Thời gian đồng hiện trong truyện ngắn "Mua cần câu cho ông tôi" của Cao Hành Kiện Chúng tôi tìm hiểu mô thức thời gian đồng hiện trong Mua cần câu cho ông tôi qua tuyến thời gian hiện tại và thử hình dung điều này tựa như lát cắt thứ nhất, mang tính chất bề nổi của truyện; đồng thời tìm hiểu kĩ càng hơn tuyến thời gian quá khứ - được coi là phần chìm, là những mảnh thời gian rời rạc chắp nối với nhau trong dòng hồi tưởng của người kể chuyện. Tuyến thời gian hiện tại - lát cắt thứ nhất - bề nổi xuất hiện ít hơn tuyến thời gian quá khứ - phần chìm. Người kể chuyện có thể ở một chặng hiện tại mà hồi tưởng lại bốn, năm chặng đời của quá khứ, trong thời gian một trận đá bóng mà nhớ lại những kỉ niệm của vài chục năm về trước. Có thể coi đây là hiện tượng “dồn nén thời gian”. Quan hệ thời gian thực tế và thời gian của truyện kể trở nên gần gũi với nhau hơn lúc nào hết. Hình thức thể hiện sự dồn nén này cơ bản là mô thức thời gian đồng hiện thông qua kí ức và dòng hồi tưởng của người kể chuyện. Một số thể loại văn học như thơ ca, tiểu thuyết, kịch… người viết phải dùng nhiều thủ pháp nghệ thuật mới có thể nén thời gian, nhưng riêng trong truyện này, Cao Hành Kiện gần như chỉ sử dụng mô thức thời gian đồng hiện để tái hiện sự kiện quá khứ. Nghệ thuật này tỏ ra thực sự hữu dụng trong nhiều trường hợp: co hay dãn thời gian; xuôi về quá khứ hay ở hiện tại; trực tiếp hoặc gián tiếp mô tả cảm xúc… Ở một số truyện ngắn khác như Ông thợ giầy và cô con gái, Trong công viên, Bạn,… Cao Hành Kiện cũng sử dụng mô thức thời gian đồng hiện để xây dựng cốt truyện và tính cách nhân vật. Chẳng hạn, nhân vật chính trong Ông thợ giày và cô con gái là một xác chết. Đó là cô gái có tên Đại Kính Tử. Trước cái chết của cô, người trong làng kể lại, hồi tưởng lại hoàn cảnh lúc cô còn sống. Đại Kính Tử phải chịu mọi sự cấm đoán của người cha (ông thợ giày) ra sao, phải uất ức như thế nào. Tâm điểm của truyện ngắn chính là quãng thời gian trong quá khứ… Nhân vật “tôi” mua chiếc cần câu mười đốt bằng sợi thủy tinh này không để tặng người ông mà cũng không phải để câu cá như tác dụng vốn có của nó mà có ý nghĩa hoàn toàn khác. Chiếc cần câu gần như vật kỉ niệm nhắc nhở người kể chuyện nhớ đến ông nội và quá khứ tuổi thơ của mình: “… Đương nhiên tôi cũng biết rằng cái cần câu ngoại mười đốt bằng sợi thủy tinh này không thể câu được cá, vì quê tôi từ bao năm nay đã trở thành một miền cát hoang… nhưng dù sao tôi vẫn muốn mua cho ông tôi chiếc cần câu. Không nói rõ được vì sao, mà tôi cũng không muốn biết rõ vì sao, tóm lại đó là điều tâm nguyện của tôi, như thể chiếc cần câu này chính là ông tôi, ông tôi là cần câu này vậy”. Rõ ràng ở đây, cái tứ của nhan đề Mua cần câu cho ông tôi đã có chiều hướng quy định, ràng buộc đến nghệ thuật, nội dung và không - thời gian của truyện ngắn. Mua cần câu cho ông tôi thường xuyên thay đổi vị trí, điểm nhìn của người kể