Dư lượng kháng sinh: vấn đề nghiêm trọng Thông tin mới nhất cho biết ngày 25/6/2007 Đại sứ Nhật bản tại Viêt nam ông Hattori Norio đã gửi công hàm cho Bộ trưởng Bộ Thủy sản thông báo cơ quan kiểm dịch nước nầy sẽ có biện pháp gắt gao hơn như cấm nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản nước ta nếu như vấn đề dư lượng kháng sinh không được khắc phục sau khi đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo từ giữa năm 2006. Trong 6 tháng đầu năm 2007, Việt nam đã xuất khẩu sang nước nầy 39,090 tấn hàng thủy hải sản (Tôm, cá, mực tươi, mực khô…) và hàng chế biến đông lạnh (Chả giò hải vị Cua, tôm) với 6,000 lô trong đó phát hiện 94 lô có dư lượng kháng sinh bị cấm như Chloramphenicol, chất dẫn xuất Nitrofuran, Coliform…sử dụng trong quá trình bảo quản hoặc sát trùng ao nuôi nhiễm bẩn. Đứng trước nguy cơ Người ta còn nhớ trong tháng 5/2007 Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa kỳ cũng đã công bố danh sách 28 nhà xuất khẩu thủy hải sản và thực phẩm Việt Nam có hơn 30 mặt hàng vi phạm các tiêu chuẩn vi sinh, kháng sinh, tạp chất, bao bì không đạt… và bị từ chối nhập khẩu cũng như Nga cũng sẽ gửi một đoàn thanh tra vào đầu tháng 7/2007 sang tìm hiểu xem xét việc nhập khẩu hàng thủy hải sản nữa hay không. Những động thái nầy không những đang gây lo lắng cho ngành thủy sản nước ta, có thể đánh mất các thị trường truyền thống (Nhật bản, Châu âu) hay thị trường mới đầy tiềm năng (Nga, Hoa Kỳ…) và mục tiêu phát triển kim ngạch xuất khẩu ở mức 3.5-4 tỷ đô la sẽ trở thành vô vọng nếu như không được khắc phục triệt để và kịp thời. Theo đà phát triển trong mấy năm vừa qua, Việt nam đã phải trải qua biết bao vất vả để xây dựng được một thị trường tiêu thụ hàng thủy hải sản rộng khắp thế giới trong đó Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật bản, Hàn quốc là những thị trường hấp dẫn nhất với mức tiêu thụ cao, vì vậy đây chính là lúc việc rà soát triệt để từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, bảo quản và chế biến cũng như kiểm tra, kiểm soát trước khi xuất khẩu là một thách thức lớn đối với ngành thủy sản khi đứng trước nguy cơ nói trên. Cách thức làm ăn theo lối chụp giựt, chạy theo lợi nhuận trước mắt như tranh nhau thu gom mua hải sản từ nhiều nguồn không được kiểm soát, dùng kháng sinh bừa bãi trong khâu bảo quản ngay sau khi đánh bắt hay không quản lý chặt chẽ việc chọn lựa nguyên liệu chế biến…thì những hậu quả xảy ra là tất nhiên, không kể việc đóng gói sai qui cách, cố tình chích thêm Agar-agar (thạch) vào hàng đông lạnh (TÔM) để tăng trọng lượng hoặc cố tình ghi sai tên mặt hàng… gây ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc đã thấy qua vụ kiện của Mỹ xảy ra vào năm 2006. Dư lượng kháng sinh hàng trong nước: vô tư Bước vào sân chơi WTO, ngành thủy sản Việt Nam (cũng như một số ngành khác như Cà phê, Hạt điều, Gạo…) sẽ còn có nhiều cơ hội để vươn ra thị trường thế giới,góp phần đẩy nền kinh tế đi nhanh như dự kiến nhưng có phải chúng ta đã quá chủ quan trong khâu quản lý từ nhà sản xuất(công ty) trong nước đến những cơ quan chức năng về thương mại, kiếm dịch…tự mình đánh mất giá trị của thương hiệu khi bị từ chối và có thể bị cấm nhập khẩu như trường hợp một số hàng thủy hải sản của Trung quốc khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Người dân các nước tiên tiến đều được cảnh báo nguy cơ phơi nhiễm hóa chất độc hại trong lương thực, có thể từ các mặt hàng thủy sản nuôi trồng (Tôm, Lươn, Cá Basa…) như Chloramphinecol, Nitrofuran sang cơ thể con người ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ miễn nhiễm, mất khả năng kháng thuốc khi tích tụ lâu ngày và có khả năng gây đột biến, rối loạn nội tiết. Việc sử dụng rộng rãi các loại thuốc kháng sinh, trừ sâu (phân Urê) là một thói quen của ngư dân hay nông dân nuôi trồng thủy sản ở nước ta nhằm tiết kiệm giá thành cũng như giữ được độ tươi lâu hơn trong khâu chế biến, tiêu thụ…nhưng rất tiếc cho tới nay vấn đề quản lý những chất độc nầy vẫn còn bỏ ngỏ, không thấy các lực lượng thanh tra vệ sinh phòng dịch, an toàn thực phấm lên tiếng trong khi các hàng thủy hải sản vẫn có mặt tại mọi chợ. Nói khác đi, người dân không ai biết dư lượng độc tố, kháng sinh, vi khuẩn gây bệnh… trong hàng tiêu dùng mỗi ngày, đang phải sống chung với chúng một cách “vô tư” trong khi hàng xuất khẩu thì ngược lại ngày càng được kiểm tra chặt chẽ hơn. Các