung, chiếu cầu hiền nói riêng thuộc loại văn nghị luận chính trị - xã hội. Mặc dù chiếu thuộc công văn nhà nước, lệnh cho thần dân thực hiện nhưng ở đây, đối tượng của bài chiếu là các bậc hiền tài, hơn nữa đây là cầu, tức vua Quang Trung cầu chứ không phải là lệnh. 3. Kết cấu bài chiếu + P1: “Từ đầu… hiền vậy.” Vai trò và sứ mệnh của người hiền tài đối với đất nước. + P2: “…hay sao?” Tâm nguyện của nhà vua mong muốn có người tài ra giúp nước. +P3: Còn lại: Đường lối và chính sách cầu hiền của vua Quang Trung. Giáo viên dẫn dắt để chứng minh cho học viên thấy được cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục của bài chiếu: Đầu tiên, hiền tài sinh ra là để phụng sự cho đời, đó mới là ý trời vậy. Tiếp theo, tác giả đi vào phân tích thực trạng vì sao người hiền chưa ra giúp việc cho triều đình, những khó khăn của buổi đầu “ đại định” đang cần thiết phải có những người tài . Từ đó, bài chiếu đưa ra những cách tiến cử và tự tiến cử hiền tài cho triều đại, khuyến khích họ gạt bỏ những băn khoăn, nghi ngại để tham gia triều chính, phụng sự đất nước và hưởng phúc lành tôn vinh. 4. Nội dung, nghệ thuật bài chiếu + Vai trò và sứ mệnh của người hiền tài đối với đất nước: Ở phần một này, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh người hiền như “sao sáng trên trời cao”. Đây là một cách so sánh làm nổi rõ sự tôn vinh, trân trọng ở mức độ cao. Đó cũng là cách mà tác giả cho sĩ phu Bắc Hà thấy rằng hoàng đế Quang Trung xưa xuất thân “áo vải cờ đào” mà có tầm suy nghĩ và tư tưởng “chiêu hiền đãi sĩ” như tất cả các vị vua trong những triều đại trước đây. Từ đó, phần nào xóa đi tâm lí nghi ngờ, chờ đợi của các bậc hiền tài. Sau lời so sánh là sự lập luận khá chặt chẽ: “sao sáng” thì “ắt chầu về ngôi Bắc thần”( tức sao bắc đẩu, “sao chủ” tượng trưng cho ngôi vua), người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử. Đây là lập luận thuyết phục về cả hai phương diện: lí lẽ và tâm linh, mang tính móc xích nhằm khẳng định một chân lí đối với qui luật xã hội con người. Cuối cùng, tác giả đưa ra những hình ảnh được rút trong Luận ngữ - cuốn sách kinh điển của các nhà nho. Nó rất hợp lí ở chỗ đã tạo ra tính chính danh cho Chiếu cầu hiền, đồng thời cũng tạo thêm ánh hào quang cho tân vương Quang Trung và quan trọng hơn nữa là có một sức thuyết phục rất cao đối với sĩ phu Bắc Hà trong bối cảnh đó. + Tâm nguyện của nhà vua mong muốn có người tài ra giúp nước: Ở đoạn thứ nhất của phần 2 này, tác giả đã đưa ra cách ứng xử của nho sĩ Bắc Hà trước triều đại mới bằng một đoạn văn ngắn với rất nhiều điển cố, điển tích được rút ra từ sách vở: ở ẩn trong ngòi khe, trốn tránh việc đời, kiêng dè không dám lên tiếng, gõ mõ canh cửa, ra biển vào sông, chết đuối trên cạn, lẩn tránh đều có hàm ý chỉ những người ẩn dật uổng phí tài năng hoặc những người có ra làm quan nơi triều chính nhưng còn kiêng dè, giữ mình là chính, chưa dám nói thẳng. Những điều này được trình bày tế nhị vì nó đụng chạm đến một việc khá nhạy cảm: thái độ bất hợp tác của sĩ phu Bắc Hà khi Quang Trung ra Bắc. Cho nên dù bề ngầm có trách cứ nhẹ nhàng nhưng bề nổi lại rất khoan hòa, thông cảm. Chính điều này càng làm nổi bật sự độ lượng của vua Quang Trung cũng như tài năng viết chiếu của Ngô Thì Nhậm. Khép lại đoạn văn là những câu hỏi tu từ: “Nay trẫm đang ghé chiếu lắng nghe…chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng ?”, kết hợp với hành động “ghé chiếu” (trắc tịch) vừa thể hiện sự khiêm nhường, thành tâm của nhà vua, vừa để ràng buộc, đồng thời chỉ ra con đường thay đổi cho họ, khiến họ không thể làm ngơ . Tiếp theo, sang đến đoạn hai, tác giả đi sâu vào phân tích tình khó khăn của đất nước và tính cấp thiết phải có sự giúp đỡ của người hiền tài. Cách trình bày thẳng thắn, bộc lộ rõ tâm trạng lo lắng của nhà vua chứ không còn “rào đón” như ở đoạn trên: đây là lúc “trời còn tăm tối”, “ đương ở buổi đầu của nền đại định”, “công việc vừa mới mở ra” rồi “ kỉ cương còn nhiều khiếm khuyết, việc biên ải chưa yên, dân còn nhọc mệt, đức hóa của trẫm chưa