chuyện về mặt thời gian (Người kể chuyện lúc còn nhỏ nhìn thấy dòng sông thật lớn, lúc trưởng thành lại thấy dòng sông xưa chỉ là một vũng nhỏ; Thời thơ ấu ngồi trên lưng ông thấy cảnh vật hiền hòa, quen thuộc, còn bây giờ - khi đã có tuổi - lại thấy mọi vật biến đổi nhanh chóng, lạ kỳ), làm trầm tích trong đó thật nhiều kỷ niệm. Hình thức chuyển thì thể hiện rõ vai trò của người kể chuyện trong tuyến thời gian hiện tại và quá khứ. Người kể chuyện là nhân vật chính, nhân vật trung tâm, có ý nghĩa định hướng cho cả truyện. Bên cạnh đó, thì quá khứ tạo nên sự thay đổi độ dài, độ căng (kịch tính) của các biến cố, sự kiện, cốt truyện ở từng chặng đời quá khứ. Tuyến thời gian thay đổi từ hiện tại đến quá khứ và ngược lại đã làm thay đổi cả tuyến nhân vật, sự kiện. Ở tuyến thời gian quá khứ xuất hiện nhân vật ông tôi, bà tôi, mẹ tôi, anh, Tảo Oa, con Mực; còn vợ anh, con anh, tôi, cô và dượng của vợ tôi là các nhân vật ở thì hiện tại. Tuyến nhân vật ở thì hiện tại và quá khứ được phân biệt rõ ràng, duy có nhân vật “tôi” được khách thể hóa thành nhân vật “anh” là đồng thời xuất hiện trong cả hai tuyến thời gian. Tuy nhiên, sự chuyển đổi hai đại từ nhân xưng này đôi lúc lại thể hiện sự thay đổi thời gian, ở chỗ, đại từ “tôi” thường được dùng ở thì hiện tại còn đại từ “anh” xuất hiện nhiều trong quá khứ. Như vậy, việc chuyển đổi thời gian và chuyển đổi đại từ nhân xưng vừa nói ở trên có quan hệ với nhau trong cùng một thời điểm hoặc là hai thời điểm khác nhau của truyện. Hình thức chuyển đổi thời gian xuất hiện nhiều đôi khi gây hiện tượng ảo giác cho người đọc vì sự nhập nhòa giữa thực tại và quá khứ. Nhìn chung truyện ngắn truyền thống được trình bày theo trật tự thời gian tuyến tính, tuân thủ nghiêm ngặt sự chuyển tiếp thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Trường hợp Mua cần câu cho ông tôi lại khác. Cao Hành Kiện đã chủ động sáng tạo nhiều mốc thời gian trong quá khứ, ứng đối với mỗi nhân vật là một thời điểm và một vài kỉ niệm. Trong quá khứ, người kể chuyện nhớ ông tôi những lúc “ông tôi lại đan cả lưới cá, trên một tấm lưới nhỏ ông phải thắt cả vạn cái nút; thằng bé cởi truồng ngồi trên lưng, mồm kêu nhong nhong, vùng vẫy đôi chân nhỏ, cưỡi lên vai ông, quất vào ông như quất một con ngựa; chỉ nghe thấy tiếng ho khan của ông giữa đêm khuya, tiếng ho kéo dài vô tận”; nhớ bà tôi là khi “bà tôi vuốt ve manh chiếu rách; bà tôi cấm tôi ngủ trên đó, bảo rằng ngủ sẽ bị tháo dạ, thế mà bà vẫn ngủ trên đó”; nhớ đến Tảo Oa “cô bé lúc nhìn người, đôi mắt tròn xoe mở trừng trừng trông rất cổ quái, nhưng cũng có chút vẻ dễ thương” và nhớ con Mực lúc “con chó nhà tôi, xúm xít quanh con thỏ chết, kích động đến cao độ”… Người kể chuyện nhớ lại hình ảnh những người thân trong gia đình nhưng không sắp xếp chúng theo trình tự mà có sự xê dịch về mặt thời gian. Hay nói đúng hơn là nó lộn xộn theo dòng ký ức của người kể. Sự trở lại quá khứ trong truyện ngắn này tương đối nhiều. Có thể người kể chuyện chủ động hoặc thụ động hồi tưởng nhưng sự trở đi trở lại thời gian quá khứ là không cố định, không theo một trật tự nào. Như vậy, sự vật được miêu tả không theo trình tự thời gian quá khứ - hiện tại mà theo cảm xúc và tình thế của người kể chuyện. Người kể chuyện đang ở thì hiện tại lại có cảm giác trở về quá khứ, đây là cảm xúc chủ quan của riêng anh ta. Nhưng khi nhìn thấy dòng sông cạn nước, bất giác anh nhớ đến những buổi đi câu với ông, hay lúc tìm đến đường Nam Hồ anh lại nhớ đến miếu Quan Công và cái sân của nhà Tảo Oa hồi trước. Những hồi tưởng bất chợt này mang tính khách quan và bắt buộc phải có sự tác động ngoại cảnh mới nảy sinh hồi tưởng được. Nói cụ thể hơn, đây là những tình huống trần thuật khác nhau tạo nên sự hồi tưởng khác nhau. Thời gian điện ảnh Có thể thấy trong truyện ngắn Mua cần câu cho ông tôi đã tồn tại một mối quan hệ chặt chẽ giữa việc chuyển thì, chuyển đổi đại từ với cách thức thể hiện thời gian điện ảnh trong tác phẩm. Nhân vật “anh”, “tôi” ở thì quá khứ – hiện tại liên tục xuất hiện với những hình ảnh khác nhau, lúc trong vai người cháu, người cha, lúc lại trong vai nhân vật “anh”, “tôi” tạo nên hình ảnh nhân vật ở những chặng thời gian khác nhau. Tất cả hình ảnh tuổi thơ nào như “tường xiêu vách đổ,… bức tường quanh cái sân thời thơ ấu”, “cây táo sau sân tường”, “Đống gạch của cái bức bình phong Phúc Lộc Thọ Hỷ”…, hoặc như “chuồng con Mực”, “phòng ông tôi”, “nơi treo khẩu súng săn của ông tôi”, “nhà Tảo Oa”… xuất hiện trong tâm trí người kể chuyện mang dáng dấp của một bộ phim. Mỗi cảnh vật, mỗi kỉ niệm là một trường đoạn điện ảnh có hình, có tiếng, có hoạt động. Thời gian điện ảnh trong tác phẩm này mang tính ước lượng, đại khái - khoảng chừng là thời ấu thơ của người kể chuyện. Cách thức co kéo thời gian làm nền tảng cho sự trỗi dậy, những ký ức hình ảnh tuổi thơ. Ở thì hiện tại, người kể chuyện đã có tuổi, có gia đình. Và bằng sự hồi tưởng hình ảnh, kí ức tuổi thơ anh đã tự mình trở lại quá khứ. Trong khuôn khổ thời gian một trận bóng đá, người kể chuyện mơ màng, hồi tưởng lại thời khắc quá khứ của vài chục năm trước. Thời gian dồn nén ở hiện tại đã mở rộng, bung tỏa ở thì quá khứ, làm sống dậy những hình ảnh và kỉ niệm tuổi thơ. Điều này cho thấy, người kể chuyện có thể tự điều chỉnh thời gian và dòng ý thức của mình. So với những ngành nghệ thuật khác thì đây hẳn là ưu điểm của văn chương và cũng chỉ văn chương mới thể hiện, phản ánh được đa chiều không - thời gian như trường hợp truyện ngắn Mua cần câu cho ông tôi. Người kể chuyện gần như thời gian hóa tất cả hình ảnh tuổi thơ của mình. Tức là những kí ức, hình ảnh thuở thiếu thời giờ đây đã hằn sâu, tồn tại bất biến, vĩnh hằng trong tâm trí người kể chuyện. Nếu muốn chuyển thể Mua cần câu cho ông tôi thành phim truyện kỳ thực không phải khó. Bởi các yếu