Chùa Nhạn Sơn ở Bình Định - Quách Tấn Chùa Nhạn Sơn thờ Phật, ở phía bắc thành Bình Định, cách chừng bốn năm cây số. Từ Bình Định đi xe lửa đến ga Vân Sơn, trông về hướng tây thì thấy một hòn núi đất sỏi, ba ngọn tròn trịa, màu gạch chín, dưới chân một đám xoài xanh rậm làm nổi bật sắc sỏi đỏ và màu đất xám ở chung quanh. Đó là núi Long Cốt, trước kia làm tiền án cho thành Đồ Bàn, hiện nay làm bức bình phong yểm hộ chùa Nhạn Sơn nép mình dưới bóng xoài sum mát. Núi nằm trong thôn Nhạn Tháp, nên cũng thường gọi là núi Nhạn Tháp, và chùa nằm dưới chân núi nên mang tên là chùa Nhạn Sơn. Kiến trúc của chùa không có chi lạ, và tên Nhạn Sơn mới đặt sau này. Trước kia gọi là Thạch Công Tự, tục gọi là chùa ông Đá, vì trong chùa có hai tượng đá rất to lớn. Hai tượng này đứng đối diện nhau. Mỗi tượng cao đến ba thước tây và lớn có đến hai ôm người lớn. Mình khoác áo đại bào, đầu đội mũ vũ đằng, tay cầm vũ khí (một tượng cầm giản, một tượng cầm kiếm), mặt mày dữ tợn, người yếu bóng vía không dám đứng cận kề. Người ta bảo đó là tượng của hai ông Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền đời nhà Trần. Truyền rằng: Huỳnh Tấn Công người quê Hóa Châu, tài gồm văn võ, ra Thăng Long tìm bác làm quan lớn tại triều. Dọc đường bị nạn, nhờ Lý Xuân Điền ở Ninh Bình cứu trợ, nên hai người kết làm bạn thân. Lý Xuân Điền cũng là một bậc anh tuấn, văn thông võ luyện. Sau khi Huỳnh Tấn Công tìm gặp được bác rồi, thì Lý Xuân Điền được người bác của Huỳnh tiến cử lên nhà vua. Lúc bấy giờ ở biên thùy thường bị người Trung Hoa quấy nhiễu, nhà vua sai Lý Xuân Điền cầm binh đi đánh dẹp. Ở nhà Huỳnh Tấn Công thi đậu trạng nguyên cả văn lẫn võ. Gặp lúc Chiêm Thành kéo quân sang đánh Hóa Châu, vua sai Huỳnh Tấn Công đem đại binh đi chinh phạt. Quân nhà Trần đuổi quân Chiêm Thành ra khỏi nước và thừa kế đánh thẳng vào kinh thành địch. Nhưng bị lầm quỷ kế, binh sĩ lớp bị giết, lớp bị bắt sống, Huỳnh Tấn Công cũng bị bắt làm tù binh. Không thấy vua nhà Trần cho người đến chuộc tù binh, vua Chiêm bèn bán Huỳnh Tấn Công cho nước khác làm nô lệ. Huỳnh Công nay bị bán chỗ này, mai chỗ nọ, tấm thân chịu lắm đau thương. Sau lại lọt vào tay một vị lão thần nước Chiêm Thành, Huỳnh Tấn Công trở về lại Chiêm Thành. Về Chiêm, nhờ cứu vị lão thần khỏi bệnh dịch tả, Huỳnh Tấn Công được trọng đãi, không còn phải làm những công việc nhọc nhằn. Trong khi Huỳnh Tấn Công ở Chiêm Thành thì Lý Xuân Điền dẹp giặc xong trở về xin trí sỹ. Nghe tin bạn mắc nạn, họ Lý thu góp tiền của, tìm đường sang Chiêm Thành. Trải bao nhiêu ngày tháng, chịu bao nhiên gian lao, Lý Xuân Điền tìm được Huỳnh Tấn Công, mừng vui thương tủi, nước mắt nghẹn lời. Rồi Lý Xuân Điền xin chuộc bạn. Vị lão thần Chiêm Thành, phần đã chịu ơn Huỳnh Tấn Công cứu khỏi bệnh, phần cảm tấm lòng vị nghĩa của Lý Xuân Điền, nên hoan hỷ để cho Huỳnh Tấn Công về quê hương mà không nhận tiền chuộc. Hai người bái biệt vị quan Chiêm. Lý, Huỳnh ra về được ít lâu, vị quan Chiêm thương nhớ, bèn mướn thợ tạc tượng hai ông để ngày ngày thấy mặt. Đó là sự tích hai ông đá chùa Nhạn Sơn. Do sự tích ấy mà nhiều người gọi chùa là Song Nghĩa tự. Chuyện họ Huỳnh, Lý lưu truyền đã từ lâu. Có người đã viết thành tiểu thuyết (xuất bản vào khoảng 1920-1925) và cụ Bùi Văn Lang, giáo sư ở Bình Định đã đem sự tích vào sách Địa Dư Mông Học tỉnh Bình Định (xuất bản năm 1933 và tái bản năm 1935). Nhờ vậy mà chuyện họ Lý họ Huỳnh được phổ biến rộng rãi và hai ông đá trở thành "người có gốc rễ hẳn hoi". Những người nghe, phần nhiều đều tin là sự thật. Và người ở trong chùa cũng dùng sự tích họ Lý họ Huỳnh để cắt nghĩa sự hiện diện của hai ông đá. Nhưng sự thật thì sao? Trước hết thử mở pho Việt Sử xem kỹ lại. Các tướng đem quân đi đánh giặc Tàu, giặc Chiêm đều có ghi rõ danh tánh. Không có tướng nào mang tên Lý Xuân Điền và Huỳnh Tấn Công. Mà chẳng cần phải lật sử cho tốn công. Chúng ta lật thử tấm áo bào của hai ông đá lên thì biết rõ: Không phải hình tượng người Việt Nam vì từ xưa đến nay, trừ hai cha con Chử Đồng Tử và anh Trần Minh, không có ai chịu mặc vỏn vẹn có chiếc "khậu tối cổ" là chiếc khố rằn ri. Mà hai tượng đá chùa Nhạn Sơn lại đóng khố. Đóng chiếc khố nhiều màu, đẹp đẽ mà những đồng bào thiểu số giàu có của chúng ta thường mặc. Chắc có bạn sẽ bảo: - Bởi Huỳnh Tấn Công ở Chiêm Thành lâu ngày, nên theo phong tục người Chiêm? Xin cãi: - Cũng có lý, song Lý Xuân Điền ở Việt Nam mới qua, sao lại "Chiêm Thành hóa" ông ấy vội quá thế. Huống nữa người đời Trần, trừ đám vũ công vũ nữ, không mấy ai học múa, nhất là các quan lớn thay mặt vua chăn dân, hay vâng mệnh vua đi đánh giặc. Mà hai tượng ông đá chùa Nhạn Sơn lại thể hiện dáng điệu hai người đối nhau mà múa: chân sụn, thân uốn, tay dương… Rõ ràng đây là hai tượng người Chiêm đương biểu diễn một vũ khúc. Trước đây gần bốn mươi năm, đi học về, ghé xem lại ông đá, một vị phụ lão ở trong thôn cho biết rằng: "Hai pho tượng ở dưới đất trồi lên đã có trên hai trăm năm. Ban đầu chỉ ló chỏm mũ, rồi ló đầu cổ, lần đến cả châu thân. Khi lên khỏi mặt đất thì đứng yên. Người trong thôn rất lấy làm quái gở. Có kẻ tọc mạch đến rờ rẫm quấy quá thì liền bị nhức đầu nóng lạnh. Van vái lại khỏi. Nhân dân địa phương sợ bèn lập đền thờ, ban đầu lợp tranh, sau mới sửa lại ngói gạch". Nói rằng "hai pho tượng ở dưới đất trồi lên" là gián tiếp bảo rằng không biết ai tạc ra và tạc từ đời nào. Chớ theo những người đã có công khảo cứu thì: "Xưa kia trên hòn Long Cốt có ba ngọn tháp Chàm cao lớn xây trên ba đỉnh núi (bởi vậy núi có tên nữa là Tam Tháp Sơn) và chung quanh tháp có nhiều tượng bằng đá xanh, lớn có, nhỏ có. Vì Long Cốt là nơi hiểm yếu đối với thành Đồ Bàn, cho nên giặc đến đánh thành thì chiếm cứ Long Cốt trước. Mà thành Đồ Bàn bị biết bao nhiêu lần công phá, núi Long Cốt đã biết bao nhiêu lần bị họa lây, nên những kiến trúc trên núi đều bị sụp đổ hết. Những tượng đá lớp thì bể nát, lớp thì bị vùi lấp. Hai tượng đá chùa Nhạn Sơn hoặc là hai tượng đá ở trên núi lăn xuống, hoặc là ở nơi chân núi bị vùi lấp, người địa phương cày cuốc chạm phải mới đào lên. Xem cho kỹ thì hai pho tượng đều bị gãy mất hai bàn tay và hai bàn tay hiện hữu là hai bàn tay bằng gỗ tháp vào. Hai bàn tay đá nhất định là hai bàn tay xòe, vì tượng đương múa. Nhưng người Việt Nam, hoặc không thông thạo điệu múa của người Chàm, hoặc muốn cho pho tượng thêm phần oai nghi, mới tiện tay cầm vũ khí. Cây kiếm và cây giản của hai tượng cầm cũng bằng gỗ. Chắp tay xong lại còn lấy sơn, sơn một tượng đen, một