Nhân vật trẻ em trong truyện ngắn cho thiếu nhi thời đổi mới Có khi, sự tủi thân ấy được gửi vào tiếng khóc. Có khi, nó thể hiện ở sự xét nét về thái độ săn sóc của những người xung quanh: “Lúc bà ngoại kì cọ kĩ quá, nó nghĩ ngay rằng nếu là mẹ thì không làm thế. Mẹ chỉ gội đầu và kì cọ những chỗ chủ yếu, còn những chỗ khác thì mẹ để cho nó làm lấy. Ăn cơm cũng vậy, nếu là mẹ thì không làm như ông ngoại. Ông ngoại không hiểu nó không thích lạp xường, đáng lẽ đừng ép thì đằng này ông lại ép, nổi giận và cuối cùng ông chén luôn miếng lạp xường. Nó không tiếc miếng lạp xường, nó chỉ tủi thân vì ông không hiểu nó”. “Nếu là mẹ sẽ thế nào?” – đó là một giả định nhưng đồng thời là một ước vọng nhức nhối về tình mẹ. Tâm hồn cậu bé trở nên mong manh, dễ vỡ, dễ tổn thương. Khi người bạn gái chọc mũi kim vào chỗ nó đau nhất: “Mày là thằng mồ côi. Mày cay nghiệt lắm!”, Đăng đã đứng sững lại, mặt tái đi, nước mắt trào ra, đôi môi run rẩy, tái dại. Cứ thế, nhân vật đã lớn lên cùng với sự cô đơn và nhạy cảm hơn với thân phận côi cút của mình. Vũ Oanh tiếp tục phát triển môtip nhân vật cô đơn trong truyện ngắn Tuổi thơ côi cút. “Nó cô đơn biết bao!”, câu văn tuồng như lời trần thuật khách quan nhưng lại có dáng dấp của một lời độc thoại. Tồn tại ở tư cách nào thì nó cũng góp phần xác minh hiện trạng tâm lí của đứa trẻ 11 tuổi: sự cô đơn giữa biển đời. Thật xót xa khi đứa trẻ ấy cảm nhận rằng tuổi thiếu niên của mình như khuất xa rồi. Hạnh phúc, sự bình yên cứ mờ dần theo sự chuyển đổi về không gian cư trú. Cái đêm ông bà nội bị đội cải cách và mấy nông dân đấu tố ở chùa là thời khắc định mệnh chia đôi thân phận. Bình yên là khi nó được sống cùng ba mẹ trong một mái nhà với khu vườn mênh mông, xanh rì cây cối. Bị khinh miệt, hắt hủi là khi bát gạo cuối cùng đã hết, ngôi nhà to sang tay người khác và mẹ con nó phải sống nhờ nhà bà ngoại. Tuổi thơ với nó là những ám ảnh tâm lí dữ dội. Đứa trẻ ấy bị bủa vây bởi những không gian toàn màu đỏ và màu vàng. Màu đỏ của máu, “máu chảy nhiều. Máu từ mũi chảy xuống miệng Máu tươi tràn ra cằm. Có những giọt nhỏ long tong xuống đất, trước hai bàn chân nhỏ bé mà cái móng lúc nào cũng vàng màu rỉ sắt, màu gạch cua đồng”. Màu vàng, rất vàng - gam màu của đói khát. Đói đến nỗi cái bụng lép kẹp, cái rốn lồi như dính vào cột sống. Không gian ấy đã tạo ra lực cản ghê gớm cắt đứt mối liên hệ giữa nó với bạn bè, người thân. Hành trang của chị em nó giờ chỉ là những cái tên xa xót: những đứa con đen, những đứa trẻ mồ côi, những đứa trẻ đi ở nhờ, những đứa trẻ bị tước đoạt hết cái ăn Cứ thế, tuổi thơ côi cút trôi qua trong nỗi sợ hãi, ngơ ngác - sợ hãi và ngơ ngác ngay cả khi ở cạnh những người thân. Sự cô đơn ngày càng thành hình, thành khối, trở thành nỗi ám ảnh của nhân vật. Sau cùng, nó đã tìm cách hoá giải nỗi cô đơn bằng một cách rất tâm linh là sống với âm hồn. Nó nói chuyện theo cách những đứa trẻ câm biết chữ, gói những dằn vặt thơ dại vào những trang thư