ĐỊA LÝ VIỆT NAM – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TRONG NỬA ĐẦU THẾ KỶ 21 Nguyễn Đình Kỳ, Nguyễn Trần Cầu Viện Địa lý, 18 - Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội Email: dinhkyvdl@gmail.com I. Đặt vấn đề Khoa học địa lý là một trong những khoa học cổ xưa nhất thế giới gắn liền với nhận thức, hiểu biết không gian lãnh thổ của loài người. Những phát kiến khoa học vĩ đại đầu tiên của nhân loại là về đất nước và các châu lục. Xuất phát từ các yêu cầu thực tiễn cuộc sống, khoa học địa lý không ngừng hoàn thiện lý luận, quan điểm và phương pháp luận. Trên con đường phát triển khoa học địa lý có lúc thăng trầm vượt qua những thách thức và cơ hội để đạt được những thành tựu, những 1 di sản quí báu cho toàn nhân loại. Thông qua tìm hiểu lịch sử phát triển khoa học địa lý nói chung và địa lý Việt Nam nói riêng là công việc đầy khó khăn song hết sức cần thiết. Bởi lẽ con đường phát triển khoa học địa lý rất dài và rộng theo thời gian và không gian, cần phải nhận thức sâu sắc những chặng đường gắn với những học thuyết, quan điểm, phương pháp địa lý. Qua đó kế thừa những thành tựu khoa học địa lý trong quá khứ từ các học thuyết về vũ trụ, trái đất đến các qui luật địa đới toàn cầu và phi địa đới khu vực. Từ những vấn đề học thuyết, lý thuyết đến các mô hình ứng dụng, địa lý thế giới đã đi từ địa lý bộ phận đến địa lý tổng hợp và hình thành các trường phái ứng dụng khác nhau. Khoa học địa lý Việt Nam cũng có tiến trình lịch sử phát triển riêng và chung với thế giới. Trong đó, từ thế kỷ 20 khoa học địa lý Việt Nam đã có bước hội nhập lớn với thế giới. Sự du nhập các trường phái địa lý Âu – Mỹ đã tạo động lực phát triển địa lý Việt Nam thoát khỏi địa lý Cổ Trung Hoa. Đồng thời đã tạo nên nền tảng của địa lý hiện đại. Sự ra đời của nhiều tổ chức nghiên cứu, đào tạo khoa học địa lý Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 20 đã đáp ứng kịp thời công cuộc phát triển đất nước. Song bước vào thiên niên kỷ thứ 3, những biến động mang tính toàn cầu cả về tự nhiên và kinh tế - xã hội đang là những thách thức đối với các nhà địa lý Việt Nam [3]. Đồng thời với nhu cầu công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) đất nước và hội nhập quốc tế là cơ hội lớn cho khoa học địa lý Việt Nam phát triển nếu biết nắm bắt và vượt qua thách thức. Viện Địa lý thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan nghiên cứu, đào tạo đầu ngành Địa lý Việt Nam. Nhân dịp 35 năm thành lập viện KHCNVN, tác giả bài báo muốn tham chiếu lịch sử phát triển khoa học địa lý để thấy rõ hơn những thành tựu của địa lý học nước nhà. Đồng thời còn cho thấy bản sắc, động lực của những thành tựu khoa học, tính tương đối và tính kế thừa của chúng [1] phục vụ cho nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức hiện nay. II. Vài nét về sự phát triển địa lý thế giới và các trường phái nghiên cứu Địa lý thế giới đã trải qua các thời kỳ cổ đại, trung cổ, phục hưng, tiền Tư bản (thế kỷ 17 – 18) và Tư bản Chủ nghĩa từ thế kỷ 19 đến 20 [5]. Thực chất địa lý mới trở thành khoa học thực sự với những học thuyết, những khái niệm phương pháp riêng từ cuối thế kỷ 19. Thời kỳ địa lý cổ đại được đánh dấu bằng công trình của Herodote từ thế kỷ thứ V trước công nguyên (TCN) và đến thế kỷ thứ IV sau công nguyên (SCN), khi đế chế La mã sụp đổ vào năm 395. Đó là những mô tả con đường thám hiểm, buôn bán và chinh phục các vùng đất Địa Trung Hải nơi tiếp giáp 3 châu Á, Âu, Phi như Ai Cập, Biển Đen, Tiểu Á, Lưỡng Hà, cận Đông, Hy Lạp, La Mã… Ở châu Á địa lý cổ đại Trung Hoa với chủ thuyết Thiên – Địa – Nhân áp dụng trong mọi hành sự. Thành tựu chính của địa lý cổ đại là đã khẳng định trái đất hình tròn của trường phái Pythagore thế kỷ V TCN và tính địa đới căn cứ vào bóng của Trái đất trên mặt trăng vào lúc nguyệt thực. Đặc biệt vào thế kỷ thứ III TCN Êratoxen đã chú ý đo đạc Trái đất, xác định phương hướng và vị trí địa lý, đồng thời mô tả các quyển của trái đất như thạch quyển, khí quyển, khiến cho địa lý học đã mang tính định lượng bằng sử dụng toán học, thiên văn học. Đầu công nguyên hướng địa lý nhân văn đã được chú ý. Tồn tại lớn nhất của thời kỳ này là thuyết “Trái đất là trung tâm của thế giới và là một vật thể tĩnh tại, đứng yên không quay” của Ptôlêmê thế kỷ II (SCN). Đây là học thuyết được Giáo hội ủng hộ và trở thành kinh viện trong suốt thời kỳ Trung Cổ [5]. Thời kỳ Trung Cổ bắt đầu từ năm đế chế La Mã sụp đổ (395 SCN) và kéo dài 1058 năm cho đến khi vua Thổ Nhĩ Kỳ Mohamét II (Môhamét) chiếm lĩnh được constantinophe (Côngxtăngtinốp) vào năm 1453 SCN. Thời kỳ Trung cổ là thời kỳ suy