1. Trang chủ
  2. » Văn bán pháp quy

SỐ 8 - QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG pdf

7 593 4

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 7
Dung lượng 238,12 KB

Nội dung

SỐ 8 - QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG Quyền về xét xử công bằng (the right to a fair trial) thực chất là một tập hợp các bảo đảm tố tụng nhằm bảo đảm quá trình xét xử được công bằng, trong đó bao gồm các khía cạnh như được bình đẳng trước tòa án (equality before a court), được suy đoán vô tội (assumption of innocence); không bị áp dụng hồi tố (prohibition of ex post facto laws); và không bị bỏ tù chỉ vì không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng (prohibition of imprisonment for debt). Trong một số tài liệu, mỗi bảo đảm này được coi như là một quyền con người cụ thể. Quyền được xét xử công bằng đầu tiên được đề cập trong các Điều 10 và 11 UDHR. Theo Điều 10, mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án độc lập và khách quan để xác định các quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ. Điều 11 bổ sung thêm một số khía cạnh cụ thể, theo đó: Mọi người, nếu bị cáo buộc về hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật, tại một phiên toà xét xử công khai, nơi người đó được bảo đảm những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình. Không ai bị cáo buộc là phạm tội vì bất cứ hành vi hoặc sự tắc trách nào mà không cấu thành một phạm tội hình sự theo pháp luật quốc gia hay pháp luật quốc tế vào thời điểm thực hiện hành vi hay có sự tắc trách đó. Cũng không ai bị tuyên phạt nặng hơn mức hình phạt được quy định vào thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện. Các quy định kể trên sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong các Điều 14, 15 và 11 ICCPR. Điều 14 ICCPR cụ thể hóa các quyền bình đẳng trước tòa án, quyền được suy đoán vô tội và một loạt bảo đảm tố tụng tối thiểu khác dành cho bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự, theo đó: 1. Mọi người đều bình đẳng trước các toà án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự, hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự. Báo chí và công chúng có thể không được phép tham dự toàn bộ hoặc một phần của phiên toà vì lý do đạo đức, trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ, hoặc vì lợi ích cuộc sống riêng tư của các bên tham gia tố tụng, hoặc trong chừng mực cần thiết, theo ý kiến của toà án, trong những hoàn cảnh đặc biệt mà việc xét xử công khai có thể làm phương hại đến lợi ích của công lý. Tuy nhiên mọi phán quyết trong vụ án hình sự hoặc vụ kiện dân sự phải được tuyên công khai, trừ trường hợp vì lợi ích của người chưa thành niên hay vụ việc liên quan đến những tranh chấp hôn nhân hoặc quyền giám hộ trẻ em. 2. Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật. 3. Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau đây: a) Được thông báo không chậm trễ và chi tiết bằng một ngôn ngữ mà người đó hiểu về bản chất và lý do buộc tội mình; b) Có đủ thời gian và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn; c) Được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý; d) Được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc thông qua sự trợ giúp pháp lý theo sự lựa chọn của mình; được thông báo về quyền này nếu chưa có sự trợ giúp pháp lý; và được nhận sự trợ giúp pháp lý theo chỉ định trong trường hợp lợi ích của công lý đòi hỏi và không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó nếu không có đủ điều kiện trả; e) Được thẩm vấn hoặc yêu cầu thẩm vấn những nhân chứng buộc tội mình, và được mời người làm chứng gỡ tội cho mình tới phiên toà và thẩm vấn họ tại toà với những điều kiện tương tự như đối với những người làm chứng buộc tội mình; f) Được có phiên dịch miễn phí nếu không hiểu hoặc không nói được ngôn ngữ sử dụng trong phiên