Tinh thần hiếu học - Một giá trị tiêu biểu của văn hoá Bắc Miền Trung Lê Văn Tùng Đặt vấn đề Bắc Trung Bộ là dãi đất gồm 6 tỉnh[1] trải dài từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Đây là một miền đất có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và kiến quốc. Về mặt lịch sử, nơi đây là một trong những cái nôi[2] của dân tộc Việt Nam. Vùng đất này có tính đa dạng rất cao về thời tiết, địa hình, hệ sinh thái,…Chính vì thế, trải qua quá trình cải biến thiên nhiên, phòng chống thiên tai, lũ lụt, chống giặc ngoại xâm, xây dựng đời sống, nhân dân các tỉnh Bắc Miền Trung đã xác lập được những giá trị văn hóa – truyền thống riêng có của mình, những giá trị ấy thống nhất hữu cơ với các giá trị văn hóa trong cộng đồng các dân tộc anh em Việt Nam. Một trong những giá trị đặc sắc đó là tinh thần hiếu học, một truyền thống lưu chuyển cùng với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, và đã lắng lưu trong kết cấu giá trị truyền thống nơi đây như là một hằng số văn hóa. Do đó, tìm hiểu những cơ sở lịch sử xã hội của tinh thần hiếu học là cần thiết để nhận thức đúng vai trò của truyền thống ấy đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bắc Miền Trung hiện nay. 2. Truyền thống hiếu học ở Bắc Trung Bộ. Có thể khẳng định rằng, Bắc Trung Bộ là vùng đất sản sinh ra rất nhiều nhân tài cho đất nước. Ngày nay, đọc lại các chính sách chiêu hiền đãi sĩ của các triều đại phong kiến, hương ước của các làng, các thể loại văn học dân gian,…chúng ta thấy, nhân dân nơi đây rất coi trọng việc học. Chúng ta cũng thấy rằng, các triều đại phong kiến phương Bắc luôn nhận định rằng, những người tài nước Nam là một mối đe dọa cho chính sách bành trướng của họ, cho nên, đã điều nhiều thầy phong thủy, trong đó có Cao Biền đi khắp đất nước ta để trấn yểm các long mạch, làm cho nhân dân ta mãi mãi không có người tài, không có anh hùng hao kiệt nhằm dễ bề cai trị, ý đồ đồng hóa các giá trị truyền thống văn hóa nước ta cũng được áp đặt trong suốt thời kỳ Bắc thuộc. Nhưng người tài vẫn xuất hiện trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc, phần lớn trong số những nhân tài ấy đều có xuất thân từ những gia đình lao động vất vả, từ những dòng họ, từ những làng có bề dày về truyền thống hiếu học, chịu thương, chịu khó[3]. Thiên nhiên không ban tặng cho Bắc Miền Trung những nguồn tài nguyên dồi dào hay khí hậu thuận lợi. Vùng đất này vừa có những dãi núi cao hiểm trở phía Tây, vừa có bờ biển dài phía Đông, địa hình khá dốc từ Tây sang Đông cho nên đất liền thường bị chia cắt bởi những con sông chảy xiết, bởi những con đèo, dãi núi quanh co, thời tiết cũng khá khắc nghiệt, mùa Đông thì gió rét, hanh khô kéo dài, mùa hè thì nắng nóng bởi gió Tây thổi qua, Bắc Miền Trung cũng là vùng chịu nhiều thiên tai lũ lụt,…với tất cả những đặc điểm thiên nhiên ấy cho thấy rằng, người Bắc Miền Trung, ngay trong đời sống hàng ngày của mình đã phải đấu tranh gian khổ để sinh tồn, và chính điều này, tạo nên ở họ tính cách chịu đựng gian khổ, tiết kiệm, đặc biệt là ý thức vươn lên làm chủ số phận, ứng xử chủ động với thiên nhiên. Nó cũng cho thấy rằng, để “đổi đời”, thoát khỏi cảnh cực nhọc của lẽ sinh tồn họ phải tự cải biến bản thân mình để thích nghi, phát triển, cho nên, đây là một trong những lý do khiến bao thế hệ học trò, sĩ tử Bắc Trung Bộ vượt lên mọi khó khăn gian khổ để tôi luyện cốt cách, trí tuệ, dùi mài kinh sử thăng tiến bằng con đường học vấn, quan trường. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh có nói đến 4 đặc điểm cá tính của người Nghệ Tĩnh là “có lý tưởng trong tâm hồn; sự trung kiên trong bản chất; sự khắc khổ trong sinh hoạt và sự cứng cỏi trong giao lưu”[4] , ông còn nói, chất lý tưởng trong tâm hồn chính là cái đặc trưng của văn hóa xứ Nghệ, mà nhờ đặc trưng ấy, bao người con xứ Nghệ đã ra sức học tập, phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi vì lý tưởng. Mặc dù vậy, điều kiện đại lý tự nhiên tự nó chưa cắt nghĩa được tinh thần hiếu học của người Bắc Trung Bộ, bởi lẽ, dù thiên nhiên có khó khắn khắc nghiệt bao nhiêu những bản thân con người không quyết tâm để thay đổi, để thích nghi và phát triển trong điều kiện ấy thì cũng không thể nói đến sự xuất hiện của những sĩ tử đam mê tiến thấn bằng con đường học vấn được. Sự thật là, ở một số địa phương, mặc dù không khó khăn lắm về điều kiện địa lý tự nhiên nhưng việc học không được coi trọng cho nên không có những cá nhân xuất sắc, hoặc có rất ít hiền tài. Do đó, chính điều kiện xã hội – văn hóa đã làm nên truyền thống hiếu học của người dân Bắc Miền Trung. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, giai đoạn nào cũng thấy xuất hiện những hiền tài đất Bắc Trung Bộ, họ lăn lộn vào chốn quan trường để hiến kế, chốn biên thùy bảo vệ tổ quốc và đánh dẹp phản loạn ở trong nước. Qúa trình học tập, dùi mài kinh sử của các học trò để hy vọng có ngày đổi đời, vinh quy bái tổ. Ở mảnh đất này, học tập không hoàn toàn mang ý nghĩa là một nỗ lực của cá nhân người đi học mà là một kỳ vọng, một nỗ lực xã hội. Cho nên, một người đỗ đạt thường làm rạng danh cho cả gia đình, dòng tộc, xóm làng. Chúng ta cũng bắt gặp nhiều câu chuyện về đức hy sinh cho con cái, cho chồng, cho con rễ, cho người đầy tớ ham học về chuyện ăn học, công danh. Dân gian có thể bảo học trò nghèo nhưng không bao giờ khinh dẻ, dè bĩu họ, vẫn có những cụ đồ nghèo mở lớp dạy tư với một tâm nguyện duy nhất là đời sau sẽ có những đồ đệ hơn mình, thi đỗ đạt làm quan, “hậu sinh khả úy” Như vậy, tinh thần hiếu học chính là sản phẩm phản ánh quá trình các cá nhân, xã hội trong những giai đoạn lịch sử đề cao việc học và con đường tiến thân bằng học vấn. Và cùng với những đứa con ưu tú của nó đã thêu dệt nên truyền thống hiếu học nơi đây, một biểu hiện của sự khát khao tri thức rất tự nhiên của con người, là ham thích, coi trọng việc học, là một trong những đức tính cao quý nhất của con người[5] Có lẽ vì thế, nhìn vào các tiểu khu văn hóa Bắc Trung Bộ, chúng ta dễ nhận thấy, ở hầu hết các địa phương đều có nhiều hiền tài được sử sách ca ngợi bao đời. Vùng quê Thanh Hóa (xứ Thanh) nổi lên với những nhân sĩ tài ba như, Lê Văn Hưu (tác giả của Đại Việt sử ký), Nhữ Bá Sĩ (tác giả Việt sử tam bách vịnh), Đào Duy Từ (tác giả Hổ trướng khu cơ), Đinh Thì Trung, ; vùng Hà Tĩnh với những anh hùng lỗi lạc như Mai Hắc Đế, Đặng Dung, Cao Thắng, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Lý Tự Trọng, Lê Hữu Trác, Phan Huy Ích, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ,… đặc biệt là Nghệ An, vùng đất của địa linh nhân kiệt như Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Hồ Chí Minh,… Chúng ta cũng thấy có nhiều làng, nhiều dòng họ có truyền thống hiếu học đã được sử sách và gia phả lưu danh tương truyền. Thậm chí, có những làng còn có hương ước khuyến khích việc học của các con em trong làng, như hương ước của làng Dã Lê Thượng (xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) quy định cụ thể sô tiền thưởng, ruộng đất cho người đỗ đạt, hay làng Dương Phố (huyện Thanh Chương), làng Quỳnh Đôi (Nghệ An), làng Câu Hoan (xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị)[6], dòng họ Nguyễn Quốc (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), dòng họ Nguyễn Đức (xã Nghi