Bệnh glôcôm do steroid và thuốc điều trị Bệnh glôcôm do steroid là một dạng glôcôm góc mở thường thứ phát liên quan với sử dụng thuốc tra có chứa steroid tại mắt. Tuy nhiên bệnh có thể gặp khi dùng thuốc theo các đường khác như tiêm, uống, khí dung, tiêm cạnh mắt và tiêm trong mắt. Từ những năm 1950, chất chống viêm dạng steroid bắt đầu được sử dụng trong nhãn khoa để điều trị các bệnh lý như viêm bờ mi, viêm kết mạc (đặc biệt là viêm kết mạc dị ứng), viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn Bên cạnh tác dụng chống viêm tích cực, thuốc có một số tác dụng phụ như: thúc đẩy sự phát triển của nấm, vi khuẩn, gây đục thể thủy tinh và gây bệnh glôcôm góc mở thứ phát đặc biệt khi sử dụng kéo dài. Tất cả các biến chứng này đều có thể gây mù lòa hoặc để lại di chứng thị giác suốt đời, do vậy cần rất thận trọng khi sử dụng thuốc. Mặc dù nhiều biện pháp cảnh báo đã được áp dụng như in hướng dẫn sử dụng trên vỏ hộp thuốc, tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, số người mắc bệnh này mỗi lúc một tăng. Tuy chưa có số liệu thống kê chính xác cho đến thời điểm hiện nay, nhưng có thể nói bệnh lý này gặp hằng ngày trong công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở nhãn khoa. Khi không được điều trị kịp thời, dây thần kinh thị giác sẽ bị teo đi do thiếu nuôi dưỡng và các tổn hại này là không hồi phục. Cơ chế bệnh sinh của bệnh tương đối phức tạp, nhưng tựu chung lại qua 2 cơ chế chính: (1) sự tích tụ của chất glycosaminoglycans; (2) hoặc tăng sản xuất chất TIGR (trabecular meshwork – inducible glucocorticoid response (TIGR) protein) dưới tác dụng của steroid. Các chất này gây bít tắc các lỗ bè, làm tăng nhãn áp. Bệnh cảnh lâm sàng điển hình của glôcôm do steroid xuất hiện sau một thời gian tra thuốc có chứa steroid kéo dài: sau vài tuần đối với dạng steroid mạnh (dexaclor, polydexa, maxitrol, dexacol, predfort ), hoặc sau vài tháng đối với các dạng nhẹ hơn (fluometholon ). Tỷ lệ mắc bệnh phụ thuộc vào đường dùng thuốc: hay gặp nhất là thuốc tra, tiếp đến là thuốc tiêm vào nội nhãn. Thuốc dùng đường toàn thân như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, uống, khí dung ít gây bệnh hơn. Phản ứng tăng nhãn áp do thuốc cũng phụ thuộc vào yếu tố cơ địa của từng cá thể. Không phải tất cả bệnh nhân dùng thuốc chứa steroid đều xuất hiện tăng nhãn áp. Các yếu tố cơ địa bao gồm: bệnh nhân có tiền sử bản thân hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh glôcôm góc mở nguyên phát, cận thị cao, đái tháo đường, bệnh lý tổ chức liên kết. Theo một nghiên cứu của Armaly: sau khi tra dexamethazone 0-1% trong 4 tuần thì có khoảng 30% người bình thường tăng nhãn áp, trong khi đó ở những bệnh nhân có tiền sử glôcôm góc mở có đến 90% xuất hiện tăng nhãn áp. Ở trẻ em người ta thấy rằng tỷ lệ bệnh thấp hơn, tuy nhiên bệnh vẫn có thể gặp ở những trẻ được tra thuốc điều trị viêm kết mạc, viêm tắc đường dẫn nước mắt, hoặc sau mổ lác. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất giống với bệnh glôcôm góc mở nguyên phát: gần như không có triệu chứng cơ năng (không đau nhức, không đỏ mắt ). Tăng nhãn áp thường được phát hiện tình cờ, thường kèm theo tổn hại nặng của thị lực và thị trường. Chính do biểu hiện âm thầm này mà bệnh nhân khi được phát hiện đã ở giai đoạn rất nặng, nhiều bệnh nhân đã bị mù một bên. Dừng sử dụng thuốc steroid: Đây là điều đầu tiên cần thực hiện trong quá trình điều trị. Nhiều khi sau khi dừng thuốc vài tuần nhãn áp tự trở về bình thường. Trong một số rất ít các trường hợp (khoảng 2,8%) nhãn áp không trở về bình thường. Nhiều nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân này thường có tiền sử gia đình bị glôcôm góc mở nguyên phát. Thời gian sử dụng steroid ảnh hưởng rất nhiều lên khả năng tự điều chỉnh của nhãn áp: nếu dùng thuốc dưới 2 tháng thì gần như chắc chắn nhãn áp tự điều chỉnh, ngược lại dùng thuốc kéo dài trong vài năm thì khả năng này rất khó xảy ra. Các phương pháp can thiệp: - Điều trị thuốc: Các thuốc dùng giống như các thuốc được sử dụng trong glôcôm góc mở nguyên phát. - Điều trị bằng laser: Chỉ định khi dùng thuốc không đạt hiệu quả hoặc không dung nạp thuốc. - Điều trị phẫu thuật: Chỉ định khi 2 phương pháp trên thất bại. Thực tế tại Bệnh viện Mắt Trung ương, đa số các bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, thường phải điều trị bằng phẫu thuật và chức năng thị giác sau mổ cũng rất kém. Phòng bệnh: Phòng bệnh liên quan đến trách nhiệm của cả thầy thuốc, bệnh nhân và các nhân viên bán thuốc. Trách nhiệm của người thầy thuốc: - Trên những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ (tiền sử bản thân hoặc gia đình bị glôcôm góc mở nguyên phát, cận thị nặng, đái tháo đường, bệnh mô liên kết) cần tránh sử dụng thuốc nếu được, hoặc nếu cần dùng thì dùng ở liều thấp nhất có thể. - Chọn lựa thuốc: Khi bắt buộc phải sử dụng steroid, nên chọn thuốc ít có ảnh hưởng đến nhãn áp thấp (ví dụ như medrysone, fluometholone). Trách nhiệm của người bán thuốc và bản thân bệnh nhân: Người bán thuốc tuyệt đối không được tự ý bán thuốc không kèm đơn thuốc cho bệnh nhân. Đồng thời bệnh nhân cũng không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc. Tất cả những bệnh nhân đã và đang dùng các loại thuốc có steroid (polydexa, dexaclor ) nên đến khám tại các cơ sở nhãn khoa để sớm phát hiện được bệnh. . Bệnh glôcôm do steroid và thuốc điều trị Bệnh glôcôm do steroid là một dạng glôcôm góc mở thường thứ phát liên quan với sử dụng thuốc tra có chứa steroid tại mắt. Tuy nhiên bệnh có. của người bán thuốc và bản thân bệnh nhân: Người bán thuốc tuyệt đối không được tự ý bán thuốc không kèm đơn thuốc cho bệnh nhân. Đồng thời bệnh nhân cũng không nên tự ý sử dụng thuốc mà không. là thuốc tra, tiếp đến là thuốc tiêm vào nội nhãn. Thuốc dùng đường toàn thân như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, uống, khí dung ít gây bệnh hơn. Phản ứng tăng nhãn áp do thuốc cũng phụ thuộc vào