CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ KHẢ NĂNG NHÂN RỘNG BIỆN PHÁP THỦY LỢI PHỤC VỤ SẢN XUẤT RAU AN TOÀN Ở PHƯỜNG LĨNH NAM QUẬN HOÀNG MAI – HÀ NỘI SCIENTIFIC BASIC AND POSSIBILITIES IN WIDE SPREADE OF WATER SUPPLY METHOD TO SUPPORT THE PRODUCTION OF SAFE VEGETABLE IN LINH NAM COMMUNEE, HOANG MAI DIST. HANOI PGS. TS. Lê Quang Vinh Trường Đại học Thủy lợi (Bài đã được tác giả báo cáo trong “Hội nghị khoa học công nghệ Nông nhiệp 2006-2007 các tỉnh phía Bắc” tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2007“) Lời giới thiệu: Cuối năm 2002 hệ thống thủy lợi cấp nước tưới có áp đến tận mặt ruộng cho 10 ha vùng rau Thúy Lĩnh thuộc phường Lĩnh Nam do Trung tâm Khoa học và triển khai kỹ thuật thủy lợi thiết kế đã bàn giao cho địa phương quản lý. Sơ đồ cấp nước tưới gồm máy bơm hút nước ngầm, hệ thống lọc và làm sạch nước, bơm đẩy nước sạch vào hệ thống ống ngầm, van và các họng chờ phân bố đều trên cánh đồng. Biện pháp thủy lợi này đã làm thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân là chuyển từ sản xuất rau thông thường thành rau sạch và rau an toàn, góp phần hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp Lĩnh Nam khá điển hình ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bài báo này giới thiệu các cơ sở khoa học và khả năng nhân rộng biện pháp thủy lợi nói trên ra các địa phương khác đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Summary: By the end of 2002, a pressurized water supply pipe system for 10 ha of vegetable field in Linh Nam Communee which was designed by the Center for Water Research and Engineering Application have been completed. The system include a ground water pumping station, an water treatment system and the pipe system with valves and outlet which distributed eventlly to the field. This water supply method has changed way of production of vegetable to the safe and clean manner forming the new model of agricultural production in Red River Delta. This paper introduce the scientific basic and possibilities in wide spread of water supply method to support the production of safe vegetable to other areas for the need of industrilization and modernization of Agricultural and Rural Area. 1 . KHÁI QUÁT VỀ BIỆN PHÁP THỦY LỢI ÁP DỤNG CHO VÙNG NGHIÊN CỨU 1.1. Hệ thống cấp nước tưới Gồm nhà trạm bơm lắp 3 tổ máy trong đó có 1máy bơm chìm loại V6F70-9 và 2 máy bơm đẩy loại VMN65-200B. Nước ngầm ở độ sâu trên 70 m được máy bơm chìm hút lên hệ thống giàn tạo mưa, bể lọc, bể lắng sau đó được dẫn vào bể chứa có dung tích 200 m 3 . Từ bể chứa, nước được máy bơm đẩy bơm trực tiếp vào hệ thống đường ống kẽm chôn ngầm phân bố đều trên vùng rau. 1.2. Hệ thống tiêu nước Kênh tiêu chính nằm cạnh đường giao thông bao bọc xung quanh tạo thành hệ thống kênh cách ly giữa vùng sản xuất rau với khu dân cư và đường giao thông. Nước từ các khu vực dân cư hoặc nước ngoại lai khác chảy đến đều bị hệ thống kênh này ngăn lại sau đó tiêu thoát ra sông Hồng. Các kênh tiêu nhánh nằm cạnh đường quản lý chia vùng nghiên cứu thành nhiều lô nhỏ. Nước thừa do mưa hoặc sau khi tưới đều tập trung vào các rãnh luống rau, chảy vào kênh để tiêu ra ngoài. Do biện pháp tưới chủ yếu là phun mưa hoặc thủ công nên nước thừa trong quá trình sản xuất là không đáng kể. 1.3. Phương pháp tưới Nước tưới cho rau được lấy ra khỏi đường ống áp lực qua hệ thống van và các họng chờ cách nhau 12 m phân bố đều trên đồng ruộng. Khi tưới người nông dân có thể áp dụng các biện pháp sau: 1. Tưới bằng vòi phun mưa. Tuỳ thuộc vào từng loại rau, từng thời kỳ sinh trưởng, phạm vi phân bố của rau mà người nông dân có thể chọn loại vòi phun có kích thước hạt và cường độ mưa phù hợp. Sau khi tưới vòi phun có thể được tháo ra khỏi họng chờ để bảo quản. 2. Lấy nước vào thùng hoặc ô doa để tưới trực tiếp bằng thủ công. Có nhiều loại rau trong giai đoạn đầu sinh trưởng nếu tưới bằng vòi phun mưa sẽ rất lãng phí nước. Người nông dân có thể lấy nước ngay trên mặt ruộng, dùng gáo hay ô doa tưới trực tiếp vào từng gốc rau, luống rau. Phương pháp tưới này phù hợp với các khu ruộng trồng đồng thời nhiều loại rau và đang ở trong các giai đoạn sinh trưởng khác nhau. 1.4. Quản lý tưới và quy trình tưới Khi bàn giao cho địa phương sử dụng, hệ thống đường ống ngầm cấp nước mặt ruộng mới phủ kín được 10 ha nên mỗi ngày trạm bơm chỉ hoạt động 3 giờ và chia làm 2 đợt tưới: sáng từ 9 giờ đến 10 h30’, chiều từ 14 giờ đến 15h30’. Khi diện tích tưới mở rộng, thời gian bơm sẽ dài hơn. Quản lý vận hành trạm bơm do hai cán bộ kỹ thuật của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam phụ trách. Đến giờ bơm, tất cả các hộ sản xuất đều có mặt tại ruộng, lấy nước trực tiếp từ họng chờ để tưới theo phương thức do họ chọn. Ngày có mưa thì tuỳ theo lượng mưa lớn hay nhỏ người sản xuất có thể chỉ tưới một phần hay ngừng hẳn. Theo quy định của hợp tác xã, các gia đình đóng thủy lợi phí từ 25.000 đến 30.000 đ/sào/tháng. 2. MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ 2.1. Phương pháp cấp nước tưới ở Lĩnh Nam rất phù hợp với đặc điểm sản xuất, tập quán canh tác của nông dân các vùng chuyên canh rau ở đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội. Trình độ thâm canh của người nông dân ở khu vực này rất cao. Trên một cánh đồng, một khu vực chuyên canh người sản xuất thường trồng nhiều loại rau quả có thời gian sinh trưởng, chu kỳ quay vòng và chế độ chăm sóc rất khác nhau. Có loại chu kỳ sản xuất chỉ khoảng 15 - 20 ngày như rau gia vị, có loại từ 75 - 85 ngày như bắp cải…. Tạo nguồn nước áp lực có chất lượng tốt và đồng đều đưa đến tận mặt ruộng mà không bắt buộc áp dụng cách thức tưới cụ thể nào giúp người nông dân phát huy cao nhất tiềm năng trí tuệ và kinh nghiệm sản xuất của mình. Họ hoàn toàn chủ động lựa chọn cách thức tưới phù hợp như bằng vòi phun mưa, ô doa hoặc bằng gáo…. Với các vùng canh tác tập trung theo quy mô công nghiệp trồng cùng một loại rau, hoa, quả, củ thì biện pháp cấp nước nói trên sẽ còn phát huy hiệu quả cao hơn nữa. Trường hợp này tất cả các họng chờ được lắp cùng một loại vòi phun mưa thích hợp. Do nguồn nước dồi dào, công suất làm việc của máy bơm lớn, nước tưới được cấp tới mặt ruộng bằng hệ thống đường ống áp lực chôn ngầm dưới đất không phụ thuộc vào điều kiện địa hình và biện pháp canh tác nên rất thuận tiện cho việc mở rộng quy mô, phạm vi và đối tượng phục vụ. Kết quả phân tích các chỉ tiêu hoá lý theo TCVN 5942-1995 và TCVN 5944-1995 cho thấy nước sau khi lọc nếu được tẩy trùng có thể sử dụng tốt cho mục đích sinh hoạt. 2.2. Khi chưa có hệ thống cấp nước tưới sạch tập trung, người nông dân Lĩnh Nam phải gánh nước từ sông, ao tù hoặc giếng đào để tưới. Một số gia đình dùng bơm mi - ni lấy nước sông Hồng tưới trực tiếp cho một số khu vực nhỏ ven sông. Mức tưới, số lần tưới và thời gian tưới trong mỗi đợt nhiều ít không chỉ phụ thuộc vào thời kỳ sinh trưởng của rau, điều kiện khí hậu khô hay ẩm mà còn phụ thuộc vào cường độ và sức lao động của từng gia đình. Với phương thức lao động cá thể, cơ sở hạ tầng thủy lợi không hoàn chỉnh, chất lượng nước tưới không đảm bảo và không kiểm soát được làm cho chất lượng rau quả không đồng nhất và không đảm bảo sạch. Khi hệ thống thủy lợi được xây dựng hoàn chỉnh như đã nêu ở trên thì nguồn nước cấp cho vùng rau luôn luôn chủ động, chất lượng nước được kiểm soát, đảm bảo sạch và đồng đều trên toàn cánh đồng. Theo quy trình tưới đã được phổ biến đến tận người nông dân, đúng giờ máy bơm hoạt động tất cả các hộ sản xuất đều có người ra đồng lấy nước tưới. Như vậy, việc cấp nước tận mặt ruộng theo giờ quy định không chỉ giúp người nông dân giảm bớt được sức lao động bỏ ra để lấy nước tưới mà còn giúp họ họ làm quen với tác phong làm việc có kế hoạch, từng bước hình thành tác phong lao động công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. 