Vấn đề tầm đón đợi và xác định tính nghệ thuật trong Mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss Như ở phần đầu của bài viết đã lưu ý rằng khái niệm tầm đón đợi của Jauss không chứa đựng những yếu tố xã hội của công chúng cho nên nó có tính chất trừu tượng và lý tưởng. Điều đó lại thể hiện qua sự phê phán của ông đối với quan điểm của R. Escarpit. Đối với Jauss sự thành công của một tác phẩm văn học là sự thay đổi tầm đón đợi chứ không phải như đối với Escarpit là ở mối quan hệ phù hợp giữa văn học và công chúng, được xác định về mặt lịch sử và xã hội. Jauss cho rằng “mối quan hệ giữa văn học và công chúng không thể hiện hết ở chỗ là mỗi tác phẩm có công chúng đặc trưng riêng được xác định ở mặt lịch sử và xã hội của nó, và mỗi một nhà văn phụ thuộc vào môi trường, vào quan điểm và hệ tư tưởng của công chúng của nhà văn đó, cũng như không thể hiện hết ở chỗ là sự thành công về văn học dựa trên cơ sở cuốn sách “thể hiện được những gì nhóm chờ đợi và phát hiện ra cho nhóm cái hình ảnh riêng của nó”, như Escarpit quan niệm (23) . Theo Jauss thì sự xác định có tính chất khách quan chủ nghĩa về sự thành công văn chương dựa trên sự phù hợp giữa ý đồ của tác phẩm với sự đón đợi của một nhóm xã hội luôn làm cho xã hội học văn học phải bối rối mỗi khi phải cắt nghĩa sự tác động muộn màng hay sự tác động lâu bền. Trong các trường hợp được Jauss nêu ra làm thí dụ ở đây có thể thấy Escarpit chỉ bàn đến trường hợp tác động lâu bền, bàn đến sự “trường tồn” mà không thấy bàn đến sự tác động muộn màng. Ngược lại Jauss chủ yếu bàn đến sự tác động muộn màng hơn là bàn đến sự trường tồn. Điều đó có thể giải thích là do cơ sở của hai cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Escarpit xuất phất từ cái nhìn xã hội học, giải thích vấn đề trường tồn của tác phẩm bằng “cơ sở tập thể trong không gian và thời gian”, gắn tác động lâu bền của tác phẩm với môi trường văn hóa chung. Ngược lại Jauss xuất phát từ góc nhìn mỹ học, cụ thể là mỹ học tiếp nhận, từ tác động của sự cách tân vào tầm đón đợi gây nên hiệu quả thay đổi tầm, cho nên ngay cả những kiệt tác cũng không có cái “nghĩa vĩnh viễn” của chúng và những tác phẩm mới chỉ gây được hiệu quả khi có tầm đón đợi phù hợp. Fanny của Feydeau đã đánh mất sự hâm mộ cuồng nhiệt ban đầu và trở nên tàn úa vì cách viết của ông ngày càng làm cho người đọc không thể nào chịu đựng được nữa. Ngược lại Bà Borary của Flaubert từ chỗ làm cho công chúng hâm mộ Fanny của Feydeau bực mình và chỉ được một nhóm nhỏ những người thông thạo hiểu và đánh giá là bước ngoặt trong lịch sử tiểu thuyết đã trở thành nổi tiếng thế giới, và được công chúng đọc tiểu thuyết trưởng thành lên nhờ tác phẩm này chấp nhận, tức “chấp nhận cái quy chuẩn mới của những đón đợi”, cái quy chuẩn đã làm cho Fanny của Feydeau bị thất sủng. Sự giải thích của Jauss về sự tác động muộn màng hay chậm chạp căn cứ trên khoảng cách thẩm mỹ và tầm đón đợi dường như có phần hợp lý. Duy chỉ có điều việc xác định tầm đón đợi và khoảng cách thẩm mỹ chỉ căn cứ vào những yếu tố bên trong văn học. Vấn đề Jauss đặt ra trong công trình lý luận lịch sử văn học của ông chủ yếu xoay quanh việc viết lịch sử văn học theo quan điểm khác so với những quan điểm trước ông, cho