toà; g) Không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội. 4. Tố tụng áp dụng đối với những người chưa thành niên phải xem xét tới độ tuổi của họ và mục đích thúc đẩy sự phục hồi nhân cách của họ. 5. Bất cứ người nào bị kết án là phạm tội đều có quyền yêu cầu toà án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với mình theo quy định pháp luật. 6. Khi một người bị kết án về một tội hình sự bởi một quyết định chung thẩm và sau đó bản án bị huỷ bỏ, hoặc người đó được tha trên cơ sở tình tiết mới hoặc phát hiện mới cho thấy rõ ràng có sự xét xử oan, thì người đã phải chịu hình phạt theo bản án trên, theo luật, có quyền yêu cầu được bồi thường, trừ trường hợp cơ quan tố tụng chứng minh rằng việc sự thật không được làm sáng tỏ tại thời điểm đó hoàn toàn hoặc một phần là do lỗi của người bị kết án gây ra. 7. Không ai bị đưa ra xét xử hoặc bị trừng phạt lần thứ hai về cùng một tội phạm mà người đó đã bị kết án hoặc đã được tuyên trắng án phù hợp với pháp luật và thủ tục tố tụng hình sự của mỗi nước. Liên quan đến Điều 14, bên cạnh những khía cạnh đã được nêu cụ thể như trên, trong Bình luận chung số 13 thông qua tại Phiên họp lần thứ 21 năm 1984, HRC đã làm rõ thêm một số khía cạnh khác mà có thể tóm tắt như sau: Thứ nhất, Điều 14 có nội dung đa dạng nhưng tất cả đều hướng vào mục đích nhằm bảo đảm sự chính xác và công bằng trong hoạt động tư pháp. Nội dung của Điều này cần được sử dụng như là cơ sở không chỉ trong hoạt động truy tố và xét xử tội phạm, mà còn trong việc xác định các quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo, cụ thể như các quyền bình đẳng trước tòa án và trước thẩm phán, quyền được bào chữa, được xét xử công khai bởi một tòa án có đủ thẩm quyền, độc lập và vô tư, được thành lập theo pháp luật (các đoạn 1 và 2). Thứ hai, Điều 14 áp dụng cho tất cả các dạng tòa án và thẩm phán, bất kể tòa án thông thường, tòa án quân sự hay tòa án đặc biệt. Và mặc dù ICCPR không cấm việc thành lập các tòa án quân sự hay tòa án đặc biệt nhưng việc sử dụng các tòa án đó để xét xử các vụ việc dân sự là sự đe dọa nghiêm trọng đến tính công bằng, độc lập và vô tư của các tòa án và thẩm phán (đoạn 4). Thứ ba, những quy định trong Khoản 3 Điều 14 chỉ là những bảo đảm tối thiểu để thực hiện yêu cầu về xét xử công bằng (đoạn 5). Thứ tư, yêu cầu về việc được thông báo không chậm trễ và chi tiết bằng một ngôn ngữ mà người đó hiểu về bản chất và lý do buộc tội mình là bảo đảm tối thiểu đầu tiên mà bị can, bị cáo được hưởng trong tiến trình tố tụng. Quy định này áp dụng cho tất cả mọi trường hợp bị cáo buộc phạm tội, kể cả những người không bị tạm giữ, tạm giam. Yêu cầu về việc thông báo không chậm trễ đòi hỏi việc này phải được thực hiện ngay sau khi có sự buộc tội bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới dạng thông báo nói hay văn bản, nhưng phải chỉ ra những chứng cứ và quy định pháp luật được viện dẫn để buộc tội (đoạn 8). Thứ năm, việc xác định thời gian thích hợp để người bị buộc tội có thể chuẩn bị bào chữa và liên hệ với luật sư phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi vụ án, còn việc dành cho họ điều kiện thuận lợi trong vấn đề này thì liên quan đến các yếu tố như: hoạt động thu thập tài liệu và bằng chứng cần cho việc bào chữa, cơ hội thuê và tiếp xúc với luật sư (đoạn 9). Thứ sáu, yêu cầu được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý không chỉ liên quan đến khoảng thời gian từ khi bị cáo buộc đến khi mở phiên tòa, mà còn đến thời gian xét xử tại tòa và thời gian giữa hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tất cả đều không được trì hoãn quá lâu (đoạn 10). Thứ bảy, yêu cầu được có phiên dịch miễn phí nếu không hiểu hoặc không nói được ngôn ngữ sử dụng trong phiên toà phải được đáp ứng mà không phụ thuộc vào kết quả của hoạt động tố tụng, và phải được áp dụng cả với người nước ngoài cũng như với công dân của