thoái của khoa học địa lý nói riêng và nên khoa học nhân loại nói chung do những ràng buộc khắc nghiệt của nhà thờ thiên chúa giáo lúc đó. Nền văn minh Hy Lạp bị cấm đoán, bị phủ định và lãng quên [5]. Trái đất được coi là phẳng hay có dạng đĩa phẳng mà trung tâm là thiên đường của Đức chúa. Ảnh hưởng khắc nghiệt của Giáo hội chủ yếu diễn ra ở châu Âu; còn tại các nơi khác tri thức về không gian địa lý 2 vẫn được tích luỹ thêm qua các cuộc chinh phục đất đai, du hành và buôn bán, nhất là trong thế giới Ả Rập. Thời kỳ phục hưng từ thế kỷ XV- XVI, địa lý được đánh dấu bởi các “đại phát kiến” đi bằng đường biển trên các thuyền buồm lớn kiểu Ytaly. Đại phát kiến thứ nhất là sự tìm ra châu Mỹ của Chriptople Colomb (Crixtop côlông 1451-1506) người Ý. Đại phát kiến thứ 2 là chuyến đi vòng quanh châu Phi qua mũi Hảo Vọng để tới Ấn Độ do Vasco de Gama (VátxCô đờ Gama, 1469 – 1524) người Bồ Đào Nha thực hiện năm 1498. Đại phát kiến thứ 3 là chuyến đi vòng quanh thế giới trong 3 năm (1519 – 1522) của Magellan (Magienlăng, 1470-1521) người Bồ Đào Nha làm việc cho vua Tây Ban Nha. Ngoài ba đại phát kiến, nhiều chuyến du hành khác cũng đã tìm thêm nhiều vùng đất mới nữa. Về mặt khoa học địa lý giai đoạn phục hưng đã phát triển và mở rộng các thành tựu địa lý cổ đại như trái đất hình cầu, tính địa đới của khí hậu do góc tới khác nhau của tia ánh sáng mặt trời đến các nơi trên trái đất, quan hệ giữa khí hậu và sinh vật cũng như sinh hoạt của con người…[5] Những phát kiến về đới gió về sự thông nhau của các đại dương và phát hiện các châu lục… đã tạo cho địa lý học có uy tín, giúp cho nhiều vương quốc bành trướng thuộc địa, chủ yếu là hai vương quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Thành tựu của địa lý thời phục hưng là sự ra đời và phát triển trường phái bản đồ địa lý Hà Lan Meccato với quả địa cầu đầu tiên hoàn thành năm 1492 và tập bản đồ (Atlat) đầu tiên xuất bản năm 1570 gồm 53 bản đồ in từ các bản khắc đồng, tô màu bằng tay qua tham khảo tài liệu của 87 nhà địa lý và bản đồ học. Thời kỳ tư bản chủ nghĩa được bắt đầu từ thế kỷ XVII – XVIII với sự bùng nổ cách mạng khoa học mà điển hình là sự ra đời đầu máy hơi nước của Denis Papin (Papanh, 1674-1714) vào năm 1707, phát minh năng lượng của Jemes Watt (Qat, 1736-1819), khám phá qui luật hấp dẫn vũ trụ của I.Newton (Niutơn 1642 – 1727)…Các ứng dụng nghiên cứu; đo lường như phong vũ biểu, hàn thử biểu, kính viễn vọng, máy kinh vĩ… đã giúp cho khoa học địa lý quan sát không gian và vẽ bản đồ chính xác hơn. Nhu cầu tích luỹ tài chính, khai thác các vùng đất mới của chủ nghĩa tư bản đã tạo cơ hội cho địa lý phát triển mạnh mẽ trở thành khoa học độc lập và độc đáo. Người đặt nền móng cho địa lý học hiện đại là nhà triết học kiêm nhà địa lý học người Đức Emmanuel Kant (Kăng, 1924-1804) coi “địa lý là sự mô tả theo không gian” và nhà bác học Viện hàn lâm khoa học Nga (nhà tự nhiên học) M.V.lômônôxôp (1711-1765) với dự án nghiên cứu khai thác Bắc cực và vẽ bản đồ nước Nga. Các nước Anh, Pháp, Hà Lan…tiếp tục các phát kiến địa lý trên đại dương. Bản đồ học được phát triển ở nhiều nước châu Âu và châu Mỹ. Địa lý học đã được tổ chức nghiên cứu, đào tạo có tính chuyên nghiệp ở nhiều nước. Song sự phát triển khoa học địa lý cổ điển thống nhất có đối tượng, phương pháp nghiên cứu chung đã dẫn đến phân rã thành các phân ngành địa lý trong thế kỷ 19. Hai phân ngành chính là nhóm các khoa học địa lý tự nhiên và nhóm các khoa học địa lý kinh tế xã hội. Sự phân ngành của địa lý dần cũng bộc lộ những nhược điểm, được kiểm nghiệm sau những những thất bại khi tiến hành các công trình phát triển kinh tế xã hội hoặc cải tạo tự nhiên ở qui mô lớn. Do vây sau thế kỷ 20 địa lý thống nhất hiện đại (địa lý tự nhiên tổng hợp) đã lại được khẳng định. Thành tựu của địa lý thế kỷ XIX là khoa học địa lý đã được giảng dạy ở nhiều trường đại học nổi tiếng của châu Âu; Các nước Đức, Pháp, Nga, Anh… đã sớm thành lập Hội địa lý. Hội nghị địa lý quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Angve (Anvers) Bỉ vào năm 1871. Nhiều công trình đồ sộ đã được thành lập và nhiều tạp chí địa lý đã xuất bản hàng năm từ năm 1863. Ba khuynh hướng nghiên cứu địa lý chính xuất hiện đó là nghiên cứu vùng, nghiên cứu quan hệ con người, môi trường địa lý và khuynh hướng nghiên cứu cảnh quan. Đồng thời với sự phát triển về lý thuyết, hoàn thiện phương pháp luận nghiên cứu, khoa học địa lý thế giới đã ra đời các trường phái địa lý thế kỷ XX. Như trường phái địa lý Đức, Pháp, Nga, Mỹ. Trường phái Đức với khuynh hướng tiếp cận cảnh quan học chú ý nhiều đến lớp phủ thực vật bên cạnh có các