Người lái đò (…mỗi ngày sống là một ngày hạnh phúc…) Những năm học cấp I, tôi đã từng là thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường, từng mang về cho trường nhiều thành tích… Cuối cấp I, cha bỏ đi. Tôi bị một cú sốc tâm lý lớn. Nhà nghèo, mẹ lại bệnh nhiều, không bà con thân thuộc,… tôi dần trở thành một học sinh trung bình, rồi yếu, và tệ dần, tệ dần… Với căn bệnh bẩm sinh của mẹ: tim hở hai van, sức khoẻ mẹ khá yếu. Ngày cha đi, mẹ vẫn còn thường xuyên ngất xỉu. Anh em tôi cũng đã khóc hết nước mắt vì mẹ… Mẹ đi làm, công việc tận trên Khe – Đon, cách nhà hơn 20 km. Công việc của mẹ là chặt thuốc, phơi thuốc, bốc thuốc và làm mọi việc linh tinh khác, để khi chiều về, mẹ nhận được 20 ngàn đồng lương ít ỏi (lúc này tôi đã học được tới lớp 9). Tài sản của mẹ là một chiếc xe đạp cũ. Rất cũ… Những ngày không đi học, tôi theo mẹ đi làm. Tôi thật sự khâm phục ở mẹ. Sức khoẻ mẹ như vậy mà mẹ vẫn có đủ sức mạnh để đạp qua một quãng đường dài hơn 20 km để đến được chỗ làm, trong khi đường núi gió rất mạnh, có những đoạn dốc cao cùng với gió mạnh không chạy nổi phải xuống xe dẫn bộ… Tại sao một người phụ nữ yếu đuối và bệnh tật như mẹ lại có một sức mạnh phi thường như vậy? Phải chăng tình thương con của mẹ đã vượt qua tất cả? Nhà hết gạo, mẹ nấu cơm cho hai anh em ăn đi học rồi lặng lẽ nhịn đói đi làm. Lúc ấy tôi thật vô tâm khi đã không biết rằng đã hai ngày rồi mẹ vẫn chưa có gì bỏ bụng… Cháo rau lỏng bỏng không khiến chúng tôi no lòng. Buổi tối tôi vẫn hay than: - Mẹ ơi, con đói quá! Mẹ xót xa, nhưng thật sự nhà chẳng còn gì có thể ăn…. - Con múc ca nước uống đỡ đi. Mai mẹ kiếm gì đó con ăn… Công việc mẹ đầy khó khăn vất vả, nhưng mẹ vẫn quyết không cho anh em tôi đi làm để kiếm thêm tiền. Mẹ bảo người làm công việc lao động chân tay như mẹ vất vả lắm. Mẹ muốn anh em học thành tài, làm việc bằng tri thức thì mới nhẹ nhàng tấm thân. Nhưng tôi còn ham chơi quá, có hiểu gì lời mẹ nói… Mẹ hái rau quanh nhà để nấu cho anh em ăn. Tôi bảo muốn ăn canh chua. Nấu canh chua thì phải có chất làm chua, chỉ cần vài trái me là đủ. Nhà gần chùa Toà Thánh, trong ấy thì trồng đầy me. Nhưng mẹ không hái, không hái một quả nào. Mẹ bảo ăn cắp là xấu. Nhìn những hoa Phượng rơi đầy trên mặt đất, mẹ nhặt thử một cánh và nhăn nhăn ăn thử. Có vị chua! Thế là hôm ấy tôi có một nồi canh chua hoa Phượng! Nhà thiếu tiền, mẹ chạy vạy khắp nơi vẫn không đủ. Mẹ có ý hỏi mượn tiền quỹ trong hội của mẹ. Người ta cầm 200 ngàn đưa, còn bảo rằng: - Để đưa lên cuộc họp để mỗi người biết một chút… Chỉ 200 ngàn thôi có cần phải chà đạp nhau như thế không? Mẹ không cần những đồng tiền đầy vẻ miệt khinh ấy! (Năm đó tôi đã học đến lớp 12). Mẹ bệnh nhiều, nằm ở bệnh viện. Một mình trong bệnh viện, mẹ hết ngất xỉu rồi lại tỉnh, hết tỉnh rồi lại ngất đi. Anh em tôi chỉ có thể ở bên mẹ vào ban ngày. Nằm ở bệnh viện mẹ ngất đi bao lần… Người ta bảo rằng mẹ sẽ chết! Nhưng anh em tôi còn nhỏ quá, chưa thể kiếm ra tiền. Mẹ biết, khi mẹ mất đi, đời sống của anh em tôi sẽ lập tức rơi vào cảnh khổ. Vì thế mẹ phải sống! Sống