Trong bài lược khảo này, người viết trước tiên chú ý đến những câu Tục ngữ, Ca dao giúp nhà nông làm ruộng vì nước ta từ hồi lập quốc vốn là một nước nông nghiệp.. Mặt trời rọi ánh nắng
Trang 1
ĐÔI DÒNG VỀ TỤC NGỮ CA DAO
Một nhà biên khảo gọi Tục ngữ, Ca dao là Kinh Thi Việt Nam
Với chúng ta,Tục ngữ và Ca dao là kho tàng kiến thức của tiền nhân ta chung góp lại, truyền miệng từ một người sang nhiều người, nhiều nhóm người, qua nhiều thời đại cho đến nay Vì vậy Tục ngữ, Ca dao không chỉ rõ tác giả hay tác giả là tòan thể dân tộc
Giáo sư Dương quảng Hàm trong Việt Nam Văn học sử yếu định nghĩa Tục ngữ như sau: “Tục: thói quen đã có lâu đời; ngữ: lời nói.” Tục ngữ là những câu nói gọn ghẽ và có ý nghĩa lưu hành tự đời xưa, rồi do cửa miệng người đời truyền đi Tục ngữ còn gọi là ngạn ngữ vì chữ ngạn nghĩa là lời nói của người xưa truyền lại.”
Giáo sư Dương quảng Hàm cũng chia tục ngữ ra làm hai lọai:
1- Những câu vốn là tục ngữ, tức những câu nói thường do một người phát ra trước tiên rồi vì nó xác đáng, nó gọn ghẽ, người khác nghe đến nhớ ngay cứ thế nhắc lại mà truyền đến bây giờ
2- Những câu vốn là thơ ca Thí dụ:Thương người như thể thương thân, vốn là một câu trong Gia Huấn ca của Nguyễn Trãi.(hết trích)
Trong bài lược khảo này, người viết trước tiên chú ý đến những câu Tục ngữ, Ca dao giúp nhà nông làm ruộng vì nước ta từ hồi lập quốc vốn là một nước nông nghiệp
Nền nông nghiệp còn phôi thai nên trông cậy vào thời tiết rất nhiều: Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa
Dưa gang, dưa hồng, dưa hấu, dưa chuột (leo) chỉ cần một lượng nước vừa phải, nước nhiều sẽ làm thối rễ Trái lại, lúa thì càng nhiều nước càng tốt
Muốn cho lúa tốt, thu họach khá, ông bà ta dạy con cháu:
Ăn kĩ no lâu
Cày sâu tốt lúa
Trang 2Khi xưa, một năm cấy được hai vụ lúa, vụ chiêm tháng 5 và vụ mùa tháng 10 Sau vụ mùa, muốn cho ruộng lấy lại mầu mỡ như trước, ngòai phân bón, nông dân phải cày vỡ xong xếp những tảng đất ấy lên như ta xếp gạch, hòn nọ chồng trên hòn kia, cao khỏang 80-100cm, kéo dài suốt chiều dọc hay chiều ngang của ruộng, gọi là xếp ải Mặt trời rọi ánh nắng mùa Đông qua những chồng ải và gió heo may thổi làm đất khô đi, mềm tơi ra lấy lại những chất mầu mỡ nhất là khi ải gặp nước liền tan ra dễ dàng vì đất trở nên xốp, cây lúa gặp đất này là bắt rễ nhanh chóng, phát triển mau lẹ Nếu không xếp ải, đất bị chai, quánh, cứng như đá cây lúa khó lòng bắt rể và nẩy
nở được
Ải đã phơi kĩ, đủ nắng nhưng khi đổ ải không nhiều nước thì cũng không tốt:
Ải thâm không bằng dầm ngấu
Việc chọn giống thóc tốt rất ảnh hưởng đến cây lúa sau này:
Tốt giống, tốt mạ
Tốt mạ, tốt lúa
Nhà nông phải biết những nguyên nhân làm cây lúa không phát triển, như mùa Đông thì heo may se lạnh quá lúa co cụm lại, mùa Hè thì ruộng thường thiếu nước:
Đông chết se
Hè chết nước
Làm ruộng phải đúng thời tiết mới mong có kết quả tốt Làm trái thời tiết dễ thất bại:
Bươn chải không bằng phải thì
Có nhiều người cứ nghĩ mỗi cụm lúa là một lượm lúa nên cố cấy dày Cấy dày quá cây lúa chen chúc không đủ đất ăn sẽ không cho thóc: Cấy thưa thừa thóc
Cấy dày cóc được ăn
Cấy thưa hơn bừa kĩ
Trang 3Thừa mạ thì bán, chớ có cấy dày ăn rơm.