khuynh hướng địa lý chính trị, địa lý văn hoá, sinh thái học…Trường phái địa lý Pháp lấy sự phân hoá không gian, sự phân hoá theo vùng làm nền tảng và mục tiêu nghiên cứu trong đó 3 chú ý quan hệ con người và môi trường địa lý. Trường phái địa lý Nga là một trường phái mạnh ngay từ cuối thế kỷ XIX với khuynh hướng địa lý tổng hợp có sự phân biệt rõ rệt địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế (tổng thể lãnh thổ tự nhiên và tổng hợp thể lãnh thổ sản xuất). Địa lý Nga cũng du nhập thuật ngữ cảnh quan (landscape) của trường phái Đức song có những sáng tạo riêng. Trường phái địa lý Nga phát triển dựa trên học thuyết của V.V.Docutraev (1846-1903) về các đới tự nhiên. Các học trò của ông đã kế thừa hình thành địa lý Xô Viết từ sau năm 1917 (cách mạng tháng 10 Nga) đến cuối thế kỷ XX. Trường phái địa lý Mỹ hình thành muộn vào đầu thế kỷ XX, nhưng được phát triển nhanh, nhạy bén; có tính thực dụng thiên về phương pháp định lượng chính xác, sử dụng công cụ toán học và thực nghiệm trên thực địa tỷ lệ lớn. Địa lý Mỹ hướng tới nghiên cứu địa lý vùng và cảnh quan trên quan điểm địa lý thống nhất tự nhiên – con người có chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra địa lý Mỹ có các nhánh nghiên cứu quan hệ giữa cảnh quan tự nhiên và lối sống của dân cư bản địa hay địa lý chính trị. Các trường phái địa lý của các quốc gia mạnh trên đã có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển khoa học địa lý thế giới. Song đến cuối thế kỷ XX với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học như khoa học thông tin, khoa học vũ trụ, máy tính…và sức ép phát triển kinh tế xã hội. Thế giới theo xu hướng toàn cầu hoá [4] đã làm thay đổi cơ bản khoa học địa lý, sự bùng nổ hệ thống thông tin địa lý. Xu hướng thống nhất phương pháp luận và phương pháp chung, nhất thể hoá đối tượng của địa lý học là tổng hợp thể lãnh thổ thống nhất tự nhiên – kinh tế - xã hội – nhân văn đã và đang phát triển. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu, tài nguyên môi trường dẫn đến thiên tai rộng khắp và bùng nổ dân số thế giới với các mối quan hệ kinh tế liên, xuyên quốc gia đã làm thay đổi không chỉ hệ thống qui luật tự nhiên mà cả hệ thống kinh tế - chính trị - xã hội thế giới. Chính vì vậy địa lý thống nhất tự nhiên - kinh tế - xã hội – nhân văn hiện đại ra đời là kết quả tất yếu của khoa học địa lý vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của khoa học địa lý thế giới đang ảnh hưởng tới mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. III – Khái quát lịch sử phát triển của Địa lý Việt Nam – Thành tựu và nhân vật 1 - Địa lý Việt Nam thời phong kiến Trong lịch sử phát triển khoa học Việt Nam cùng với y học cổ, văn chương cổ, địa lý học đã ra đời khá sớm. Những kiến thức về NHO – Y – LÝ – SỐ đã được các thầy đồ, thầy địa lý truyền bá với các thuyết “Âm Dương Ngũ Hành” hay “Thiên – Địa – Nhân” ảnh hưởng từ địa lý cổ Trung Hoa. Xuất phát từ nhu cầu thực tế tìm kiếm đất đai xây dựng đình chùa, nhà cửa, đặt mồ mả…các “thầy địa lý” đã hoạt động hành nghề “phong thuỷ” hay “địa lý tả ao” được xã hội thừa nhận và coi trọng. Các phương pháp các thầy địa lý cổ điển sử dụng thường theo kinh nghiệm, chưa thực sự khoa học, đôi chỗ còn thể hiện duy tâm. Song nước ta có biên giới và đường bờ biển dài lưu thông với thế giới qua con đường buôn bán lâm sản, gốm sứ, tơ lụa…nên địa lý đã sớm hội nhập thế giới Từ thế kỷ thứ 12, để quản lý lãnh thổ đất nước năm 1172, đời vua Lý Anh Tông đã cho vẽ “ Nam Bắc phân giới địa đồ” dưới hình thức bản đồ thô sơ bằng tay trên bản giấy; trong đó thể hiện ranh giới lãnh thổ nước ta và các đơn vị hành chính thời đó [2], Năm 1400, Vua Lê Thánh Tôn ra chiếu làm sách “thiên hạ bản đồ” là cơ sở biên soạn “Hồng Đức bản đồ” (phụ lục II). Năm 1435, Vua Lê Thái Tôn giao cho Nguyễn Trãi viết sách “Dư địa chí” được khắc và in trong bộ sách quý “Quốc thư bảo huấn đại toàn”. Có thể nói “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi là cuốn sách cổ nhất của Việt Nam còn giữ lại đến nay. Nguyễn Trãi – hiệu Ức Trai (1380 – 1442) là nhà chính trị, ngoại giao, nhà thơ, và nhà địa lý Việt Nam được UNESCO công nhận danh nhân văn hoá thế giới. Ông viết “Dư địa chí” giới thiệu địa giới Việt Nam từ Kinh Dương Vương đến Hậu Lê như là tư liệu địa lý chính thức đầu tiên của Việt Nam, được nhà vua Lê Thánh Tông coi 4 là chính thư. “Dư địa chí” đưa ra những hiểu biết về đặc điểm núi sông, đất đai và nhất là sản vật của các Phủ Châu, Đạo từ các đời trước cho đến lức viết [7]. Qua “Dư địa chí” cho chúng ta những thông tin không chỉ về tài nguyên thiên nhiên mà còn