để cho anh em tôi một cơ hội được sống! Và điều kỳ diệu thiêng liêng đã đến. Mẹ đã sống! Sức mạnh vô hình đã đưa mẹ về với chúng tôi - sức mạnh của tình mẫu tử! Về phần tôi, trải bao biến động khiến tâm lý của một học sinh cấp II như tôi bị thay đổi nghiêm trọng. Lúc ấy tôi trở thành một người cực kỳ ít nói và cũng thường xuyên bị bạn bè hiếp đáp nữa. Thậm chí có khi bị bạn bè đánh, tôi vẫn lặng im… Năm lớp 9, kết quả học tập của tôi vẫn không tốt hơn. Tôi nhận lời sỉ nhục của một giáo viên trước tập thể lớp khi ông ấy biết rằng tôi có ý định muốn thi vào trường Lý Thường Kiệt. Ông ấy chỉ thẳng mặt tôi mà nói rằng: - Thằng này mà đậu Lý Thường Kiệt, tôi đi dạy bằng đầu chứ không đi bằng chân. Tôi mà đi không được mấy em gọi tôi là con chó chứ đừng gọi bằng thầy! (nguyên văn của thầy!) Uất ức không thể nói thành lời. Tôi ghi mãi câu nói ấy vào lòng. Nhưng sự thật thầy đã đúng. Tôi không thể đỗ Lý Thường Kiệt vì vẫn còn thiếu đến gần 10 điểm… Tôi đăng ký học ở một trường bán công. Nhìn mẹ mặc cảm với bà con hàng xóm, tôi cố gắng học thật nhiều để mong có được một kết quả tốt hơn… Kết quả khảo sát đầu năm: ba con 3 cho ba môn tự nhiên!!! Nhưng đó là tất cả nghị lực của tôi lúc ấy. Là “thành công” bước đầu mà tôi đạt được. Lòng nung nấu một quyết tâm cháy bỏng, tôi ra sức học nhiều hơn. Tôi quyết định mỗi ngày mình chỉ ngủ 5 tiếng đồng hồ, dành toàn bộ thời gian còn lại cho việc học… Nhà rất nghèo, tôi không có được một chiếc áo đủ ấm để mặc, nên những đêm trời Đông rất lạnh, tôi đã phải chịu sự lạnh giá của Mùa Đông. Rồi tôi yêu Mùa Đông, Mùa Đông đã làm tôi nhớ đến những ngày tháng học sinh của mình… Học bài lúc 3 giờ sáng quả không dễ, nhất là trong những ngày Đông buốt giá! Tôi tự đấm vào ngực mình để quên đi cơn lạnh và tỉnh hẳn cơn buồn ngủ. Tôi quyết không kéo thêm mền trùm trên người. Đã vấp ngã thì phải tự mình gượng dậy. Tôi không cho phép mình dễ dãi với bản thân! Kết quả học kỳ I, ba môn tự nhiên là ba con 10 thật đẹp. Tôi xúc động đến rơi nước mắt! Rồi tôi được thầy Lễ, Bí Thư Đoàn Trường chú ý. Thầy đào tạo để tôi có được những kỹ năng về Đoàn và cách quản lí tập thể. Học kỳ II, tôi cùng với các bạn của mình mang về cho trường hai niềm vinh dự lớn: hai giải Nhất đồng đội toàn tỉnh! Thành công nối tiếp thành công, tôi có những bước tiến dài hơn trong học tập. Trong lòng tôi còn muốn mình cần phải đứng, đứng lên thật mạnh mẽ, thật vững vàng để một ngày nào đó trở về trường cũ, đứng trước mặt thầy, người đã rất khinh thường tôi mà nói với ông ấy rằng tôi đã đứng lên như thế nào để có được thành tích như ngày hôm nay! (sau này quả thật tôi có gặp lại thầy. Một dịp rất tình cờ khi thầy học chính trị tại trường mà hiện nay tôi đang học. Nhưng biểu hiện của tôi là cúi mặt và bước đi. Đứng trước mặt thầy, hình ảnh của tôi ngày xưa lại hiện về. Tôi không đủ can đảm để nói gì với ông ấy…) Thời cấp II tôi bị coi khinh bao nhiêu thì thời phổ thông tôi lại càng được thầy cô yêu thương bấy nhiêu. Nhớ lần đó, tôi được nhận học bổng ở Vũng Tàu. Thầy Lễ có dặn: - Bốn giờ sáng con lại