Theo kinh nghiệm, người thợ cấy biết phải đặt cây lúa cách khỏang bao nhiêu, thí dụ hai gang tay một cây thì cứ con mắt họ nhìn cũng y khỏang cách, không sai biệt bao nhiêu
Vụ lúa mùa, phải cấy sâu cây lúa mới vững Còn vụ chiêm, vì đã xếp ải lại nhiều nước, cấy nông hơn cây lúa cũng dễ bắt rễ
Tháng sáu thì cấy cho sâu
Tháng chạp cấy nhảy mau mau mà về
Khi cây lúa đã cấy xong rồi, có hai việc cần làm thường xuyên để săn sóc ruộng lúa là cào cỏ và tát nước Ruộng không thể để khô, nếu thấy ruộng kém nước là phải tát nước vào Cây lúa mọc lên thì cỏ cũng cứ thế mọc theo, tranh đất với lúa Lúc này các cô thôn nữ phải cầm mỗi người một cái cào ra ruộng, đi từng luống cào cho cỏ bật gốc và cỏ sẽ chềt Những dúm
cỏ đó, các cô dùng chân đạp dúi sâu xuống bùn, cỏ thối ra lại thành phân bón lúa
Nắm cỏ, giỏ thóc
Làm nghề nông ở xứ ta dựa vào thời tiết rất nhiều Nếu không đóan được thời tiết nhiều khi hư hỏng cả vụ lúa đã đến lúc được ăn:
Xanh nhà hơn già đồng
nghĩa là thà gặt non một chút còn hơn để ở ngòai đồng lỡ mưa gió giông bão đến lúc đó không kịp gặt thì gần như mất trắng
Lúa gặt về sân rồi, phải qua nhiều công đọan mới thành ra những thúng thóc Ngày mùa, mưa gió là đại họa cho nông dân:
Cơn mưa đằng đông vừa trông vừa chạy
Cơn mưa đằng tây mưa dây bão giật
Cơn mưa đằng nam vừa làm vừa chơi
Cơn mưa đằng bắc đổ thóc ra phơi
Thời khóa biểu phải sắp cho đâu vào đó:
Trang 4Nắng sớm thì trồng cà
Mưa sớm ở nhà phơi thóc
Mưa sớm tức lúc còn đêm thì sáng sẽ tạnh, sẽ có mặt trời, ở nhà đe, thóc
ra phơi
Nửa đêm thấy hiện tượng trên trời thì cũng đóan được ngày hôm sau ra sao:
Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa
Nhưng cũng đừng chểnh mảng với công việc, hãy chuẩn bị khi trời lại đẹp trở lại:
Mưa chẳng qua ngọ, gió chẳng qua mùi
Ngọ là giữa trưa, Mùi là sau đó một giờ
Khi xưa, tiền nhân chúng ta chỉ dùng âm lịch như người Hoa nên mặt trăng lấy làm căn cứ và rất quan trọng trong cách tính này Người nông dân cứ theo câu ca sau đây mà biết hình dáng mặt trăng lớn nhỏ sẽ như thế nào, bởi nhiều ngày mùa hè, tối vẫn còn phải làm khi có ánh trăng soi sáng: Mồng một không trăng
Mồng hai lá lúa (rất nhỏ)
Mồng ba câu liêm
Mồng bốn lưỡi liềm
Mồng năm liềm giật
Mồng sáu thật trăng
Mười rằm trăng náu
Mười sáu trăng treo
Mười bảy sảy giường chiếu
Trang 5Mười tám trăng lẹm
Mười chín dụn dịn
Hai mươi giấc tốt
Hăm mốt nửa đêm
Hăm hai bằng tai
Hăm ba bằng đầu
Hăm bốn ở đâu
Hăm lăm ở đấy
Hăm sáu đã vậy
Hăm bảy làm sao
Hăm tám thế nào
Hăm chín thế ấy
Ba mươi không trăng
Người nhà nông thường nhìn trăng mỗi tối để đóan thời tiết cho ngày hôm sau:
Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa
Muốn ăn lúa tháng năm, trông trăng rằm tháng tám
