Ba Vì: hai nửa thanh bình Chiều, xe chuyển bánh về Hà Nội, chúng tôi vẫn cố ngoảnh đầu nhìn lại màu xanh của vùng đất Ba Vì huyền thoại. Nơi ấy như hai nửa thế giới: một thế giới mộng mơ, yên bình và một thế giới hùng vĩ, dữ dội. "Say" màu xanh miền sơn cước Đất Ba Vì huyền thoại chào đón chúng tôi với nắng nhẹ, sương mù, những con sông dòng suối và những đỉnh núi cao ngút trời, bạt ngàn cây cối. Thiên nhiên hào phóng đã ban tặng nơi này một hệ thống cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp với nhiều danh lam thắng cảnh gắn liền truyền thuyết “Sơn Tinh - Thủy Tinh”. Đỉnh núi Ba Vì Giữa vùng sơn thủy hữu tình nổi lên các địa danh Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Mơ, Thác Ngà, vườn quốc gia Ba Vì, hồ Tiên Sa, rừng nguyên sinh Bằng Tạ, đồi cò Ngọc Nhị, suối khoáng nóng Thuần Mỹ… Nhưng ấn tượng với chúng tôi nhất là cuộc sống thanh bình, mộng mơ của vùng đất xứ Đoài. Chưa cần đi hết những địa danh nổi tiếng mà chỉ men theo những con đường quanh co, uốn lượn như những dải lụa thắm, ta có thể bắt gặp những ngôi nhà sàn, những chú bò sữa, những đồi thông bạt ngàn màu xanh và những bông hoa, cỏ dại rực rỡ khoe sắc. Ta thênh thang bước đi trong màu sương phủ trắng núi đồi và trời đất. Lắng tai nghe những âm thanh của núi rừng đại ngàn: tiếng chim hót ríu rít, tiếng côn trùng, tiếng vượn hú, tiếng chân người đệm trên cây cỏ… Cuộc sống dưới chân núi Ba Vì cuốn hút ta vào một thế giới mộng mơ, êm đềm. Nơi ta có thể thảnh thơi trút bỏ những lo âu, sầu não vào màu xanh của miền sơn cước. Toàn cảnh đồng ruộng Ba Vì Cheo leo trên đỉnh Ba Vì Với những du khách ưa mạo hiểm thì việc chinh phục dãy núi Ba Vì là lựa chọn sáng suốt. Nơi đây có ba đỉnh núi chính là đỉnh Vua (cao 1.296m so với mực nước biển), đỉnh Tản Viên (1.281m) và đỉnh Ngọc Hoa (1.120m). Muốn lên đến đỉnh, du khách phải đi qua một chặng đường dài 14km (tính từ cổng vườn quốc gia Ba Vì) đến một bãi nhỏ có thể để ôtô. Từ đây ta mới có thể đi tiếp lên đỉnh Tản Viên và đỉnh Vua (hai đỉnh núi cao nhất trong dãy Ba Vì). Bò sữa Ba Vì Đường lên đỉnh núi nay đã được trải nhựa bằng phẳng, lại được các cô lao công quét dọn thường xuyên nên khá sạch sẽ. Mang theo một chai nước, một mẩu bánh và chiếc máy ảnh, chúng tôi đã sẵn sàng bước vào hành trình chinh phục đỉnh Ba Vì. Trời đang cuối thu nên khí hậu khá dễ chịu. Con đường lên núi như hút lấy chân người. Nắng như dát vàng cả đường đi và phía dưới là những cánh đồng màu mỡ ẩn hiện trong sương. Hồ Tiên Sa nhìn từ trên cao trông như một chiếc gương đồng được trang trí bởi những biệt thự nhỏ xinh soi mình bên dòng nước. Những tán lá đã ngả sắc vàng mịn, rơi lả tả xuống đường. Những cung đường quanh co, uốn lượn ở Ba Vì Đi được khoảng 7km thì đến mốc 400m (mốc độ cao so với mực nước biển). Nơi đây địa thế khá bằng phẳng và là nơi lý tưởng để xây dựng biệt thự, bể bơi, khu nghỉ dưỡng cao cấp và cũng là nơi du khách