Tây Bắc – Những con đường lúa Tháng 9, Tây Bắc mướt xanh và óng ánh vàng, ấy là khi lúa trên nương và trên ruộng bậc thang bắt đầu vào cuối vụ. Tây Bắc lại như một lời mời gọi không thể cưỡng lại với bước chân lữ khách, bất kể khi có ai đó có thể bật cười với mục đích chuyến đi: “thăm lúa”. La Pán Tẩn Đã từ lâu quốc lộ 32 qua những địa danh “nức tiếng” trong giới đi “phượt” như Văn Chấn – Tú Lệ, Khau Phạ – Mù Căng Chải, Than Uyên – Sa Pa trở thành một cung đường quá quen thuộc mỗi độ thu về. Tháng 9, tháng 10, khắp trên các diễn đàn mạng xôn xao một dạng câu hỏi: khi nào thì lúa chín? Thời điểm nào thích hợp cho một chuyến “thăm lúa” vùng cao? Giống như người nông dân và đồng bào dân tộc xem lịch để biết khi nào làm đồng, gieo cấy thì dân “phượt” lại xem lịch, ngóng chờ thời tiết để biết khi nào lúa chín, khi nào sẽ gặt và những nồi cơm mới sẽ được bắc trên bếp hồng… Đồi chè ở Thanh Sơn Quốc lộ 32 Một chuyến đi ngắn cuối tuần hai ngày rưỡi từ tối thứ 6 bằng ôtô hoặc xe gắn máy có thể coi như một lịch trình khá “kinh điển” của những bạn trẻ yêu chủ nghĩa xê dịch, năm nào đến hẹn cũng lên. Lúa Tây Bắc chỉ gieo một năm một vụ, chín rộ độ thu về, khi thời tiết trở nên khá lý tưởng. Những cơn gió thu mang đầy hơi thở của núi, bầu trời cao và trong xanh, nắng vàng như mật ngọt trên những triền núi xanh mê mải, ở đâu đó, sau một khúc quanh của núi, là biển lúa rập rờn óng ả… Tất cả sẽ khiến bạn đã tới thì không muốn rời đi, còn đã về thì không thể không quay lại… Ở Hà Nội có một cái thú đó là khi phóng xe ra ngoài thành phố chừng năm chục cây số thì thành phố đã hoàn toàn ở lại phía sau lưng. Trước mặt là núi đá, rừng xanh, là con đường thênh thang rộng mở, uốn lượn, cứ dài mãi dài mãi về phía xa xa như một dải lụa mềm mắc giữa núi, cây và nền trời. Tú Lệ Qua cầu Trung Hà bắc trên sông Đà, con đường chúng tôi đi tiếp tục trải mình qua vùng đệm của vườn quốc gia Xuân Sơn. Và rồi những đồi chè bát ngát hiện ra hai bên đường, mềm mại như một tấm thảm nhung xanh mượt mà, những búp chè mới lên nõn nà đang chờ tay người hái, những luống chè vạch ra những đường hình học vui mắt và hấp dẫn. Không gian khoáng đạt, hương chè tươi ngan ngát dọc đường như níu chân du khách đường xa… Đến Thu Cúc là gặp đèo Khế, con đường mà những năm trước đây luôn là một nỗi ám ảnh của dân đi bụi bằng ôtô riêng và xe gắn máy. Có lẽ những ai từng chạy xe qua đèo Khế khi chưa xong đường hẳn không bao giờ quên được những hình ảnh máy xúc đất, máy cào mở đường vì núi sạt, đèo lở hay những khoảng thời gian đứng đợi hàng tiếng đồng hồ chờ thông đường. Thông tin về đèo Khế phải cập nhật từng ngày, từng giờ trong mùa mưa. Thậm chí đã có nhiều chuyến đi phải chệch hướng đi “nhờ” qua đèo Lũng Lô hoặc thành phố Yên Bái nếu muốn tới Tú Lệ – Mù Căng Chải hoặc những địa danh khác nằm trên quốc lộ 32. Còn bây giờ con đường đã hoàn toàn được trải nhựa hàng chục kilômet ngoằn ngoèo quanh núi, đỉnh đèo Khế nơi phân chia địa phận giữa hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái nằm giữa bát ngát núi và