nhà thầy. Thầy chở con ra bến xe… Tôi đến, làm cả nhà thầy phải thức… Thầy ghé ngang tiệm bánh mì, mua ba ổ. Hai thầy trò cùng ăn. - Con cất ổ bánh này đi, hôm nay ăn chay, xuống dưới lỡ mà không có gì ăn được thì con ăn đỡ ổ bánh này… Thầy thật là chu đáo! Lần đó, tôi đột ngột đổ bệnh. Mẹ hốt hoảng gọi cho thầy, thầy đang dạy trên lớp (thầy đồng thời cũng là một giáo viên dạy Văn) nhưng cũng xin phép về sớm đến chở tôi ngay vào bệnh viện. Mấy ngày nằm ở bệnh viện thầy lui tới rất thường xuyên. Thật ra từ lâu trong thâm tâm tôi đã xem thầy là cha của mình từ lâu lắm… Thầy cũng là người từ lâu đã nâng đỡ, dạy cho tôi biết thế nào là lẽ sống. Thầy là điểm tựa tinh thần mà tôi vẫn luôn tin tưởng! Thầy là người lần thứ hai sinh ra tôi, cho tôi cơ hội để khẳng định chính mình. Thầy là tấm gương mà tôi vẫn luôn noi theo, rèn luyện chính bản thân mình! Năm học 12, tôi được đặc cách chuyển vào học ở một lớp mũi nhọn của trường. Thầy chủ nhiệm mặc mọi lời bàn tán của các bạn vẫn quyết định chọn tôi làm lớp trưởng kiêm Bí Thư Chi Đoàn lớp. Tôi biết lúc ấy bạn bè rất ganh ghét mình, vì chẳng có ai có thể chấp nhận một người lạ bước vào lớp mình và giữ những vị trí quan trọng như thế cả! Nhưng tôi không để những gì mà mình gầy dựng bấy lâu nay bị sụp đổ. Tôi quyết tâm làm tốt tất cả những công việc trong khả năng của mình. Tôi luôn hoà đồng, làm quen với các bạn trong lớp mới và cố gắng đưa phong trào lớp đi lên… Và rồi các bạn cũng hiểu, các bạn xem tôi như một người anh em của mình. Lớp trưởng cũ và ban cán sự lớp cũng hỗ trợ tôi rất nhiều… Học kỳ II, tôi được bầu làm Ủy Viên Ban Chấp Hành Đoàn Trường, tôi biết phần việc của mình còn nặng nề hơn thế gấp nhiều lần… Thật ra lúc đầu khi mới sang lớp mới, tôi thật sự thấy choáng ngợp trước sức học của các bạn. Học thêm Hoá, tôi tâm sự với cô: - Cô ơi các bạn giỏi quá! Sao các bạn lại có thể nắm bắt nhanh đến vậy? Cô là một người rất hiểu tâm lí học sinh. Thế nhưng cô chẳng dạy tôi em phải học như thế nào cả. Cô chỉ bảo: - Người ta học một hiểu mười, còn em học mười mà chỉ hiểu có một thì em phải biết mình nên làm thế nào chứ? Cô làm việc gì cũng cố gắng thêm chút nữa, đến cả khi viết bảng, cô cũng cố viết cao hơn một chút… Và cô – cô là người đã gieo cho tôi niềm đam mê đối với Hoá Học. Tôi biết mình nên làm gì! Tôi luôn tự dặn bản thân mình: “Phải cố lên chút nữa, cố lên chút nữa! ” Lớp học thêm ở nhà cô khá đông, nhưng cô vẫn quyết trả bài cho bằng hết. Lớp được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ. Cô sắp lịch mỗi ngày chỉ trả bài vài người, vì đôi khi phải trả bài cả chương, thậm chí cuối kỳ phải trả bài cả một học kỳ nên mỗi ngày chỉ có vài bạn trả bài thôi. Tôi nói với cô: - Cô cho em được trả bài sau cùng nha! Và cứ thế, ngày nào trả bài tôi cũng chạy vào, nhấc ghế ngồi cạnh lắng nghe các bạn đọc. Cách học ấy giúp tôi khắc sâu, nó còn giúp ích cho nghề nghiệp của tôi bây giờ rất nhiều. Ở thư viện trường, cô làm ở thư viện là người đã sắp về hưu, thế nhưng cô vẫn phải một mình lo nhiều thứ trong thư viện. Sách là thứ mà tôi