gửi cho người cha quá cố. Xây dựng nhân vật cô đơn như thế, Nguyễn Huy Thiệp và Vũ Oanh đã chạm đến tinh thần của phân tâm học, để bóng dáng Freud soi vào trang văn của mình. Dấu ấn phân tâm học trong tác phẩm thật đậm nét, đặc biệt là ở cái cách giải toả mặc cảm thân phận của Đăng. Đầu tiên là việc em dồn tình cảm cho Thu – cô bạn gái bảy tuổi, hồn nhiên và khá tự do. Lần thứ hai chính là cách phản ứng tiêu cực của Đăng khi ông bà ngoại xúc phạm “mẹ Thu”. Sau phút uất ức tủi cực vì tâm hồn bị thương tổn, Đăng đã thu mình vào bóng tối và bất ngờ xuất hiện rất nhanh ý thức về cái chết. Em quyết định giải thoát cuộc đời bằng cách lao vào đường ray khi tàu điện đi qua Từ ý thức khám phá chiều sâu tâm linh để nhận diện con người đích thực, tác giảTuổi thơ côi cút đã nỗ lực tiếp cận thế giới của vô thức, tiềm thức đằng sau bức tranh hiện thực. Có lần, nhân vật đã hành động trong vô thức và chính hành động đó đã đưa người đọc về với một thực tế nghiệt ngã: “Có những bận tới bãi sông này, nó vừa bì bõm lội vừa tức tưởi khóc. Khi nằm xuống vạt cói, khi nằm xuống bãi lầy, vô ý thức trát bùn kín người, cả mặt và đầu tóc. Nó hoàn toàn lẫn vào đất. Nó không còn khái niệm sạch và bẩn khi ẩn mình vào sông nước. Bùn đất, cỏ rác, nước và phù sa là những gì gần gũi và thân thiết ”. Sự sống và cái chết sao giờ lại gần nhau đến thế? Một đứa trẻ chưa đi hết vòng tuổi thơ sao lại gần với cát bụi đến thế? Nỗi buồn và sự cô đơn đã trở thành một trạng thái tâm lí dễ nhận biết của con người mới trong văn học. Không hề giấu giếm, các nhà văn đã mặc sức để cho nhân vật phơi phóng cả tâm hồn. Góc nhìn đời tư ấy góp phần hình thành nên dạng thức nhân vật cá tính, nhân vật nhiều khát vọng - sản phẩm của chính xã hội hiện đại (Apsara hoang dại – Quế Hương, Chị Dịu – Bùi Năng Ngân Hằng, Chuỗi hạt cườm màu xám – Đỗ Bích Thúy, Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri – Nguyễn Quang Lập, Dòng sông tuổi – Dương Thuấn, ). “Con câm”, “con rắn”, “con vịt xấu xí”, “que củi” là những danh từ mà mọi người sử dụng khi “giao tiếp” với Apsara hoang dại. Những từ xưng gọi ấy như những chiếc áo vô tình phủ kín bí mật về một tâm hồn nhiều xúc cảm. Từ trong đói khổ, bất hạnh, nhân vật thể hiện sự mê hoặc đặc biệt trước vẻ đẹp của những đền tháp lở lói, rêu phong.Việc gia nhập hội “Những kẻ Chàm ám”, thể hiện tình yêu với thánh địa Mĩ Sơn bằng cách bắt chước điệu múa của vũ nữ Chăm là biểu hiện của khát vọng hoá thân cháy bỏng. Hai lần cô bé cất tiếng nói và đó thật sự là những thanh âm đầy ý nghĩa, được khởi nguồn từ khát vọng vươn đến cái Đẹp, ghi dấu giấc mơ trở thành thiên nga của con vịt con xấu xí, tiếng nói của khát vọng sinh tồn mãnh liệt. Như một viên gạch Chăm, nói nhiều điều trong câm lặng là hình ảnh so sánh đẹp mà nhà văn dành cho nhân vật. Phải chăng vì thế ông già Chăm - người cho nó sống lần hai, đã yêu thương gọi nó là Tagiglao – tên của một loài hoa nở rộ ở quê ông vào mùa hội Katê. Tên