nên vấn đề tầm đón đợi ở đây cũng là vấn đề tầm đón đợi của người đọc đầu tiên của tác phẩm quá khứ. Và việc xác định giá trị nghệ thuật của một tác phẩm như vậy đòi hỏi phải làm sao tái lập lại tầm đón đợi ban đầu của nó. Nếu không không chỉ việc xác định tính nghệ thuật của tác phẩm mà cả giá trị lịch sự của nó cũng không có triển vọng chỉ ra được. Tuy nhiên vấn đề được các ý kiến phản biện nêu lên là liệu có thể xác định được một tầm đón đợi như vậy không. Gehard Kaiser chẳng hạn tỏ ra hoài nghi định đề của Jauss về khả năng có thể khách quan hóa tầm đón đợi. Theo ông “cả tầm đón đợi cũng là tương đối so với chỗ đứng lịch sử của người nghiên cứu nó. Tất nhiên có một sự khác biệt – một văn bản dễ nắm bắt hơn rất nhiều so với tầm đón đợi mà văn bản đó đi vào” (24) . Khái niệm tầm đón đợi được Jauss sử dụng gần như xuyên suốt trong chuyên luận của ông. Trong hầu hết những vấn đề chủ yếu đó, như đã nói, khái niệm tầm đón đợi được Jauss xem xét hoàn toàn chỉ trong phạm vi văn học. Nó hầu như không được hiểu là có liên quan đến các yếu tố xã hội. Một vài chỗ Jauss có nói đến kinh nghiệm sống, nhưng kinh nghiệm này không nằm trong tầm đón đợi mà ở bên cạnh kinh nghiệm thẩm mỹ. Theo cách hiểu của Jauss, tầm đón đợi là “tầm đón đợi của kinh nghiệm thẩm mỹ”(Chúng tôi nhấn mạnh – H.V), là vốn kiến thức, là sự hiểu biết có sẵn về văn học của người đọc. Hệ quy chiếu của sự đón đợi này bao gồm sự hiểu biết trước về thể loại, hình thức và hệ đề tài của các tác phẩm đã biết trước đó và sự đối lập giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thực tiễn, tức là bao gồm toàn bộ những yếu tố nằm trong phạm vi của văn học. Không có yếu tố nào trực tiếp liên quan đến xã hội, đến thực tiễn cuộc sống, dù cho ở phần cuối luận điểm này Jauss thông báo là ở chương 12, chương cuối của công trình lịch sử văn học ông sẽ đề cập đến “vấn đề mối quan hệ giữa văn học và thực tiễn cuộc sống”. Nhưng ở đây thực ra chủ yếu là nói đến lịch sử văn học như là “lịch sử đặc biệt trong mối quan hệ của nó với lịch sử chung” mà trọng tâm là nói đến “kinh nghiệm văn học của người đọc đi vào tầm đón đợi của thực tiễn cuộc sống của người đọc ấy, tiền tạo sự hiểu biết thế giới và do đó cũng tác động trở lại thái độ xã hội của anh ta”. Mặt khác, nói là tầm đón đợi của người đọc nhưng nó lại không gắn với người đọc cụ thể mà người đọc, người tiếp nhận ở đây là người đọc chung chung, công chúng chung chung có tính chất lý tưởng. Vì gắn với một công chúng chung chung nên tầm đón đợi này cũng có tính chất chung chung, rất khó vận dụng vào các phân tích cụ thể. Thiết nghĩ, tầm đón đợi văn học này cần phải được mở rộng ra các yếu tố thuộc các lĩnh vực khác ngoài văn học như tư tưởng, chính trị, xã hội, tâm lý, đạo đức… Bởi lẽ người ta đọc, hiểu và đánh giá một tác phẩm không chỉ với vốn kiến thức có sẵn về văn học và công chúng, người đọc không bao giờ là một công chúng chung chung, một người đọc lý tưởng, một người đọc thoát ra khỏi những quy định về mặt xã hội, từng lớp, thành phần, giới tính, lứa tuổi… Sau khi công trình Lịch sử văn học được công bố, giới nghiên cứu văn học ở Tây Đức cũng như ở một số nước khác đã có ý kiến trao đổi, tranh luận thẳng thắn với Jauss về một số vấn đề