Muốn ăn lúa tháng mười, trông trăng mồng tám tháng tư
Mùa hè, nhìn sao dễ biết nhất, nhìn mây dễ nhận ra trời sẽ nắng hay mưa:
Dày sao thì nắng, vắng sao thì mưa
Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa
Không phải những nhà thiên văn học có thiên lí kính, người nông dân vẫn biết sao to hơn trăng nhiều:
Trang 6Ông trăng một sào, ông sao một mẫu.
Nước mưa từ trời rơi xuống vào đúng lúc cần cho cây lúa thì quan trọng vô cùng:
Mồng tám tháng tư không mưa
Bỏ cả cày bừa mà lấp (vất) lúa đi
Bao giờ cho đến tháng mười
Lúa tốt bời bời nhà đủ người no
Mưa quan trọng bậc nhất vì dẫn thủy nhập điền còn quá thô sơ, máy móc không có, sức người có hạn trong khi cây lúa thiếu nước là chết khô: Mồng chín tháng chín không mưa
Mẹ con bán cả cày bừa mà ăn
Mồng chín tháng chín có mưa
Mẹ con đi sớm về trưa mặc lòng
Phải thì, phải tiết, không gió bão là điều nhà nông mong mỏi:
Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản ai đâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng
Cảnh tượng đầm ấm và yên vui, trời và người cùng hòa một điệu:
Tháng chạp cày vỡ ruộng ra
Tháng giêng làm mạ mưa sa đây đồng
Ai ơi cùng vợ cùng chồng
Trang 7Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Cầu vồng ngũ sắc cũng cho những tin tức về mưa gió Cầu vồng rạp (thấp) khác với cầu vồng cao:
Vồng rạp mưa rào, vồng cao gió táp
Cầu vồng có đọan chân gọi là mống cũng có thể cho tin tức:
Mống dài trời lụt, mống cụt trời mưa
Ngòai cầu vồng và mống, nông dân còn nhìn ráng - do ánh mặt trời rọi vào mây mà thành ra Ráng cũng cho tin tức về thời tiết:
Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa
Ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa
Mỡ gà mầu vàng nhạt, mỡ chó mầu trắng bệch
Mùa hè, mây đen hay trắng thường cuốn lên như cái vòi hay như một cây cột cao ở chân trời Nông dân gọi là vòi rồng đang lấy nước
Rồng đen lấy nước thì nắng
Rồng trắng lấy nước thì mưa
Như trên đã nói, thời tiết luôn luôn là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc trồng tỉa, cấy lúa vì nó nằm ngòai tầm tay của con người: Cau không ưa nước lắm:
Được mùa cau, đau mùa lúa
Nước mưa rót xuống ngọn cau, theo thân cau chảy xuống, ngươi ta bắt vòi bằng một tầu cau để hứng nước mưa vào bể nước, dùng để nấu nướng vì nước giọt cau sạch trong khi nước sông, nước ao chỉ để rửa ráy, giặt giũ Tre ngà trổ hoa, lúa mùa rồi hỏng
Tháng tám mưa trai, tháng hai mưa thóc
Trai đây có lẽ là trai sò dưới sông được dịp sinh sôi
Mùa đông gió bấc từ hướng bắc thổi xuống, khô và se lạnh Mưa phùn, gió bấc hay mưa dầm gió bấc cho biết thời tiết khó chịu Miền Bắc
Trang 8Việt có khi mưa suốt cả tuần Trồng tỉa cũng phải tránh gió bấc:
Bốc mả kiêng ngày trùng tang
Trồng lang kiêng ngày gió bấc
Trùng tang là hai cái tang một lúc Trồng dây lang ngày gió bấc, lang dễ
bị héo bị khô, dễ chết
Cây cỏ cũng cho những điềm báo thời tiết:
Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa
Cỏ gà mầu trắng, điềm nắng đã hết
Cỏ gà là lọai cỏ ăn lan rất mạnh, khi già cho những cái dây đầu nở phình
to như cái đầu con gà, trẻ nhỏ vẫn thường lấy chọi vào nhau xem cỏ anh nào dai Rễ cây si nếu tự nhiên đâm ra trắng thay vì nâu cũng là:
Rễ xi đâm trắng phau phau
Mưa to gió lớn rủ nhau cùng về
Khi nghe những con diều hâu rít lên trên không trung hay thấy kiến cánh bay ra, chuồn chuồn bay nhiều ắt là có thay đổi thời tiết:
Diều hâu rít lưỡi, lạnh giá tới nơi
Kiến cánh vỡ tổ bay ra, bão táp mưa sa gần tới
Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão
Tục ngữ cũng dạy cách trồng cây sao cho hợp lí, như cau chỉ lưa thưa mấy cành lá nhỏ, ít bóng râm, nên trồng ở sân trước vì cần ánh nắng phơi phóng lúa thóc, vải sồi, còn chuối đẻ ra từng bụi, nhiều bóng râm thì nên trồng ở vườn sau:
Chuối đàng sau, cau đàng trước
Nhiều thứ cây phải dùng vồ đập gọi là “khảo” như ăn cướp khảo của khổ chủ, nó mới chịu đâm bông kết trái Mít là lọai này, người ta lấy vồ đập mạnh vào gốc mít ngáy tết Đoan ngọ hay cắt bớt cành để nó “bói” trái Còn chanh thì phải xới đất xung quanh cho xốp nhiên hậu mới nhiều quả
Trang 9Mít chạm cành, chanh chạm rễ.
Hình thù các trái cũng cho biết nó ngon hay không:
Mít tròn, dưa méo, thị vẹn trôn
Thị là quả thị cùng họ với hồng, có mùi thơm ngào ngạt khi chín, thịt nhão hơn hồng và có hột khá to Vẹn trôn là phần dưới quả thị hơi dẹt, để đứng không nghiêng
Người con trai khi xưa “tam thập nhi lập” ba mươi tuổi là đứng vững một mình Ba việc quan trọng của anh ta, ba việc khó nhất trong đời người con traii:
Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy lo là khó thay
Việc tậu trâu có ảnh hưởng đến nền kinh tế gia đình của anh sau này nên:
Con trâu là đầu cơ nghiệp
Chẳng vậy mà có người cưới được vợ, làm được nhà nhưng suốt đời không tậu được một con trâu (Con trâu - Trần Tiêu)
Ở những vùng đất xốp, pha cát, thí dụ một số vùng ở Thanh Hóa, người nhà nông chỉ cần sắm bò Nhưng nếu đất sét nhiều, dai, quánh, cứng hoặc có pha sỏi đá thì phải mua trâu mới chịu nổi vì trâu khỏe hơn bò nhất là những con trâu mộng to lớn dềnh dàng sức khỏe không thua gì voi
Muốn tậu trâu, tậu bò phải học một mớ kinh nghiệm của tiền nhân: Đây là tướng trâu tốt:
Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi
Mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn
Đầu thanh, cao tiền, thấp hậu Chẳng tậu thì sao?
Đây là tướng trâu xấu:
- Xa sừng, mắt lại nhỏ con,
Trang 10Vụng đàn, chậm đẽo ai còn nuôi chi!