rất quý. Thế là tôi tự nguyện thường xuyên phụ giúp cô quét dọn kho sách, sắp xếp lại những quyển nằm không đúng chỗ, hoặc đôi khi nhập liệu vào máy tính… Được tiếp xúc với rất nhiều đầu sách, thế là nhiều quyển sách hay đã tới được tay tôi. Cứ giờ rảnh là tôi lại chạy ngay vào thư viện. Cuối năm lớp 12, tôi vinh dự được nhận giải thưởng Hoa Trạng Nguyên, đó là một học bổng cao quý đầy vinh dự mà mỗi tỉnh chỉ có vài thành viên được xét. Tôi được gặp nhiều thủ khoa của các trường Đại Học, nhiều người đoạt giải Olympic quốc tế và nhiều tấm gương hiếu học được truyền hình trực tiếp trên các đài. Khi đoàn xe của chúng tôi di chuyển, luôn có xe mở đường, có cảnh sát bảo vệ rất nghiêm ngặt, nhiều banner (băng – rôn) to chào mừng được treo khắp các ngả đường. Tôi chợt nghĩ, nếu lúc trước mình đã không cố gắng thật nhiều thì có lẽ mãi mãi tôi cũng không bao giờ có được cái vinh dự này. Mọi việc đều phải do phấn đấu mà nên chứ nó không thể tự tìm đến chúng ta được… Cuối mỗi kỳ, tôi đều nhận được rất nhiều giấy khen cùng quà thưởng. Trong ba năm phổ thông, tôi đã 21 lần đoạt giải cá nhân và 11 lần nhận học bổng. Mọi người rất ngạc nhiên về những thành tích ấy. Đến cả chú bảo vệ của trường cũng phải ngạc nhiên mà hỏi: - Mày làm gì mà được lãnh thưởng nhiều dữ vậy? Ai cũng cho rằng là tôi may mắn, rằng nhờ vào trí thông minh của mình mà tôi có được thành công. Nhưng có một điều mà không ai có thể hiểu được: để có được một tấm giấy khen như thế, tôi đã phải đổi bởi bao nhiêu mồ hôi? Bao nhiêu lần lạnh? Bao nhiêu lần đau? Trải bao đêm thức? Tất cả đều không biết! Chẳng ai có thể biết! Năm tôi học ở Sài Gòn, mẹ dặn dò tỉ mỉ: - Ở đất khách quê người, có chuyện gì cũng phải nhường người ta một tiếng nghe không con! Thua thiệt người ta một chút không sao, nhưng mình phải ở đó nhiều năm thì đừng để người ta ghét. Mẹ đã xin cho tôi được vào sống trong một thánh thất (chùa của đạo Cao Đài) cũng khá gần trường. Tôi sống một mình ở Sài Gòn, buồn vô hạn. Suốt nhiều tháng liền tôi không có lấy một người bạn… Ở trong thất, những ngày đàn (tức lễ lớn) khách tới rất đông, người ra kẻ vào tấp nập. Tôi thấy có mấy anh ở trước cứ cầm giẻ và miệt mài lau nhà. Thật chẳng hiểu tại sao các anh lại phải làm thế? Khách khứa vẫn còn đó, vừa lau xong người ta qua lại còn bẩn hơn thế gấp nhiều lần, hơn nữa làm cho sàn nhà trơn ướt như thế lại vô tình là một cái bẫy chết người. Một việc kỳ lạ hơn, thay vì dùng cây lau sàn để lau thì các anh lại dùng giẻ lau thấm nước rồi cứ thế bò qua bò lại trên sàn nhà, cố để lau những vết bẩn. Tôi lấy làm ngạc nhiên, nhưng vẫn không hỏi. Phải đợi mọi người về hết, người trong thất cũng nghỉ trưa đi ngủ tôi mới lẳng lặng xếp bàn ghế về một chỗ và dùng cây lau sàn lau lại cái nền nhà giờ đã quá bẩn. Khi mọi người thức dậy thì cũng là lúc tôi đã biến khỏi nơi ấy tự bao giờ. Thấy nhà sạch, chắc chắn ai cũng nghĩ đó không phải là tôi! Tôi cũng chẳng tham mà tranh công biện minh cho mình, hơn nữa với tính cách của cai quản, ông ấy đằng nào mà chịu nghe lời giải thích. Ông ấy chỉ tin vào những gì mà mình thấy mà thôi. Cai quản bảo tôi là người chẳng mang lại lợi ích gì trong cái thất này trước mặt nhiều người, trong đó có cả cô và con em của thằng bạn thân. Họ nhìn tôi, tôi không thấy xấu hổ, nhưng nuốt chén cơm nghe mặn đắng… Không một lời giải thích! Nhớ lại lần ấy, nhiều tháng liền ở trong thất, không có lấy một người bạn. Ở trong thất hết người này lại đến người khác trách mắng. Đến cả việc thắp nhang, rót nước cũng bị nhắc nhở: - Con cắm nhang thì ngay rồi, nhưng mà thắp đèn, thắp nhang hay rót nước cũng phải làm bằng tay trái!!! Họ có cái lý của riêng họ. Mình là người chấp hành mệnh lệnh! Nhưng mọi mũi giáo dường như cứ muốn hướng về phía mình, xung quanh chẳng có ai có thể tâm sự. Tôi nghĩ về mình. Thật là bạc bẽo… Tôi trốn trên sân thượng, và nước mắt bỗng rơi, từng giọt, từng giọt thi nhau rơi xuống, vỡ toang… Tôi đã khóc. Và khóc thật nhiều… Đó có lẽ cũng là lần cuối cùng mà tôi khóc. Tôi tự hứa với lòng mình: “Từ nay, nước mắt tôi chỉ rơi cho những niềm hạnh phúc, cho những thành công mà tôi đạt được chứ không phải khóc vì những khổ đau, tủi nhục như thế này!” Một ngày mưa rất to, các bạn học cùng thời phổ thông từ các quận bí mật hẹn nhau để đến thăm tôi. Nơi tôi sống nằm lọt giữa một khu chung cư rất khó tìm. Lúc mới xuống Sài Gòn tôi vẫn thường bối rối vì đường ở đây rất giống nhau. Cả nhóm bạn chưa ai từng ghé qua, vậy mà các bạn vẫn quyết định bí mật để đến thăm… Cả nhóm ghé cách đó 5 km! Hôm ấy Sài Gòn mưa quả thật rất to. Mưa to đến ngập qua gối. Tôi có điện thoại: - Mày ra mở cổng đi. Bọn tao đang ở dưới này nè! Tôi ra mở cổng, đứng trước mặt mình là các bạn, những người bạn thân yêu thời phổ thông của tôi. Họ ướt sũng trong mưa… Tôi vui mừng biết bao khi gặp lại các bạn. Họ bảo: - Bọn tao đến đây để thăm lớp trưởng! Thì ra các bạn rất quý mình. Vậy là bao công sức tôi bỏ ra đã không hề uổng phí! Tôi lấy cho mỗi người một cái áo khô để mặc cho đỡ lạnh và nấu cho mỗi đứa một gói mì. Nhìn họ mà chợt nhớ đến về thời phổ thông của mình… Năm sau, tôi về quê và học Đại Học ở tỉnh. Thầy Lễ bảo tôi: - Tỉnh đang thiếu vài chục giáo viên dạy Hoá nên có mở một lớp tại tỉnh mình. Toàn bộ chi phí học tập được Sở Giáo Dục lo hết. Đây là cơ hội ngàn năm mới có một lần, con đăng ký thi Đại Học lại đi! Thật sự tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mình lại là một giáo viên. Trải bao biến động tôi mới có được như bây giờ. Tôi muốn vươn mình lên thật cao Cũng như câu mà thằng bạn thân vẫn thường nói: - Chẳng ai qua đò mà lại nghĩ mình lại là người lái đò cả! Thầy cô thì tôi vẫn kính trọng. Nhưng mình lại là một người thầy? Tôi không thể tin được Vừa vào học năm Nhất, đã có người gọi tôi đi dạy. Lần đầu tiên tôi dạy, là dạy cho con của một giáo viên trường chuyên Hoàng Lê Kha. Tôi dạy lớp 6, và phải dạy tất cả các môn cho đứa học trò ấy, 4 buổi 1 tuần, để rồi tôi nhận được 400 ngàn đồng tiền lương mỗi tháng. Đứa học trò ấy là một đứa con bất trị của người giáo viên kia. Nó hỗn hào, vô lễ với tôi và với cả mẹ nó! Tôi ghét cái công việc của mình tột