BIẾT MÌNH LÀ AI Ali có một chú chó cưng tên là Marley. Điều đặc biệt là mỗi khi Marley xuất hiện cùng cô chủ, mọi người đều đối xử với nó nồng hậu như cách họ đối xử với một con người. Mà quả thật, Marley cũng thể hiện nhiều điệu bộ rất “con người”. Nhưng tôi có cảm giác rằng Marley luôn nhận thức được sự thật rằng nó khiếm khuyết. Vâng, Marley là một chú chó chỉ có 3 chân. Tuy nhiên, dường như khiếm khuyết này chẳng phải là một trở ngại lớn đối với Marley. Marley thực sự không bận tâm đến khiếm khuyết của mình. Mỗi khi được Ali dẫn đi dạo, Marley được rất nhiều người yêu quý. Đa số họ, đặc biệt là bọn trẻ, cảm thấy tiếc cho nó. Họ muốn biết điều gì đã xảy đến với Marley và tại sao nó lại bị mất một chân như vậy. Nhưng rồi ngay sau đó, mọi người đều nhận ra rằng Marley không hề bận tâm đến điều này. Và Ali cũng không. Ali bảo rằng chú chó Marley khiến con bé nhớ đến tôi. Nếu xem chuyện mất một cái chân hay gãy cổ là những thương tật thì đối với tôi, đó chẳng qua là do ta đã quá chú tâm đến hình thức của mình mà thôi. Tuy nhiên, có thể thấy rằng giữa động vật và con người có cách phản ứng khác nhau trước những thương tật trên cơ thể. Ở con người luôn tồn tại nhận thức về “cái tôi” - tức là hình ảnh ta vẽ nên cho cuộc sống của mình. Theo đó, khi con người bị mất một chân hay gãy cổ thì nhận thức của họ về hình ảnh bản thân sẽ thay đổi. Trong khi đó, động vật lại không có hề cảm giác về “hình ảnh cái tôi” nên việc bị thương tật chẳng ảnh hưởng nhiều đến chúng. Tất nhiên là chúng nhận thức được việc mình bị thương tật và đương nhiên là chúng cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu được lành lặn. Tôi không muốn tỏ ra ghen tỵ với chú chó của Ali nhưng tôi tuyệt đối tin rằng nếu không có “hình ảnh cái tôi”, nếu không có cái bản ngã riêng thì cuộc sống của mỗi người sẽ rất khác biệt so với hiện tại - một cuộc sống mà ta đang trải nghiệm với tư cách một con người. Tôi đã quan sát cuộc sống của những chú chó như Marley và tôi nhận ra rằng: Chúng luôn tràn ngập tình yêu đối với cuộc đời. Con người chúng ta có vẻ cũng yêu thương cuộc đời đấy, nhưng chúng ta lại không nhận thức trọn vẹn về mỗi ngày trôi qua. Trong khi đó, những chú chó dường như cảm nhận được rằng cuộc sống vốn dĩ rất tốt đẹp, và dường như chúng cũng hiểu về một tình yêu vị tha. Vì không có bản ngã, nên chúng thích thể hiện tình yêu thương. Còn con người chúng ta khi yêu thương, chúng ta luôn rụt rè, e ngại, không dám mở rộng trái tim mình. “Cái tôi” đã khiến ta luôn phải tự hỏi: “Liệu mình có bị tổn thương không? Liệu người ta có đáp trả tình yêu của mình không? Liệu những nhu cầu của mình có được đáp ứng hay mình có bị bỏ rơi không?”. Các chú chó không có những câu hỏi như thế. Với chúng, yêu đơn giản là yêu. Cái chết có vẻ cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng đối với động vật. Chúng yêu cuộc sống bởi vì chúng không sợ chết. Còn với chúng ta, cái chết thực sự là một nỗi ám ảnh bởi ta coi đó như một sự đe dọa vào phút cuối đời. Chúng ta bị dằn vặt vì những cảm xúc: “Không lý nào mình lại phải chết! Không lý nào cuộc sống lại tiếp tục, mọi thứ vẫn y nguyên mà lại không có mình!”