tượng đỏ với chiếc khố màu sặc sỡ. Khi chùa mới lập, thì hai tượng đá chỉ mang một nước sơn mà thôi. Sau này người ta mới bày kết thêm râu đội thêm mũ và mặc thêm áo, trông có phần Việt Nam. Và chùa lập ra, lúc ban đầu chỉ để thờ "hai ông đá". Không ai biết là hai ông gì, nên chùa mới lấy tên là Thạch Công tự, nhưng gọi là ông đá nghe không "oai" nên nhiều người gọi ông Đen là ông Ác, ông Đỏ là ông Thiện. Chùa mới sửa sang lại để thờ Phật chừng bốn lăm năm chục năm nay. Khi ấy chùa mới đổi tên là Nhạn Sơn, và hai ông đá vẫn đứng ở chỗ cũ: giữa chùa, trước bàn phật, như hai ông hộ pháp. Trong chùa Nhạn Sơn, ngoài hai ông đá ra, không có gì lạ và người ta đến chùa vì hai ông đá hơn là vì Phật vì Tăng (ý nói người đến chùa để tham quan là chủ yếu). Trước khi, chùa được nhiều du khách đến viếng, chẳng những vì hai ông đá mà thôi, mà còn vì phong cảnh ở quanh chùa. Chùa ẩn hiện dưới bóng xoài xanh, dựa lưng vào núi Long Cốt, trông như một bình hoa để trước một bức Tam Sơn màu đỏ gạch. Trước mặt chùa lại có một ao sen rộng hơn 50 mẫu, hình trăng lưỡi liềm, tên là Tân Nguyệt Trì. Mùa xuân, mùa hạ thì trước chùa hiện một vành trăng non, sắc hồng thay sắc vàng, hương sen thay thế hương quế. Mùa thu mùa đông thì trăng non láng lai sắc bạc, khi thì óng ánh dưới bóng trời xanh, khi thì lờ mờ trong màn mưa xám. Dưới vòm trời xanh, nắng vàng rực rỡ, hay sương lam lờ mờ, ba ngọn tháp màu đà non chung quanh có người đá, voi đá, nghê đá… sắc xám, đứng sừng sững trên dãy núi ba ngọn, nửa trên màu gạch chín, nửa dưới màu xoài xanh… Dưới chân núi, mặt tây mặt nam, đồng xanh trải lụa gợn sóng… Trước mặt hồ Tân Nguyệt khi thì hồng, khi thì bạc… nằm cong cong như chiếc nỏ mà núi Long Cốt là lảy thần… Ở phía bắc, thành Đồ Bàn nguy nga và lộng lẫy như người Chiêm nữ mới điểm trang mà Long Cốt là vầng trán khảm ba hạt kim cương tháp… Quang cảnh vô cùng ngoạn mục. Tháp nay không còn nữa, thành Đồ Bàn xưa không còn nữa, hồ Tân Nguyệt không còn nữa. Tháp bị phá, thành bị phá, hồ bị lấp thành đồng ruộng. Đồng lại bị đường xe lửa cắt đôi, cho nên ngày thường đi ngang qua chùa không còn thấy nữa. Nhưng đến mùa lụt, nước bạc khỏa bờ, lên đứng trên núi Long Cốt mà trông thì vẫn còn trông phảng phất hình trăng đêm mồng năm mồng sáu. Thời tiền chiến, Thi Nại Thị đến viếng chùa có cảm tác mấy câu rằng: Chùa xưa ẩn bóng xoài xanh, Thờ hai tượng đá Chiêm Thành bấy nay. Tượng nơi đây đêm ngày hương khói, Giống Chiêm Thành mòn mỏi gió sương. Rồgng thiêng riêng gởi nắm xương, Trăng non soi dấu tang thương, não nùng! Cuộc thành bại xoay vòng sớm tối, Thành Đồ Bàn mở lối đi chung, Cõi trần không – sắc, sắc – không, Hồi chuông triêu mộ gọi lòng từ bi. . Chùa Nhạn Sơn ở Bình Định - Quách Tấn Chùa Nhạn Sơn thờ Phật, ở phía bắc thành Bình Định, cách chừng bốn năm cây số. Từ Bình Định đi xe lửa đến ga Vân Sơn, trông về hướng. núi Nhạn Tháp, và chùa nằm dưới chân núi nên mang tên là chùa Nhạn Sơn. Kiến trúc của chùa không có chi lạ, và tên Nhạn Sơn mới đặt sau này. Trước kia gọi là Thạch Công Tự, tục gọi là chùa. hai tượng đá chùa Nhạn Sơn lại đóng khố. Đóng chiếc khố nhiều màu, đẹp đẽ mà những đồng bào thiểu số giàu có của chúng ta thường mặc. Chắc có bạn sẽ bảo: - Bởi Huỳnh Tấn Công ở Chiêm Thành