nhuần thấm”, kết hợp hình ảnh “một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn”và thực tế “mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình”. Điều này thể hiện một cách đầy nhiệt huyết tấm lòng của nhà vua đang thực sự cần có những người tài ra giúp mình. Cuối cùng lại là câu hỏi “ Huống nay trên dải đất văn hiến rộng lớn như thế này… buổi ban đầu của trẫm hay sao ?” thể hiện sự tha thiết, thẳng thắn, kiên quyết của người thay vua soạn chiếu nhằm thuyết phục người tài ra phục vụ hết mình cho đất nước. + Đường lối và chính sách cầu hiền của vua Quang Trung: Ở phần cuối này, tác giả đã chỉ ra những điểm nổi bật trong đường lối và chính sách cầu hiền của nhà vua: trước hết, các bậc quan viên lớn nhỏ, thứ dân trăm họ, tất cả đều có thể dâng sớ tâu bày sự việc, không sợ lời nói sơ suất mà bắt tội. Cách tiến cử rộng mở: tự mình dâng sớ tâu bày sự việc, do các quan văn , quan võ tiến cử, cho phép dâng sớ tự tiến cử. Đây là đường lối rộng mở, đúng đắn, cụ thể và dễ thực hiện, có nhiều nét khá dân chủ. Chứng tỏ, những điều nhà vua nói ra cho thấy ông là đấng quân vương đầy bản lĩnh, tư tưởng tiến bộ, giàu lòng khoan hòa, có khả năng thu phục lòng người, thần dân và bản thân người viết chiếu hẳn phải rất hiểu rõ tâm trạng những sĩ phu Bắc Hà. Cuối cùng, tác giả cổ vũ những người có tài, đức hãy cùng triều đình chung vai gánh vác trách nhiệm, chung hưởng hạnh phúc lâu dài. Lời khích lệ khép lại bài chiếu thể hiện không khí của thời đại mới: “Nay trời trong sáng , đất thanh bình, chính là lúc người hiền gặp hội gió mây…”. PHẦN TỔNG KẾT Có thể nói “Chiếu cầu hiền’ của Ngô Thì Nhậm là một bài chiếu nổi tiếng, không chỉ vì nó gắn liền với tên tuổi của người anh hùng “áo vải cờ đào” Quang Trung – người đã viết nên trang sử oai hùng, vĩ đại cho dân tộc trong việc dẹp tan quân Mãn Thanh mà nó còn nổi tiếng ở chính hoàn cảnh đặc biệt mà nó sinh ra - điểm chót của một thời loạn lạc triền miên kéo dài gần hai trăm năm, làm cho lòng người li tán, đất nước chia lìa. Một lí do nữa không thể không nói tới, đó chính là tác phẩm được viết bởi Ngô Thì Nhậm - một trí thức hàng đầu của đất nước thời đó- người đã dám vượt qua mọi dị nghị và lễ giáo để phò tá một đấng minh quân mới vì quyền lợi của đất nước. Với những yếu tố trên, Chiếu cầu hiền xứng đáng là một tác phẩm văn chính luận mẫu mực cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Tóm lại, việc tham khảo nhiều tài liệu liên quan, kết hợp với nhiều giờ thực nghiệm trên lớp của các thầy cô đi trước đã dạy Chiếu cầu hiền, quan trọng hơn là chính bản thân tôi cũng trải qua nhiều lần dạy trên lớp và rút ra nhiều kinh nghiệm cho mình, tôi thấy có thể đưa ra một số thu hoạch nhỏ để có thể dạy tốt văn bản này. Vì đây là ý kiến chủ quan của riêng bản thân cho nên chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi sai sót. Kính mong thầy cô và bạn đọc góp ý và bổ sung để bài thu hoạch của tôi hoàn thiện hơn.Tôi xin chân thành cảm ơn! TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ngữ văn 11, tập 1.Nhà xuất bản giáo dục – Bộ giáo dục và Đào tạo 2006. 2.Phan Trọng Luận, Thiết kế bài học Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục 2007. 3.Hướng dẫn dạy học Ngữ văn 11, GDTX cấp THPT, NXB Giáo dục 2008. 4.Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, NXB Thanh Niên 2006. Tổ trưởng An Nhơn, 10 tháng 3 năm 2011 Người viết Nguyễn Phúc Hưng Lê Thị Xuyên . GD-ĐT BÌNH ĐỊNH TRUNG TÂM GDTX-HN AN NHƠN ……………… BÀI THU HOẠCH SAU KHI GIẢNG DẠY XONG “CHIẾU CẦU HIỀN” CỦA NGÔ THÌ NHẬM Giáo viên giảng dạy: LÊ THỊ XUYÊN Tổ : Giáo dục thường xuyên Năm học:. Lý do viết bài thu hoạch 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của bài thu hoạch 3. Phương pháp nghiên cứu 4. Đóng góp của bài thu hoạch PHẦN NỘI DUNG 1. Hoàn cảnh ra đời và tác giả bài chiếu 2 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của bài thu hoạch Đối tượng nghiên cứu của bài thu hoạch tôi đang tiến hành đó chính là văn bản “Chiếu cầu hiền”.Đây là một tác phẩm thu c thời kì văn học trung đại