. Cái chết rất tàn nhẫn; nhưng với Marley và những anh em của nó, chết cũng giống như mất một cái chân mà thôi. Một phần trong sự trưởng thành của con người chính là phát triển cá tính. Điều này sẽ bắt đầu bằng việc những đứa trẻ từ một đến ba tuổi bỏ chạy khỏi bố mẹ. Thường thì chúng sẽ chạy một quãng ngắn, sau đó quay lại nhìn xem phía sau có ai đuổi theo không. Tất nhiên, đó chỉ là biểu hiện ban đầu của việc phát triển cá tính của trẻ. Chúng ta sẽ luôn bị ám ảnh vì điều này và quẩn quanh trong đầu mình những câu hỏi như: “Tôi là ai?” “Tôi sẽ trở thành người như thế nào?” và “Tôi nên trở thành người như thế nào?”. Làm sao ta có thể trả lời các câu hỏi trên khi mà thế giới ta đang sống luôn đầy rẫy những câu khẩu hiệu như: “Hãy trở thành tất cả những gì bạn có thể trở thành”? Làm sao chúng ta có thể tìm ra hình ảnh của bản thân trong một thế giới luôn quan niệm rằng giá trị của mỗi người sẽ được xác định bằng vẻ đẹp, địa vị, quyền lực và sự giàu có? Với những người đã làm việc cần mẫn để trở thành hình mẫu mà họ mong muốn hoặc sẵn sàng lao động miệt mài hơn để tránh rơi vào hình mẫu mà họ lo sợ thì cuộc tìm kiếm hình ảnh bản thân sẽ vẫn tiếp tục và chẳng bao giờ dừng lại. Nhưng có một sự thật nực cười rằng hình ảnh bản thân con người chẳng qua cũng chỉ là một ảo ảnh. Chúng ta lao động cần mẫn để có nó nhưng thực tế thì nó cũng chỉ là một ảo ảnh. Mang trong mình một hình ảnh cũng giống như giữ trong tay một bụm nước: Ngay khi ta nghĩ rằng mình đang nắm giữ nó thì nó đã trôi tuột qua kẽ tay ta. Ngay vào thời điểm bạn đang đọc cuốn sách này, bạn là ai? Bạn là một độc giả! Quả thật, ngay tại thời điểm này bạn là vậy. Và bạn còn có thể là ai khác nữa? Có thể bạn là người đang tìm kiếm những thông tin mà bạn hy vọng có thể hợp thức hóa được ảo ảnh của bạn về hình ảnh và niềm tin. Và nếu bạn tìm được nó trong cuốn sách này thì bạn có thể sẽ nói rằng đây là một cuốn sách bổ ích. Nhưng tất cả mọi điều trên đều sẽ thay đổi khi bạn chuyển sang làm việc khác; khi tâm trí của bạn hướng đến một việc khác hoặc khi bạn ở một môi trường khác. Mọi thứ rồi sẽ thay đổi – bao gồm cả hình ảnh của ta. Thế nhưng, chúng ta vẫn không ngừng tìm kiếm hình ảnh riêng của bản thân; chúng ta nhất mực phải khám phá bằng được nguyên nhân khiến mình bị tổn thương, và hồi phục nhờ đâu; chúng ta đi tìm những ranh giới nơi khởi nguồn và kết thúc sức mạnh của chúng ta. Hành vi này cũng giống như một người vừa chạy một đoạn rồi quay lại nhìn, rồi lại chạy, lại nhìn… (Các nhà tâm lý học gọi đó là “sự tái lập quan hệ” 3 ). Một phần trong sự khôn ngoan của con người là khả năng nhận ra rằng hình ảnh tự thân là thứ có thể bỏ qua. Đó là khi ta nhận ra rằng từ “Ta” cần phải được viết bằng một loại mực vô hình. Như trường hợp của tôi chẳng hạn, mọi người thường giới thiệu tôi với các chức danh một nhà tâm lý, một nhà trị liệu, một tác giả, một người cha, một người tàn tật và nhiều nữa. Nhưng thật ra, tôi chỉ đơn giản là một con người – cũng sống với niềm hy vọng và nỗi sợ hãi, cũng có tình thương yêu và lòng căm ghét, cũng từng thay đổi tính khí và không ít lần xấu hổ như bao người khác. Và tất cả như những dòng nước chảy qua kẽ tay tôi. Tôi từng cảm nhận sự lạc lõng của mình trên cõi đời này và tôi thấy sợ hãi, đau buồn, nhưng rồi tôi lại tìm thấy sự bình an trong tâm hồn mình. Rainer Maria Rilke 4 đã viết: “Tôi thật nhỏ bé giữa thế giới này, nhưng không nhỏ đến mức bạn có thể coi là đồ vật hoặc mặc nhiên đánh giá là ngu dốt hay thông minh”. Nếu vậy thì làm sao ta có thể sống nếu ta không vĩ đại