về sự thay đổi các đơn vị hành chính và các nhân vật lịch sử của đất nước. Một nội dung quan trọng của “Dư địa chí” là đánh giá tài nguyên nhằm xác định việc cống nộp. Đầu thế kỷ 18 năm Bảo Thái thứ tư, đời vua Lê Du Tôn sai Trịnh Cương định lại biên giới, các đơn vị hành chính các châu, huyện… Trên cơ sở đó biên soạn cuốn “Tân định bản đồ”, sau đó là “Thiên nam lộ đồ thư” của Dương Nhữ Ngọc[2] Ở triều đại Tây Sơn, nhiều sách địa lý đất nước, đã được biên soạn công phu như “Cảnh Thịnh Tân Đồ” và các cuốn địa phương chí như “Cao bằng phủ toàn đồ”… Cuối thế kỷ 18, Ngô Thi Sĩ cùng với Nguyễn Nghiễm đã dựa trên cơ sở cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi để viết quyển “Nam quốc vũ cống” là một quyển địa lý Việt Nam đã được bổ sung tư liệu mới. Cũng vào thời kỳ này năm 1890 – niên hiệu Thành Thái, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã hoàn thành và xuất bản cuốn “Đại Việt địa dư toàn biên”. Đây cũng là một cuốn sách địa lý có giá trị lớn, trình bày về địa lý, về tài nguyên của từng đơn vị hành chính của nước ta thời đó. Đầu thế kỷ thứ 19, Vua Gia Long đã sai Lê Quang Định biên soạn quyển “Nhất thống dư địa chí”. Đến triều Vua Minh Mệnh giao Phan Huy Chú hoàn thành viết bộ sách lớn “Lịch triều hiến chương loại chí” gồm 49 tập, chia thành 10 bộ môn (10 loại chí), trong đó loại chí đầu tiên là “Dư địa chí”. Đây là công trình biên khảo đồ sộ về Địa lý – lịch sử Việt Nam được Phan Huy Chú biên soạn trong 10 năm (1809-1819). Phan Huy Chú (Tự Lâm Khanh, Hiệu Mai Phong, 1782-1840) là danh sĩ triều Nguyễn và là nhà bác học, địa lý học thế kỷ 19. Ngoài Lịch triều hiến chương loại chí ông còn biên soạn nhiều sách khác, trong đó có “Hoàng Việt dư địa chí” ghi chép về địa lý Việt Nam [7] Năm 1841 Vua Thiệu Trị cho soạn bộ “Đại Nam Nhất thống chí” trình bày khá chi tiết về địa lý đất nước, từng đơn vị hành chính, về từng đối tượng địa lý như các ngọn núi, các con sông… Ngoài những sách, bản đồ địa lý nổi tiếng như trình bày ở trên còn các cuốn địa lý như “An Nam chí lược” của Lê Trắc, “Kiến Văn tạp lục” và “Phủ Biên tạp lục” của Lê Quý Đôn là những tác phẩm địa lý đánh dấu những bước phát triển của khoa học địa lý Việt Nam thời kỳ phong kiến. Ngoài ra còn có hàng loạt tác phẩm địa phương chí có giá trị khác nữa như “Nghệ An Chí” của Bùi Dương Lịch, “Hưng Hoá ký lược” của Phạm Thận Duật… 2 - Địa lý Việt Nam thời Pháp thuộc Từ thế kỷ 16 – 17 các nước Châu Âu như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…Ngày càng mở rộng thương mại và bành trướng lãnh thổ. Nhiều cuộc thám hiểm bằng thuyền buồm lớn, đã nhòm ngó Đông Dương trong đó có Việt Nam. Hình ảnh bờ biển Việt Nam ngày càng rõ nét và chính xác hơn trên các bản đồ của Pháp, Anh. Công trình đầu tiên có giá trị khoa học về bản đồ địa lý Việt Nam là “những bản đồ hàng hải Nam Kỳ” do các sĩ quan Pháp đi cùng với Giám mục D'Adran (Bá Đa Lộc) in tại Paris năm 1818. Tiếp đến nhiều công trình nghiên cứu khảo sát địa chất, thổ nhưỡng, động thực vật Đông Dương được thực hiện…phục vụ khai thác bóc lột tài nguyên của thực dân Pháp trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/250.000 do Bignal xuất bản năm 1873. Tuy nhiên những công trình lớn về các yếu tố tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên chỉ được xuất bản nhiều và chất lượng cao từ sau khi Pháp chiếm được nước ta. Nhất là khi Nha địa dư Đông Dương (Service Géographique de I'Indochine) được thành lập. Năm 1909, để đánh dấu một giai đoạn điều tra khảo sát tài nguyên và các mặt hoạt động kinh tế - xã hội ở Đông Dương, các nhà địa lý Pháp đã xây dựng và xuất bản “Tập bản đồ khái quát Đông Dương thuộc pháp” (Atlas Général de L'Indochine Fransaise) do chaber Galois đồng chủ biên. Từ sau năm 1900 hàng trăm công trình về địa chất, thổ nhưỡng, thực vật, khí hậu thuỷ văn Đông Dương đã được công bố. Các công trình địa lý đáng chú ý của nhà địa lý Pháp Piere Gourou như “Le Ton Kin” 1931 hay “Les paysens du 5 delta Tonkinous”, 1936 và nhà địa lý Pháp Robequain (Ch) với các công trình “Le Thanh Hoá”, “L'Indochine Fransaise”, 1935 đã thể hiện rõ khuynh hướng trường phái Pháp. Trong thời kỳ pháp thuộc, một số học giả Việt Nam cũng có những công trình nghiên cứu công phu, mang sắc thái của các tác giả dư địa chí xưa kia như cuốn sách “Tên làng xã và các tỉnh Bắc Kỳ” hay “Địa dư của các tỉnh Bắc Kỳ” của Ngô Vi Liễm 1924…Đây là những tác phẩm điển hình đại diện cho các nhà địa lý Việt Nam thời kỳ đó. Giai đoạn Pháp thuộc được chấm dứt từ ngày 2/9/1945 sau bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. khoa học địa lý Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. 3 - Địa lý Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 Đây là giai đoạn nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động Việt Nam “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Công cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm đánh đuổi giặc ngoại xâm Pháp, Mỹ, đồng thời xây dựng nền tảng xã hội mới, xã hội chủ nghĩa trong đó có khoa học kỹ thuật… Mặc dù đất nước còn bị chia cắt Bắc Nam, song khoa học địa lý vẫn có bước phát triển không ngừng tạo tiền đề cho công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Trên quan điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin khoa học địa lý Việt Nam đã chủ động tiếp thu trường phái địa lý học Xô Viết (Liên xô cũ). Ngay từ trong kháng chiến Nhà nước đã cử nhiều cán bộ và sinh viên đi đào tạo địa lý ở Liên Xô (cũ) và các nước Xã hội chủ nghĩa. Đồng thời mời nhiều chuyên gia của các nước trên sang giảng dạy nghiên cứu tại Miền Bắc Việt Nam từ sau 1954. Từ trong kháng chiến chống pháp (1946 – 1954) Nhà nước đã thành lập “Ban Nghiên cứu Văn – Sử - Địa” để tiến hành xây dựng chương trình giảng dạy địa lý ở các trường phổ thông và biên soạn giáo trình cho các trường sư phạm trung cấp, sơ cấp. Môn địa lý được giảng dạy ở các trường phổ thông. Đồng thời sau khi Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng nhiều cơ sở nghiên cứu và đào tạo địa lý đã được thành lập. Năm 1956 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong đó có khoa Địa lý được thành lập. Năm 1959 Uỷ Ban Khoa học Nhà nước được thành lập trong đó có Ban sinh vật – Địa học. Năm 1966 Khoa Địa lý – Địa chất trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập. Tiếp theo là bộ môn Địa lý của trường Kinh tế - Kế hoạch và Trung tâm Địa lý Kinh tế - Xã hội thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (này là Viện Khoa hoa học Xã hội Việt Nam) ra đời Năm 1968, Viện Nghiên cứu Khoa học Tự nhiên thuộc Uỷ Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được thành lập trong đó có phòng Nghiên cứu Địa lý (là tiền thân của Viện Địa lý – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày nay) Năm 1975 Viện các Khoa học Trái đất thuộc Viện Khoa học Việt Nam được thành lập trong đó có phòng nghiên cứu địa lý, Phòng nghiên cứu bản đồ. Đây là một cở sở nghiên cứu lớn của đất nước. Các thành tựu trong giai đoạn 1954 – 1975 của Địa lý Việt Nam chủ yếu là các giáo trình giảng dạy đại học như “Địa lý tự nhiên Việt Nam” của Nguyễn Đức Chính – Vũ Tự Lập. Các kết quả nghiên cứu nổi bật là “Phân vùng địa lý tự nhiên Việt Nam” phần Miền Bắc của Tổ phân vùng Uỷ Ban Khoa học Nhà nước , Các bản đồ địa chất, thổ nhưỡng, thảm thực vật, khí hậu … Miền Bắc Việt Nam đã được nghiên cứu thành lập ở tỷ lệ 1/1triệu và 1/500.000. Một số công trình nghiên cứu địa lý địa phương đã được thực hiện như “Báo cáo tổng hợp tài nguyên và điều kiện tự nhiên tỉnh Thái Nguyên phục vụ quy hoạch nông, lâm nghiệp”; “Tập bản đồ tỉnh Lai Châu”, “Tập bản đồ Nam Đông Dương”. Đặc biệt năm 1966 các nhà địa lý đã tổ chức đoàn thám hiểm, chinh phục đỉnh FanXiFăng cao 3143m nhất Đông Dương. 6 4 - Địa lý Việt Nam giai đoạn từ 1976 đến nay: Sau ngày đất nước thống nhất, khoa học địa lý được chú ý phát triển, công tác đào tạo và nghiên cứu ở hầu khắp các viện, các trường đại học trong cả nước từ Đại học Thái Nguyên – Hà Nội – Huế - Quy Nhơn – Đà Lạt – Sài Gòn – Đồng Tháp… Số lượng các giáo trình biên soạn ngày càng nhiều với chất lượng không ngừng được nâng cao. Các quan điểm khoa học mới, các phương pháp về công nghệ hiện đại như viễn thám, hệ thông tin địa lý được vận dụng sáng tạo chọn lọc phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Hàng trăm công trình nghiên cứu được công bố dưới nhiều thể loại khác nhau. Đội ngũ các nhà nghiên cứu giảng dạy địa lý phát triển nhanh chóng cả về số lượng và trình độ. Số lượng các nhà địa lý có trình độ đại học và trên đại học đến nay có tới hàng chục ngàn. Trong đó có nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. khoa học địa lý đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước. Công tác nghiên cứu địa lý đã không ngừng lớn mạnh từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng phục vụ các chương trình nhà nước về điều tra cơ bản và các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai. Đầu những năm 1980, cả nước có 2 trung tâm nghiên cứu địa lý là: Trung tâm Địa lý tài nguyên thuộc Viện Khoa học Việt Nam và Trung tâm Địa lý Xã hội – Nhân văn thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đầu những năm 90 đến nay, cả nước đã có 4 viện nghiên cứu địa lý – tài nguyên – môi trường từ Bắc tới Nam. Trong đó 3 viện nghiên cứu thuộc viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Viện Địa lý, Viện Địa lý Tài nguyên thành phố Hồ Chí Minh, Viện Tài nguyên Môi trường thành phố Huế. Sau hơn 40 năm phấn đấu và trưởng thành, Viện Địa lý thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trở thành viện nghiên cứu địa lý đầu ngành của đất nước. Vào những năm 1976 – 1980, hầu hết cán bộ nghiên cứu đã tham gia tích cực trong chương trình xây dựng tập bản đồ (Atlat) quốc gia Việt Nam và chương trình điều tra tổng hợp Tây Nguyên (Tây nguyên I). Giai đoạn những năm 1980 – 1990 tham gia chương trình xây dựng cơ sở khoa học cho phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên (chương trình Tây Nguyên II) và “Đánh giá tác động môi trường công trình xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình; Giai đoạn 1990 – 2000 Viện thực hiện nhiều nhiệm vụ trong chương trình biển Đông hải đảo với các công trình nghiên cứu từ bãi bồi cửa sông ven biển đến các đảo ven bờ và đảo Trường Sa. Công trình “Nghiên cứu hệ sinh thái đặc trưng vùng núi cao Fanxifang” đã thực hiện thành công năm 1995 – 1996. Từ những năm 2000 đến nay, nhiều công trình nghiên cứu của Viện Địa lý góp phần phòng tránh thiên tai, lũ lụt, sa mạc hoá, biến đổi khí hậu… Đồng thời nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên biển đảo, phục vụ quy hoạch hành lang tuyến đường Hồ Chí Minh và hành lang kinh tế Đông – Tây. Bằng các công nghệ viễn thám và GIS, Viện đã và đang triển khai các nghiên cứu xác định ranh giới thềm lục địa bảo vệ chủ quyền quốc gia và kiểm soát ô nhiễm dầu trên biển. Ngoài ra, hàng trăm đề tài nghiên cứu phục vụ cho các địa phương trên cả nước. Các kết quả nghiên cứu của Viện Địa lý đã công bố hơn 600 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, đã xuất bản hàng chục sách chuyên khảo và giáo trình đào tạo đại học, sau đại học. Với các đóng góp của Viện Địa lý trong phát triển kinh tế xã hội đất nước, Viện đã được tặng huân chương lao động hạng nhì, hạng nhất của Chủ tịch nước và bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Công trình “Atlat quốc gia Việt Nam” được nhận giải thưởng khoa học cao quý Hồ Chí Minh có 28 cán bộ của Viện là đồng tác giả, nhiều giải thưởng khoa học trong nước và quốc tế đã tặng cho nhiều công trình của Viện. Từ một Viện được đào tạo và hợp tác nghiên cứu trong khuôn khổ hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây, đến nay Viện đã có hợp tác nghiên cứu trao đổi khoa học và đào tạo với gần 20 nước 7 trên thế giới. Bởi vậy một môi trường giao thoa, tích hợp trong phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu đang được phát triển. Viện Địa lý chủ trương hiện đại hoá và định lượng hoá nghiên cứu địa lý. Bởi vậy, ngoài các phòng Địa lý chuyên ngành còn có phòng Công nghệ viễn thám và GIS, phòng Phân tích thí nghiệm hoá lý và 2 trạm quan trắc tổng hợp ven biển với lực lượng gần 30 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, phó giáo sư, trên 25 thạc sĩ và trên 80 cử nhân Viện Địa lý có năng lực giải quyết những vấn đề tổng hợp, liên ngành. Đã 15 năm qua, Viện Địa lý đã trở thành một cơ sở đào tạo Tiến sĩ địa lý có uy tín, chất lượng liên kết cùng các trường đại học trên cả nước. Hội Địa lý Việt Nam được thành lập từ tháng 11 năm 1988 luôn coi Viện Địa lý là Hội thành viên trung tâm. Hội Địa lý Việt Nam và Viện Địa lý đã phối hợp tổ chức 5 Hội nghị Địa lý toàn quốc thể hiện sự lớn mạnh của Địa lý Việt Nam. Song những cơ hội và thách thức đang xuất hiện đối với Địa lý Việt Nam trên đường phát triển IV. Cơ hội và thách thức của Địa lý Việt Nam trong nửa đầu thế kỳ 21 Địa lý Việt Nam qua tóm lược lịch sử đã có một bước tiến dài trong nửa cuối của thế kỳ 20. Cùng với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành độc lập chủ quyền đất nước, khoa học địa lý đã nhanh chóng bứt phá khỏi địa lý cổ điển, hội nhập với địa lý hiện đại; đồng thời từ một nền khoa học địa lý lệ thuộc (chủ yếu do các nhà địa lý nước ngoài thực hiện) đến một nền khoa học địa lý tự chủ, có sắc thái riêng phục vụ đất nước phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra các công trình địa lý đồ sộ như “Atlat quốc gia Việt Nam”, “Thiên nhiên Việt Nam”, “Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lý”, “Địa lý tự nhiên Việt Nam”,… của các nhà địa lý Việt Nam sẽ mãi mãi đóng góp vào bản sắc văn hoá Việt Nam. Dưới góc độ văn hoá, các công trình địa lý đã “vẽ được những đường nét của văn hoá Việt Nam ở các vùng miền khác nhau và chỉ ra được sự vận động của văn hoá trong không gian” [8]. Với lực lượng hàng chục ngàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ địa lý trong các cơ quan đào tạo và nghiên cứu địa lý, cơ quan quản lý nhà nước ở khắp mọi miền đất nước là một thuận lợi lớn của khoa học địa lý Việt Nam. Sau một thập niên đầu của thế kỷ 21, cho thấy địa lý Việt Nam đang có nhiều cơ hội và thách thức lớn lao qua tham chiếu lịch sử phát triển cũng như nội lực, ngoại lực của khoa học địa lý nước nhà. 1- Những cơ hội của địa lý Việt Nam - Mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2020, nhà nước chú trọng phát triển khoa học công nghệ coi là nền tảng và động lực cho sự phát triển[1]. Trong đó khoa học địa lý có vai trò hết sức tích cực. Quá trình công nghiệp hoá đi đôi với đô thị hoá và gắn liền với khai thác tài nguyên môi trường. Quá trình đó làm chuyển dịch toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội và cả hệ thống tự nhiên hết sức phức tạp. Chỉ có thể trên quan điểm địa lý tổng hợp nghiên cứu những luận cứ khoa học phục vụ chiến lược phát triển bền vững đất nước[6]. Sự quan tâm của nhà nước và xã hội đối với những vấn đề địa lý – môi trường đang là một cơ hội lớn. - Nước ta có một vùng biển và hải đảo lớn gấp 2 lần đất liền với một dải bờ biển dài trên 3200km đang được đánh thức để trở thành Quốc gia biển. khoa học địa lý là khoa học không gian và lãnh thổ [5]. Bởi vậy nghiên cứu khai thác hợp lý tài nguyên và quản lý bền vững biển đảo là trách nhiệm và cũng là cơ hội của địa lý Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 21. - Chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong đó có mục tiêu thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ với thế giới [1]. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, khoa học địa lý có cơ hội tiếp thu trao đổi những tri thức địa lý với toàn thế giới. Các hợp tác quốc tế về đào tạo, trao đổi khoa học và nghiên cứu địa lý trong mười năm qua của các nhà địa lý Việt Nam đã thể hiện điều đó. Sự hợp tác ngày càng sâu rộng trong khu vực và ngoài khu vực, cả trong các tổ chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ. 8 - Cơ hội đến từ bên ngoài cho thấy làn sóng toàn cầu hoá tiếp tục diễn ra nhanh, lan rộng tới nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) không chỉ làm gia tăng các dòng thương mại, tài chính mà còn đưa các tiến bộ công nghệ tạo điều kiện thuận lợi trao đổi các ý tưởng và phát triển khoa học[1]. Thời gian để thăm dò thám hiểm tài nguyên môi trường địa lý được rút ngắn tối thiểu. Công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin, khoa học tính toán… đã thúc đẩy sử dụng hiệu quả hệ thông tin địa lý GIS, giải những bài toán phức tạp về thiên nhiên môi trường. Cuối cùng vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với địa lý Việt Nam là những biến đổi toàn cầu về thiên nhiên môi trường như biến đổi khí hậu, sa mạc hoá, hoạt hoá núi lửa, động đất, sóng thần, nước biển dâng, bão, lũ… đang đưa toàn thế giới xích lại gần nhau hơn để bảo vệ “ngôi nhà chung – Trái Đất”[4]. Địa lý Việt Nam đã và đang được tham gia phối hợp quốc tế vì mục tiêu cao cả này. 2- Những thách thức của địa lý Việt Nam: Địa lý Việt Nam đang có những thách thức từ trong nội tại khoa học như nền tảng phương pháp luận đến thực hành, từ năng lực con người và trang thiết bị đến các thách thức toàn cầu và trong nước. Dưới đây là những thách thức cơ bản: - Địa lý Việt Nam hiện có một lực lượng đông song năng lực còn hạn chế và chưa có những cánh chim đầu đàn thay thế lớp các nhà địa lý già đã ngừng hoạt động do sự hẫng hụt thế hệ kế tục do lịch sử để lại. - Trong một thời gian dài, địa lý Việt Nam phát triển chia nhỏ theo khuynh hướng địa lý bộ phận (dễ làm, dễ thuyết minh) bởi vậy địa lý tổng hợp kém phát triển, địa lý kinh tế xã hội còn ít được quan tâm. Đầu thế kỷ 21 những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và toàn cầu là hướng phát triển bền vững[6]. Do vậy cần đứng trên quan điểm địa lý tổng hợp và địa lý kinh tế xã hội nhân văn. Từ các trường phái địa lý trên thế giới, khoa học địa lý Việt Nam cần lựa chọn trường phái hợp lý với đất nước, “hợp lý” trong đa dạng. Có vậy mới tập hợp được lực lượng và hội tụ được năng lực để tiến hành các công trình lớn tầm cỡ vùng miền, quốc gia và khu vực. - Thách thức lớn nhất của địa lý Việt Nam là cơ sở vật chất, tạo ra năng lực sáng tạo trước những biến cố lớn của thế giới và những nhiệm vụ lớn của đất nước. Định lượng hoá trong nghiên cứu địa lý là nhiệm vụ tất yếu. Song mức độ chính xác đòi hỏi ngày càng cao để có thể cảnh báo, dự báo thiên tai và tổ chức lãnh thổ phát triển kinh tế. Địa lý Việt Nam cần