gọi ý nghĩa ấy đã đi theo cuộc đời nhân vật, cùng đứa bé lớn lên trong hoang dại, khốn khổ, cô đơn nhưng vẫn là đoá hoa dại của rừng và trở thành “người lĩnh hội nghệ thuật từ thinh lặng trong đá”, hoá thân thành một phần của văn hoá Chămpa cổ xưa, đưa cái an nhiên, thần bí, thẳm sâu của Mĩ Sơn ra ngoài dâu bể thời gian. Sự dịch chuyển từ tư duy hướng ngoại sang hướng nội đã giúp nhà văn phát hiện những nhu cầu, trạng thái tâm lí rất thật, rất nhân bản của con người. Nhân vật văn học, đặc biệt là thiếu nhi, được khai thác ở cả những xúc cảm về giới tính nhưng đã dừng được ở cái ngưỡng cần thiết, tuyệt nhiên không đậm chất tính dục như văn học người lớn mà vẫn trong trẻo, hồn nhiên như thiên tính trẻ. Nhà văn Trần Thiên Hương, “một người phụ nữ đa đoan, quan tâm đến mọi thứ, hệ lụy đến mọi thứ” bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến những rung động đầu đời của tuổi nhỏ. Bây giờ bạn ở đâu là những hồi ức trong trẻo, thơ dại về ngày xưa. Người viết đã tinh nhạy trong việc nắm bắt những diễn biến trong xúc cảm giới tính của nhân vật nữ chính, từ chỗ “thoắt nóng ran cả mặt”, sống trong “nỗi nhục nhã tuổi thơ”, chỉ còn biết cúi gằm mặt mà đi trong tiếng eo xèo của bè bạn đến sự căm ghét, xa lánh của Tâm đối với Bình – chủ nhân của những dòng nhật kí gây “náo động” lũ học trò lớp tám. Đã có lúc, Tâm gào lên trong câm lặng và ước rằng có một quả bom để nổ tung tất cả. Lúc đó, thằng Bình, Tâm, những đứa bạn trong lớp sẽ cùng tan biến mất. Phản ứng mạnh mẽ, sự tổn thương của nhân vật trước trò đùa thơ dại của bè bạn cho thấy, sâu trong tiềm thức, cô học sinh lớp tám này đã ý thức rõ ràng về tình cảm với người khác giới. Cái duyên riêng - và cũng là chỗ hơn người của tác giả- là đã tạo nên một cái kết bất ngờ làm thay đổi hoàn toàn đề tài của truyện. Khi dòng nhật kí của Bình chính thức được mở ra thì câu chuyện đột ngột chuyển hướng. Hoá ra, đây không phải là chuyện yêu đương trẻ con mà là sự cảm thông, thấu hiểu của Bình “quý tử” với cô bạn nhà nghèo bán rau trong phiên chợ Tết. Đề tài về xúc cảm tình yêu học trò đến đây mất hẳn vai trò trung tâm, nhường chỗ cho tấm lòng bè bạn ấm áp. Tìm về Cỏ may để lẩy ra chút hương đồng nội, Trần Thiên Hương cũng kịp thời lưu giữ những rung động đầu đời của Tuấn - một cậu học sinh thành phố với cô bé nhà quê. Cuộc gặp gỡ tình cờ, oái ăm đã giúp Tuấn khám phá ra vẻ đẹp đồng quê rắn rỏi, mặn mà với làn da bồ quân và đôi mắt đen của cô bé đưa đò: “Ôi cái tiếng “em” kỳ diệu từ miệng cô bé trạc tuổi chúng tôi, mà có đốt đuốc cũng không hi vọng tìm thấy ở phe áo dài lớp tôi. Con gái đồng quê hay thật! Dịu dàng thật!”. Sau chuyến pic – nic, những lưu ảnh đẹp ấy đã theo Tuấn về thành phố: “Tôi thì thỉnh thoảng vẫn lén giở tấm ảnh cô bé đồng quê ấy ra xem để được thấy lại đôi mắt đen dịu hiền - dịu hiền ngay cả khi giận dữ. Tiếc rằng tôi đã không hỏi cô địa chỉ để có thể gửi tấm ảnh cho cô – bông hoa cỏ may của tôi”. Với việc quan tâm đến những biến thái tế vi trong tâm hồn con người như thế, truyện ngắn thiếu nhi thời kì Đổi mới đã lùi dần khỏi từ trường của sử thi chiến tranh. Điều đó góp phần đáng kể vào quá trình cấu trúc lại tác phẩm. Cùng với tiểu thuyết, truyện ngắn cho tuổi thơ sau 1986 đang dần dịch chuyển từ cấu trúc lịch sử - sự kiện sang cấu trúc lịch sử - tâm hồn, tâm hồn ở dạng thái rất thực của đời. 3. Nhân vật trải nghiệm Đặt nhân vật trong mối quan hệ với hoàn cảnh, chịu sự ràng buộc từ môi trường sống là một nguyên lí của văn học hiện thực. Sáng tác trong bối cảnh thuận lợi của văn hoá, lịch sử, văn học thiếu nhi hai mươi năm qua đã tiếp cận nguyên lí ấy một cách trọn vẹn. Sự phong phú, phức tạp của hiện thực đã để lại dấu ấn đậm sâu đối với nhân vật, tạo nên những cảm thức buồn về thân phận trẻ em. Kiểu nhân vật trải nghiệm xuất hiện từ nỗ lực tiếp cận sự thật của người cầm bút. Ở đây, người viết không xem xét mô hình nhân vật này ở bề dày thời gian trải nghiệm, va chạm với đời. Vấn đề được chúng tôi chú trọng là hiện tượng những nhân vật trẻ em cùng lúc phải sống qua nhiều vai trò, chức năng. Nói cách khác, đó là kiểu nhân vật phải dấn thân vào một sự trải nghiệm ngoài ý muốn trong cùng một khoảng thời gian của cuộc đời (Ả Ìa âu?, Tí bụi, Cò gà – Quế Hương,Mục đồng phố núi – Vương Trọng, Tiếng vạc sành – Phạm Trung Khâu, Tô rô con của Gru – Diệp Kim Anh, Ngày mai – Nguyễn Duy Chiến ). Ả Ìa âu? đề cập đến sự trưởng thành sớm của trẻ thơ. Con Mơ được biết đến với nhiều vai trò: làm mẹ con Ngổ lúc chưa đầy 7 tuổi, lại làm “mẹ” con Chả Chìa vào 3 năm sau đó. Nếu đâu đó trong cuộc sống thường nhật, những người mẹ nhỏ tuổi ấy đã xuất hiện trong những trò chơi thơ dại của trẻ con thì ở đây trò chơi đã không có môi trường để xuất hiện. Người đọc không thể quên hình ảnh một đứa trẻ bảy tuổi đêm đêm tha em như ếch tha nhái đi quanh xóm gọi mẹ về. Từ ngày mẹ mất, nó đã phải đút ngón tay mình vào miệng em để cầm cơn khóc vì khát sữa của con Ngổ. Với Chả Chìa, nó thể hiện vai trò làm mẹ bằng cách khác: cho con chó nhỏ rúc vào lòng bú áo. Người mẹ trẻ con này đã dành cho hai “núm ruột” của mình một tình yêu đặc biệt. Chính vì vậy, khi con Chả Chìa trở thành miếng mồi trong chiếu nhậu của bố, nó đã oà khóc. “Nỗi đau như dồn nén từ chiều đến giờ bật thành cơn mưa nước mắt. Chúng khóc thê thảm như ngày mẹ chúng đi mãi không về Nó thất thểu đi trong thứ ánh sáng lờ mờ, nhập nhoạng, tê tái của những giấc mơ”. . Nhân vật trẻ em trong truyện ngắn cho thiếu nhi thời đổi mới Có khi, sự tủi thân ấy được gửi vào tiếng khóc. Có khi,. với nhân vật, tạo nên những cảm thức buồn về thân phận trẻ em. Kiểu nhân vật trải nghiệm xuất hiện từ nỗ lực tiếp cận sự thật của người cầm bút. Ở đây, người viết không xem xét mô hình nhân vật. cỏ may của tôi”. Với việc quan tâm đến những biến thái tế vi trong tâm hồn con người như thế, truyện ngắn thiếu nhi thời kì Đổi mới đã lùi dần khỏi từ trường của sử thi chiến tranh. Điều đó