như ta mong ước và không có những dây neo vững chắc để ta nương tựa giữa cuộc đời? Ta sẽ là ai nếu ta không có được những danh hiệu rõ ràng, chẳng hạn như “cha mẹ”; “người tốt”; “người biết dâng hiến và thương yêu” hoặc “kẻ cứng rắn và bướng bỉnh”. Làm sao ta có thể sống nếu thiếu đi hình ảnh bản thân? Chúng ta không trả lời được những câu hỏi trên nhưng Marley thì có thể. Trong những năm qua, tôi đã từng tư vấn cho rất nhiều người đang gặp phải vấn đề về tâm lý hoặc tổn thương về tinh thần. Có những người, dù sự tổn thương của họ không hề nghiêm trọng nhưng họ lại bị hủy hoại vì nó; trong khi có nhiều người lại ứng biến rất tốt trước những tổn thương trầm trọng hơn. Trong số những bệnh nhân này, có hai cặp vợ chồng có thể xem là hai trường hợp điển hình cho nhận xét trên. Cả hai cặp vợ chồng này đều đã trải qua những tổn thương nặng nề về tâm lý. Cặp đầu tiên đang ở độ tuổi đôi mươi và vừa kết hôn. Đây là hai con người đang trong hành trình xây dựng hình ảnh bản thân của mình – bắt đầu sự nghiệp, xây dựng gia đình. Người chồng trẻ đang trong thời kỳ tại ngũ thì bị một tai nạn xe hơi và trở nên tàn phế. Người chồng đau khổ cùng cực còn người vợ thì hoàn toàn tuyệt vọng. Và cuối cùng họ chia tay. Cùng năm đó, tôi tư vấn tâm lý cho một cặp vợ chồng vào khoảng 60 tuổi và đã kết hôn được gần 40 năm. Chiếc xe tải của người chồng bị lật và hậu quả là ông bị gãy cổ. Ngẫu nhiên, thương tật của ông cũng nằm ở vị trí giống như ở người chồng trẻ mà tôi đề cập ở trên, và như vậy thì tổn thương của họ là như nhau. 3 Nguyên văn: Rapprochement. 4 Rainer Maria Rilke (1875 – 1926): Tên đầy đủ là René Karl Wilhelm Johann Josef Maria Rilke; là một nhà thơ Áo viết bằng tiếng Đức, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ 20. Liệu pháp điều trị của tôi với cặp vợ chồng lớn tuổi chỉ xoay quanh một số vấn đề về cách thích ứng trước biến cố của cuộc sống. Người vợ hỏi liệu có ổn không khi bà để chồng một mình và ra ngoài mua sắm hoặc xem phim với bạn bè. Và chúng tôi cũng trò chuyện về cách để ứng phó với sự tàn tật của người chồng. Tất cả chỉ có vậy. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã làm việc xong. Với cặp vợ chồng lớn tuổi này, tai nạn chỉ là một sự kiện trong cuộc sống của họ. Nó không làm thay đổi việc họ là ai cũng như tình yêu họ dành cho nhau. Còn với cặp vợ chồng trẻ, tai nạn đã hủy hoại cuộc sống của họ. Cả hai cặp vợ chồng này đều phải đối mặt với những thử thách thể chất như nhau. Thế nhưng, cách ứng phó của họ đã tạo ra những ngả rẽ khác nhau trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta sẽ không nhận định rằng cặp này mạnh mẽ hay cặp kia yếu đuối. Chúng ta thậm chí cũng không nhận định rằng ai trong số họ kiên cường hơn. Sự khác biệt nằm ở kích thước và hình dạng của “cái tôi”. Với cặp vợ chồng lớn tuổi – cũng giống như hầu hết những người đã may mắn có được sự trải nghiệm sáng suốt – thì đại từ danh xưng “tôi” thường bé hơn và nhẹ hơn. Và tai nạn chẳng qua cũng chỉ là một sự kiện trong cuộc đời họ mà thôi. NHẬN THỨC TÂM LÝ LÀ ĐIỀU CÓ THỂ THAY ĐỔI Anne - một phụ nữ chừng 40 tuổi, đã đến tìm tôi trong suốt thời kỳ khó khăn của cuộc đời cô. Cô nói với tôi rằng cô có cảm giác như mình đã dùng hết hai mươi hay ba mươi năm đầu của cuộc đời để cố leo lên một ngọn cây. - Vâng, tôi đã leo tới đỉnh rồi. - Anne nói. - Nhưng giờ tôi lại phát