bực. Ghét mình là một giáo viên, ghét không thể tưởng Lúc ấy khi có ai nhắc đến hai từ "sư phạm" là tôi lại cảm thấy tức tối trong người: - Làm thế này thì lấy gì mà ăn? Đi dạy quả là một cực hình! Sang năm 2, tôi bắt đầu dạy những học sinh cấp III. Và từ đó, tôi chỉ dạy Hoá cho học sinh cấp III. Công việc dần dần cũng dễ chịu hơn Tôi cũng bắt đầu cảm thấy yêu sư phạm, sự tiến bộ của học trò khiến tôi cảm thấy vui sướng Tôi về thăm lại trường cũ, những thầy cô từng giảng dạy tôi đều rất vui khi biết rằng tôi cũng sắp là một giáo viên. Thầy cô bảo rằng tôi có duyên với nghề sư phạm Thầy hiệu trưởng cũng rất vui mừng khi gặp lại đứa học trò cũ. Thầy dẫn tôi lên phòng hiệu trưởng và tận tay rót nước: - Uống đi con! Và xoa đầu hỏi: - Dạo này con học thế nào? Còn hãnh diện nào bằng khi mình đã ra trường nhiều năm mà thầy cô vẫn nhắc, vẫn thương và đối đãi với mình tốt như ngày nào Tôi đi dạy, dạy bằng tất cả trái tim của mình, bằng tất cả sự đam mê và lòng nhiệt huyết. Tôi truyền sự đam mê ấy đến học sinh, cũng như cách mà cô đã truyền đam mê đến với tôi. Mỗi khi được học trò báo với tôi rằng chúng được điểm cao, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Hạnh phúc khi họ là học trò của mình, do chính bàn tay mình đào tạo. Nhiều học sinh còn là niềm kiêu hãnh của tôi Khi dạy những học sinh yếu, đôi khi họ làm tôi phải phát bực vì cứ phải giảng mãi mà chúng vẫn không hiểu. Nhưng tôi chưa bao giờ mắng họ. Bởi đặt mình vào hoàn cảnh ấy, họ cũng có lòng tự trọng, ngày trước người khác mắng mình, mình đã khó chịu biết bao. Tôi biết chẳng dễ dàng gì để tiếp thu một kiến thức khi mà nền tảng cũ đã bị hỏng nặng Những ngày cận Tết, học sinh được nghỉ học. Tôi lại tìm công việc khác để làm kiếm tiền. Rửa củ mì, chà thùng nước sơn, làm mọi việc lặt vặt linh tinh khác mà người ta cần. Công việc lao động chân tay quả thật vừa vất vả, vừa dơ bẩn và lạnh lẽo mà đồng lương thì cũng thật là ít ỏi Tôi ê ẩm cả người và thấy xót xa: - Sao ít thế nhỉ? Sau đó, tôi xin làm nhân viên ở ga cáp treo - máng trượt ở núi Bà. Công việc mới chưa quen, tôi thường xuyên bị sếp trên la mắng. Có lẽ đây cũng là cách để các sếp ra oai. Những người làm cũ, cũng có vài người tỏ ra ta đây giỏi hơn nên cũng thường kiếm chuyện để bắt nạt. Công việc lao động chân tay quả thật không hề dễ dàng đối với một người chỉ quen cầm bút như tôi. Mẹ thật đúng khi đã quyết tâm cho anh em tôi được đi học đến nơi đến chốn đàng hoàng, nếu không có lẽ đời tôi sẽ phải gắn chặt với lấm lem bùn đất Đêm giao thừa vừa qua, tôi trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc. Vừa về đến nhà trông thấy mẹ và con em gái vẫn miệt mài ngồi lột củ hành, củ tỏi mướn cho người ta. Mùi củ hành, củ tỏi xông lên mũi nghe nồng nặc Tôi bỗng dại người đi, cảm giác tức tối trong lòng bỗng dâng lên cùng cực. Tại sao số phận lại ác nghiệt đến nhường ấy? Cả nhà tôi đã phải vật lộn quanh năm để có được cái ăn, vậy mà đến đêm giao thừa cũng chẳng có được một cơ hội để được đón năm mới như bao người khác? Là con trai trưởng trong gia đình, tôi cảm thấy