Học để hoàn thiện bản thân (Kì 2) Tạo trí thành đạt Trước hết cần phải xác định thật rõ đâu là mục đích bạn cần đạt được. Từ mục đích đó, hãy xét xem: những gì bạn từng biết và những thói quen hiện tại có giúp bạn đạt được mục đích ấy không. Nếu không thì đó chính là động cơ buộc bạn phải điều chỉnh hoặc loại bỏ những gì làm cản trở con đường đạt tới mục tiêu. Để tìm ra mục đích của đời mình, bạn cần phải trả lời cho được những câu hỏi: Tôi là ai? (Tôi sống trên đời này để đạt được gì? Ước mơ của tôi là gì? ) Tôi muốn đi đến đâu? (Tôi muốn làm gì? Tôi muốn tạo nên những thành tựu gì? Tôi muốn người khác nhớ đến mình như thế nào? ) Tôi đang ở đâu? (Tôi đã làm được gì? Thế mạnh của tôi là gì? Đâu là điểm yếu của tôi? Tôi cần rèn luyện những gì và phát huy những gì? ) Tôi đi đến đó bằng cách nào? (Kế hoạch hành động của tôi ra sao? Tôi cần làm gì trong từng giai đoạn? Ai là người dẫn dắt tôi? ) Đó là 4 câu hỏi căn bản giúp định hướng mục đích sống, định hướng cuộc đời. Khi đã xác định được đâu là những niềm tin hay thói quen cần thay đổi và có động cơ rõ ràng để thay đổi thì phải thực hành việc tiếp nhận thông tin mới để hình thành thói quen mới. Một nguyên tắc của tâm lý con người là chúng ta chọn lọc để tiếp thu những thông tin phù hợp với những gì đã nằm trong đầu mình nên quá trình học cực kỳ khó khăn. Điều gì “thách thức” niềm tin cũ là ta gạt bỏ, chỉ thu nhận những gì củng cố niềm tin có sẵn. Đó là quá trình khủng khiếp của việc sàng lọc thông tin. Vì thế, để thực hiện tốt tiến trình thay đổi này, bạn phải “mở đầu” để ý thức và “mở lòng” để đón nhận những điều mới mẻ một cách khách quan – tức là phải biết vứt bỏ những gì đã có sẵn trong đầu hoặc tạm thời “đè” nó xuống, hoặc để nó sang một bên. Để đi trọn con đường hình thành những thói quen mới này đòi hỏi bạn phải tìm thấy được niềm vui trong việc học. Khi làm một việc mình yêu thích, bạn sẽ thấy quá trình đến đích diễn ra nhanh hơn và bớt đau khổ hơn, thậm chí cảm nhận được hạnh phúc khi thay đổi. Vậy làm sao để yêu thích? Trước hết, rõ ràng là bạn phải có mục đích, và đồng thời bạn phải biết đâu là đam mê của mình, thế mạnh của mình để dấn thân vào học hỏi, đào sâu và phát triển trong lĩnh vực đó. Khi có đam mê dẫn đường, mọi thách thức trở thành mục tiêu để chinh phục. Học đòi hỏi sự vận động của trí não và tất cả các giác quan, từ thể chất đển cảm xúc. Giáo dục hiện nay vẫn còn thiên về việc giúp người học phát huy não trái bằng kiểu dạy “nhồi nhét” rồi kiểm tra trí nhớ; trong khi não phải giúp sáng tạo, cảm thụ nghệ thuật, tăng khéo léo, kiểm soát cảm xúc lại bị bỏ quên. Để việc học hiệu quả nhất bạn phải đi theo tiến trình: học bằng nhận thức, học bằng thực hành, học bằng tự rút tỉa kinh nghiệm, học bằng cảm nghiệm, cuối cùng đúc kết và hình thành thói quen. Tiến trình này đòi hỏi bạn phải vận dụng tất cả các giác quan, muốn vậy, bạn phải sử dụng cả hai não. Khi học bằng tất cả các giác quan và sử dụng cả hai não là lúc bạn tập trung cao độ 100% cho việc học và sẵn sàng học. Đó là cách giúp bạn học nhanh nhất, hiệu quả nhất. Trên đời này kiến thức nhiều vô cùng tận, vậy ta biết chọn gì để học? Điều này lại một lần nữa đòi bạn phải quay về với ước mơ và mục đích cuộc sống của mình: đâu là điều cần thiết giúp bạn sống với ước mơ, đâu là điều giúp bạn đạt được mục đích cuộc đời – đó là những điều bạn cần học. Vậy, trên hết tất cả, bạn phải có cho mình một mục đích rõ ràng, từ đó bạn sẽ học hỏi từ mọi điều trong cuộc sống. Và sống chính là học hỏi từng ngày.