trong lý thuyết của ông, trong đó có vấn đề tầm đón đợi. Chẳng hạn Hartmut Eggert trong công trình Nghiên cứu lịch sử tác động của tiểu thuyết lịch sử Đức từ 1850 đến 1875 cho rằng “sự tổng hợp thi pháp thể loại có tính chất hiển hiện hay ngầm ẩn, các hệ đề tài và hành vi ngôn ngữ” với tính cách là “tầm đón đợi tiềm tàng” không tránh khỏi “mang tính trừu tượng”, bởi nó được thao tác với một công chúng không được định nghĩa một cách chính xác. Ông cho rằng khái niệm tầm đón đợi của Jauss chỉ là một quan niệm “điển hình lý tưởng”, tồn tại trong một “không gian trống rỗng”, có tính chất “siêu cá nhân” (25) . Gehard Kaiser cho rằng tầm đón đợi được Jauss nhất quyết đề cao gây tổn hại cho tính xã hội trực tiếp của văn học và của tác giả (26) . Ở đây rõ ràng Kaiser đứng trên lập trường truyền thống muốn nhìn thấy tính xã hội ở khâu sản xuất văn học. Quan điểm của ông gần giống với quan điểm của Adorno. Còn Georg Jäger nhận thấy khái niệm tầm đón đợi có tính chất mơ hồ (27) . Một số nhà nghiên cứu khác lại đưa ra những đề xuất để cụ thể hóa tầm đón đợi có tính chất chung chung của Jauss. Mandelkow muốn phân biệt tầm đón đợi trên bình diện của sự đồng thời thành “các lớp đón đợi” như sự đón đợi thời đại, sự đón tác phẩm và sự đón đợi tác giả (28) . Tương tự như vậy, Warnecken muốn thay thế khái niệm tầm đón đợi, được xem như giả thiết không xác định giá trị về cái sắp đến, bằng khái niệm lợi ích hay nhu cầu. Theo ông, khái niệm của Jauss xa rời tính khách quan xã hội (29) . Quan sát thực tiễn nghiên cứu, vận dụng mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss ở Việt Nam chúng ta có thể ghi nhận những cố gắng tìm hiểu, học hỏi và tiếp thu bước đầu để góp phần đổi mới và phát triển khoa học văn học của chúng ta. Tuy nhiên do mới là bước đầu nên không tránh khỏi những thiếu sót. Một thí dụ của sự thiếu sót này có thể nhận ra ở bài viết Người đọc như một nhân tố tất yếu của tác phẩm văn học (Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11-2004). Bài viết này khẳng định rằng: “Tầm đón đợi được ông (tức Jauss) quan niệm là nhu cầu, trình độ thưởng thức được kết tinh từ quan điểm xã hội và những phẩm chất cá nhân của người đọc (bao gồm thế giới quan, nhân sinh quan, kinh nghiệm sống, lý tưởng thẩm mỹ, nhu cầu tình cảm…). Tầm đón đợi này vừa mang tính cá nhân, vừa đặc trưng cho từng thời đại, từng thế hệ người đọc…” (Chúng tôi nhấn mạnh - H.V). Quan niệm này tuy chưa toàn diện, nhưng nói chung có thể chấp nhận được. Có điều nó không phải là quan niệm của Jauss. Trong một số bài viết của các tác giả khác, chúng ta có thể thấy khái niệm tầm đón đợi, kinh nghiệm thẩm mỹ được vận dụng để nghiên cứu một số vấn đề trong văn học Việt Nam. Tuy nhiên ở những bài viết này, các tác giả đã không đưa ra những định nghĩa rõ ràng của họ về các khái niệm trên, cho nên các kết quả nghiên cứu không tránh khỏi chung chung, mơ hồ. Mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss - mà ở đây chúng tôi chỉ mới đề cập đến một vài khía cạnh - dù còn có những khiếm khuyết, những thiếu sót do tính cực đoan, phiến diện và nội tại trong văn học của nó, vẫn là một cố gắng lớn trong việc đi đến khẳng định một phương diện quan trọng trong toàn bộ tiến trình văn học, một phương diện mà lâu nay vẫn bị khoa học văn học bỏ quên hay chưa chú ý đúng mức, phương diện tiếp nhận và tác động thẩm mỹ. Cùng với phương diện sản xuất thẩm mỹ và phân phối, nó sẽ làm cho tiến trình văn học thành một hệ thống hoàn chỉnh. Tất nhiên với một yêu cầu rõ rệt là như vậy không được xem nhẹ, coi thường khâu sản xuất thẩm mĩ như trong mỹ học tiếp nhận của Jauss. Điều này, qua các cuộc phê bình, thảo luận đã được Jauss nhìn nhận. Trong bài viết Iphigenie của Racine và của Goethe - lời bạt về tính chất bộ phận của phương pháp mỹ học tiếp nhận của ông, Jauss viết: “tính chất bộ phận của mỹ học tiếp nhận theo đó không chỉ căn cứ trên mối tương quan giữa sản xuất, miêu tả và tiếp nhận, mà còn trên kinh nghiệm là tất cả mọi tái lập lại cái quá khứ trong lĩnh vực nghệ thuật không phải chỉ có tính chất bộ phận”. Rõ ràng như vậy không thể khẳng định như ông đã từng khẳng định là cần phải đặt cơ sở cho mỹ học sản xuất mỹ học miêu tả trong mỹ học tiếp nhận. Nhưng sự nhìn nhận lại đó của ông cũng chưa đi đến được một nhận thức quan trọng rằng cả ba khâu này là ba bộ phận của tiến trình văn học và chúng luôn luôn tác động vào nhau, ảnh hưởng lẫn nhau trên cơ sở của sự sản xuất. Trong Lịch sử văn học Jauss cũng chỉ mới nói lướt qua “mối quan hệ qua lại của sản xuất và tiếp nhận” (30) . Tương tự như vậy, theo tôi, khái niệm tầm đón đợi cũng có một giá trị tương đối nào đó, khi ta dùng nó để chỉ ra tính chất đổi mới, cái mới của một thời kỳ, một trào lưu văn học trong phạm vi nghệ thuật. Chẳng hạn phần nào qua nó chỉ ra sự khác biệt ở một số phương diện của văn học thời kỳ 1930-1945, của Thơ mới, của văn học lãng mạn, văn học hiện thực phê phán… với văn học thời kỳ trung đại hay chỉ ra sự thay đổi tầm đón đợi trong văn học kháng chiến chống pháp so với văn học 1930-1945… Tuy nhiên, khi đó tầm đón đợi chỉ có ý nghĩa như một tiêu chí chung nhất, đại khái nhất. Muốn cụ thể ta phải chỉ ra được do đâu sinh ra tầm đón đợi này (và khi đó nó sẽ không còn là những yếu tố bên trong văn học nữa) và trong thời kỳ văn học ta nghiên cứu có sự phân biệt nào không trong các tầm đón đợi? Tốt hơn nên tiếp thu đề xuất của Warnecken, thay khái niệm tầm đón đợi bằng các khái niệm nhu cầu và lợi ích đọc. Tất cả sẽ là những vấn đề còn liên quan đến sự nghiên cứu lịch sử tiếp nhận và nhiều vấn khác rất cần được tiếp tục nghiên cứu. Như trên đã nói, trong bài này chúng tôi chỉ quan tâm đến khái niệm tầm đón đợi và sự xác định tính chất nghệ thuật của văn học ở Jauss. Những gì có liên quan đến toàn bộ mỹ học tiếp nhận của ông, đặc biệt đến quan niệm về tính lịch sử của văn học, khi có dịp sẽ xin tiếp tục trình bày . Vấn đề tầm đón đợi và xác định tính nghệ thuật trong Mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss Như ở phần đầu của bài viết đã lưu ý rằng khái niệm tầm đón đợi của Jauss không. khái niệm tầm đón đợi và sự xác định tính chất nghệ thuật của văn học ở Jauss. Những gì có liên quan đến toàn bộ mỹ học tiếp nhận của ông, đặc biệt đến quan niệm về tính lịch sử của văn học, khi. quan điểm trước ông, cho nên vấn đề tầm đón đợi ở đây cũng là vấn đề tầm đón đợi của người đọc đầu tiên của tác phẩm quá khứ. Và việc xác định giá trị nghệ thuật của một tác phẩm như vậy đòi