Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống
1
/ 12 trang
THÔNG TIN TÀI LIỆU
Thông tin cơ bản
Định dạng
Số trang
12
Dung lượng
25,76 KB
Nội dung
Đêm tĩnh lặng, bố nằm nghe tiếng con thở khò khè, lặng lẽ ngắm nhìn khuôn mặt sáng sủa, ngoan ngoãn của con và phập phồng theo từng nhịp thở. Bố cầm bàn tay bé xinh áp lên má, lên mũi, để tay con chạm vào những nếp nhăn trên khuôn mặt bố mà lặng lẽ cảm nhận niềm yêu thương không thể nói thành lời. Trong không gian yên ả, thoảng đâu đây mùi hương dịu dàng mê đắm. à! Bố nhớ ra rồi, con yêu ạ! Hương thu đấy. Sáng mai khi con tỉnh giấc, bố sẽ chỉ cho con xem những chùm hoa sữa bên hiên nhà mình đang hé nở. Những cánh hoa trắng đục thơm nồng nồng, ngai ngái cứ lẩn quất trong thinh lặng. Nó thoảng quyện quanh mình như có như không dân dã mà huyền hoặc, dịu ngọt mà xốn xang, mang thanh tân cho giấc ngủ của con. Hương hoa lại dẫn dắt kí ức bố trở về với những mùa thu khi con còn ở Nhật. Thu Nhật Bản đến rõ ràng và đúng hẹn. Con còn nhớ không, thu đến bằng sắc màu của lá. Bắt đầu từ cuống lá, một màu vàng e ấp xuất hiện, rồi chuyển sang màu vàng nhạt, vàng chanh, hoàng yến - thứ màu vàng mộng mị gợi nhớ hoàng mai quê nhà. Rồi như không muốn để lòng ai vương vấn mãi, lá bỗng chuyển sang màu hồng nhạt, hồng mơ, hồng đậm, sợ gợi tình quá chăng, lá lại chuyển sang đỏ tươi, đỏ rực, đỏ tía và cuối cùng Xôn xao cuống lá rụng thay mùa lá sẽmang đến cho đất trời sự dâng hiến ngọt ngào. Nếu như mùa thu thường gắn liền với ý niệm tàn úa, buồn bã, tịch liêu thì trên đất nước Nhật, mùa thu là giai đoạn cuối cùng của quá trình hoàn thiện cái đẹp. Hình như sứ mệnh của một đời lá không chỉ phủ xanh mặt đất mà còn lặng lẽ tích năng lượng để điểm tô sắc màu cuộc sống. Bởi vậy, mùa thu là mùa vẽ vời của tạo vật. Mặt đất như một ngày hội, mỗi cánh rừng là một bức tranh, mỗi ngọn cây là một tác phẩm, mỗi chiếc lá phức hợp những sắc màu. Con yêu! Con còn nhớ bức ảnh chụp hồi con lên ba tuổi. Con nhỏ bé đứng dưới một trời lá đỏ trên con đường từ nhà mình ở ra bến tàu điện ngầm Kitasenri. Nhìn con khoe nụ cười với hai chiếc răng sún, lòng bố lại dâng lên ngờm ngợp kỉ niệm. Bố hiểu khi nào có con ở bên, đất rất ấm và tình rất nồng. Chính con đã làm cho rừng lá kia trở nên mênh mông, bát ngát và đằm thắm sắc thu hơn. Hai bố con mình đã cùng ngất ngây đi miên man dưới những tán cây cao vút, đỏ ối nghiêng nghiêng nắng chiều, chân dẫm lên ngồn ngộn lớp lá đủ sắc màu hư ảo. Con ngước cặp mắt trong veo nhìn những lá cây cánh mỏng manh mà chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua cũng đủ khiến chúng xôn xao, rừng thu sinh động, bồi hồi. Nhiều chiếc lá không biết bằng cách nào bỗng bay ngược lên trời như đang hẹn hò đâu đó với các vì sao. Một đời lá, đó là khoảnh khắc đẹp nhất, có ý nghĩa nhất, đọng mãi, phải không con. Nhìn lớp lớp lá lìa cành, lả