nước mình nếu cần thiết (đoạn 13). Thứ tám, để thực hiện được bảo đảm không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội cần phải thực hiện các quyền quy định trong các Điều 7 và Khoản 1 Điều 10 ICCPR. Thêm vào đó, luật pháp quốc gia cần có quy định chứng cứ thu được từ việc sử dụng các biện pháp tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay từ bất cứ hình thức ép buộc nào khác trong hoạt động tố tụng là vô giá trị (đoạn 14). Thứ chín, để thực hiện các bảo đảm nêu ở các Khoản 1 và 3 Điều 14 ICCPR, các thẩm phán cần được trao quyền giải quyết những khiếu nại, tố cáo về việc vi phạm các quyền của bị can, bị cáo trong bất kỳ giai đoạn tố tụng nào (đoạn 15). Thứ mười, người chưa thành niên làm trái pháp luật phải được hưởng những báo đảm tố tụng ít nhất cũng ngang bằng với những bảo đảm áp dụng với những người đã thành niên. Việc thi hành tố tụng với những người chưa thành niên làm trái pháp luật cần tính đến độ tuổi của các em và mục đích khuyến khích các em hoàn lương, mà thể hiện qua các khía cạnh như: xác định độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự và độ tuổi tối đa một người có thể được coi là chưa thành niên; xây dựng các tòa án, luật và thủ tục tố tụng đặc biệt áp dụng với người chưa thành niên và bảo đảm rằng những luật và thủ tục đặc biệt đó đã tính đến mục đích khuyến khích các em hoàn lương (đoạn 16). Thứ mười một, quy định bất kỳ người nào bị kết án đều có quyền yêu cầu toà án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với mình theo quy định của pháp luật cần được áp dụng với mọi trường hợp phạm tội chứ không chỉ với những trường hợp phạm tội nghiêm trọng (đoạn 17). Điều 15 ICCPR chi tiết hóa bảo đảm về quyền không bị xét xử hồi tố, trong đó nêu rõ: Không ai bị coi là phạm tội vì một hành động hoặc không hành động mà không cấu thành tội phạm theo pháp luật quốc gia hoặc pháp luật quốc tế tại thời điểm thực hiện hành vi đó. Cũng không được áp dụng hình phạt nặng hơn hình phạt đã ấn định tại thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện. Nếu sau khi xảy ra hành vi phạm tội mà luật pháp quy định hình phạt nhẹ hơn với hành vi đó, thì người phạm tội được hưởng mức hình phạt nhẹ hơn. HRC hiện chưa đưa ra bình luận chung nào về nội dung của Điều 15, tuy nhiên, có một khía cạnh mà các chuyên gia luật quốc tế về quyền con người đều đã thống nhất, đó là quy định ở Điều 15 được áp dụng cả trong bối cảnh khẩn cấp của quốc gia. Hay nói cách khác, trong mọi tình huống, nguyên tắc “không có tội khi luật chưa quy định ở thời điểm thực hiện hành vi’ đều phải được áp dụng. Điều 11 ICCPR tái khẳng định bảo đảm về quyền không bị bỏ tù chỉ vì không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng, trong đó nêu rõ: Không ai bị bỏ tù chỉ vì lý do không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng. Tương tự như Điều 15, HRC hiện chưa có bình luận chung nào về nội dung của Điều 11. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, cụm từ khả năng hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng đề cập đến những nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch dân sự và thương mại, mà thông thường không bị coi là tội phạm nếu như không có yếu tố lừa đảo. (Theo Giáo trình Lý luận và Pháp luật về quyền con người, Khoa Luật - ĐHQGHN, NXB CTQG, 2009, tr.210 - 217) . SỐ 8 - QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG Quyền về xét xử công bằng (the right to a fair trial) thực chất là một tập hợp các bảo đảm tố tụng nhằm bảo đảm quá trình xét xử được công bằng, . of imprisonment for debt). Trong một số tài liệu, mỗi bảo đảm này được coi như là một quyền con người cụ thể. Quyền được xét xử công bằng đầu tiên được đề cập trong các Điều 10 và 11 UDHR toà án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định

Ngày đăng: 08/08/2014, 04:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w