1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

VỊ TRÍ VĂN HỌC CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG 3 ppsx

7 344 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 7
Dung lượng 127,24 KB

Nội dung

VỊ TRÍ VĂN HỌC CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG 3 Nhưng cuộc đời vua Trần Nhân Tông không giống cuộc đời những ông vua sinh ra, lớn lên, rồi thụ hưởng một đất nước thái bình. Năm vua ra đời cũng chính là thời điểm vua Trần Thái Tông vừa đánh tan đạo quân xâm lược thứ nhất của đế chế Nguyên Mông lần đầu tiên tiến công nước ta, dưới sự chỉ huy của một tên tướng khét tiếng tàn bạo Ngột Lương Hợp Thai (Uryangqadai). Hơn 20 năm tiếp theo là một cuộc đấu tranh gian khổ về ngoại giao nhằm vừa bảo vệ chủ quyền đất nước, vừa mang lại nền hòa bình để cho người dân có cơ hội lao động sinh sống, và đất nước chuẩn bị tiềm lực để chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Kịp đến khi lên ngôi vào tháng 10 năm Mậu Dần (1278) thì vua Trần Nhân Tông đã phải trực tiếp đối phó với những tên sứ giả “uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình, đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tể phụ”, như Trần Hưng Đạo đã mô tả. Thế là cả nước phát động một phong trào chuẩn bị diệt giặc cứu nước. Tuy hào khí Nguyên Phong của cuộc chiến tranh năm Đinh Tỡ (1257) vẫn còn đó, mà nhà vua cảm thấy khi đến thăm lăng mộ của ông nội mình vào một ngày xuân trước cuộc chiến tranh 1285. Hùm gấu nghiêm nghìn cửa Áo mão bảy phẩm đầy Lính bạc đầu còn đó Nguyên Phong mãi kể say (Tỉ hổ thiên môn túc Y quan thất phẩm thông Bạch đầu quân sĩ tại Vãng vãng thuyết Nguyên Phong) Và hơn ai hết, bản thân vua Trần Nhân Tông đã từng cầm quân xông pha trận mạc. Thực tế, ta đã thấy nhà vua đã từng trực tiếp chỉ huy những trận đánh lớn, sống gần gũi với tướng lĩnh và binh sĩ, nên dễ cảm thông, thương xót cho những người vợ phải sống lẻ loi, khi người chồng vì nhiệm vụ phải ra mặt trận ở một nơi xa xôi nào đó của tổ quốc. Ngủ dậy vén rèm hoa thấy rơi Hoàng ly không hót giận xuân rồi Lầu tây vô cớ vầng dương lặn Bóng ngả về đông hoa lẫn chồi. (Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng Hoàng ly bất ngữ oán đông phong Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại Hoa ảnh chi đầu tận hướng đông) Chiến tranh vệ quốc chống lại các thế lực xâm lược lớn mạnh hơn ta rất nhiều lần, còn gợi lên những nỗi buồn như thế, huống nữa những cuộc chiến tranh để bảo vệ an ninh biên giới do các thế lực nhỏ yếu hơn ta quấy phá. Trong một bài thơ viết nhân chiến dịch bình định Ai Lao vào mùa xuân năm Canh Dần (1290), mà vì nghĩa vụ bảo vệ cuộc sống an lành cho nhân dân và một biên cương ổn định cho tổ quốc, vua Trần Nhân Tông phải cầm quân đi đánh dẹp. Thế mà vua vẫn tỏ ra không thích thú gì: Hoa sóng tung lên buồm gấm bay Dưới mui đầu mệt chẳng buồn quay Mây chiều Tam Giáp nhạn không đến Trăng sáng Cửu Than rồng có đây Lạnh lẽo đường đi cung mộng cũ Ngổn ngang sầu vướng rượu ly đầy Hán hoàng mang tiếng say chinh chiến Vội vã nam nhi chi lắm vầy. (Cẩm phàm khinh sấn lãng hoa khai, Bồng để yêm yêm thủ bất đài. Tam giáp mộ vân vô nhạn đáo, Cửu than minh nguyệt hữu long lai. Thê lương hành sắc thiêm cung mộng, Liêu loan nhàn sấu đáo tửu bôi. Hán Vũ phiêu chiêu cùng độc báng, Nam nhi cấp cấp nhược vi tai.) Một cuộc chiến tranh do vua chủ trương vì lợi ích chung như