tả rơi như muôn ngàn cánh bướm chao liệng lòng bố lại bùi ngùi, thương cây mong manh xao xác thân gầy. Ru gió, gió ơi đừng rung cây nữa! Dẫu biết rằng: Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu nhưng trên phố cũ rêu phong Mùa đang rắc những yếu mềm đa cảm. Giữa dòng đời, mọi vật đều vô thường, hữu sinh hữu diệt là lẽ đương nhiên, bố vẫn muốn nhắc con: Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng để cuộc sống mãi ấm nồng những thương yêu, con yêu nhé! Miên man nghĩ về mùa thu, bố chợt nhận ra rằng, đêm nay ngoài trời đang trở gió. Khi bằng tuổi con, bố cũng đã hay thảng thốt giật mình tỉnh dậy giữa đêm khuya nhưng có điều rất lạ là bố chẳng bao giờ biết đêm rồi có gió hay giông dù mái nhà tuổi thơ của bố, gió có thể lùa qua khe cửa từ bốn phía. Cứ mỗi sáng nghe ông nội con kể rằng đêm qua mưa và gió lớn làm bay nóc chuồng gà, bố thường hay ngạc nhiên tự hỏi hình như ông thức chong đèn suốt đêm ngồi đếm mưa đợi gió. Vì thế, ông mới biết, đêm qua chó sủa rộ mấy chập, mấy anh em ngủ mê nói mơ ú ớ mấy lần, con chim cú đậu trên cây bưởi kêu mấy tiếng… Giờ đây nuôi con, bố mới hiểu linh hồn đêm được tạc bởi những tấm lòng mẹ cha thao thức. Biết bao nhiêu đêm rồi trong cuộc đời, tiếng thở dài của người già, tiếng ho khan của trẻ thơ trong mơ, mưa giông, sấm sét bên ngoài hay tiếng thạch sùng nghiến lưỡi vào đêm đã chẻ vụn những chiêm bao. Vì thế, trong kí ức của bố, phần nhiều nỗi nhớ diễn ra âm thầm trong nền đêm tối thẳm sâu. Nhớ bà nửa đêm hay xoa dầu gió, nhớ ông hay lụi cụi đập lúa rồi đợi trăng lên tất tả ra bến sông làng chở chè đi bán chợ xa… Nhiều đêm bố giật mình tỉnh giấc, thấy bà rón rén bưng đèn đi ngang giường, bố tốc màn thò đầu ra tưởng trời đã sáng. Bà nói ngủ đi, còn khuya lắm. Vậy mẹ thức làm gì? ờ, con gà mái nó kêu hoảng quá, mẹ ra xem có con chuột bọ rắn rít nào vào lục ổ trứng gà hay không. Hình ảnh bà với ngọn đèn dầu cô độc in trên bức vách ám ảnh bố khôn nguôi. Gần bốn chục năm rồi, giờ ém lại chăn cho con ngủ, bố chợt thấy cái bóng cô độc này in trên tường quen quá, y như bà, như ông ngày nào. Dù muốn hay không, bố cũng đã trở thành một người vẽ đêm, nghe gió mưa đêm, kể chuyện đêm và biết câu trả lời: Sao người ta lại thao thức cùng đêm. Con ạ! Thao thức cùng đêm để nghe đêm kể về người bán hàng rong cất lời rao khàn đục mà thương biết bao nhiêu những phận người nhỏ nhoi mưu sinh trong lầm lũi, về con mèo chạy làm cuốn sách rơi khỏi giá, về tiếng gió trên mái nhà, về miên man những kỉ niệm, về trăn trở tương lai… Nhiều lắm, chỉ lòng mẹ cha mới đo đếm được. Và bởi vậy, bố biết chắc rằng, trong những đêm dài, khi bố đang thức trông cho con ngủ thì ở trong nhiều ngôi nhà khác cũng có những người thức giấc. Để khép lại cửa sổ, để cài lại cánh màn, để khắc khoải chờ tiếng bước chân của đứa con nào còn chơi lêu lổng ngoài đường, để viết một bức thư, để nhớ một người xa… Bố cứ bận rộn trong đêm như thế, để ngẫm ngợi, để thương nhớ con dù con ở ngay bên cạnh. Ước mong sao được ôm con vào lòng chặt thêm chút nữa, chút nữa mà lại sợ cái vụng về, thô ráp của bố làm con thức giấc. Trong những đêm dài miên man, bố cứ rưng rưng mãi về những hoài niệm, với những nỗi niềm thương nhớ cố hương. Chả thế mà ngay trong những ngày mùa thu lộng gió và ngợp trời sắc đỏ rỡ ràng trên nước Nhật, hay trong những ngày đông băng giá trên đất Pháp, chỉ một thoáng thôi khi bắt gặp một tà áo dài, một chiếc nón, chiếc bánh chưng, gói cốm… là lại quay quắt nỗi nhớ nhà. Thì ra trong thẳm sâu tâm hồn của mỗi người đều tiềm ẩn một miền hoài niệm, chỉ chờ có dịp là bùng lên, mà khắc khoải, mà thẫn thờ, nhung nhớ… Bố nhớ có lần ngồi bên sông nước miền Tây một chiều mưa giăng trước cửa sông Tiền mênh mông ngầu đỏ, ì oạp, miên man, bố mới hiểu vì sao ở xứ này điệu cải lương lại được yêu cuồng nhiệt đến thế. Bố lặng nhìn những dề lục bình dập dềnh trên sóng, những cây bần, cây đước oãi mình, bấu vào đất, từng tí một, tích tụ chút phù sa, lấn từng mi li mét sông biển rồi ra cả đồng bằng rộng lớn và tự hỏi phải chăng những cuộc mở đất vĩ đại mà phi thường của cha ông xưa bắt đầu từ những chiếc rễ cây cứng cáp mà mỏng mảnh như thế. Trong khung cảnh ấy, làn điệu vọng cổ vang lên, như không thể khác, không thể thay thế. Âm thanh buồn ấy la đà trên mặt sông, lách vào từng khóm dừa nước, dằng dặc trong nỗi buồn thánh thiện của kiếp người. Người phương Nam hay uống rượu và thích ca vọng cổ có lẽ cũng bởi cái đặc trưng tiền phương của họ. Chân đạp trên phù sa châu thổ, lưng tựa vào biển Đông, trước mặt là cố hương, một cố hương huyền diệu và bí ẩn với bao kỉ niệm, được tích tụ bởi thời gian và những cuộc đời. Sau này khi con lớn khôn, bố cũng muốn con có những điểm tựa thiêng liêng như vậy. Để bước chân con dù có đi xa nhưng tâm hồn vẫn tràn ngập mộng mơ, tràn ngập tình yêu thương với ông bà, cha mẹ, với cố hương. Có lẽ bởi mong muốn đó, mà bố luôn bằng cách này hay cách khác cho con hiểu về tuổi thơ của bố, về quê nhà, dòng tộc. Quê nhà con đó… vùng đồi bình yên lúp xúp mơ màng, nơi gió đồng mặc sức đuổi nhau trên những con đường làng mảnh như kẻ chỉ. Mùa mưa nước xâm xấp vào tận chân giường, có thể nghe tiếng cá quẫy bì bõm suốt đêm trước sân nhà. Sáng ra, chỉ cần ngồi ở thềm nhà, quăng cần câu là có thể tóm được những con rô, con riếc. Mùa gặt, bố thả sức vùi mình trong rơm rạ, ngửi mùi cơm thơm nao nức, nghe tiếng học bài ê a bên ngọn đèn dầu chập choạng. Những đêm đông vì thế mà chừng như bớt lạnh. Bố mới thấu hiểu, quà tặng của tháng ngày bình yên chính là những loài hoa nở không theo mùa. Thanh thản thời gian, thanh thản đất trời, những bông hoa trong vườn nhà ngày thơ bé của bố thật mộc mạc, giản dị mà trong sáng. Bố muốn con về chốn quê hương nơi có núi ngắm sông êm đềm mây trắng, có bạt ngàn gió nắng, có bóng cò bay thắm ca dao, và có cả thân những chú sẻ non kẹt vào kẽ tre mùa bão. Con ạ! Thời của bố rồi cũng qua đi nhưng trái tim bố luôn cồn cào nỗi nhớ, nhớ nhà, nhớ đất, nhớ quê hương, nhớ một không gian xưa cũ, nhớ những chiều quê mùa chín rục đồng. Con ơi! Sau này lớn lên, lúc buồn lo con hãy về quê nội, hãy cố bứt mình ra khỏi phố thả hồn về quê. Florian từng nói: Nơi ẩn náu yên ổn nhất là lòng mẹ. Bố đã có một chùm thơ viết về nơi ẩn náu yên ổn ấy. Bố sẽ hát ru con bằng một bài thơ trong chùm thơ này nhé: Ngọt ngào đến thế màu xanh / Giữa chang chang nắng đành hanh gió mùa / Con - người thơ thẩn tìm thơ / Một chiều mỏi gối chợt mơ về nhà / Gian truân khắc đậm nét già / Nếp nhăn trán mẹ như là sóng sông / Da trời tái ngắt màu đông / Mắt hoa nắng lửa đốt nung trưa hè / Con đi chẳng hẹn ngày về / Bước chân dấp dính bờ đê hôm nào / Tháng năm sữa mẹ khô bầu / Nắng mưa nhuộm tóc trên đầu bạc xơ / Con - người vơ vẩn mộng mơ / Mải bon chen chốn phồn hoa hão huyền / Quay cuồng. Xuôi ngược. Đảo điên / Công danh. Lý tưởng. Bạc tiền. Xót xa / Con - người phờ phạc xác xơ / Một chiều mỏi gối… Chợt mơ… Một chiều. Ở nơi quê nhà con đó, còn có cánh đồng làng mang hình ngọn đuốc, có ngọn khói đốt đồng khỏa mát tâm tư. Nơi đó, bố tin đất sẽ tự mình linh ứng, thầm lặng giữa những đổi thay. Con ơi con, trên mảnh đất quê nghèo, dù nếp nhà của ông bà đã được sửa lại nhưng bố vẫn thận trọng giữ gìn những gì còn lưu dấu ấn của nếp nhà xưa, để con có được tuổi thơ của bố. Đây là chỗ bố thường ngồi đọc sách, nghe loa đọc thơ, lặng người trước những vần thơ đêm trừ tịch. Đây là gác bếp bố đã từng trốn ông bà trèo lên ngủ quên cả đêm trên đó. Gian thờ này có di ảnh hai bác của con mà lần nào bước vào bố cũng thấy tim mình đau thắt. Nhớ ngày nào bố lặn lội cùng bác cả mang cau non từ Hà Tây về trồng trước vườn nhà. Qua những ngày gió máy bạc trời, cây vẫn xanh tươi đến lạ. Hay bởi linh ứng đang dào dạt chảy trong thân cây, nõn lá nên mỗi dịp thu sang, cau lại đơm bông trĩu trịt. Về dưới nếp nhà xưa, con sẽ được tắm trong kỉ niệm ngọt lành, mải miết theo bến bờ xuôi ngược. Nước xanh không có tuổi, những con sóng cũng xếp lên nhau lần lượt vỗ bờ, rợp trong bóng tre, bóng lúa. Và rồi con trai ạ! Bố cũng sẽ kể cho con những kỉ niệm thời trai trẻ của bố, chuyện giữa những người đàn ông, về cuộc tình như sóng biển, như mưa nguồn với ngả nghiêng vui buồn. Về thời nắng say đỏ ráng, bố mang mưa, mang gió ngang qua thềm nhà, ngang qua màn đêm, qua mắt sông, môi lửa, gió lên đồng. Bố cũng sẽ chỉ cho con về cánh đồng ngày xưa bố hay khom mình vớt lúa. Nước ngập quá thân gầy căm căm trong gió, miệng ngậm túi lúa mà hàm răng vẫn va vào nhau cầm cập. Thương không con những phận người nhỏ nhoi trên cánh đồng mùa giông bão. Ngẫm ra trong cuộc đời ai cũng có khoảng 10 năm ấu thơ để làm hành trang cho suốt cuộc đời. Không gì dịu ngọt trong sáng bằng những năm tháng ấy đâu con ạ. Hơn 10 tuổi đầu, bố đã xa nhà đi trọ học. Hình ảnh lam lũ của ông bà găm vào trí nhớ và trên tất cả là mùi hương của bà nội con. Bố nghĩ, không ai có thể định nghĩa được rõ ràng mùi mẹ của mình. Nhưng mà cái mùi ấy thì ai cũng thuộc, cũng nhớ và rồi sẽ mang đi theo cho đến hết cuộc đời. Nhiều điều trong kí ức có thể bị lãng quên nhưng riêng mùi mẹ thì không thể mất khả năng lưu giữ. Chúng ta có thể bất chợt thấy một cái dáng hao hao, một giọng nói giông giống, một ánh mắt từa tựa như mẹ nhưng mùi hương thì không. Không ai có thể có được cái mùi đặc trưng ấy như mẹ của mình. Bố xa nhà mang trong mình mùi mồ hôi đậm đà có tên là mùi mẹ và những hình ảnh giản dị mà thiêng liêng từ mẹ mình. Bố nhớ, có năm vào ngày Quốc tế Phụ nữ, bố hỏi bà: Ngày của mẹ, bố tặng mẹ cái gì ạ? Có cái cười mang chút bẽn lẽn, bà nhìn xa xăm: Bố mày tặng tao cả cuộc đời. Câu trả lời mộc mạc chân tình. Song con biết không, sẽ không có câu trả lời nào hay hơn thế bởi bà nội của con là một phụ nữ nông dân miền thôn dã. Và con cứ nhìn cái cách ông bà thương yêu chăm sóc cho nhau những năm tháng xế chiều này con sẽ hiểu hết sức nặng của câu trả lời đơn sơ ấy. Bố lớn lên trong kí ức tình thương lúc nào cũng thấy bà cười. Nhiều lúc bố ngẩn ngơ tự hỏi: Hay tại bà cười nhiều nên… có lắm nếp nhăn. Bà cười cả khi vui lẫn khi buồn. Chỉ có điều trong mỗi lần ấy, có khi là cái cười rạng ngời ánh mắt, có lúc lại lầm lũi nhìn xuống nền nhà. Bà bảo: Đời mẹ khổ nhiều, buồn cũng lắm, nụ cười sẽ dắt mình qua gian khó con ạ! Thế đấy, ông bà nội con đã sống như đồng đất quê, mặt đất nứt nẻ, cằn cỗi mà bao đời vẫn ấp ủ những chồi xanh, vẫn dâng cho đời những mùa vàng trĩu hạt. Bởi trong thẳm sâu lòng đất là cội nguồn sự sống, là tình yêu những giọt mồ hôi: Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời / Mỗi số phận chứa một phần lịch sử / Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ / Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu. Hãy thuộc nằm lòng những điều đó nghe con. Càng nhiều tuổi thì những hoài niệm tuổi thơ về những người thân yêu, về chốn quê nghèo trong bố lại càng phong phú, sâu sắc và có nhiều ý nghĩa hơn. Bố xê dịch và thay đổi, từng trải nhiều, đau khổ, trần ai cũng nhiều và thương yêu không ít, vậy mà lòng không lúc nào thôi đau đáu về tiếng thở dài kín đáo của bà nội, về cái nhìn rưng rưng, về nét bần thần của bà khi phải chia tay con cháu lúc chúng trở về thành phố. Giờ đây, mỗi khi về thăm quê được nắm bàn tay bà, bố cảm nhận đủ đầy sự lo lắng âm thầm của bà dành cho bố. Bằng trái tim đặc biệt mẫn cảm, bố hiểu: Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc / Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không. Con ạ! Điều sâu sa hơn bố muốn cho con thấy về tình mẫu tử thiêng liêng. Chỉ khi cảm nhận sâu sắc điều đó, con mới thấy cuộc sống của mình là tròn đầy, là ý nghĩa. Vì thế, mỗi lần nhìn thấy con ôm cổ mẹ hít hà, thấy con rưng rưng thương mẹ khi mẹ ốm, con quấn quýt không lúc nào muốn dời xa mẹ, bố lại thấy ấm lòng. Những yêu thương đó là cội rễ, ngọn nguồn vun đắp tâm hồn con. Đôi khi, ngắm nhìn cách con chơi, bố lại càng thấy thương hơn. Con sợ đau cả một con kiến, con trò chuyện, đặt tên cho lũ gấu bông và dạy chúng hát ê a những câu trêu chọc bố. Con ngơ ngác và lo lắng khi nghe bạn cùng lớp kể chuyện bố mẹ chúng cãi nhau. Con rơi nước mắt khi nhìn người bán rau ôm rổ rau chạy dạt cơn bão. Con đau đáu trước những cảnh đời bất hạnh và luôn chắc chắn rằng một ngày kia con có thể mang đến hạnh phúc cho tất cả mọi người. Con tin tưởng vào mọi điều tốt đẹp, thánh thiện trên đời. Con à, bố cũng đã lớn lên với những niềm tin yêu trong sáng như thế. Ông nội con luôn nói, con người không ác, chỉ có - một - cái - gì - đó khiến cho người ta ác, ví dụ như là bị ma nhập chẳng hạn. Nhờ thế mà bố giữ niềm tin viên miễn vào sự tốt đẹp của con người trong cõi nhân sinh và học tròn cách nhìn người bao dung. Và bây giờ, con cũng vậy. Con à, dẫu cuộc đời còn nhiều trái ngang, sau này lớn khôn, có đôi lúc con sẽ chẳng thể nào chế ngự được sự bực tức, nỗi thất vọng nhưng vẫn không thể không thương yêu con người, bởi xung quanh con còn rất nhiều người tốt: Con lớn lên con ơi / Yêu đời và yêu người / Yêu cỏ cây vạn vật / Nghìn năm mặn muối đời /… Lòng con rồi tha thiết / Cha đoán chẳng sai đâu / Cứ lòng cha cha biết / Yêu người đến khổ đau / Nhưng con ơi cha dặn / Trong trái tim vô hạn / Dành riêng chỗ con nghe / Cho chói ngời tình bạn / Tình đó chẳng có nhiều / Lại càng nên chi chút / Cho đời thêm phì nhiêu… Bố đã từng có thời sinh viên ăn mì hột lên lớp nhưng bố không thấy khổ vì xung quanh có rất nhiều bạn hữu, bởi thế hệ bố biết sống bằng những giá trị tinh thần. Bụng đói cồn cào nhưng bố vẫn đọc đến thuộc lòng: Bông hồng vàng, Bình minh mưa, Naxtria cô gái làm ren của Pautốpxki. Tâm hồn bố bay bổng cùng với những ngôi nhà ven rừng Nga, mùa thu vàng trên thượng lưu sông Oka, những nẻo đường sương mù băng giá phương Bắc, bụi tử đinh hương lấp lánh dưới mưa bụi. Giấc mơ học trò của bố thấm đẫm hoa táo và uất kim hương, những niềm ưu ái, những may mắn kì diệu mà người ta có thể nhặt được chúng như nhặt được những hạt dẻ trên đồi Nhã Nam vào mùa thu. Bởi vậy, ngay từ khi con tập đánh vần, bố đã sưu tầm cho con rất nhiều sách quý. Bên cạnh những cuốn sách tìm hiểu tri thức khoa học tự nhiên là cả một tủ sách văn học. Ở đó có những cuốn truyện dành cho thiếu nhi mà cả tuổi thơ bố mơ ước khát khao nhưng không thể có được vì nhà nghèo quá - những Không gia đình, Túp lều bác Tôm, Ông già và biển cả, Trên sa mạc và trong rừng thẳm… Những cuốn sách đã in dấu son trong kí ức bố, đã nuôi nấng tâm hồn và khát vọng. Con hãy đọc đi, con nhé, để nhập tâm những điều thánh thiện và làm giàu tâm hồn mình. Có một lời đề tựa sách ám ảnh bố suốt thời niên thiếu: Tặng người đàn bà điên tốt bụng, kẻ đã cho tôi giỏ dâu da chín mọng trên đường tới mặt trời. Lời đề tựa vừa lạ lùng, vừa thơ mộng này là của Juan Ramon Zimenez nhà văn Tây Ban Nha in trên trang đầu tác phẩm trứ danh Con lừa và tôi. Có lẽ vì điều đó, suốt thời hoa niên với nhiều trò nghịch ngợm, nhưng bố không bao giờ ném đá hay trêu chọc những người điên. Sau này, bố lại bắt gặp lời tựa đó ở một cuốn sách khác dành cho tuổi mới lớn. Cuốn sách kể về một cô bé có tên Hồng Hoa, một con sáo biết nói, một khu vườn có cây khế, cây ổi và một cái giếng cũ rêu phong. Cô bé hàng ngày chui qua hàng rào vào khu vườn, trèo lên cây xem những hình vẽ khắc chạm ở thân cây và đứng trước ngôi mộ nhỏ của chú mèo miu miu. Ngôi nhà ấy hiện của gia đình Kha, cậu bé lớn hớn Hồng Hoa ít tuổi. Người chủ nhà không bao giờ hiểu được tại sao cái con bé lọ lem bẩn thỉu chưa từng bước chân vào nhà mình một lần mà vẫn có thể nói trúng vanh vách số bậc cầu thang và những nan cửa hình ngôi sao trong nhà. Bí mật ấy chỉ được hé mở khi con chó dữ tợn chồm lên cô bé trong một lần cô vạch rào chui vào vườn thăm mộ con miu miu. Thì ra ngôi nhà ấy vốn là nhà cũ của gia đình cô bé Hồng Hoa, biến động đã làm gia đình cô phải dời xa thành phố đến tận vùng kinh tế mới xa xôi. Khi trở lại thành phố, họ đã thành kẻ không nhà. Kí ức êm đềm và khu vườn tuổi thơ đã dẫn dắt cô bé mỗi ngày lại lén lút chui vào tìm lại thiên đường đã mất. Đó là lý do vì sao cô thuộc lòng từng nan hoa cửa sổ phòng mình và ngôi mộ bí mật của con miu miu yêu dấu. Bố đã đọc cuốn truyện một lèo, đọc không kịp thở, sợ những gì ngọt ngào bay đi mất. Lời đề tặng quá thơ mộng của Zimener dù thật sự không dính dáng gì đến nội dung câu chuyện nhưng tâm hồn trong veo như pha lê của cô bé Hồng Hoa đã làm bố xúc động đến rơi nước mắt. Con ạ, bố càng hiểu, đối với tuổi thơ, góc vườn êm đềm, những kí ức mơ màng, ngọt lịm thuở nhỏ không dễ gì phai mờ được. Con yêu! Con có biết không, mẹ thường kể về giây phút con sắp chào đời, con kiên quyết và đạp dữ dội trong không gian tù túng đòi ra ngoài và khóc thét lên vang dội. Đau đớn và hạnh phúc! Không ở đâu hai từ ấy lại cùng song hành tuyệt diệu như trong giờ phút người mẹ lâm bồn. Một thiên thần hiện ra. Bố thấy mắt con ngời sáng, những ngón tay thuôn dài và mềm mại một cách lạ kì, bố mụ mị trong tình phụ tử mênh mông và thiên vị. Rồi con vào tháng thứ 3, thứ 6, thứ 9… những cái mốc thời gian như những bậc thang đều đều nâng con lên. Bố như ngửi thấy mùi thơm bên khóe miệng ươn ướt của con khi con cười, con khóc. Nhưng điều làm bố nhớ nhất là lúc con tập đi vào tháng thứ 14, con bặm môi chạy đến vòng tay bố, khi đến nơi con mới bật cười. Tại sao hình ảnh ấy lại sâu sắc và mãnh liệt như vậy? Có lẽ vì cái cách con gan góc bước đi để đến với cái đích của mình. Bố cứ đau đáu với từng khoảnh khắc con lớn lên như thế, thắt lòng mỗi lúc con hu hi trái gió trở giời. Bố đọc ở đâu đó người ta nói rằng, con cái chính là phần xương thịt của bố mẹ nối dài theo năm tháng. Đọc mà thấy thấm thía quá. Bố gặp lại chính mình trong con. Gặp lại cái điệu nằm ngủ hay khoanh tay đặt sau gáy, đêm nào cũng trở mình trằn trọc và thường thảng thốt giật mình vì mộng mị. Gặp lại cái nết chỉn chu hay lam hay làm, hay thu hay vén. Gặp lại cái dáng ngồi đọc sách nheo nheo mắt, đã ngồi vào bàn là ai gọi cũng không được. Bởi thế, bố hạnh phúc và tự hào không chỉ bởi vì con giỏi giang mà còn bởi vì con nhìn cuộc sống bao dung và trong veo. Bố tin tưởng điều đó sẽ được gìn giữ mãi mãi. Bởi vậy, mỗi độ hè về, bố cho con tận hưởng trọn vẹn niềm vui tuổi thơ. Xếp sách vở, con được cùng bố mẹ đi đến những vùng đất mới, được thả hồn trước vẻ đẹp hiền hòa của thiên nhiên đồng đất quê mình. Cho con ngắm những cây gạo bên bến sông bập bùng. Hoa gạo gắn với tuổi thơ quần đùi chân đất của bố, gắn với cánh cò chập chờn lả vào giấc ngủ. Ngày bé, bố đã nhiều lần đi dưới những tán lửa mê hoặc như thế rồi đắm mình trong dòng mắt đen diệu vợi nào đó và chuếnh choáng hương quê, tình quê. Cho con thấy những con thuyền lim dim mắc cạn, bến đục [...]... trúc vừa trữ tình duyên dáng lại vừa sống chung được với gió ấy như một sự điểm xuyết tin cậy, tôn nhau lên trong bản thể thân thiện Cứng cáp mà mềm mại, thẳng mà cong, hiên ngang mà trữ tình, uy vũ mà dịu dàng, bề thế mà khiêm nhường, vút cao mà độ lượng, hoành tráng mà chừng mực… Đó chính là những đặc trưng tinh tế đã giúp nhà rông trụ được trước gió Tây Nguyên Dã quỳ cũng thế, ngờm ngợp trong nắng rồi... bắt cá Ở đó, những đêm trăng thanh, mặt ao long lanh soi bóng trăng, có người con gái nào lén đưa cho chàng trai bông hoa bưởi, thơm đến tận bây giờ Từ cảnh làng quê sum vầy, con sẽ thấy ấm áp tin yêu, dịu nhẹ tâm hồn, dào dạt tình đời, tình người và non tươi cảnh sắc Rồi khi lớn khôn, con sẽ biết rung động từ trong sâu thẳm, biết cồn cào trong kí ức, lại mong ước được trở về trước ao làng, trước sum . không thể nói thành lời. Trong không gian yên ả, thoảng đâu đây mùi hương dịu dàng mê đắm. à! Bố nhớ ra rồi, con yêu ạ! Hương thu đấy. Sáng mai khi con tỉnh giấc, bố sẽ chỉ cho con xem những chùm. không dân dã mà huyền hoặc, dịu ngọt mà xốn xang, mang thanh tân cho giấc ngủ của con. Hương hoa lại dẫn dắt kí ức bố trở về với những mùa thu khi con còn ở Nhật. Thu Nhật Bản đến rõ ràng và. đến cho đất trời sự dâng hiến ngọt ngào. Nếu như mùa thu thường gắn liền với ý niệm tàn úa, buồn bã, tịch liêu thì trên đất nước Nhật, mùa thu là giai đoạn cuối cùng của quá trình hoàn thiện cái