được trang bị các công cụ hiện đại, phòng thí nghiệm và trạm trại nghiên cứu để giải quyết các bài toán về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, sức ép gia tăng dân số, suy thoái tài nguyên môi trường, thiên tai sa mạc hoá …Khoa học địa lý Việt Nam không thể tiến ra biển, nghiên cứu phục vụ đất nước nếu không được đầu tư thích đáng. (cũng như ngư dân cần phải có tàu lớn để đánh bắt xa bờ, bảo vệ nguồn lợi ven bờ). Những cơ hội và thách thức trên đặt ra cho khoa học địa lý Việt Nam cần phải xem xét lại các luận điểm và phương pháp tiếp cận vấn đề để có sự thống nhất trong đa dạng. Đồng thời để tập hợp lực lượng, tìm kiếm giải pháp vượt qua thử thách phục vụ đất nước hiệu quả hơn. Từ tham chiếu lịch sử cho thấy thế kỷ 21 là thế kỷ của địa lý học Việt Nam với các công trình lớn đang hứa hẹn phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. KẾT LUẬN Lịch sử phát triển khoa học địa lý thế giới và địa lý Việt Nam có sự tương đồng từ sự ra đời sớm địa lý cổ điển đến địa lý hiện đại tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến. Đồng thời trong quá trình lịch sử khoa học địa lý có những bước thăng trầm, thử thách. Khoa học địa lý Việt Nam mới thực sự phát triển trở thành khoa học hiện đại từ nửa cuối của thế kỷ 20. Những thành tựu của khoa học địa lý Việt Nam là rất đáng ghi nhận song còn chậm so với thế giới và so với một số 9 ngành khoa học khác của đất nước. Bước vào thế kỷ 21, nhiều biến động về tự nhiên và kinh tế xã hội mang tính toàn cầu. Đồng thời trước nhu cầu phát triển của đất nước khoa học địa lý đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Địa lý Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vượt qua các thách thức trong thế kỷ 21 để vươn tới các thành tựu mới đóng góp cho khoa học và xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Tài liệu tham khảo 1. Bộ Khoa học và Công nghệ “Khoa học và công nghệ thế giới” Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hà Nội (2009) 2. Nguyễn Trần Cầu “Tóm tắt sự phát triển của khoa học địa lý ở Việt Nam” Tài liệu lưu trữ Viện Địa lý (2001) 3. Nguyễn Văn Chiển “Khoa học trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI” NXB từ điển bách khoa, Hà Nội (2006) 4. David C.Korfen “Bước vào thế kỷ XXI – Hành động tự nguyện và chương trình nghị sự toàn cầu” NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội (1996) 5. Vũ Tự Lập “Sự phát triển của khoa học địa lý trong thế kỷ 20” NXB Giáo dục Hà Nội (2004) 6. Thaddeus C.Trzyna “Thế giới bền vững – Định nghĩa và trắc lượng phát triển bền vững” Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Hà Nội (2001) 7. “Từ điển bách khoa Việt Nam – tập 2, tập 3” NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội (2002, 2003) 8. Trần Quốc Vượng “Việt Nam – Cái nhìn địa văn hóa” NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội (1998) Tóm tắt Bài báo trình bày tóm lược các giai đoạn phát triển của khoa học địa lý Thế giới và khoa học địa Việt Nam. Trong đó, nêu lên những thành tựu cơ bản với những tác phẩm, tác giả điển hình trong mỗi giai đoạn. Trên cơ sở tham chiếu lịch sử và thực trạng biến đổi toàn cầu cũng như nhu cầu phát triển của Việt Nam đã tạo ra những cơ hội và thách thức của địa lý Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 21. Abstract GEOGRAPHICAL SCIENCES OF VIETNAM - OPPORTUNITIES AND CHALLENGES IN THE FIRST HALF OF THE 21st CENTURY Nguyen Đinh Ky, Nguyen Tran Cau Institute of Geography, 18 Hoang Quac Viet street, Cau Giay District, Ha Noi city Email: dinhkyvdl@gmail.com This paper presents a summary of the development period of geographical sciences in the world and Vietnam. In particular, the main achievements were highlighted along with the typical authors and their works in each period. Based on historical references and changing global situation as well as development needs of Vietnam has created opportunities and challenges of Geographical Sciences of Vietnam in the first half 21st century. 10 . với Địa lý Việt Nam trên đường phát triển IV. Cơ hội và thách thức của Địa lý Việt Nam trong nửa đầu thế kỳ 21 Địa lý Việt Nam qua tóm lược lịch sử đã có một bước tiến dài trong nửa cuối của thế. Địa lý là Hội thành viên trung tâm. Hội Địa lý Việt Nam và Viện Địa lý đã phối hợp tổ chức 5 Hội nghị Địa lý toàn quốc thể hiện sự lớn mạnh của Địa lý Việt Nam. Song những cơ hội và thách thức. ĐỊA LÝ VIỆT NAM – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TRONG NỬA ĐẦU THẾ KỶ 21 Nguyễn Đình Kỳ, Nguyễn Trần Cầu Viện Địa lý, 18 - Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội Email: dinhkyvdl@gmail.com