ĐẠO ĐỨC VĂN HÓA – KHỞI THỦY CỦA NGOẠI GIAO VĂN HÓA Thái Kim Lan Đặt vấn đề đạo đức văn hoá – mà đó chính là hòa bình – như là nền tảng của ngoại giao văn hóa có nghĩa trở lại kết luận cho rằng: “Mỗi người là sứ giả của văn hóa mình!”(1) với điều kiện người ấy được hưởng trọn vẹn một nền giáo dục đạo đức văn hoá sáng tạo và nhân bản trước ngưỡng cửa toàn cầu. Từ đó con người văn hóa là điều kiện không thể thiếu, hay nói cách khác là khởi thủy của ngoại giao văn hóa. Khuông Việt Thiền sư làm thơ “Vương Lang qui từ” tiễn sứ giả nhà Tống nói lên ý chí tự cường của Đại Việt trong buổi đầu dựng nước đem đến sự kính trọng của cường bang. Đó là văn bản ngoại giao sớm nhất trong lịch sử bang giao Việt – Trung, trong đó yếu tố văn hóa được sử dụng nổi bật như một “viên ngọc” văn chương sáng rỡ của gia tài văn học Việt Nam. Willy Brandt phủ phục trước đài kỷ niệm nạn nhân Đức quốc xã tại Warschau trong cuộc viếng thăm ngoại giao nước Balan năm 1970, đã làm cho chính dân chúng Đức và cả thế giới xúc động. Giây phút tâm linh ấy đã là giây phút mặc niệm sâu xa nhất – không chỉ riêng cho W. Brandt mà cả toàn thế giới - về hậu quả của chiến tranh, một hành động sám hối tội ác của thế hệ đi trước và cầu nguyện cương quyết tái lập hoà bình như là hướng đi tương lai cho thế hệ mai sau. Thông điệp ngoại giao văn hoá ấy không hoành tráng, nó chỉ là phút chốc cái khuỵu gối, nhưng là phút chốc có giá trị của cả gia tài văn hoá trước sau của một dân tộc: Cái quì gối đã trở nên biểu tượng phẩm chất về “văn hoá ngoại giao”. Pháp Thuận Thiền sư cải trang làm lái đò tiễn sứ giả Trung Quốc Lý Giác về nước, ứng khẩu đối đáp thơ với sứ giả đã làm cho Lý Giác khâm phục văn tài nước Nam. Bill Clinton dẫn thơ Nguyễn Du đã làm cho bầu không khí ngoại giao giữa hai nước cựu thù trở nên thân thiện. Sự truy nhận văn hoá nước người bày tỏ ý hướng chung sống hoà bình, và chung sống hoà bình chính là mục tiêu văn hoá. Và không phải là ví dụ cuối cùng, vị vua anh hùng Trần Nhân Tông tiến sứ giả Trung Quốc Trương Lập Đạo sau hai lần đại thắng quân Nguyên bằng “Đầy mâm bánh cuốn như hồng ngọc, Phong tục từ xưa của nước Nam”. Mời người trước kia là địch thủ nay là sứ giả hoà bình nếm món bánh cuốn của trời Nam, để biết ăn chơi không chỉ cao lương mỹ vị, mà còn là sự tinh tế tài hoa của người biết nấu và người biết ăn theo phong tục nước Nam. Ý nhị là lời nhắn nhủ, tôn trọng khác biệt văn hoá là điều kiện chung sống hoà bình. Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi kế thừa truyền thống tự chủ nhà Trần, trả lời câu đối, làm thơ để tỏ rõ quan điểm minh triết Đông phương về nhân cách quân tử - tiểu nhân, cùng với tài ứng biến cực kỳ tài hoa và trí tuệ đã gây sự kính nể nhân tài nước Việt trong mắt kẻ đối tác quyền uy nhất thiên hạ thời bấy giờ. Ngoại giao văn hóa có trách nhiệm đòi truy nhận sự bình đẳng trong phẩm chất văn hóa. Thành công ngoại giao của W. Brandt, Clinton, Pháp Thuận, Khuông Việt, Trần Nhân Tông, Mạc Đĩnh Chi không chỉ nằm ở “nước sơn” “ngoại giao” mà chính là ở chất “tốt gỗ” của văn hóa. Ở đây chính chất gỗ văn hóa đã làm cho hành động ngoại giao đạt đến sức thuyết phục mạnh mẽ nhất, khi