ĐVSKTT 5 tờ 58b5 -59a1 đã ghi: “Vua thân chinh Ai Lao. Triều thần nói: ‘Giặc Nguyên vừa rút lui, vết thương chưa khỏi sao có thể dấy binh’. Vua nói: ‘Chỉ có thể vào lúc này mới ra quân được, vì sau khi giặc rút lui thì ba vùng (Ai Lao, Chiêm Thành và Chân Lạp - LMT) tất cho quân ngựa và của cải ta bị tan mất, thế không thể tránh khỏi được, sẽ có sự khinh nhờn đối với ta, cho nên đem đại quân đi để thị uy’. Quần thần đều nói: ‘Vua há không biết dân mệt sao, mà chỉ vì có việc đáng lo lớn hơn thế nữa’. Đó là thánh nhân lo xa, chẳng phải bọn thần nghĩ kịp được”. Việc đem quân đi thị uy đối với Ai Lao, chỉ vì quyền lợi của đất nước mà vua Trần Nhân Tông phải làm. Và thực tế chỉ chưa tới 4 năm sau khi đã truyền ngôi cho con là Anh Tông và trở thành Thượng hoàng, vua Trần Nhân Tông còn phải thân chinh Ai Lao một lần nữa, vào tháng 8 năm Giáp Ngọ (1294) với sự tham gia của các tướng Phạm Ngũ Lão, Trung Thành Vương. Mối đe dọa của Ai Lao đối với biên cương Đại Việt như thế không phải là không có. Và việc đánh dẹp Ai Lao như thế là một yêu cầu của an ninh quốc gia. Thế mà, dù bài thơ vừa trích được làm vào chiến dịch Ai Lao năm 1290 hay 1294, nó vẫn toát lên một sự chán ghét đối với chiến tranh, đối với cái mà người thường gọi là “cùng binh độc vũ”, tức dùng chiến tranh để thỏa mãn những tham vọng cá nhân của người lãnh đạo. Trong cuộc đời mình, vua Trần Nhân Tông đã từng sống qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, nên hơn ai hết đã hiểu thế nào là những nỗi khổ do chiến tranh đem lại cho phía ta cũng như phía địch. Việc sử dụng chiến tranh để chống lại chiến tranh chỉ là một biện pháp bất đắc dĩ, khi mọi biện pháp khác không thể dùng được nữa. Do vậy, tự thâm tâm vua Trần Nhân Tông không bao giờ tán thành chiến tranh. Và sự không tán thành này xuất phát từ một cái nhìn về tính chung đồng loại của những con người dù ở chiến tuyến nào đi nữa, họ cũng đều có xúc cảm, suy nghĩ, nguyện vọng giống nhau. Không ít người từ hơn 500 năm trở lại đây, đã ca ngợi tính nhân bản và cao thượng của hành động cởi ngự bào phủ lên thủ cấp của tên tướng giặc Toa Đô, vừa bị quân ta chém đầu trong trận Tây Kết thứ hai năm 1285, do chính bản thân vua Trần Nhân Tông trực tiếp chỉ huy. Từ một sự chán ghét chiến tranh như vậy, vua Trần Nhân Tông tập trung mọi nỗ lực của mình để xây dựng một nền hòa bình lâu dài, không chỉ cho đất nước và dân tộc mình, mà còn cho các dân tộc và quốc gia láng giềng, đặc biệt là đất nước và nhân dân Trung Quốc. Ngay khi khói lửa của cuộc chiến tranh năm 1288 đang còn vướng vất trên các chiến trường Thăng Long, Bạch Đằng, lúc tiếp phái bộ Lưu Đình Trực và Lý Tư Diễn, do Hốt Tất Liệt gửi qua để đòi lại các tướng tá giặc như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Sầm Đoạn do ta bắt được, vua Nhân Tông đã nói đến Khí hòa góc đất đều lan tới Bụi chiến sông trời rửa sạch trơn. (Thác khai địa giác giai hòa khí Tịnh hiệp thiên hà tẩy chiến trần) trong bài thơ tiễn đưa phái bộ này, thể hiện ý chí và nguyện vọng bảo vệ và xây dựng hòa bình của nhân dân Đại Việt và của chính bản thân nhà vua. Đây là một nội dung đặc biệt của thơ văn vua Trần Nhân Tông, bộc lộ một sự tha thiết đối với hòa bình. Thật cũng lạ, một con người đã từng chỉ đạo, trực tiếp tham gia chiến tranh và đã có những chiến thắng oanh liệt. Vậy mà qua thơ văn vẫn luôn luôn biểu hiện một ước ao nóng bỏng đối với hòa