Giá trị văn hóa văn nghệ: Lượng và chất Bất kỳ một thành tựu, một giá trị văn hóa văn nghệ nào cũng thể hiện và được đánh giá ở hai phạm vi lượng và chất. Lượng và chất trước hết là vấn đề của đời sống. Về nhận thức đó là hai phạm trù của triết học luôn tác động và chuyển đổi cho nhau. Trong quá trình chuyển đổi quan trọng nhất là khâu lượng biến thành chất. Như một quy luật thường thấy trong đời sống cũng như trong triết học lượng luôn biến đổi thành chất nhưng có trường hợp lượng có thể gia tăng nhưng không thể biến thành chất. Đấy là khi trong lượng không tiềm ẩn và chứa đựng yếu tố cần thiết của chất. Khi đó quá trình diễn ra chỉ là những con số cộng kế tiếp. Lượng biến thành chất là thời điểm có ý nghĩa nhất cho mọi hoạt động vật chất và tinh thần. Đó là giây phút chín của sáng tạo như một quả chín dậy hương thơm, Archimède reo lên khi tìm ra chân lý khoa học, Einstein phát hiện ra luật tương đối sau bao nhiêu năm tháng tìm tòi khổ công. Lượng biến thành chất ghi nhận sự thắng thế, sự thăng hoa của giá trị đích thực khác biệt với cái hàng ngày quen thuộc, bình thường. Mối quan hệ giữa lượng và chất thể hiện trong nhiều lĩnh vực, có thể liên hệ trong đời sống và văn hóa văn nghệ. Với quốc gia: Những nước đất rộng người đông như Nga, Trung Quốc, Mỹ lại có trình độ phát triển cao của dân trí nên sức mạnh được nhân lên từ nhiều phía. Nhưng cũng không nhất thiết đất rộng người đông là có sức mạnh nhất là khi dân trí kém. Nhiều nước châu Phi đất rộng, lại có nhiều mỏ vàng, kim cương nhưng vẫn còn nghèo khổ. Một quốc đảo như Singapore (1) chỉ có 632 cây số vuông hay Hồng Kông 1074 cây số vuông nhưng là miền đất rất phát triển, giàu có và thịnh vượng. Đất rộng là một tiêu chí, một điều kiện cho sự phát triển nhưng nhiều khi chưa phải là quan trọng nhất. Lượng phải biến thành chất mới có giá trị trong phát triển. Muốn thế phải biết tổ chức lực lượng, liên kết các thành tố để tạo nên sức mạnh. Về quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu Phép dùng binh của ông Tôn Tử nhà quân sự sinh hơn 2000 năm trước của Trung Hoa và khen nhiều nguyên tắc đến nay vẫn đúng, vẫn hay. Phép đánh bằng mưu, đánh bằng lửa, phép chiến tranh - đều không chỉ dựa vào số đông mà quyết định thắng lợi. Biết lấy yếu thắng mạnh, ít thắng nhiều, chiến tranh du kích của ta phải chăng cũng dựa trên nguyên tắc chất thắng lượng. Khi bàn về quân sự có thể nêu dẫn chứng về đội quân Mamơlúc. Một lính Mamơlúc thắng một lính Pháp, mười lính Mamơlúc thắng mười lính Pháp nhưng một trăm lính Pháp lại thắng một trăm lính Mamơlúc. Sự liên kết có tổ chức của các cá nhân đã thắng lực lượng đông nhưng kém tổ chức. Trong cuộc tranh chấp và chạy đua giữa lượng và chất bao giờ phần thua cũng thuộc về lượng. Nói về giáo dục thì vấn đề chất và lượng càng có ý nghĩa khi nghiên cứu sự phát triển giáo dục của một trường, một vùng, một đất nước. Một số đường hướng chiến lược giáo dục của ta vẫn lấy lượng là chính. Tình trạng mở tràn lan các trường đại học ở khắp các tỉnh trong điều kiện thiếu thầy, thiếu phương tiện, chạy theo thành tích ảo, chạy theo số lượng. Thế nào là một trường đại học? Đơn vị trường cao cấp ấy phải có chuẩn về thầy, về điều kiện tổ chức. Có lẽ nào chỉ có hai ba thầy giáo có trình độ tiến sĩ là đủ mở một trường đại học? Trước đây khi có sự chuyển đổi cơ học từ chức danh phó tiến sĩ thành tiến sĩ nên có người nói là ngủ một đêm từ phó tiến sĩ thành tiến sĩ. Và trong năm qua khi Hà Tây sát nhập vào Hà Nội cũng có người bộc lộ niềm vui “Mơ ước mãi mà không được, tự nhiên ngủ một đêm thành người Hà Nội”. Những niềm vui ngẫu nhiên ấy ở nước nào cũng có nhưng ở ta phổ biến hơn. Lại có trường đại học khi được mở chỉ lưa thưa vài tiến sĩ nhưng rồi tìm cách liên kết mời thầy thỉnh giảng và tổ chức đào tạo cao học, đã có hàng trăm người học Thạc sĩ nhất là tiến sĩ phải được đào tạo bài bản có chất lượng. Thực ra chức danh Thạc sĩ cũng có giá lắm. Thời trước cách mạng nhiều cuốn sách giáo khoa có giá trị, tác giả chỉ có chức danh cử nhân khoa học. Thầy giáo Ngụy Như Kon Tum cố giám đốc Đại học Tổng hợp cũng chỉ có bằng Thạc sĩ khoa học. Ngày nay có tình trạng bằng cấp mất giá, hay nói theo ngôn ngữ hiện nay là lạm phát. Chúng ta giàu nhiệt tình, ham thành tích, ham các kỷ lục nhưng sức có hạn. Có lần một vị lãnh đạo nêu yêu cầu cho giáo dục là phải tạo được hai trường đại học có tầm vóc lớn, hai quả đấm quốc tế. Hai mươi năm rồi từ lời nói ấy hai trường phát triển và tiêu biểu cho hai đầu đất nước, nhưng chưa thể nói là hai quả đấm quốc tế. Không thể đơn giản khi nghĩ đến hai chữ quốc tế. Chúng ta với nhiều nỗ lực đã dành được một số chuẩn quốc tế rất đáng ca ngợi nhất là về xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu, nhiều mặt hàng khác thành tích của chúng ta còn khiêm tốn thậm chí yếu kém, cần phải hiểu mình để phát triển, tránh chủ quan. Đời sống được nâng cao, văn hóa phát triển, nhiều loại hình nghệ thuật cũng phát triển. Tuy nhiên, lượng và chất chưa giữ được tương quan hợp lý. Số lượng các nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ phát triển đột biến. Đó là điều hay. Có no ấm, có vui sướng mới dễ sinh văn thơ nhạc họa. Nhạc sĩ, họa sĩ cũng như các nhà thơ đều nhiệt tình tham gia sáng tác nhưng chưa có nhiều tác phẩm giá trị. Điện ảnh cũng trong tình trạng tương tự “Trong nhiều năm khi tổng kết có thể dễ chỉ ra những phim xem được nhưng lại khó tìm thấy những phim đỉnh cao, những phim thật sự xuất sắc ” (2) . Cũng không dễ trong phim ảnh lúc nào cũng có được những tác phẩm như Cánh đồng hoang rồi Chị Tư Hậu. Những cốt truyện phim hay được khai thác trực tiếp từ tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Quang sáng, Bùi Đức Ái. Cộng với tài đạo diễn của Hồng Sến, diễn xuất của Lâm Tới, Trà Giang, tất cả góp phần trực tiếp tạo nên thành công của các bộ phim. Ở một khu vực khác là kiến trúc, và chúng ta thu hẹp bàn luận trong phạm vi kiến trúc chùa chiền để dễ so sánh với quá khứ. Có một tâm lý thưởng thức nặng về lượng mà xem nhẹ về chất. Nói đến quả chuông hay pho tượng Phật thì trước tiên chú ý đến khối lượng, cân nặng, hơn là vẻ đẹp và giá trị nghệ thuật. Những pho tượng Phật như tượng Phật bà trăm tay nghìn mắt, tượng Các vị La Hán chùa Tây Phương, đều không to nhưng giá trị nghệ thuật lại rất cao và các pho tượng Phật ở một số chùa hiện đại khó so sánh được về giá trị nghệ thuật. Nói cho đủ, nếu đã quan tâm đến lượng thì cả quá khứ lẫn hiện tại, chùa chiền và tượng Phật của chúng ta không dễ so sánh với các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Mi-an-ma. Ở một phạm vi khác Việt Nam là một đất nước đẹp, con người và thiên nhiên được bạn bè ca ngợi. Trong khu vực Đông Nam Á người Việt Nam cũng được xem là đẹp. Nét mặt sáng, da trắng, đôi mắt đẹp, vẻ hồn nhiên chân tình, nên cũng là miền đất của nhiều cô gái đẹp. Cái đẹp chưa được tôn vinh trong nhiều thập kỷ chiến tranh kéo dài. Năm 1988 Báo Tiền Phong mở đầu cho việc thi hoa hậu và kế tiếp hai năm một lần. Đó là điều hay cần ghi nhận. Nhưng rồi các cuộc thi hoa hậu theo nhau diễn ra dồn dập với chất lượng không cao. Thi hoa hậu chắc là đem đến niềm vui và nhiều vẻ đẹp văn hóa. Tuy nhiên sự chuẩn bị thường chưa kỹ, nóng vội, nên các giải đạt được của hoa hậu Việt Nam ở nước ngoài thường thấp, thứ bậc đạt được cao nhất trong khoảng chỉ từ 15 đến 20. Các cô gái Việt Nam có vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng, thường gặp trong cuộc sống hàng ngày nhưng từ đó để có những hoa hậu có tầm cỡ phải dày công chăm sóc, luyện tập về nhiều mặt. Qua một vài phạm vi đề cập cũng thấy giá trị văn hóa văn nghệ những năm gần đây còn thiên về lượng mà kém về chất. Nhiều tác phẩm văn nghệ được giải thưởng hàng năm trong văn nghệ thường nhanh chóng bị lãng quên. Những giá trị văn hóa văn nghệ nếu được kết tinh sẽ tồn tại như những chuẩn mực bền vững và chúng ta có quyền tự hào như di sản văn hóa văn nghệ của dân tộc. Theo dòng thời gian những tác phẩm trung bình thậm chí khá sẽ lặng lẽ trôi vào lãng quên sau khi nếu có, giúp ích cho nhiệm vụ chính trị xã hội trong một thời điểm nào đó. Chiếm lĩnh được chất lượng các tác phẩm với số trang không nhiều như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, Tắt đèn, Việc làng của Ngô Tất Tố, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Chí Phèo của Nam Cao vẫn có giá trị và gây ấn tượng lâu dài với người đọc. Nhiều khi trong một đời văn rất dài, nhiều tác phẩm, cái được ghi nhận không phải là số cộng của tác phẩm trung bình, mà phải có những sáng tác vượt lên về chất như truyện ngắn và tiểu thuyết Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Vũ Như Tô và Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng. Nhà văn Nguyễn Khải sinh thời có lúc tâm sự chân thành về chuỗi tác phẩm viết theo thời cuộc tuy sắc sảo nhưng chỉ là một cộng một cộng một nhưng lại có trường hợp như Lưu Quang Vũ trong một thời gian không dài nhiều tác phẩm có giá trị xuất hiện khá tập trung như: Hồn Trương Ba da hàng thịt (1984), Nguồn sáng trong đời (1985), Tôi và chúng ta (1985), Khoảnh khắc và vô tận (1986), Lời thề thứ 9 (1988) Trong Văn học Việt Nam hiện đại có tác phẩm lớn tỏa sáng một đời văn như Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, Lửa thiêng của Huy Cận, Thơ thơ và Gửi hương cho gió của Xuân Diệu, Số đỏ, Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Và trong phạm vi hẹp hơn, một bài thơ, một truyện ngắn thật xuất sắc cũng giữ cho nghiệp văn đứng lại được với thời gian. Sự phát triển của văn hóa Việt Nam thời kỳ hiện đại có nhiều điều kiện mở ra những viễn cảnh và vận hội mới, nhưng thành tựu chưa cao. Những nguyên nhân nào đã hạn chế sự phát triển và khả năng khắc phục? Phải chăng về quan niệm chỉ đạo chúng ta chưa xem hoạt động văn hóa văn nghệ có đặc tính chuyên nghiệp và thành quả tạo ra không dễ dãi, ngẫu nhiên. Mỗi công trình có giá trị văn hóa trong quá khứ đều có một lai lịch của quá trình hình thành, điều kiện xã hội thuận lợi, sự ủng hộ về vật chất tinh thần của chính quyền và đặc biệt hình bóng đằng sau là một tài năng, chủ nhân thực sự của công trình nghệ thuật. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật tinh vi và mang tính chuyên nghiệp cao. Đơn giản hóa quá trình sáng tác dễ rơi vào sơ lược, nghèo nàn. Đường lối văn hóa văn nghệ của nhà nước đúng đắn, thoáng mở và khích lệ, nhưng nếu cán bộ lãnh đạo văn hóa không chuyên và không có kinh nghiệm lãnh đạo sẽ hạn chế kết quả văn hóa văn nghệ. Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ không thành công vì người chỉ huy kém. Văn hóa văn nghệ nằm trong khu vực tư tưởng, nên đã có quan niệm đồng nhất việc lãnh đạo văn hóa văn nghệ với một số ngành hoạt động về tư tưởng và kết quả không trách khỏi hạn chế. Hai là tình trạng không có chuẩn mực trong văn hóa văn nghệ, chúng ta không có thước đo chính xác. Với các ngành khoa học hoặc kỹ thuật, tiêu chuẩn chính xác, mọi việc rõ ràng minh bạch hơn. Ngoài yếu tố thời gian và công chúng chúng ta chưa có những chuẩn mực trong hoạt động văn hóa văn nghệ. Thời gian thì phải chờ đợi, công chúng thời hiện đại lại dễ phân tán thành những nhóm khác nhau. Văn hóa văn nghệ có lúc xây dựng trên khu đền thiêng của ảo tưởng, lãng đãng của xứ mơ hồ và nơi bình địa thiếu vắng chủ, nên các tiêu chuẩn khó xác lập. Ngay ở Pháp một người nổi danh như Honoré de Balzac cũng bị Sainte Beuve chê và xem như con mồi mà ông săn đuổi. Lev. Tolstoi cũng không phục tài của Shakespeare. Nhà thơ Chế Lan Viên cho rằng vấn đề đánh giá văn học là rất khó “Ấn Độ hai lần đánh giá Tagore, lần đầu đánh giá trật và ảnh hưởng sai đến đường lối của Đảng Ấn. Đảng Pháp đánh giá hai lần Victo Huygo, lần sau đề cao V. Huygo trong thời kỳ Đại chiến”. Trong văn thơ Việt Nam Chế Lan Viên và Xuân Diệu hai nhà thơ thường có nhiều ý kiến trái chiều nhau về thơ. Chế Lan Viên chê thơ Xuân Diệu nhiều chất văn xuôi và hay lặp lại ý và ngôn từ, Xuân Diệu trả lời là “chất văn xuôi chính là sự sống và không dễ có trong thơ và thơ có lặp lại mới có nhạc điệu hấp dẫn. Có cái lặp lại không hứng thú, có cái lặp lại thú vị như trai gái hôn nhau. Xuân Diệu bảo chúng tôi tranh luận và khác ý nhau trên những đỉnh cao ” (3) . Đấy là câu chuyện của những tài năng. Thứ ba là xu hướng bình quân chủ nghĩa phát triển và ảnh hưởng khá nặng nề trong đời sống cũng như trong hoạt động văn hóa văn nghệ. Mọi người trong cuộc sống hôm nay đều có mơ ước thành đạt, phát triển khả năng. Đó là nguyện vọng hợp lý, chính đáng, và số đông đều có điều kiện biểu thị ước mơ đó và phần không nhỏ đã thành sự thật. Con người thành đạt và sẽ thành đạt ngày càng đông hơn. Họ thường có thiên hướng đánh giá cao bản thân mình và không dễ chấp nhận những “đỉnh cao” khác, nhất là, khi giá trị thật còn mơ hồ không rõ rệt. Từ đó dễ nảy sinh sự dung hòa trong không khí vui vẻ cả làng. Phải chăng đó là một nguyên nhân nảy sinh và tồn tại chủ nghĩa bình quân. Chủ nghĩa bình quân càng có cơ sở phát triển trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ nơi không có chuẩn mực cụ thể, và theo thời gian thường có những đổi thay trong cách đánh giá các tác phẩm văn hóa văn nghệ. Xóa nhòa và lẫn lộn các ranh giới là dấu hiệu xuống cấp của văn hóa văn nghệ, là kéo mọi giá trị trở về với mặt bằng xuất phát có tính bình quân chủ nghĩa. Thứ tư là không thể chờ đợi và xem thời gian như người trọng tài duy nhất để phân định lượng và chất trong hoạt động văn hóa văn nghệ. Theo những biến động của lịch sử và các diễn biến của các sự kiện chính trị, văn hóa văn nghệ có lúc như con thuyền bập bềnh trên sóng, trôi dạt không thấy được bến bờ. Thơ mới và Tự lực văn đoàn được hoan nghênh từ mấy năm đầu , những năm ba mươi thế kỷ hai mươi. Song phải sáu mươi năm thăng trầm mới trở về được ngôi vị cũ và định vị giá trị qua các cuộc hội thảo về Tự lực văn đoàn năm 1989 và sáu mươi năm thơ mới năm 1992. Có những trường hợp thời gian lật ngược ván bài, chuyển từ không khí hoan nghênh sôi nổi một thời sang chiều vắng lặng của sự lãng quên. Cần có sự đánh giá kịp thời hơn qua “phê bình nóng” thẳng thắn, minh bạch, đâu là chất, là giá trị của hoạt động tinh thần. Có thể có ý kiến khác nhau đối lập nhau, đó là chuyện bình thường, nhưng thực sự không khí tranh luận khoa học sẽ góp phần tìm ra chân lý. Cần chú ý tiếp nhận ý kiến của công chúng nhất là công chúng hôm nay có trình độ học thức, có tri thức nhiều chuyên nghành và nhiều người cũng say mê nghệ thuật. Cần phải chủ động tìm nhiều cách để lấy được ý kiến chính xác phong phú của công chúng. Những vấn đề đặt ra về giá trị văn hóa văn nghệ - chất và lượng có ý nghĩa thiết thực cho sự phát triển văn hóa văn nghệ hiện nay và lâu dài hơn cho mai sau . Giá trị văn hóa văn nghệ: Lượng và chất Bất kỳ một thành tựu, một giá trị văn hóa văn nghệ nào cũng thể hiện và được đánh giá ở hai phạm vi lượng và chất. Lượng và chất. lãnh đạo văn hóa không chuyên và không có kinh nghiệm lãnh đạo sẽ hạn chế kết quả văn hóa văn nghệ. Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ không thành công vì người chỉ huy kém. Văn hóa văn nghệ. và xem thời gian như người trọng tài duy nhất để phân định lượng và chất trong hoạt động văn hóa văn nghệ. Theo những biến động của lịch sử và các diễn biến của các sự kiện chính trị, văn hóa