rừng. Bây giờ, qua đèo Khế chỉ mất nửa giờ thay vì mất tới vài tiếng đồng hồ chạy lầm lũi và vất vả như xưa. Phía trước là những thảm lúa Tây Bắc đang gọi mời… Là Tú Lệ thơm mùi nếp mới, mùi gỗ pơmu trong chiều muộn lẫn trong khói bếp khiến bạn lâng lâng như đi trong cơn say. Cánh đồng Tú Lệ được ôm trọn bởi 3 dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Phán, giống như một cô gái trẻ luôn được ôm ấp vỗ về bởi 3 chàng trai với những vòng tay rắn chắc. Cô gái Tú Lệ ấy có một suối nước cong cong đầy nữ tính chia cánh đồng ra làm hai nửa, bên kia nép mình e lệ dưới chân núi, bên này khói bếp bảng lảng bay trên những nóc nhà… Cuộc sống giản dị, bình yên… mỗi ngày đồng bào ra đồng lên nương làm lúa, chiều về tắm suối, sáng chủ nhật lại ra chợ vui chơi và mua bán. Đôi khi khu chợ nhỏ trở nên náo nhiệt hơn ngày thường bởi sự có mặt của những vị khách từ dưới xuôi lên chơi hay dừng chân ghé qua trên chặng đường dài… Làm đồng Đường về Cách Tú Lệ không xa là đèo Khau Phạ với thung lũng Cao Phạ đã trở thành một dấu sơn trên bản đồ “thăm lúa”. Một khung cảnh kỳ vĩ và lộng lẫy thật khó diễn tả bằng lời, con đường nhỏ vạch một dải mềm đi về phía Lìm Mông, những thảm lúa rập rờn như cánh sóng, những mái nhà yên bình nằm nép dưới rặng cây. Tôi đã qua nơi này không biết bao lần, từng say sưa nằm trên vệ cỏ, ngửa cổ lên trời thiu thiu ngủ hay lặng mình trong cốc cà phê đun vội trên đường, nhưng tôi không nhớ đã chụp bao nhiêu bức hình cũng đúng góc nhìn ấy, khung cảnh ấy, thảm lúa ấy, mái nhà ấy… Mỗi lần dừng lại tôi đều chụp hình mê mải, say sưa như thể lần nào dừng lại cũng mới chỉ là lần đầu… Sắc màu Thung lũng Cao Phạ Khau Phạ là con đèo tiếp giáp giữa hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Qua địa phận Tú Lệ là tới Mù Căng Chải danh bất hư truyền. Với nhiều người, Mù Căng Chải là một nơi nào đó quá xa xôi mơ hồ, ở tít tận phía sau những dãy núi cao ngất trời và điệp điệp trùng trùng của Tây Bắc. Nhưng với nhiều người tự gọi mình là dân “phượt” thì khác, với họ Mù Căng Chải là điểm đến tuyệt vời trong mùa lúa. Đi gặt ở Púng Luông Chiều Ngôi nhà trên núi Những cái tên Púng Luông, Nậm Khắt, Chế Tạo, La Pán Tẩn, Dế Su Phình, Chế Cù Nha, Hồ Bốn đã trở nên thân quen trong ký ức của nhiều người, thân quen đến độ đôi khi chỉ nhìn vào bức hình, họ đã cảm nhận được đây là nơi nào, với núi, với rừng, với đèo cao, vực sâu, với những mái nhà ngô và những thửa ruộng vàng rực trong nắng trời. Đừng chần chừ nữa, phải lên đường thôi! . Tây Bắc – Những con đường lúa Tháng 9, Tây Bắc mướt xanh và óng ánh vàng, ấy là khi lúa trên nương và trên ruộng bậc thang bắt đầu vào cuối vụ. Tây Bắc lại như một lời mời. “thăm lúa . La Pán Tẩn Đã từ lâu quốc lộ 32 qua những địa danh “nức tiếng” trong giới đi “phượt” như Văn Chấn – Tú Lệ, Khau Phạ – Mù Căng Chải, Than Uyên – Sa Pa trở thành một cung đường. Và rồi những đồi chè bát ngát hiện ra hai bên đường, mềm mại như một tấm thảm nhung xanh mượt mà, những búp chè mới lên nõn nà đang chờ tay người hái, những luống chè vạch ra những đường hình