bình. Điều này cũng có nghĩa vua Trần Nhân Tông không bao giờ coi chiến tranh như một nấc thang để bước lên đài danh vọng, để đi tới bến vinh quang. Suốt cuộc đời, ngay cả sau khi xuất gia, vua cũng luôn lao động miệt mài cho hòa bình, nhất là một nền hòa bình ở biên cương phía Nam của tổ quốc tiếp giáp với nước Chiêm Thành. Trước đây, nhiều người thường cho giai đoạn vua Trần Nhân Tông xuất gia là giai đoạn nhà vua rút lui khỏi cuộc đời, khỏi xã hội, “càng tu hành càng xa với thực tế xã hội, càng xa với ý muốn cứu khổ cứu nạn của Phật tổ” . Thế mà chính trong giai đoạn xuất gia này của nhà vua, biên cương của Đại Việt đã nối dài trên 200 cây số, và nền hòa bình Việt Chiêm đã duy trì được gần mấy chục năm, làm tiền đề cho sự nghiệp Nam tiến của dân tộc ngày càng phát triển dồn dập như cơn thủy triều đang buổi dâng lên của nó. Cũng có người đọc hai câu thơ: Phải trái lòng theo hoa sớm rơi Lợi danh tâm lạnh tối mưa thôi đã không biết đặt chúng vào trong bối cảnh lý luận của tư tưởng vua Trần Nhân Tông, rồi vội vã bình luận đấy là những “câu thơ cực kỳ chán đời”, thể hiện “tư tưởng hư vô chủ nghĩa triệt để, bắt nguồn từ trong triết học Phật giáo trong chế độ điền trang, sự phú quý cực độ của nhiều nhà chùa và tất cả sự suy đồi của nó”. Bình luận thế là họ đã quên vua Trần Nhân Tông là một trong “những tên tuổi lẫy lừng nhất” của những nhà thơ nhà văn đời Trần. Và những tên tuổi lẫy lừng nàỵ “đều bộc lộ một niềm tin, một tinh thần quyết thắng và một ý chí kiên cường qua một loạt vần thơ bất hủ”. Cho dù những bình luận trên được phát biểu vì mục đích gì, có phần nào gây nhiễu loạn thông tin hoặc sai lệch quá khứ đi chăng nữa, thì sự nghiệp vua Trần Nhân Tông, những đóng góp của cá nhân và triều đại nhà vua đối với dân tộc là không thể phủ nhận, là giai đoạn đáng ghi công, đáng tự hào của lịch sử dân tộc Việt Nam. Ta đã thấy trong tư tưởng của vua Trần Nhân Tông có một cái nhìn về thời gian một chiều, một ngày đã qua là không bao giờ trở lại, như một bài thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung đã từng nói tới: Trăng lặn trời tây khôn bóng lại Nước trôi đổ biển sóng đâu quây (Tây nguyệt trầm không nan phục ảnh Đông lưu phó hải khởi hồi ba) Cho nên đối với bản thân mình cũng như đối với mọi người, thời gian trở nên rất quý báu, cuộc đời con người quá ngắn ngủi cho một công việc phải làm: Thời gian dễ trôi qua Mạng người khôn dừng lại (Thời quang dung dị quá Nhân mạng bất định lưu) Vì thế, sự sống trở nên quý giá. Một ngày đi qua không bao giờ chúng ta có lại. Chúng ta phải huy động toàn bộ thời gian cho những việc có ích cho mình cũng như cho người. Ta tưởng tượng dân tộc ta vào thời đó sống vội vã dồn dập. . VỊ TRÍ VĂN HỌC CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG 3 Nhưng cuộc đời vua Trần Nhân Tông không giống cuộc đời những ông vua sinh ra, lớn lên, rồi thụ hưởng một đất nước thái bình. Năm vua ra đời. nguyện vọng bảo vệ và xây dựng hòa bình của nhân dân Đại Việt và của chính bản thân nhà vua. Đây là một nội dung đặc biệt của thơ văn vua Trần Nhân Tông, bộc lộ một sự tha thiết đối với hòa. chăng nữa, thì sự nghiệp vua Trần Nhân Tông, những đóng góp của cá nhân và triều đại nhà vua đối với dân tộc là không thể phủ nhận, là giai đoạn đáng ghi công, đáng tự hào của lịch sử dân tộc Việt

Ngày đăng: 31/07/2014, 08:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN