Những biến đổi nghệ thuật trên hành trình thơ chữ Hán của Nguyễn Thượng Hiền (tiếp theo) Có cái tâm lý buồn phiền không kéo lùi ta xuống mà nâng đỡ tâm hồn ta, rèn cho ta bớt phần yếu đuối. Nguyễn Thượng Hiền ở vào trường hợp ấy. Thẳng thắn và chân thành, cứ mỗi lần vướng mắc trong nhận thức, ông lại cố vượt mình. Cứ thế mà từng bước, nhà thơ thay đổi cách suy nghĩ, và cả cảm hứng nghệ thuật. Có một lần sau 30 ngày mưa dầm liên miên, trời hửng nắng chốc lát. Ông bước ra cửa định tìm thi hứng trong hoa mai. Nhưng trời bỗng lại kéo mây đen kịt. Cơn mưa lớn báo hiệu viễn ảnh của một cuộc sống cơ hàn. Ông rộn lên một tình thương: “Chỉ buồn cho muôn dân phần lớn đều sắc đói / Lúa không trồng được, dâu và đậu đều bỏ hoang” (Tức sự). Ông bỗng căm giận vô hạn cái bọn người bất lương, thừa dịp này giở trò kiếm chác: “Riêng có bọn cỏ dại là ra chiều đắc ý”. Và thế là thi hứng về hoa mai phút chốc chuyển sang một thi hứng trái ngược hẳn: “Hỡi ôi! Ai có thể miêu tả được nỗi khổ của dân đen / Để gửi lên cho thầy mưa bác gió trên trời xem”. Bài thơ có một tiết tấukhông bình thường. Dùng hình thức cổ phong - một thể thơ tự do, nửa bài trên gieo toàn vần trắc, không ngắt nhịp giữa câu mà ngắt nhịp hai câu một, kết cấu từ ngữ theo kiểu giật cấp: hai câu đầu năm chữ, tiếp liền là hai cặp câu bảy chữ - tác giả muốn thể hiện những trạng thái uẩn khúc đang diễn ra trong lòng ông. Thoạt đầu, người làm thơ bị vỡ mộng vì sự tương phản giữa ước mơ (hoa mai) và thực tế (mây đen như mực); nhưng rồi từ thực tế này dẫn dắt đến một thực tế khác (sắc mặt người dân xanh như rau); và từ thực tế khác lại dẫn dắt đến một thực tế khác còn tồi tệ hơn (loài cỏ dại đắc chí trong mưa) Bấy nhiêu thứ vò xé tâm hồn nhà thơ: Nhất vũ tam thập nhật, Vi tình đãn khoảnh khắc/ Xuất môn hoãn bộ tầm mai hoa, Phong lai hựu kiến vân như mặc/ U khâm bất thiếp hà túc than, Độc bi vạn chúng đa thái sắc/ Gia hòa bất thục tang giá vu, Duy hữu lai cao ý phản đắc/ Và khi sự tương phản nâng lên đến cực điểm thì cũng là lúc nhà thơ tỉnh ngộ. Khúc mắc tư tưởng hình như được giải quyết. Đang từ vần trắc, nửa bài sau bỗng chuyển sang vần bằng. Cũng kết cấu theo kiểu giật cấp, mỗi nhịp cũng ngắt ở hai câu, nhưng cứ hai câu là một bước thơ - báo hiệu một bước khám phá hiện thực sâu hơn của tác giả. Hai câu đầu cũng chỉ có năm chữ, như một “nút cổ chai” trước khi dãn dần ra: Sơn thạch bất tri cơ, Giang ngư bất tri hàn/ (Đá trên núi có biết gì là đói, Cá dưới nước có biết gì là rét) Rồi hai câu kế tiếp dãn ra đến bảy chữ: Sinh hàm bát thức ninh miễn thử, Cửu nhai đề xiết thanh thê toan/ (Còn chúng sinh có “bát thức” thì tránh sao được nỗi khổ đói và rét, Bồng bế nhau đi xin đầy đường, tiếng kêu khóc thê thảm) Và hai câu cuối thì dãn ra hết mức (mười chữ), đồng thời ngắt thành ba nhịp - một lời tán thán - cũng chốt lại cái ý muốn gửi gắm của toàn bài: Hu ta hồ / Thùy năng miêu tả thương sinh gian/ Ký dữ vũ sư phong bá thiên thượng khan (Hỡi ôi / Ai có thể tả được nỗi thống khổ của trăm họ/ Gửi lên thầy mưa bác gió ở trên trời xem) Một tiếng kêu thê thiết bật lên thành ba nấc, nhưng cũng là một tâm trạng được giải tỏa khi nhà thơ tìm thấy một thi hứng mới, thiết thực hơn hẳn cái ý thích tìm hoa mai lúc ban đầu. Bước chuyển biến về quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Thượng Hiền đến đây tưởng chừng đã rõ. Đổi thay được thi hứng chính là chuyện vất vả nhất đối với một nghệ sĩ. Mà lúc này Nguyễn Thượng Hiền lại là một nghệ sĩ đang muốn dấn thân, cho nên đổi thay trong thi hứng tất sẽ kéo theo sự chuyển đổi mục đích của văn chương: văn chương viết ra không còn để cho mình mà cho công cuộc vận động cứu nước. Bản thân người làm văn cũng phải là người đi đầu thực hiện mục tiêu cứu nước của văn học. Trong một trận đói khủng khiếp dưới triều Thành Thái, Nguyễn Thượng Hiền đã đứng ra tổ chức quyên góp để lấy tiền cứu giúp nhân dân. Không hiểu công việc cứu tế này có đem lại lợi ích thiết thực gì không, nhưng tác dụng trực tiếp đối với ông là qua đó, ông lần đầu làm quen với việc vận động quần chúng. Hơn nữa, từ trong công việc, ông còn có dịp nghiền ngẫm sâu hơn ý nghĩa của việc dùng đồng tiền, việc bắt tay làm kinh tế vì một lý tưởng cao cả. Tuy vẫn còn đứng về phía đạo đức mà đánh giá cách huy động tiền bạc, nhà nho ở ẩn họ Nguyễn lại một phen nữa chứng tỏ mình đang may mắn thoát khỏi sức hút của kiểu nhà nho hành lạc - nhiều nhà nho cùng thời đã không thoát được - mà chuyển đổi thành nhà nho canh tân: Huy chi duyệt giai lệ, Thiên kim khinh thảo gian. Dụng chi tế cùng lũ, Nhất tiền trọng khưu san. (Tặng Hoàng Tắc Phu) (Đem tiền vứt đám trăng hoa, Nghìn vàng cũng nhẹ như là cỏ rơm. Đem tiền vứt đám thiếu cơm, Một đồng cũng nặng như chòm núi cao). (Lê Thước, Vũ Đình Liên dịch) Bài thơ đã thấy phảng phất một lời kêu gọi “hợp đoàn” phổ biến trong thế hệ sĩ phu duy tân thời ấy. Nguyễn Thượng Hiền còn dùng thơ để bày tỏ chủ kiến trên nhiều vấn đề của cuộc vận động cứu nước đương thời. Mỗi bài thơ giúp ông tiến thêm một bước đến gần các tư tưởng cấp tiến hoặc bộc lộ rõ hơn cái phần cố hữu không sao thay đổi được ở ông. Trong câu chuyện đấu tranh có lúc gay gắt giữa hai đường lối ôn hòa và khích liệt, tuy không phải là người đứng mũi chịu sào về mặt tổ chức, ông cũng có cách nghĩ của riêng mình: “Đầu nhận nan linh tứ hải nhàn?” - Quẳng đồ binh khí đi thì khó lòng khiến cho bốn bể yên được (Khiển hoài). Sau này, ra nước ngoài, được tiếp xúc với sách vở và với các trào lưu cách mạng thế giới, vào những lúc vận hội của đất nước có đôi chút hy vọng, ông còn có một cái nhìn duy lý về lịch sử, phủ nhận thiên mệnh, trước lẽ hưng vong của dân tộc: Lỗ vận trào trung lạc, Nhân tâm hỏa thủy nhiên. Cư hành giai hứa quốc, Hưng phế bất quân