xót xa vô hạn. Đôi bàn tay mẹ bị bỏng rộp vì chất axit trong tỏi, nước mắt vẫn cứ lã chã rơi vì hơi cay của củ hành Nhìn mẹ vẫn ngồi đấy, gần như cả đêm làm việc để có được vài đồng bạc mua bông, trái cây về cúng ông bà mà thấy lòng nghẹn ngào vướng lên tận cổ Đã hơn 20 năm rồi, có bao giờ tôi được đón giao thừa trọn vẹn như bao người khác? Tôi cũng không thể giúp mẹ thực hiện công việc mà mẹ phải làm, bởi tôi đã phải làm việc cả ngày. Và sáng mai, mồng Một tết tôi lại phải lên đường đi làm sớm Tôi hay tâm sự chuyện của mình với thằng bạn thân. Một lần khi trò chuyện với người bạn ấy, nó đã lỡ lời: - Tôi mà là ông, tôi tự vẫn chết quách cho rồi! Ông sống chi mà không có lấy một ngày hạnh phúc vậy? Nói xong nó chợt giật mình vì biết mình đã lỡ lời, nhưng nó cũng không biết phải chữa lại thế nào cho đúng nên tiếp: - Nhưng mà tôi thì không bao giờ bị rơi vào hoàn cảnh như ông đâu! Nhớ lại cách đó mấy tháng, lớp tôi có một người tự vẫn cũng vì trường hợp tương tự như tôi. Cậu ấy cũng không thích sư phạm, muốn theo đuổi Công Nghệ Thông Tin, gia đình cũng rất khó khăn Nhưng ngẫm lại, cậu ấy may mắn hơn tôi nhiều! Cậu ấy còn đủ cả cha lẫn mẹ, mẹ cậu ấy không bị bệnh nhiều như là mẹ của tôi. Cậu ấy không phải nuôi con em đang học Đại Học ở ngay trung tâm thành phố. Cậu ấy không phải trả những món nợ lớn do cuộc sống vẫn luôn khắc nghiệt Cậu ấy yêu Công Nghệ Thông Tin? Tôi cũng thế! Học ở Sài Gòn chính là tôi học Công Nghệ Thông Tin. Ngày về lại Tây Ninh, tôi tìm thầy để học thêm, vẫn tìm hiểu về Công Nghệ Thông Tin Nhưng tôi vẫn sống, sống và khiến cho mọi người xung quanh phải ganh tị về mình! Bạn tôi đã lầm! Tôi đâu phải là không có lấy một ngày hạnh phúc? Mà trái lại, mỗi ngày tôi sống là một niềm hạnh phúc! Tôi đi dạy, tiếp xúc với học sinh là một niềm hạnh phúc. Học sinh của mình tin tưởng, kể cho tôi nghe những chuyện ở trường, ở lớp, những chuyện thầm kín mà ngay cả cha mẹ của chúng cũng không dám kể, đó chẳng phải là niềm hạnh phúc hay sao? Niềm hạnh phúc của tôi là ở những đứa học trò thân yêu của mình, bên các bạn, bên những người thân Hết kỳ nghỉ hè, tôi lại tiếp tục đi dạy, tôi thấy mình lại được tôn trọng, lại được làm công việc mà mình thích. Phụ huynh và học sinh vẫn luôn dành những tình cảm tốt đẹp đến cho tôi Năm cuối, chúng tôi phải học nhiều hơn vì học kỳ này chúng tôi phải học luôn cho cả học kỳ sau để học kỳ cuối cùng chúng tôi chỉ đi thực tập. Bạn bè không ai dám nhận nhiều lớp. Thế nhưng tôi lại là người có nhiều lớp nhất. Tôi nhận cả những lớp mà bạn bè bỏ ra vì họ cho rằng học sinh ấy học không có tiến bộ. Lớp 12 là đối tượng mà đến tận bây giờ, trong lớp tôi chỉ có một số rất ít người dám dạy, nhất là đã 12 rồi mà còn mất căn bản thì quả thật chẳng ai dám hứa có thể nhận lớp hay không Mặc dù khá thành công với công việc, nhưng cuộc sống như cố tình bức ép cả gia đình tôi phải chết! Hết mẹ bệnh phải nằm viện rồi lại đến con em đau ruột phải chở về tận Cà Mau - quê hương tôi để mổ. Nợ nần lại càng thêm chồng chất Đối với các bạn của mình, họ chỉ biết đến sự thành công