2.3. Chất lượng rau quả đặc biệt là rau sạch và rau an toàn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như đất trồng, phương thức canh tác, chăm bón, phòng trừ dịch bệnh, thu hoạch và bảo quản, chất lượng nước tưới và quy trình tưới và nhận thức của người nông dân trong quá trình sản xuất. Từ khi có hệ thống thủy lợi nói trên, người nông dân Lĩnh Nam đã có sự thay đổi lớn về nhận thức và tập quán canh tác trong quá trình sản xuất rau cung cấp cho thị trường. Họ đã thực hiện rất nghiêm túc quy trình sản xuất rau sạch. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp lo cung cấp nước, phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật… cho vùng rau. Lúc đầu mới chỉ có 6.000 m 2 nhà lưới làm thí điểm, chỉ 1 năm sau khi hệ thống thủy lợi đi vào khai thác, gần như toàn bộ diện tích canh tác vùng nghiên cứu đều được làm nhà lưới để hạn chế tác động của mưa, gió và sự phá hoại của côn trùng. Như vậy, biện pháp thủy lợi nói trên đã giúp người nông dân Lĩnh Nam nhận thức được rõ ràng hơn về sự cần thiết phải chuyển hướng từ sản xuất rau thường, rau không an toàn thành sản xuất rau sạch và rau an toàn. 3. KHẢ NĂNG NHÂN RỘNG MÔ HÌNH 3.1. Cơ sở lý luận 3.1.1. Biện pháp thủy lợi cấp nước cho vùng rau Lĩnh Nam như đã trình bày ở trên là cơ sở đầu tiên và rất quan trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm, giúp cho thương hiệu rau Lĩnh Nam từng bước hình thành và chiếm lĩnh thị trường. Tác động của nó chính là thúc đẩy nhanh chóng quá trình phát triển kinh tế – xã hội, làm thay đổi nhận thức và tác phong lao động của người nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp ở khu vực này. Biện pháp thủy lợi áp dụng ở vùng rau Lĩnh Nam góp phần quan trọng tạo nên mô hình sản xuất nông nghiệp khá điển hình ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, được gọi chung là Mô hình Lĩnh Nam. Nếu xem xét rời rạc từng hạng mục của hệ thống thủy lợi nói trên thì thấy không có gì mới vì chúng đã và đang được áp dụng trong sản xuất từ rất lâu. Cái mới chính là sự lựa chọn và tổng hoà được các giải pháp công nghệ đã có để tạo ra một mô hình cấp nước hoàn chỉnh đáp ứng được nhu cầu của người nông dân là nâng cao hiệu suất lao động và thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác hiện còn rất ít ỏi của họ. Như vậy mô hình Lĩnh Nam được xây dựng không chỉ đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra mà còn mang tính phổ biến và phù hợp với nguyên lý của sự phát triển. 3.1.2. Lực lượng sản xuất trong vùng rau ở Lĩnh Nam nói riêng và cả nước nói chung biểu hiện ở sức lao động, số lượng và chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Trước đây khi chưa có hệ thống thủy lợi cấp nước tưới chủ động, người nông dân Lĩnh Nam không thể làm gì hơn trên mảnh đất của họ do tác phong lao động tiểu nông, sản xuất nhỏ và manh múm. Năng suất và chất lượng sản phẩm rau không đồng đều, phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc của từng hộ. Sau khi có hệ thống thủy lợi, người nông dân đã từ bỏ phương thức canh tác cũ để làm quen với tác phong lao động mới – lao động công nghiệp cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn, tốt hơn và đồng nhất trên toàn cánh đồng. Mô hình Lĩnh Nam là sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. 3.1.3. Theo tiêu chuẩn của tỉnh Thái Bình, một khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung được gọi là cánh đồng phải có diện tích từ 7 ha trở lên ở giai đoạn 2003-2005 và từ 10 ha trở lên với giai đoạn 2006-2010. Vùng nghiên cứu khi mới xây dựng có diện tích ứng dụng 10 ha nhưng chỉ một năm sau đã mở rộng lên trên 16 ha và sẽ còn tiếp tục được mở rộng hơn nữa. Theo số liệu của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam, thu nhập hàng năm ở khu vực này đạt từ 140 đến 200 triệu đồng/ha. Biện pháp thủy lợi áp dụng ở Lĩnh Nam đã giúp người nông dân tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Họ không cần phải dồn điền dồn thửa, không phải cùng sản xuất một loại rau mà vẫn có thể làm việc theo tác phong công nghiệp. Người nông dân Lĩnh Nam vẫn trồng các loại rau quả theo nhu cầu của thị trường, theo sức lao động của họ và cho thu nhập cao, ổn định. Các hộ trồng rau ở khu vực nghiên cứu đều có thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng. Mô hình Lĩnh Nam là một điển hình về phong trào xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha và hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm. Mô hình này dễ phổ biến, dễ áp dụng cho các địa phương khác. 3.2. Cơ sở vê thực tiễn Như đã phân tích, đây không phải là biện pháp thủy lợi cấp nước tưới cho cây trồng cạn đầu tiên và duy nhất được áp dụng ở nước ta. Đã có nhiều nơi áp dụng toàn bộ hoặc từng phần của biện pháp này. Thành công của mô hình Lĩnh Nam chính là sự gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa ý tưởng khoa học và nguyện vọng của người nông dân. Trong thời gian qua đã có nhiều đoàn ở nhiều địa phương trong cả nước đến thăm quan, nghiên cứu ứng dụng mô hình Lĩnh Nam vào điều kiện cụ thể của địa phương mình. Đây là mô hình được rút ra từ thực tiễn. Chỉ cần tổng kết, đánh giá, xây dựng thành quy trình và hướng dẫn kỹ thuật là có thể nhân rộng mô hình này. 4. KẾT LUẬN Biện pháp thủy lợi phục vụ sản xuất rau an toàn ở Lĩnh Nam như mô tả đã mang lại hiệu ích lớn về kinh tế – xã hội và môi trường, làm thay đổi tư duy và cách thức sản xuất của người nông dân theo hướng tiến bộ. Biện pháp này đã góp phần rất quan trọng hình thành mô hình sản xuất rau sạch và rau an toàn điển hình cho các vùng sản xuất rau của Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung. Về mặt cơ sở lý luận và thực tiễn, mô hình Lĩnh Nam có thể nhân rộng và phổ biến cho các địa phương khác thực hiện. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha và hộ nông dân thu nhập 50 triệu đồng/năm tại đồng bằng sông Hồng. Trung tâm Thông tin – Hà Nội 9-2003. 2. Lưu Văn Lâm: Thiết kế kỹ thuật hệ thống cấp nước rau sạch Lĩnh Nam – Trung tâm Khoa học và Triển khai kỹ thuật thủy lợi. Hà Nội – 2002. 3. Phí Thị Thư: Nghiên cứu cơ sở khoa học và hiệu quả kinh tế của mô hình thủy lợi phục vụ sản xuất rau an toàn tại phường Lĩnh Nam – quận Hoàng Mai – Hà Nội. Luận văn thạc sĩ kỹ thuật. Trường Đại học Thủy lợi – 2004. . CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ KHẢ NĂNG NHÂN RỘNG BIỆN PHÁP THỦY LỢI PHỤC VỤ SẢN XUẤT RAU AN TOÀN Ở PHƯỜNG LĨNH NAM QUẬN HOÀNG MAI – HÀ NỘI SCIENTIFIC BASIC AND POSSIBILITIES IN WIDE. an toàn thành sản xuất rau sạch và rau an toàn. 3. KHẢ NĂNG NHÂN RỘNG MÔ HÌNH 3.1. Cơ sở lý luận 3.1.1. Biện pháp thủy lợi cấp nước cho vùng rau Lĩnh Nam như đã trình bày ở trên là cơ sở. rau sạch Lĩnh Nam – Trung tâm Khoa học và Triển khai kỹ thuật thủy lợi. Hà Nội – 2002. 3. Phí Thị Thư: Nghiên cứu cơ sở khoa học và hiệu quả kinh tế của mô hình thủy lợi phục vụ sản xuất rau