thiên. (Giản Tấn trung chư hữu) (Vận bọn giặc như nước triều đang xuống, Lòng người như lửa đang nhen. Ở lại hay ra đi đều là vì nước, Hưng hay phế không phải ở ý trời) Trong khi đó, đối với câu chuyện lựa chọn giữa “trung quân” hay “từ bỏ quân chủ” từng làm nhiều người băn khoăn thao thức, ông lại vẫn giữ ý kiến thủy chung của riêng mình: Hữu sinh chung tuyết sơn hà sỉ, Vị tử nan vong quân phụ ân. (Đông độ ký chư đồng chí) (Còn sống quyết rửa nhục cho núi sông, Chưa chết khó quên ơn của vua và cha) Tư tưởng của Nguyễn Thượng Hiền trong những năm ở hải ngoại còn trải qua những chặng tiến thoái không kém gian nan trầy trật. Nhưng nói về “cuộc bàn giao” giữa hai con người trong thơ chữ Hán Nguyễn Thượng Hiền thì thiết tưởng đến đây đã hoàn thành về căn bản. Dù vẫn còn nhiều cơ hội để nhà thơ mở rộng tầm mắt, đưa cảm hứng thơ mình lên một nấc cao hơn, song “cái mới” mà ông thâu nhận thật thuần thục để có thể hóa thân thành một nhân tố nghệ thuật nội sinh cũng chỉ đến đấy là dừng. Gánh nặng quá khứ trong tâm hồn ông không cho phép ông đi xa hơn nữa, và thể loại sáng tác Nguyễn Thượng Hiền quen sử dụng - thể thơ trữ tình Đường luật Hán - cũng không cho phép ông có những tìm tòi cách tân như phong trào thơ mới Trung Hoa sau cuộc vận động Ngũ Tứ, dù ông là một cây bút thơ người Việt thuộc loại “thượng thừa”. Tình cảm tuy đã mới nhưng trước sau vẫn chịu áp lực của cả một hệ thống ước lệ điển cố và quan niệm nghệ thuật truyền thống “cầm tù”. Ngôn ngữ chữ Hán uẩn súc với luật bằng trắc, đối ngẫu làm cho lời thơ chứa một sức nén, sức ngân vang sâu thẳm, nhưng muốn tác động đến đại chúng lại không khỏi có chỗ khó khăn, cách bức. Bởi thế, muốn xem xét thấu đáo thành tựu văn học của Nguyễn Thượng Hiền ở chặng đường tham gia phong trào Duy tân và Đông du, còn phải nhìn sang các thể loại khác: phần thơ phú tiếng Việt ông sáng tác những năm 1905-1907 và phần truyện ký văn xuôi ông viết trong thời gian ở Trung Quốc, trong đó có những truyện người thật việc thật như truyện nhà chí sĩ Nguyễn Cao, đã được viết ở Hát Đông thư dị, lại được ông nghiền ngẫm sáng tạo lại một lần thứ hai trên cơ sở một cảm hứng nghệ thuật đột xuất - không lấy tâm trạng người chí sĩ thất thế tự hủy mìnhlàm chủ điểm mà lấy dân làm điểm nhìn. Đó hẳn cũng là những đề tài nghiên cứu lý thú. . Những biến đổi nghệ thuật trên hành trình thơ chữ Hán của Nguyễn Thượng Hiền (tiếp theo) Có cái tâm lý buồn phiền không kéo lùi ta xuống mà nâng. chuyển biến về quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Thượng Hiền đến đây tưởng chừng đã rõ. Đổi thay được thi hứng chính là chuyện vất vả nhất đối với một nghệ sĩ. Mà lúc này Nguyễn Thượng Hiền lại. tưởng của Nguyễn Thượng Hiền trong những năm ở hải ngoại còn trải qua những chặng tiến thoái không kém gian nan trầy trật. Nhưng nói về “cuộc bàn giao” giữa hai con người trong thơ chữ Hán Nguyễn