Trung, huyện Nghi lộc, Nghệ An), họ Phan Huy (Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh và phủ Đức Quang, Nghệ An), họ Trần Huy (Diễn Phong, Diễn Châu, Nghệ An), họ Nguyễn Cảnh (Đô Lương, Nghệ An), họ Đinh Xuân (Thanh Chương, nghệ An), đáng chú ý là họ Hồ (Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghệ An và huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), một dòng họ được lịch sử ca ngợi rất nhiều về thành tích hiếu học “trạng bố - trạng con, trạng ông – trạng cháu”[7], … những dẫn liệu này cho phép chúng ta hình dung ra truyền thống học hiếu học bề dày của nhân dân khu vực Bắc Miền Trung. Truyền thống ấy lại không ngừng được bồi tụ qua các thời đại lịch sử cho đến tận ngày nay. Sở dĩ chúng ta quan niệm hiếu học là một giá trị văn hóa tiêu biểu của Bắc Miền Trung là vì, nơi đây còn là “đất phát” của nhiều thực khách tới đây từ các tiểu vùng văn hóa khác. Ví dụ như danh nhân Lê Hữu Trác (1720 – 1791), ông vốn sinh ra tại Hoàng Hữu Nam, Yên Mỹ, Hải Dương nhưng thời gian sống và nổi danh lại ở xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, được sinh ra trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng (cha ruột của ông từng đỗ Đệ tam giáp tiến sỹ thời vua Lê Dụ Tông), do cuộc khởi nghĩa nông dân 1739, ông phải chuyển vào quê mẹ ở Hà Tĩnh tiếp tục sự nghiệp đèn sách. Sau khi từ giả trốn quân binh, ông theo học lương y Trần Độc, học cạn chữ thầy, Lê Hữu Trác đã đi rất nhiều nơi khác để học thêm về nghề thuốc, tâm nguyện không đạt, ông quay về Hương Sơn “từ khước sự giao du, đóng cửa để đọc sách”, bản thân đã nguyên cứu rất kỹ về lý luận y học, đồng thời thực hành những tìm tòi mới. Về sau, dù được triều đình hết mực mời về Kinh Đô làm việc nhưng Lê Hữu Trác đã từ bỏ vinh hoa phú quý để chuyên tâm với chân lý của thầy thuốc, cứu chữa bệnh cho dân, vì thế đã để lại trong nhân dân sự yêu mến và kính trọng vô vàn. Một “vị khách” khác là sứ giả học vấn của Làng Quỳnh Đôi (làng Thố Đôi, ở đây chủ yếu là người họ Hồ và họ Phan, còn gọi là Làng Quỳnh), một làng được “gieo chữ” bởi người gia sư mẫn tiệp Dương Văn Khai (Kinh Bắc), làng này nổi danh về học vấn tới mức dân gian còn ca ngợi rằng “Làng Quỳnh lắm kẻ đăng khoa / Ông nghè, ông cử như hoa làng Quỳnh” (theo số liệu thống kê, làng này có 531 người đậu tú tài, 203 cử nhân, 958 lượt đỗ Khoa Bảng, 4 Phó Bảng, 6 Tiến sĩ, 2 Hoàng Giáp, 1 Thám Hoa, 1 Bảng Nhãn. Hiện tại trong số hơn 4694 người làng Quỳnh, có 500 người có trình độ đại học trở lên, 30 tiến sĩ, 8 phó giáo sư, 3 giáo sư, 17 thạc sĩ )[8]. Dân gian cũng xây dựng nhiều huyền thoại về tình thầy – trò để tôn vinh và đanh giá cao những công hiến của nhà giáo cho đất nước. Hiếu học không hề tách rời tinh thần “Quân – Sư – Phụ”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Học trò cho dù đỗ đạt vinh quy hay trượt ngã trên con đường thi cử đều chí khí ngang tàng, kính thầy và trọng đồng môn. Nhiều câu chuyện cảm động về tình thầy – trò lưu truyền trong nhân dân mà nay còn có sức lôi cuốn kỳ diệu như thầy Chu Văn An, thầy Nguyễn Thiếp, thầy Nguyễn Đình Chiểu, thầy Phan Chu Trinh, thầy Nguyễn Tất Thành, thầy Võ Nguyên Giáp, Một số tấm gương hiếu học tiêu biểu. Lê Văn Hưu (1230 – 1322, người thôn Phủ Lý Trung, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), với chí ham học mới 17 tuổi đã đỗ Bảng nhãn (năm Đinh Mùi 1247), sau làm tới chức Thượng thư Bộ Binh (đời vua Trần Thái Tông), Lâm viện học sĩ, kiêm Quốc Sử viện Giám tu (đời vua Trần Thánh Tông), và là thầy giáo của Thượng tướng Trần Quang Khải, một danh tướng của cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên –Mông. Đào