ngoại giao không còn là “diplomatie” theo nghĩa “làm mặt” khéo léo lịch sự bên ngoài, hay nghệ thuật xã giao hời hợt đón tiếp nhằm đạt lợi riêng, cổ súy ưu thế cho một nhóm hay hoa mỹ xiểm nịnh lấy lòng một tập đoàn. Sức thuyết phục ấy có được chính là khi ngoại giao trở nên thực chất văn hoá toả ra từ bên trong của một dân tộc qua hành trạng của người mang thông điệp quốc gia. Thực chất văn hoá ấy mang chiều dày của cả lịch sử quốc gia. Hơn thế nữa, thực chất văn hoá chính là hồn nước, hay cũng chính là lương tri của cả dân tộc mà người đại diện mang ra cống hiến ở nước ngoài, như một biểu hiện nhân cách gấp đôi: vừa là nhân diện cá nhân đồng thời là của tập thể trong sự thể hiện hợp nhất giữa chủ thể làm ngoại giao và văn hoá đất nước mà Chính chủ có thể chuyển đạt ra nước ngoài. Định nghĩa ngoại giao văn hóa của một nước như thế là định nghĩa hay xác định lại văn hoá của nước ấy trong vai trò “làm mềm” mọi mâu thuẫn gay gắt mà một quốc gia phải gánh chịu trong điều kiện thời gian và không gian đa chiều kích: ý thức hiện tại trong phản tỉnh quá khứ và viễn tưởng tương lai. Chính tính vừa đa dạng, vừa đặc thù của khái niệm văn hoá làm cho ngoại giao văn hoá không chỉ là “kỹ thuật” ngoại giao của một ngoại giao đoàn với số lượng những qui ước quốc tế cần phải thi hành trong việc bang giao quốc tế. Cũng không chỉ là bổn phận của một tuỳ viên văn hoá trong bộ ngoại giao cần chuyển tải càng nhiều càng tốt những biến cố “events” văn hoá từ quốc nội ra nước ngoài. Văn hoá vượt lên trên mọi “số lượng”, đòi hỏi phẩm chất. Trong ý nghĩa ấy, ngoại giao văn hoá không thể chỉ là một công cụ cho chính trị ngoại giao. Công cụ hoá văn hoá cho chính trị có nguy cơ làm cho văn hoá chỉ trở nên những hình nộm không hồn, đem đến nguy cơ mài nhẵn bản sắc dân tộc thành một thứ nước sơn giả tạo. Hậu quả có thể đem đến những tác dụng ngược như lai căng, mất gốc, lệ thuộc văn hóa. Nhìn trên phương diện hành động, ngoại giao văn hóa bao gồm hai chiều kích: Thứ nhất, công tác ngoại giao có bổn phận chuyển tải hình ảnh của một quốc gia trên mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá ra nước ngoài, mục đích là làm tốt hơn những quan hệ với các quốc gia khác cũng như dân chúng của các nước ấy. Thứ hai, hậu quả phụ của công tác này – “phụ” vì không nằm trong mục đích ngoại giao - tuy bên lề nhưng lại rất quan trọng: quá trình thực hiện ngoại giao văn hóa giúp cho chính quốc gia chủ thể (cá nhân và tập thể) có cơ hội sống động tự phản tỉnh để biết mình là ai, đang mặc áo gì, đang ở trong ngôi nhà nào, đang suy tư, ăn uống ra sao. Chính quá trình tự tri có tính phản tỉnh trả lui về “nước của sứ giả” lại tạo nên sức tác dụng lâu dài về sự nhận diện bản lai nhất thể của con người quốc nội. Như thế ngoại giao văn hóa đồng thời là sự phản tỉnh nội giao về chính căn cước văn hóa của một người hay cả một dân tộc. Có thể lấy ví dụ nước Đức và Nhật Bản sau thế chiến thứ II. Sau cuộc đại bại toàn diện, nước Đức đứng trước một thách đố phải từ bỏ những gánh nặng phá sản của chủ nghĩa đế quốc văn hóa mà vương triều và chủ nghĩa quốc xã để lại, đồng thời nỗ lực suy tư về quá khứ, truyền thống cũng như điều