có thể nghỉ chân. Nhưng chính địa thế bằng phẳng ấy, cái cảm giác nghỉ ngơi ấy lại làm chùn lòng biết bao du khách. Và nếu chỉ dừng ở đây thì thật sự là một điều đáng tiếc vì vẫn còn rất nhiều điều thú vị đang chờ ở phía trước. Qua mốc 400m, Ba Vì hiện lên với một không gian khác hẳn. Không còn ánh nắng chan hòa, không còn những cây bằng lăng hai bên đường đi, tất cả đã nhường chỗ cho rừng, cho sự nguyên sơ đến hoang dại. Rừng già trầm mặc và lặng im. Cái ồn ã của ngày thường và tiếng cười nói của khách du lịch hầu như không còn. Cánh rừng hun hút như muốn nuốt chửng khách bộ hành. Sương mù trở nên dày đặc và con người cũng thấy mình nhạt nhòa hơn. Dây leo trong rừng như những chướng ngại vật thử thách người vượt núi Càng lên cao cảnh càng đẹp và con người có cảm giác càng tiến gần đến bản ngã của chính mình. Rừng tự nhiên, con người cũng tự nhiên hơn. Và khi cả khu rừng mênh mông chỉ còn vài người nhỏ bé thì bạn có thể thấy yêu quý những người bạn của mình hơn, muốn chia sẻ nhiều hơn những điều chưa nói giữa đô thành khói bụi. Thậm chí một chiếc xe máy vút qua cũng có thể làm lòng ta ấm lại. Vượt qua những lúc tưởng chừng như không thể bước thêm được nữa, vượt qua cái cảm giác sợ hãi khi bị vắt rừng hỏi thăm, chúng tôi đã lên đến trạm nghỉ cuối cùng mà lòng vui như mở hội. Những tiếng hú, tiếng hét vang lên dữ dội khi chiến thắng được chính mình. Cảnh non sông hùng vĩ hiện ra trước mắt. Những ngọn núi chọc trời cũng nằm khiêm nhường như những mô đất con con. Cả một vùng đồng bằng thấp thoáng trong sương như thiếu nữ e ấp trong chiếc khăn voan giữa buổi chiều gió lạnh. Nghỉ chân một lát, chúng tôi leo lên 500 bậc đá để lên đền Thượng thờ thánh Tản Viên. Tuy ngôi đền cũ không còn nhưng sự uy nghiêm, linh thiêng thì chưa bao giờ mất. Những cơn gió lạnh đến se lòng cùng núi non trước mắt như đưa mỗi người trở lại với chính mình, trở về với nguồn cội của mình. Nhà sàn Từ trạm nghỉ chân đi gần 800 bậc đá nữa là đến đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Vua, đỉnh cao nhất của dãy Ba Vì. Và trong những giây phút hiếm hoi con người được trở lại với chính mình này, ngôi đền hiện ra thật đơn sơ và gần gũi. Bước xuống núi khi trời đã ngả sang chiều, những con người mệt mỏi nay đã tung tăng nhảy chân sáo. Rừng sâu không còn là điều đáng sợ, rừng đã ở trong ta, rừng đã là bạn ta rồi. . Ba Vì: hai nửa thanh bình Chiều, xe chuyển bánh về Hà Nội, chúng tôi vẫn cố ngoảnh đầu nhìn lại màu xanh của vùng đất Ba Vì huyền thoại. Nơi ấy như hai nửa thế giới: một thế. cước. Toàn cảnh đồng ruộng Ba Vì Cheo leo trên đỉnh Ba Vì Với những du khách ưa mạo hiểm thì việc chinh phục dãy núi Ba Vì là lựa chọn sáng suốt. Nơi đây có ba đỉnh núi chính là đỉnh Vua. cổng vườn quốc gia Ba Vì) đến một bãi nhỏ có thể để ôtô. Từ đây ta mới có thể đi tiếp lên đỉnh Tản Viên và đỉnh Vua (hai đỉnh núi cao nhất trong dãy Ba Vì) . Bò sữa Ba Vì Đường lên đỉnh