hiện ra ngọn cây đó không phải dành cho tôi. Tôi đã hỏi Anne tại sao cô lại muốn tôi giúp cô điều trị tâm lý. - Tôi cảm thấy hình như mình đang muốn bắt đầu lại. - Anne trả lời. - Và lần này tôi muốn chắc rằng nỗ lực của mình là đúng đắn. Lúc tôi và Anne nói chuyện nhiều hơn về những ngọn cây cũng là lúc chúng tôi thật sự đề cập đến vấn đề nhận thức của cô. Anne cho rằng: “Nếu tôi leo đúng ngọn cây… nếu ngọn cây đó dành cho tôi… thì tôi sẽ rất hạnh phúc”. Và đó chính là động lực khiến Anne có ý định thay đổi ngọn cây khác. Điều đáng nói ở đây là nhận thức của Anne đã không hề thay đổi. Tôi cho rằng mỗi người đều có một nhận thức tâm lý riêng nhưng họ lại không nhận ra điều đó. Chúng ta tự nhủ: “Nếu mình giảm cân thành công, mình sẽ rất hài lòng về bản thân”; “Nếu như mình cưới một người khác, gia đình mình chắc hẳn sẽ hạnh phúc hơn”; “Nếu mình được thăng tiến, mọi thứ sẽ ổn thỏa”; “Nếu con mình vào được đại học Harvard, nó sẽ có được những lợi thế mà mình đã không có” hoặc “Nếu mình giao du với những người thành đạt, mình cũng sẽ thành đạt”… Và những nhận thức tiêu cực như: “Nếu mình không hoàn thành công việc, mình sẽ bị sa thải”; “Nếu vợ chồng mình không kiếm thêm nhiều tiền, mình sẽ không thể trả nổi các hóa đơn”… Những nhận thức tâm lý trên luôn là điều sai lầm. Tôi không nói việc ta có những suy nghĩ này là sai lầm - vì tất cả chúng ta đều có những suy nghĩ đó. Điều tôi muốn nói ở đây là những nhận thức này thật ra chỉ là vấn đề tâm lý. Chúng ta có thể tự tạo nên tâm lý riêng cho mình nhưng thông thường, nhận thức tâm lý của mỗi người bắt nguồn từ cha mẹ hoặc đức tin mà họ theo đuổi. Thỉnh thoảng cũng có những nhận thức tâm lý bắt nguồn từ các khuynh hướng trong nền văn hóa mà ta đang sống. Những nhận thức tâm lý này có thể tạo nên khuôn khổ cho cuộc sống của ta và giúp ta cảm thấy bớt lo lắng hơn. Nhưng điều đáng buồn là ngay cả khi những nhận thức tâm lý của ta không mang lại tác dụng tích cực thì ta vẫn không thay đổi chúng. Ta nỗ lực để mọi việc thay đổi theo chiều hướng tốt hơn nhưng vẫn trên nền nhận thức cũ. Và chính điều này đã bó buộc cuộc đời ta. Vậy thì làm sao để ta có thể giải thoát mình khỏi những ràng buộc tâm lý này? Bất cứ khi nào lâm vào cảnh khốn cùng hay quá lo lắng cho một vài sự kiện sắp xảy ra trong tương lai, tôi lại tự hình dung về viễn cảnh xấu nhất có thể xảy đến Và sau đó, tôi cố gắng tìm cách sống cùng viễn cảnh tồi tệ đó. Một lần, khi bị người phụ trách biên tập ở tờ Philadelphia Inquirer (nơi tôi đang làm việc) phê bình một cách cay nghiệt về một bài báo tôi viết, tôi đã cảm thấy lo lắng và xấu hổ kinh khủng. Vậy là tôi cố hình dung ra viễn cảnh tồi tệ nhất là tôi sẽ bị sa thải hoặc phải từ bỏ công việc mình yêu thích. Một vài ngày sau đó, tôi ứng xử như thể mình không còn là nhà báo nữa. Nỗi sợ hãi trước đó của tôi đã giảm đi một cách tự nhiên và nhanh chóng. Hay như trước mỗi lần phẫu thuật, tôi luôn tự hỏi: “Điều gì khiến mình sợ hãi nhất?”. Chắc chắn câu trả lời sẽ là cái chết. Tiếp đó, tôi mường tượng về cảnh các con tôi sẽ sống thiếu cha. Và khi tôi bỏ thời gian để hình dung về những cơn ác mộng của cuộc đời mình thay vì trốn chạy khỏi nó, cảm giác lo lắng trong lòng tôi cũng tiêu tan. Khi cháu tôi - Sam - bị chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ, tôi tưởng tượng ra tình huống xấu nhất có thể xảy đến với thằng bé. Tôi nghĩ đến cuộc sống của Sam khi đó, hoặc với cha mẹ nó và của cả tôi. Vì thế giờ đây, mỗi khi bệnh nhân của tôi bỏ dở câu than thở: “Tôi không thể sống nếu thiếu…” thì tôi lại động viên họ hãy nói trọn câu nói này. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu những nhận thức tâm lý của bạn là sai lầm? Điều gì sẽ xảy đến nếu bạn vẫn sống tốt cho dù bạn có nhất mực tin rằng mình không thể làm được mọi điều? John - một bệnh nhân khác của tôi tuổi độ ngũ tuần - đã lớn lên trong một gia đình đông con với một người cha nát rượu và tính khí thất thường. Không hiểu sao khi trưởng thành, John một mực cho rằng mình là người duy nhất chịu trách nhiệm nối kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Anh tự cho rằng nếu mình không làm công việc của một người cưu mang và hàn gắn gia đình thì gia đình anh sẽ bị ly tán. Vậy là anh cố hết sức làm mọi điều, hết lòng chăm sóc anh chị em ruột, cháu chắt, đồng thời nhận tất cả việc chăm sóc cha mẹ về mình. Anh luôn nghĩ rằng mình là người duy nhất phải làm việc này và đã tổ chức cuộc sống của mình xoay suy nghĩ đó. Điều này không ngừng ám ảnh John và không ít lần làm anh tỉnh giấc lúc nửa đêm. Không những thế, nó còn làm anh kiệt sức vì phải liên tục di chuyển để đến thăm nom những người thân trong gia đình. John luôn cho rằng nếu anh không làm như vậy thì gia đình anh sẽ không còn gắn kết với nhau nữa. Khi đến gặp tôi, John đang trong tâm trạng hoàn toàn tuyệt vọng. Sức khỏe của anh đã cạn kiệt còn cuộc hôn nhân của anh đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Khi chúng tôi trò chuyện về trạng thái tâm lý mà bao lâu nay anh không hề nhận thấy, John mới vỡ lẽ ra. Tôi bảo John hãy tưởng tượng đến tình huống xấu nhất – đó là gia đình anh sẽ ly tán. John làm theo tôi và tưởng tượng ra hình ảnh một trong những người anh em ruột sẽ qua đời, một người sẽ phải nhập viện còn một người khác nữa thì bị xa lánh đễn nỗi không ai còn muốn nói chuyện với cô ấy. Chúng tôi ngồi đối diện nhau để John hình dung hết cuộc sống của anh sẽ ra sao nếu những chuyện này trở thành sự thật. Những cơn ác mộng của John tuy không hẳn là dễ chịu nhưng cũng dần trở nên bớt đáng sợ hơn. Tuy nhiên, dù chỉ có vậy thì nó cũng giúp anh có thêm dũng khí để thay đổi nhận thức tâm lý của mình. Rõ ràng, nếu John có thể sống với viễn cảnh gia đình mình tan vỡ thì anh hoàn toàn có thể phiêu lưu và vui vẻ với khả năng ngược lại. Và đó là phần khó nhất trong việc thay đổi nhận thức tâm lý của ta. Chúng ta nhất mực giữ nguyên tâm lý của mình bởi vì ta cho rằng đó là tất cả những gì mình có. Và để bỏ đi tâm lý đó thì ta cần phải có một niềm tin liều lĩnh – đó là tin vào thứ không thể biết trước được. Và tôi cho rằng nhiệm vụ của chúng ta là hãy đặt niềm tin vào sự mạnh mẽ của bản thân mình. Một khi làm được điều đó, cuộc đời sẽ mở ra trước ta nhiều điều tốt đẹp hơn. Quay trở lại với bệnh nhân Anne của tôi - người đang tìm một cái đích đúng đắn để vươn tới. Sau một thời gian làm việc cùng tôi, cô bắt đầu nhận ra một vài điều quan trọng. Thực sự thì không phải cô đang tìm kiếm hạnh phúc khi theo đuổi một cái đích mà chẳng qua cô là người luôn ham thích khám phá. Cô đã nhận ra rằng việc cô nỗ lực để leo “những ngọn cây” đó là bởi vì cô thích tìm tòi học hỏi mà thôi. Khi Anne bỏ đi tâm lý sẽ tìm thấy hạnh phúc khi lên đến “ngọn cây”, cô sẽ không còn xét đoán bản thân là người thành công hay thất bại nữa. Khi ấy, cuộc sống sẽ trở thành một hành trình để Anne trải nghiệm, thay vì quản lý nó. Bài thơ “Fearing Paris” (Nỗi sợ hãi mang tên Paris) của nhà thơ Marsha Truman Copper có thể mang đến cho bạn một vài lời khuyên bổ ích về việc hãy can đảm thay đổi tâm lý cố hữu của mình. Bài thơ như sau: Hãy giả định rằng những nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của bạn có thể ẩn chứa đầy rẫy ngay tại Paris. Cho dù bạn có can đảm để đi đến mọi hang cùng ngõ hẹp của thế giới bao la và xinh đẹp này, Cho dù la bàn của bạn có thể chỉ về mọi hướng, thì vẫn còn một nơi, Ở ngay kim la bàn chỉ về hướng tây bắc, hay đông bắc - nơi mà bạn không một lần dám đặt chân. Đó là Paris, thành phố nơi nỗi sợ hãi triền miên ngự trị. Bạn sợ đặt chân đến cả đường ranh giới chia cắt Paris với những miền đất khác. Bạn sợ bước lên cả ngọn đồi dù xa tít tắp nhưng ở đó phản chiếu những ánh đèn điện của Paris. Bạn sợ hãi khắp mọi nơi có hình bóng của Paris ở đó. Và nỗi sợ hãi triền miên đã ngăn bạn khám phá toàn bộ địa cầu Tôi có một lời khuyên dành cho bạn: Nếu mọi nỗi sợ hãi của bạn mang tên Paris, thì hãy chọn đó là nơi đầu tiên bước chân bạn đặt đến. SỐNG DƯỚI ĐỒ THỊ HÌNH CHUÔNG Đây là câu chuyện mà tôi đã từng kể - một câu chuyện có thực trong cuộc đời tôi và cũng là một bài học tôi tự rút ra cho mình. Chuyện xảy ra vào năm tôi học lớp 3 nhưng mãi đến khi trưởng thành tôi mới hiểu được hết ý nghĩa của nó. Năm đó, giáo viên chủ nhiệm lớp tôi - cô McNesbit - đã “phát minh” ra một hệ thống xếp loại học sinh thông qua việc sắp xếp chỗ ngồi trong lớp. Theo đó, nếu thể hiện tốt bài tập đọc, chúng tôi sẽ được phép di chuyển vị trí ngồi của mình lên phía trên lớp học và ngược lại. Vậy là chỗ ngồi của chúng tôi đã được di chuyển lên xuống mỗi ngày. Suốt niên học, vị trí ngồi của tôi liên tục bị di chuyển. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi từ hàng ghế sau chuyển lên hàng ghế đầu và ngược lại. Đến cuối năm học tôi ngồi vào hàng giữa – tương đương với thứ hạng khoảng 60/100. Lúc đó, tôi nhớ mình đã suy nghĩ: “Chỉ cần có thêm một tuần nữa, mình sẽ học bài chăm chỉ hơn và sẽ tiến lên hàng ghế đầu. Cho dù không phải hàng ghế thứ nhất nhưng cũng phải gần vị trí đó”. Suy nghĩ này đã tồn tại trong đầu tôi suốt 20 năm sau đó, thậm chí ngay cả khi tôi đã trở thành một thanh niên thành đạt, có nhiều cống hiến và được nhiều người quý trọng. Nhưng mà tôi không hài lòng, tôi vẫn cứ cố đẩy mình tiến xa hơn nữa, vì tôi cho rằng tôi vẫn chưa tiến được đến vị trí dành cho mình. Chỉ cần tôi làm việc chăm chỉ hơn và cống hiến nhiều hơn, tôi sẽ tiến được đến vị trí mà tôi nghĩ là nó thuộc về mình. Năm đó, tôi liên tục phải gánh chịu những cơn đau dạ dày khủng khiếp. Sau một vài xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán tôi có nguy cơ bị viêm ruột kết do chịu quá nhiều áp lực và ăn uống không điều độ. Bác sĩ còn cảnh báo rằng nếu tôi cứ tiếp tục làm việc với cường độ cao như vậy thì sức khỏe của tôi sẽ xuống cấp trầm trọng hơn. Tối đó, tôi trở về nhà trong tình trạng hoảng loạn. Tôi thật sự lo lắng khi nhìn lại cuộc sống không cân bằng của mình. Không những thế, tôi còn lo lắng rằng từ đây mình sẽ không thể có đủ sức khỏe để tiếp tục phấn đấu nữa. Hôm đó, vợ con tôi đi vắng, một mình tôi lang thang quanh nhà, cố gắng sắp xếp lại tất cả sự việc vừa xảy ra. Những suy nghĩ miên man đã dẫn tôi quay trở lại năm học lớp 3, quay trở lại vị trí của tôi lúc đó - vị trí cuối cùng ở hàng ghế giữa. Tôi nhớ những người bạn ngồi cùng hàng ghế với mình là những bạn tôi yêu mến nhất. Và lúc đó tôi chợt nghĩ: “Nếu quả thật vị trí cuối cùng ở hàng ghế giữa đó thuộc về mình, thì đã làm sao?”. Những người bạn thân nhất của tôi ngồi ở đó. Và tôi cũng vậy. Vậy thì tại sao tôi lại phải xấu hổ? Tôi sẽ không bao giờ quên được cảm xúc lúc tôi ngồi phịch xuống ghế, lòng nhẹ nhõm khác thường. Tôi đã mất quá nhiều thời gian mới hiểu được rằng không những hàng ghế giữa kia thuộc về tôi mà nó còn khiến tôi hạnh phúc. Qua năm tháng, tôi đã học được bài học rằng con người sẽ được hạnh phúc khi họ ở đúng vị trí của mình hơn là cố gắng để tiến tới được một nơi mà ở đó họ không còn là mình. Rất nhiều bậc cha mẹ mang trong mình nỗi lo ngại rằng con cái họ sẽ trở thành một kẻ “trung bình”. Chúng ta cố gắng bằng mọi cách để con cái mình luôn ở vị trí đầu. Chúng ta không muốn chúng chỉ đơn giản là một kẻ “trung bình”. Gần đây, khi trò chuyện với một nhóm phụ huynh, tôi bảo họ hãy nhớ về đồ thị hình chuông. - Các vị biết đấy… - Tôi nhắc nhở họ. - Trong số những ai đang ngồi đây, có lẽ chỉ có vài trường hợp ngoại lệ còn tất cả đều ngồi chung dưới một cái vòm lớn. Vì lợi ích của bọn trẻ (giống như tôi) đang ở dưới cái đồ thị hình chuông này, tôi chỉ hy vọng rằng các bậc cha mẹ hãy chấp nhận sự thật đơn giản rằng: Vị trí hàng chính giữa thật ra cũng không phải là một vị trí tồi! Thực ra thì khi ngày một nhiều tuổi hơn, tôi bắt đầu hiểu được lý do tại sao cha mẹ tôi lại luôn muốn tôi phải tiến lên vị trí đầu tiên của hàng ghế trước như vậy. Họ luôn hy vọng rằng tôi có thể vượt ra khỏi cái đồ thị hình chuông đó. Họ luôn lo lắng rằng điều tồi tệ sẽ xảy ra nếu tôi chỉ dừng lại ở mức là một kẻ “trung bình”. Tất nhiên, sở dĩ các bậc cha mẹ làm vậy cũng chỉ bởi họ mong muốn điều tốt nhất sẽ đến với con cái mình. Đó cũng chính là lý do khiến nhiều người luôn sống trong tâm trạng lo lắng. Chúng ta muốn con cái mình học hành chăm chỉ hơn, hiệu quả hơn nên đã bắt bọn trẻ làm thật nhiều bài tập và tham gia nhiều hoạt động để lấp đầy thời gian rỗi của chúng. Điều vô cùng tệ hại ở đây là khi làm như vậy, chúng ta vô tình đã tạo ra một áp lực rất lớn cho trẻ, buộc trẻ phải vượt trội trong mọi thời điểm. Học sinh mới chỉ học cấp 2 nhưng đã phải nghĩ đến chuyện thi đại học. Một khi bọn trẻ luôn phải cố gắng để trở thành người xuất sắc, chúng sẽ không bao giờ học được những bài học quý giá đến từ sự thất bại. Thật may mắn là cuối cùng tôi cũng đã có cơ hội nếm trải sự thất bại để từ đó biết cảm ơn những bài học quý giá mà mình đã học được. Tất nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ khi tôi kể với họ rằng hồi đi học, tôi chỉ ngồi ở vị trí cuối cùng của hàng ghế giữa. Căn cứ vào những cuốn sách cùng những thành tựu mà tôi đã “may mắn” đạt được, họ không tin tôi ngồi ở vị trí “trung bình” đó. Nhiều năm qua, tôi học được rằng chính nhờ vào sự tử tế và khả năng thấu hiểu người khác nên tôi được xếp vào hàng ghế đầu tiên. Nhưng có nhiều khía cạnh trong con người tôi có khả năng bị xếp vào hàng ghế cuối, chẳng hạn như các kỹ năng thuộc về kỹ thuật, khả năng tập trung hay trí nhớ… Tóm lại, tôi đã rất thoải mái khi biết mình thuộc về vị trí cuối cùng của hàng ghế giữa. Nếu như bạn cảm thấy mệt mỏi với việc phải luôn nỗ lực để đẩy mình về phía trước, hoặc khi bạn đang ở vị trí trên cùng mà cảm thấy cô đơn, hãy quay trở lại với chúng tôi và bạn luôn được hoan nghênh chào đón. Còn rất nhiều chỗ trống ở đây và tất nhiên, hãy tin tưởng rằng chúng tôi là những người tử tế. Thật ra, việc hướng con cái trở thành người mà ta kỳ vọng là một việc khá dễ dàng. Tất cả những gì chúng ta cần là nhìn trước được con đường bọn trẻ sẽ đi, truyền lại cho chúng kinh nghiệm của mình, cảnh giác trước những hiểm nguy có thể sẽ xảy đến và dạy chúng bài học làm người mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có sẵn. Nhưng thử thách lớn nhất với các bậc phụ huynh chính là làm thế nào để con cái mình tìm thấy hạnh phúc trên hành trình khám phá ra nơi thuộc về chúng trong cuộc sống. Để làm được điều này, chúng ta cần phải học cách tin tưởng. Khi tôi khuyên các bậc cha mẹ hãy tin tưởng vào con cái mình, tôi không muốn các bạn tin rằng con mình sẽ không thất bại – bởi vì chúng sẽ thất bại. Tôi cũng không muốn các bạn tin rằng con mình sẽ không đưa ra những quyết định ngốc nghếch – bởi vì chúng sẽ có nhiều quyết định như thế. Tôi chỉ muốn các bạn hãy tin rằng bọn trẻ sẽ đứng lên từ thất bại và trưởng thành trong việc rút ra bài học từ những quyết định ngốc nghếch. Vậy thì con cái ta sẽ dựa vào đâu để đứng dậy khi vấp ngã? Một lần, tôi điều trị cho một bệnh nhân bị nỗi cô đơn ám ảnh triền miên, và cô đã nói với tôi một câu mà tôi không bao giờ quên được: - Tôi có cảm giác tâm hồn tôi là một cái lăng kính. Khi nhìn vào đó, mọi người có thể thấy được một màu nhưng không ai nhìn thấy cái lăng kính thật sự. Trong một bức thư gửi cho cháu Sam 5 , tôi đã kể thằng bé nghe một truyền thuyết của người Do Thái về dấu ấn mà Chúa đã để lại trên thân thể trẻ con khi chúng vừa chào đời. Sau khi ban cho đứa trẻ còn nằm trong vòng tay mẹ tất cả trí khôn cần thiết để có thể tồn tại trong cuộc đời, Chúa đã đặt ngón tay Ngài lên môi đứa trẻ và nói: “Suỵt”. Và ngay trong khoảnh khắc đó, khi chúng ta thấm nhuần tri thức, Chúa đã vĩnh viễn để lại dấu ấn trên môi khiến đứa trẻ quên mất những tri thức mình có. Vậy thì con cái ta sẽ dựa vào đâu để đứng dậy từ những vấp ngã? Câu trả lời là chúng dựa vào chiếc lăng kính như lời cô gái kia. Chúng dựa vào trí khôn mà con người thường không nhận thức được cho tới khi họ cần dùng đến. Chúng dựa vào câu chuyện về vết hằn trên đôi môi của mỗi chúng ta. Và cuối cùng, chúng sẽ dựa vào bài học quý giá mà cuộc sống đã ban cho con người: Sau vấp ngã sẽ là sự trưởng thành. Đó là điều chắc chắn. 5 Trong một cuốn sách khác của tác giả - Letter to Sam. (First News đã dịch và xuất bản với tựa Thông điệp Cuộc sống). . có cái bản ngã riêng thì cuộc sống của mỗi người sẽ rất khác biệt so với hiện tại - một cuộc sống mà ta đang trải nghiệm với tư cách một con người. Tôi đã quan sát cuộc sống của những chú chó. của cuộc đời cô. Cô nói với tôi rằng cô có cảm giác như mình đã dùng hết hai mươi hay ba mươi năm đầu của cuộc đời để cố leo lên một ngọn cây. - Vâng, tôi đã leo tới đỉnh rồi. - Anne nói. -. sẽ sống thiếu cha. Và khi tôi bỏ thời gian để hình dung về những cơn ác mộng của cuộc đời mình thay vì trốn chạy khỏi nó, cảm giác lo lắng trong lòng tôi cũng tiêu tan. Khi cháu tôi - Sam -