kiện chia đôi đất nước tạo bước tiến trong tương lai. Trong bối cảnh ấy, ngoại giao văn hóa đã đóng một vai trò quan trọng thay thế những thương lượng bó buộc gắt gao về quân sự trong việc đại diện ra nước ngoài: ngoại giao văn hóa có bổn phận tìm lại mối quan hệ của người Đức trong trật tự quốc tế và liên quốc gia. Đồng thời mỗi hình thức đại diện cho trong và ngoài nước đều được quan sát tại quốc nội. Định hướng quan hệ ngoại giao trên trường quốc tế bấy giờ thoát thai ngay trong tiến trình tự chỉnh đốn lại diện mạo, đánh giá mới về giá trị suy tưởng hay sử dụng lại truyền thống hoà bình của nước Đức. Vai trò thực sự của văn hóa trong ngoại giao tạo điều kiện khả thể chung sống hoà bình với thế giới, nhưng đồng thời nền hoà bình ấy đã tạo nên một truyền thống văn hoá mới cho chính nước Đức. Chính người Đức đã hưởng thụ một nền văn hóa hòa bình luôn luôn được phản tỉnh công khai từ công tác ngoại giao và ngược lại công tác ngoại giao nhận được nội dung văn hóa quốc nội để phổ biến ra nước ngoài. Một mạng lưới ngoại giao văn hóa xã hội được hình thành, ngoài tính cách đại diện pháp lý quốc gia: Những trung tâm ngôn ngữ văn hóa, hội đoàn giao lưu, quỹ bảo trợ văn hóa, các tổ chức văn hóa quốc tế, sáng kiến tư nhân thâm nhập trên mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa. Có thể nói, song song với những nỗ lực phát triển đất nước khác, ngoại giao văn hóa Đức đã góp phần làm cho thương hiệu “made in Germany” chiếm lĩnh “thế lực mềm” đầy uy tín và đã đem lại thắng lợi chính trị không nhỏ như ngày hôm nay. Cũng thế trường hợp Nhật Bản, sự giải giáp quân sự đã tạo cho Nhật Bản không hành động gì khác hơn là triển khai sáng tạo văn hóa trong hòa bình trên tất cả các lãnh vực từ kỹ nghệ điện tử, xe hơi, mỹ thuật, tư tưởng, văn chương, tôn giáo…Thông điệp ngoại giao của Nhật là hình ảnh một nước Nhật hòa bình đầy tính nhân bản sâu xa đến từ sáng tạo và khéo léo mỹ thuật của nền văn hóa đại chúng. Thương hiệu “made in Japan” có ai trên thế giới mà không để mắt ghé qua và khó lòng từ chối? Mặc dù chính sự thành công này đã gây lại khuynh hướng “chủ nghĩa quốc gia” đầy phản cảm, nhưng Nhật Bản ý thức rõ uy tín của nó đi từ văn hóa đại chúng, mặc dù chủ trương trở lại thế lực quân sự đang là thời sự. Việt Nam đã được thế giới biết đến trong cuộc chiến giành độc lập, giải phóng thuộc địa đầy cam go. Một Việt Nam chiến tranh đã gây dấu ấn lên lương tri của nhân loại. Một Việt Nam bị chiến tranh tàn phá vẫn còn mang thương tích khắp nơi. Cuộc chiến chống lại nghèo đói đang dần bước tiến lên nhờ sự đổi mới chính sách kinh tế. Ngày nay Việt Nam đã tạo một vị thế chính trị được quốc tế truy nhận. Một khoảng thời gian dài lãnh vực văn hóa chưa được đặt ra đúng mức song song với xu thế và phong trào hội nhập toàn cầu. Những hiện tượng văn hóa gần đây cho thấy phần nổi của một thứ văn hóa bung ra từ ngõ sau mà không đi từ ý thức sâu xa về văn hóa như là bản sắc và bản lĩnh dân tộc. Những hiện tượng hoành tráng được mệnh danh là văn hoá như thi hoa hậu, thi sắc đẹp đủ mọi cách không thể che dấu tỷ lệ mất cân bằng của hình ảnh Việt Nam trên thế giới khi so với thực trạng mua bán phụ nữ ra nước ngoài, hiện tượng gái điếm, bệnh tật, ô nhiễm môi sinh… Trong thực chất, ‘thi” hay “bán” nếu lạm dụng đều cùng biểu hiện tình trạng suy đồi của văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay không có một quốc gia riêng lẻ nào được xem hay tự cho là siêu cường, ngược lại sự tin tưởng vào công tác và truy nhận trang trọng các nền văn hóa khác biệt hầu tránh khỏi những tranh chấp quốc gia đang đứng trước những thử thách toàn cầu: nghèo đói, bất ổn kinh tế, thương mại, sức khoẻ, kỹ thuật, bảo vệ môi sinh và tranh chấp chính trị. Văn hóa có thể là chìa khoá cho giải đáp những vấn nạn trên, bởi vì văn hóa tạo nên cơ sở nhận diện sức mạnh tồn sinh của dân tộc trong thế giới, song hành cùng những dân tộc khác. Văn hóa chính là cái cầu nối sự cộng tác với các dân tộc khác, với truyền thống giá trị và phát triển lịch sử. Chỉ khi nào ta truy nhận sự khác biệt, chúng ta học được làm thế nào cho mọi cộng tác tốt đẹp hơn hầu giải quyết những vấn nạn chung. Triết lý của ngoại giao văn hóa dựa trên nguyên tắc chung sống hoà bình. Triển khai ngoại giao văn hóa có nghĩa triển khai sự thông cảm hiểu biết lẫn nhau, tạo nên niềm tin và đối thoại để xây dựng cộng sự giữa người và người, giữa các quốc gia. Thâu tập, trao đổi kinh nghiệm, tri thức chuyên môn để tránh những hiểu lầm giữa những người chung sống trên địa phương, vùng, quốc gia, quốc tế, hầu tiến đến thông cảm và cộng tác. Genscher, một trong những nhà ngoại giao thành công của nước Đức cho rằng “chính trị cần văn hóa, bởi vì chính trị chỉ tìm thấy chính nó khi nó tự nhận ra chính mình là tiếng nói của văn hóa” (1989). Quan điểm của ông lại càng rõ hơn: “văn hóa là điều kiện không thể thiếu (condition sine qua non) tạo nên bản lai căn cước của chính trị”. Thực chất văn hóa ấy rốt cuộc là cái hồn dân tộc, hay là lương tri, đạo lý của cả một dân tộc. Bởi vì văn hóa cao nhất của con người giữa loài người chính là vẻ đẹp đạo đức của mỗi cá nhân bộc phát từ sự chiêm nghiệm thành tâm về diện mục quốc gia trong quá trình hình thành trình tự dân tộc, hòa nhịp cùng và theo kịp với lân bang, với toàn hoàn vũ trong mục đích cao nhất là chung sống hoà bình, người người trong ngoài hòa hợp hạnh phúc. Đặt vấn đề đạo đức văn hóa – mà đó chính là hoà bình – như là nền tảng của ngoại giao văn hóa có nghĩa trở lại kết luận cho rằng: “Mỗi người là sứ giả của văn hoá mình!” với điều kiện người ấy được hưởng trọn vẹn một nền giáo dục đạo đức văn hóa sáng tạo và nhân bản trước ngưỡng cửa toàn cầu. Từ đó con người văn hóa là điều kiện không thể thiếu, hay nói cách khác là khởi thủy của ngoại giao văn hóa. . ĐẠO ĐỨC VĂN HÓA – KHỞI THỦY CỦA NGOẠI GIAO VĂN HÓA Thái Kim Lan Đặt vấn đề đạo đức văn hoá – mà đó chính là hòa bình – như là nền tảng của ngoại giao văn hóa có nghĩa trở. hạnh phúc. Đặt vấn đề đạo đức văn hóa – mà đó chính là hoà bình – như là nền tảng của ngoại giao văn hóa có nghĩa trở lại kết luận cho rằng: “Mỗi người là sứ giả của văn hoá mình!” với điều. giáo dục đạo đức văn hóa sáng tạo và nhân bản trước ngưỡng cửa toàn cầu. Từ đó con người văn hóa là điều kiện không thể thiếu, hay nói cách khác là khởi thủy của ngoại giao văn hóa.