của tôi. Họ chỉ biết rằng tôi là một người rất may mắn vì có khả năng kiếm được rất nhiều tiền, khi vô lớp cũng chẳng thấy tôi học hành gì mà điểm thì vẫn cứ cao Tôi là tâm điểm của mọi sự chú ý và ganh tị. Nhưng thú thật với tôi bây giờ, sự ganh tị của mọi người là một niềm kiêu hãnh của tôi, bởi vì họ không thể làm được như thế! Họ chỉ có thể ganh tị, ganh tị và chỉ có thể ganh tị mà thôi!!! Nhiều bạn bè bảo với tôi rằng cuộc sống đã quá ưu đãi cho tôi. Tại sao ông trời lại bất công cho người thì quá nhiều (tôi), còn người thì lại chẳng có gì (họ). Tôi chẳng thích giải thích cho những kiểu tự kỷ như thế! Muốn thành công thì phải phấn đấu chứ đâu dễ dàng gì mà có được? Và trong số những người thường săm soi mình, có một người bạn đã tìm cách để hại tôi! Học kỳ ấy, điểm tích luỹ tôi rơi từ 2.76 xuống còn 1.70, kéo tôi xuống đứng hạng 39/45 của lớp! (Điểm trong hệ 4.0: 2.0 là trung bình; 2.5 là loại khá) Điểm tích luỹ hiện tại của tôi thua khá xa bạn bè. Có lẽ khi ra trường tôi buộc phải bị chuyển đi công tác ở xa. Chỉ những người có điểm tích luỹ cao mới được công tác ở khu vực thị xã! Có lẽ cuộc sống còn muốn tôi có những bước tiến dài hơn trong con đường công danh Ở nơi vùng sâu vùng xa tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để tự học và rèn luyện mình! Tôi tin sẽ có một ngày mình còn xuống Sài Gòn một lần nữa! Thành công khi còn quá trẻ có thể sẽ làm tôi tự mãn mà không nỗ lực thật nhiều. Chính vì thế mà tôi vẫn luôn gặp phải nhiều trở ngại Người bạn ấy, người vẫn luôn ganh tị với tôi chính là người đã phán một câu trước bạn bè: "Thằng An không có suy nghĩ không sâu sắc bằng tụi mình! Nó chỉ suy nghĩ đơn giản thôi!" Thằng bạn thân đứng cạnh, nhìn tôi, hai đứa cùng cười ^_* Cậu bạn ấy đi dạy,vẫn thường vướng phải những câu bài tập khó. Chỉ cần một tin nhắn: - An giải dùm tui bài này. Sáng đi dạy sớm! Dù là đang ngủ, tôi vẫn ngồi dậy, bật đèn, lấy máy tính và cố gắng giải! Dù có phải lục tung cả đống sách để tìm đáp án, tôi vẫn nhất định sẽ giải cho bằng được! Vì sao ư? Bởi vì tôi quá "đơn giản" (hì hì) Cuộc sống như một dòng thác cứ cuồn cuộn chảy, tôi chẳng thể biết mình sẽ còn gặp phải những khó khăn gì trong tương lai. Nhưng tôi đã biết được một điều: "Cuộc sống khắc nghiệt có quyền hất ngã chúng ta, nhưng đứng lên hay nằm lại đó, tất cả đều là do ở chính bản thân mình!" Bài viết hoàn thành ngày 12/6/2012 (Tôi thật sự xúc động khi đọc bài viết này của bạn, có những đoạn tôi đã rơi nước mắt, ) . ngạc nhiên mà hỏi: - Mày làm gì mà được lãnh thưởng nhiều dữ vậy? Ai cũng cho rằng là tôi may mắn, rằng nhờ vào trí thông minh của mình mà tôi có được thành công. Nhưng có một điều mà không ai. và nước mắt bỗng rơi, từng giọt, từng giọt thi nhau rơi xuống, vỡ toang… Tôi đã khóc. Và khóc thật nhiều… Đó có lẽ cũng là lần cuối cùng mà tôi khóc. Tôi tự hứa với lòng mình: “Từ nay, nước. me là đủ. Nhà gần chùa Toà Thánh, trong ấy thì trồng đầy me. Nhưng mẹ không hái, không hái một quả nào. Mẹ bảo ăn cắp là xấu. Nhìn những hoa Phượng rơi đầy trên mặt đất, mẹ nhặt thử một cánh