nhà sản xuất, chế biến sẽ không tiêu hủy khi tự họ phát hiện dư lượng kháng sinh trong những lô hàng xuất khẩu sẽ giải quyết dễ dàng bằng cách tung trở lại vào thị trường trong nước để cứu vãn như những chiếc áo sơ mi “phế phẩm” đang được bày bán hiện nay. Mỗi khi sự kiện ngộ độc tập thể xảy ra thì khi đó mới thấy đội Vệ Sinh Phòng Dịch, và cứ như thế công việc hậu kiểm để đối phó với dư luận luôn đi sau hậu quả chết người, hai chữ “phòng dịch” không còn giá trị khi hiện tượng phơi nhiễm độc chất trong hàng tươi sống cũng như chế biến chưa được giải quyết tận gốc mà khâu nhập khẩu, tiêu thụ hóa chất trên thị trường vẫn được thả nổi như hiện nay. Tự do nhập khẩu hóa chất độc hại Trong phiên họp đầu năm 2007, Thứ trưởng thương mại Phan thế Ruệ cho biết năm 2006, chúng ta nhập hơn 1,2 tỷ đô la hóa chất cho ngành chế biến, lương thực nhưng không quan tâm đến việc những hóa chất nầy được sử dụng như thế nào, có độc tính ra sao! Ngay tại TpHCM chúng ta có thể tìm thấy dễ dàng hàng trăm, nghìn loại hóa chất, từ acid chlohydric, sulfuric đến vitamin tổng hợp, phụ gia đủ loại cho các ngành tại chợ Kim Biên, thậm chí muốn mua Cyanure giết người cũng có, cho nên việc lạm dụng hóa chất là “chuyện thường ngày ở huyện”, các cơ quan chức năng chưa đủ khả năng để kiểm soát và không chế. Ngăn chận hóa chất độc hại ngay từ khi nhập khẩu,cấm chỉ hoặc hạn chế, quản lý nghiêm nhặt việc sử dụng để chế biến không có giấy phép, gian lận trong thương mại bằng cách pha trộn tạp chất (dưới tên gọi phụ gia)…có hại cho người tiêu dùng trong nứớc lẫn nước ngoài đều phải được quan tâm ngang nhau, không có lí gì hàng bị từ chối nhập khẩu vì vi phạm luật nước sở tại lại quay ngược về thị trường trong nước để “đầu độc”người tiêu dùng một cách vô tội vạ như hiện nay. Thiết nghĩ những động thái và phản ứng hiện nay của các nước tiêu thụ hàng thủy hải sản đối với nước ta không chỉ là lời cảnh báo, đe dọa mà là những góp ý cần thiết, nêu lên điều kiện bắt buộc để chúng ta có biện pháp cứu vãn không những đảm bảo chất lượng trong xuất khẩu, gìn giữ giá trị của thương hiệu Việt mà còn giúp chúng ta cơ hội nhìn lại việc tăng cường quản lý đối với cả mặt hàng đang được tiêu thụ trong nước. Những biện pháp cứng rắn và cương quyết nhằm đám bảo sức khỏe của nhân dân trước hiểm họa độc tố tràn lan đang là một yêu cầu bức xúc. Con số người chết vì ung thư vì lương thực, thực phẩm đã lên đến 35% trong số 150,000 người/năm theo thông báo của Bộ Y tế, tức gấp 3-4 lần số người chết vì tai nạn giao thông . Thị trường chủ yếu Thủy hải sản VN Thủy hải sản XK 6 tháng đầu năm 2007 là 1,648 tỷ đô la tăng 15,6% cùng kỳ năm trước, đạt 44% mục tiêu kế hoach xuất khẩu cả năm) trong đó: EU: 25,5 % tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước Hoa Kỳ: 18% 10,4% (Tôm, cá ba sa…) Nhật bản: 18,2% giảm 9,9% (Tôm, mực đông lạnh, Mực khô, Cá khô, Bạch tuộc, Cá ngừ Đông lạnh) Hàn quốc 7% tăng 23,2% (tương tự Nhật bản) Năm 2006 đạt 3,3 tỷ đô la có mặt 127 quốc gia và lãnh thổ, đứng thứ 6 về nuôi trồng thủy sản) Ngành thủy sản nhận được cảnh báo từ Châu Âu,Mỹ Nga Nhât bản và có nhiều khả năng mất thị trường Nhật trong khi mục tiêu xuất khẩu sang thị trường nầy là 1 tỷ đô la năm 2010). Các nhóm Kháng sinh hạn chế sử dụng cho thủy hải sản: -nhóm Fluoroquinolone (Ciprofloxacine, Enrofloxacine, Oxolinic acid)…sụ đầu xương,bị lùn, phổ biến tại vùng nuôi tôm,cá tra tại đồng bằng Sông Cửu Long -Chloramphenicol…suy tủy, rối lọan tăng trưởng sụn xương dùng phổ biến các ao hồ nuôi trồng thủy sản -Sulfonamides trong cá tra, cá basa -chất dẫn xuất Nitrofurans trong thức ăn, hồ ao nuôi tôm,cá gây ung thư: *Furanzolidone (AOZ) *Furaltadone (AMOZ) *Nitrofurantoin (AHD) *Nitrofurazone (Semicarbazide) Và các loại khác hay dẫn xuất từ các chất trên mang nhiều thương hiệu khác nhau. . Dư lượng kháng sinh: vấn đề nghiêm trọng Thông tin mới nhất cho biết ngày 25/6/2007 Đại sứ Nhật bản tại Viêt nam. sẽ có biện pháp gắt gao hơn như cấm nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản nước ta nếu như vấn đề dư lượng kháng sinh không được khắc phục sau khi đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo từ giữa năm 2006 hàng đông lạnh (TÔM) để tăng trọng lượng hoặc cố tình ghi sai tên mặt hàng… gây ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc đã thấy qua vụ kiện của Mỹ xảy ra vào năm 2006. Dư lượng kháng sinh hàng trong nước: