Loét dạ dày - tá tràng và thuốc trị Từ năm 1983 tới nay, sau những phát hiện của Marshall và Warren về mối liên quan rất rõ rệt của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) trong bệnh viêm dạ dày mạn tính, người ta đã tập trung nghiên cứu nhiều về loại vi khuẩn này, nhằm tìm hiểu và lý giải cho bệnh sinh của loét dạ dày-tá tràng (LDD-TT). Nhờ có hình xoắn và các lông ở một đầu nên HP có thể vận động vào trong lớp chất nhầy phủ niêm mạc dạ dày và bằng việc tiết ra men urease làm kiềm hóa vi môi trường xung quanh nó đã giúp HP tránh được sự tác động của axít clohydric trong dịch vị. Khi HP đã bám được vào tế bào dạ dày sẽ tiết ra các độc tố (cytotoxin) gây tổn thương trực tiếp cho các tế bào biểu mô dạ dày, gây thoái hóa, hoại tử, long tróc tế bào, tạo điều kiện để axít và pepsin thấm vào, tiêu hủy, gây trợt rồi loét. Cơ chế gây loét tá tràng do HP có những điểm hơi khác so với loét dạ dày. Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy, trong loét tá tràng, tỷ lệ dị sản dạ dày ở tá tràng rất cao (90%-100%), nghĩa là có những đám niêm mạc giống như ở dạ dày ở tá tràng, và trên vùng dị sản này thường thấy có HP. Mertz và Mignon đã khái quát cơ chế gây loét tá tràng như sau: Do HP gây tổn thương niêm mạc dạ dày, làm giảm lượng somatostatin (một chất có tác dụng ức chế tiết gastrin), do đó gây tăng giải phóng gastrin, dẫn đến tăng tiết axít và pepsin ở dạ dày. Axít từ dạ dày dội xuống tá tràng nhiều hơn bình thường, vượt quá khả năng đệm của bicarbonat có trong chất nhầy của tá tràng, niêm mạc tá tràng dần biến đổi có tính chất thích nghi, tạo nên những đám dị sản dạ dày ở tá tràng, và khi đã hình thành, chính những đám dị sản này lại trở thành nơi thuận lợi cho HP cư trú và phát triển. Quá trình diễn biến tiếp theo có lẽ cũng tương tự như ở dạ dày, dẫn đến viêm, trợt rồi loét. Cách phát hiện HP: Có nhiều cách để phát hiện HP như: quan sát trực tiếp niêm mạc dạ dày qua nội soi; qua nội soi, dùng bàn chải quệt lấy chất nhầy phủ niêm mạc dạ dày rồi phết lên lam kính, nhuộm màu và soi dưới kính hiển vi; lấy mảnh niêm mạc dạ dày làm xét nghiệm CLO-test để phát hiện men urease của HP, thực hiện ngay tại phòng nội soi; sinh thiết niêm mạc dạ dày gửi xét nghiệm mô bệnh học, hoặc siêu cấu trúc (cắt mỏng, nhuộm màu rồi soi dưới kính hiển vi thường hoặc kính hiển vi điện tử); xét nghiệm tìm gen của HP bằng các kỹ thuật sinh học phân tử; xét nghiệm huyết thanh học hoặc tìm urease qua hơi thở Phương pháp chẩn đoán LDD - TT: Có thể chẩn đoán LDD bằng nhiều cách như dựa vào các triệu chứng lâm sàng (bệnh nhân thường đau âm ỉ vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, đau có tính chu kỳ, thường đau nhiều vào mùa lạnh, đau tăng sau khi ăn no hay đau khi đói ); dựa vào chụp Xquang có uống thuốc cản quang, đặc biệt là chụp đối quang kép; cũng có thể dựa vào các xét nghiệm thăm dò dịch vị Tuy nhiên, các phương pháp này không thật chính xác vì phải dựa vào những dấu hiệu gián tiếp, rất khó phân biệt giữa một ổ LDD lành tính với vết trợt và ung thư thể loét. Hiện nay, phương pháp chẩn đoán LDD-TT chính xác nhất là bằng nội soi ống mềm kết hợp sinh thiết, xét nghiệm mô bệnh học. Phương pháp này không chỉ cho phép đánh giá ổ loét một cách đầy đủ và chính xác, loại trừ ung thư mà còn giúp phát hiện nhiễm HP và những tổn thương có nguy cơ phát triển thành ung thư dạ dày như viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột và loạn sản, qua đó giúp lựa chọn biện pháp điều trị và theo dõi bệnh nhân cho phù hợp. Phương pháp điều trị LDD-TT: Trước đây, khi chưa phát hiện ra HP và chưa nghiên cứu ra các thuốc ức chế tiết axít một cách có hiệu quả, việc điều trị LDD-TT rất khó khăn. Bệnh thường kéo dài và hay tái phát với nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu, thủng dạ dày, hẹp môn vị và đặc biệt là ung thư hóa. Vì thế, số bệnh nhân phải điều trị bằng phẫu thuật rất lớn, với nhiều hậu quả khá nặng nề sau phẫu thuật. Ngày nay, với sự hiểu biết khá đầy đủ về nguyên nhân, bệnh sinh của LDD, đặc biệt là sự phát hiện ra vi khuẩn HP và sự ra đời của nhiều loại thuốc ức chế tiết axít có hiệu quả đã tạo ra một bước ngoặt trong điều trị bệnh LDD-TT. Hầu hết các bệnh nhân LDD-TT thường được điều trị khỏi chỉ trong vài tuần bằng một phác đồ 3 thuốc: kết hợp một thuốc chống loét với 2 kháng sinh diệt HP có hiệu quả. Các thuốc chống loét hiện nay gồm: các thuốc ức chế bơm proton (omeprazol, lanzoprazol, pantoprazol, rabeprazol, isomeprazol ); các thuốc ức chế thụ thể H2- Histamin (cimetidin, ranitidin ); một số thuốc có tác dụng trung hòa dịch vị và che phủ niêm mạc Các thuốc kháng sinh thường dùng để diệt HP như: amoxicillin, clarythromycin, tetracyclin, metronidazol, tinidazol Tuy nhiên, HP là loại vi khuẩn vi ái khí, việc điều trị diệt trừ tương đối khó khăn. Với các phác đồ chỉ dùng 1 loại kháng sinh, tỷ lệ diệt HP chỉ đạt khoảng 20-30%. Nếu phối hợp 2 kháng sinh, hoặc 1 thuốc chống loét với 1 kháng sinh, tối đa cũng chỉ diệt được khoảng 50%. Với các phác đồ phối hợp 3 kháng sinh, hoặc 1 thuốc ức chế bơm proton mạnh với 2 kháng sinh, có thể diệt HP tới 80-90%. Nói chung, hiện nay các phác đồ 3 hoặc 4 thuốc, phối hợp một thuốc ức chế bơm proton với 2 hoặc 3 kháng sinh diệt HP có hiệu quả, được coi là phác đồ chuẩn trong điều trị bệnh LDD-TT với kết quả liền sẹo và diệt HP rất cao, ít tái phát. Tuy nhiên, HP có khả năng kháng thuốc khá nhanh và mạnh, điều này có liên quan tới sự đa dạng về mặt di truyền và khả năng đột biến của HP. Vì thế, xu hướng hiện nay là điều trị ngắn ngày, ít khi kéo dài. Nếu không diệt được HP thì phải thay kháng sinh, tốt nhất là dựa vào kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh cho phù hợp. Vì vậy, lời khuyên đối với mọi người là, khi thấy có các triệu chứng của LDD-TT (như đã nói ở trên), nên đến các cơ sở chuyên khoa để được khám, nội soi dạ dày - tá tràng, và nếu phát hiện có LDD-TT thì nên sinh thiết, xét nghiệm mô bệnh học cẩn thận để loại trừ ung thư và phát hiện HP. Không nên tự ý điều trị vì rất dễ làm cho HP kháng thuốc, việc điều trị sau đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều. . nhằm tìm hiểu và lý giải cho bệnh sinh của loét dạ dày- tá tràng (LDD-TT). Nhờ có hình xoắn và các lông ở một đầu nên HP có thể vận động vào trong lớp chất nhầy phủ niêm mạc dạ dày và bằng việc. Loét dạ dày - tá tràng và thuốc trị Từ năm 1983 tới nay, sau những phát hiện của Marshall và Warren về mối liên quan rất rõ rệt của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) trong bệnh viêm dạ dày. để axít và pepsin thấm vào, tiêu hủy, gây trợt rồi loét. Cơ chế gây loét tá tràng do HP có những điểm hơi khác so với loét dạ dày. Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy, trong loét tá tràng,