- Chân to, bàn nặng kéo cày làm sao?
Lại thêm tiền thấp hậu cao
Đuôi chùng quá gối đi nào được đâu!
Nhìn dọc con trâu, phía đầu cao, phía đuôi thấp mới là trâu tốt Còn trái lại là trâu xấu
- Hàm nghiến lưỡi đốm hoa cà
Vểnh sừng, tóc chóp cửa nhà không yên
Người nông dân xưa nay chỉ thích trâu đen:
Trâu trắng đi đâu mất mùa đấy
Con trâu trong khỏang từ 4-8 tuổi là sung sức nên được ưa chuộng hơn trâu quá non hoặc quá già:
Trâu năm sáu tuổi còn nhanh
Bò năm sáu tuổi đã tranh cõi già
Đồng chiêm xin chớ nuôi bò
Mùa đông tháng giá bò dò làm sao?
Đồng chiêm thường đất xấu, nước phèn, nước lợ rò vào, làm cực mà có
ăn ít chứ không như đồng đất đã thuần Bò dò là bò dò dẫm bước đi
Trâu quá sá, mạ quá thì
Quá sá là quá tuổi Mạ quáthì là mạ già quá không cấy được nữa
Những kinh nghiệm chung để tậu trâu bò:
Trâu hoa tai, bò gai sừng
Trâu tóc chóp, bò mũ mấn
Ngòai trâu bò, nhà nông cũng nuôi gà vịt để ăn thịt và chó để giữ nhà
Trang 11Gà đẻ sai trứng rất được ưa chuộng:
Nuôi gà phải chọn giống gà
Gà dù bé giống nhưng mà đẻ sai
Thứ nhất là giống gà nâu
Lòng to, thịt béo về sau đẻ nhiều
- Gà nâu chân thấp mình to
Đẻ nhiều trứng lớn con vừa khéo nuôi
Chả nên nuôi giống pha mùi
Đẻ không được mấy, con nuôi vụng về
Nuôi chó để giữ nhà, phòng trộm đạo Chó giống phải có tiêu chuẩn sau đây:
Chó khôn tứ túc huyền đề
Tai thì hơi cúp, đuôi thì hơi cong
Giống nào mõm nhọn đít vòng
Ăn càn, cắn bậy ấy không ra gì
Về kinh nghiệm chế tạo nông cụ, người nông dân cũng làm theo ca Thí dụ: mua hoặc đẽo bắp cày dài 9 gang (mỗi gang là 20cm) là vừa Nếu dài đến 10 gang thì tốn sức trâu vô ích vì bắp càng dài thì lưỡi cày càng ăn sâu xuống đất, trâu khó nhọc mới kéo đi được
Chín gang trâu cười, mười gang trâu khóc
Dân cư ở vùng đồng bằng nước ta làm nông nghiệp nhưng những vùng ven biển, người dân đa số làm nghề đánh cá Ngư phủ phải kinh nghiệm về nước lên, nước ròng để trù liệu chính xác những chuyến ra khơi hoặc trở về đất liền mà không bị trở ngại
Tháng giêng tháng bảy phân minh
Mồng năm, mồng chín, thìn sinh tị hồi
Trang 12Tháng tám cho lẫn tháng đôi
Mồng ba mười bảy tị lai, ngọ hòan
Tam cửu tòng như nguyệt tiền
Ngày hai mươi chín nước liền thụ thai
Mười ba sinh con thứ hai
Tuất thăng, mão giáng chẳng sai chút nào
Tháng tư đối với tháng mười
Sinh con mười một cùng thời hăm lăm
Tháng một chi khác tháng năm
Đã tường mồng chín, chớ nhằm hăm ba
Tháng sáu, tháng chạp suy ra
Mồng bảy, hăm mốt ấy là nước sinh
(còn tiếp)
GS Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC
Tài liệu tham khảo: Dương quảng Hàm Việt Nam Văn học
sử yếu và nhiều tài liệu rải rác.