tố, thủ pháp điện ảnh như thời gian, không gian, thực tại - quá khứ, hoạt động, âm thanh, ánh sáng, nhân vật, sự kiện… hầu như đã sẵn có trong truyện. Đặc biệt đoạn cuối truyện, người đọc do phải tiếp nhận quá nhiều thời đoạn khác nhau của quá khứ và hiện tại nên có cảm giác Mua cần câu cho ông tôi giống như một “Truyện - Phim”, có nghĩa là các trường đoạn của truyện được kết cấu và được “kể”, được “diễn” như những trích đoạn trong một bộ phim. Điều này, đôi khi tạo hiệu quả xuất hiện hiện tượng ảnh ảo của không gian ba chiều trong tác phẩm. Ví dụ, người kể chuyện ở thì hiện tại đang xem dở trận đá bóng thì lại nhớ lại, thậm chí như nhìn thấy tận mắt hình ảnh cảnh vật thời thơ ấu như bức tường quanh cái sân, cây táo, đống gạch của cái bức bình phong Phúc Lộc Thọ Hỷ… Hiện tượng ảo giác này chỉ xuất hiện khi người kể chuyện đang ở khoảng giữa của sự hồi tưởng, tức là ở bờ ranh giới của quá khứ và hiện tại. Mua cần câu cho ông tôi là cuộc trở về đầy xúc động, đầy hình ảnh và kỷ niệm tuổi thơ của người kể chuyện trong vai nhân vật “tôi”. Trong tâm tưởng của mình, người kể chuyện luôn hướng về quê hương với mong muốn thường trực là được tặng ông nội chiếc cần câu thật đẹp. Cũng như Cao Hành Kiện, một nhà văn Trung Quốc khác là Lỗ Tấn - khi viết Cố hương - cũng viết về quê hương, về những ký ức, hoài niệm tuổi thơ một thời tươi đẹp của mình. Nhà văn là những con người giàu cảm xúc, những sáng tác viết về quê hương của họ thường chất chứa nỗi niềm. Nguyễn Du bày tỏ cảm xúc khi về thăm quê, khi mà con người đã nhiều thay đổi: Tương thức mỹ nhân khan bão tử/ Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông (Bạn xưa rày đã nên ông/ Trẻ xưa nay đã con bồng con mang - Thăng Long, bài I). Nhà thơ Chế Lan Viên cũng bâng khuâng ngậm ngùi khi về thăm lại cố hương: Nền nhà nay dựng cơ quan mới/ Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người (Trở lại An Nhơn - Chế Lan Viên)… Với Cao Hành Kiện, một nhà văn gốc Trung Quốc, sống lưu vong ở Pháp thì nỗi nhớ quê nhà trong ông luôn day dứt, thường trực không nguôi.Mua cần câu cho ông tôi là một trong những tác phẩm hay viết về đề tài “quê hương” của nhà văn này. Cùng với mô thức thời gian đồng hiện, Cao Hành Kiện đã thể hiện và biểu diễn một lối viết truyện điêu luyện, đầy kĩ năng, mang lại cảm xúc hết sức lạ lẫm, mới mẻ cho công chúng . Thời gian đồng hiện trong truyện ngắn "Mua cần câu cho ông tôi" của Cao Hành Kiện Chúng tôi tìm hiểu mô thức thời gian đồng hiện trong Mua cần câu cho ông tôi qua. cần câu này vậy”. Rõ ràng ở đây, cái tứ của nhan đề Mua cần câu cho ông tôi đã có chiều hướng quy định, ràng buộc đến nghệ thuật, nội dung và không - thời gian của truyện ngắn. Mua cần câu cho. mô tả cảm xúc… Ở một số truyện ngắn khác như Ông thợ giầy và cô con gái, Trong công viên, Bạn,… Cao Hành Kiện cũng sử dụng mô thức thời gian đồng hiện để xây dựng cốt truyện và tính cách nhân