Duy Từ (1572 – 1634, xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày nay), ngay từ tấm bé , kẻ “trăn châu anh hùng” đã đam mê sách vỡ, hiểu biết rất rộng nhưng do xuất thân của gia đình thấp nên không được cho đi thi cử nhân dù đã đổi họ để đi thi (đổi từ họ Đào sang họ Vũ), về sau ông quyết chí vào Đàng Trong lập nghiệp với Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Đào Duy từ đã được cất giữ nhiều chức vị quan trọng như Tán trị dực vận công thần, Lộc Khuê hầu, Hoằng Quốc công, ông là tác giả của Lũy Trường Dục và Lũy Thầy, hai phòng thủ quan trọng để Chúa Nguyễn ngăn chặn sự tấn công của Chúa Trịnh (Đàng Ngoài), tác giả của nhiều tập thơ lục bát và ông tổ của nghệ thuật hát Tuồng Việt Nam. Sử sách dân tộc đã hết lời ca ngợi ông là người có chí lớn, vượt qua khó khăn gian khổ, một tấm gương sáng về lập thân, lập nghiệp và hiếu học. Nguyễn Thiếp (1723 – 1804, người làng Nghiệt Ao, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), đậu hương cống (đời Lê), được người đương thời suy tôn là La Sơn phu tử. Ông là người phê phán gay gắt lối học tầm chương trích cú cầu danh lợi, kêu gọi chấn hưng lại nền “chính học” nhằm đào tạo ra những con người có tài năng, đức độ, đem cái sở học giúp ích cho đời. Về sau, Nguyễn Thếp đã được vua Quang Trung mời ra giúp việc cho triều đình. Nguyễn Du (1766 – 1820, người làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), 12 tuổi đã mồ côi cả mẹ lẫn cha, sống nhờ vào người khác nhưng tính kiên trì học tập nên đến năm 17 tuổi thi đậu Tú tài, 36 năm sau được phong làm Tri huyện Phù Dung, rồi tri phủ Thường Tín, được nhà vua tin cậy cử đi sứ nhiều lần sang Tàu, và cất nhấc giữ nhiều chức vị quan trọng như Đông Các học sĩ, Cai bạ tỉnh Quảng Bình, Cần chánh điện Học sĩ, Tham tri Bộ Lễ. Lê Quát (còn gọi là Trạng Quét, sống vào đời vua Lê Nhân Tông, người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) mồ côi cha từ nhỏ, dựng lều sống với mẹ ở chợ và sống bằng nghề quét rác, ban đầu ông học rất dốt, nhưng do chí khí vững bền, lại được vợ động viên cho nên đã chăm chỉ học tập và thi đỗ Thái học sinh, sau này làm quan tới chức Thượng thư hữu bật. Có lúc ông tự trào về mình rằng “Ta lúc bé đọc sách, chỉ muốn bắt chước cổ kim, từng hiểu qua đại thánh để giáo hóa mọi người, mà cuối cùng chửa được một hương nào tin. Thường du lãm non nước, vết chân đã nửa thiên hạ, muốn tìm nhà học, văn miếu, chưa từng thấy đâu. Vì vậy, ta lấy làm thẹn với nhiều môn đồ nhà Phật. Vậy tôi tự bộc bạch tự viết ra để khuyên răn mọi người”[9] Nguyễn Trường Tộ (1828 – 1872, người làng Bùi Chu, Hưng Nguyên, Nghệ An), là người rất đề cao giá trị thực học, ông không khuôn mình theo cái khung của giáo dục Nho giáo, phê phán cách học từ chương khoa cử của nhà Nguyễn lúc bấy giờ, đồng thời kêu gọi học hỏi khoa học và kỹ thuật của phương Tây, mở cửa làm ăn với họ để đất nước phát triển, xã hội phồn vinh. Phan Bội Châu (tên thật là Phan Văn San, 1867 – 1940, người Đan Nhiễm, Nam Hòa, Nam Đàn, Nghệ An), ngay từ tấm bé đã hiểu biết Tam Tự Kinh, Luận Ngữ, 13 tuổi thi đỗ đầu huyện, do nhà nghèo phải tự đi dạy học và ôn thi, đến năm 1900 Phan bội Châu đỗ Giải Nguyên và sớm tham gia vào nhiều phong trào chống Pháp. Suốt đời ông buôn ba khắp thế giới để tìm kiếm con đường giành độc lập cho dân tộc, và cũng là người ngay từ năm 1925[10] đã đánh giá rất chính xác về vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam về sau. Hồ Chí Minh (1890 – 1969, người làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An), là một tấm gương sáng ngời về hiếu học, qua hoạt động cách mạng đầy gian truân của Người có thể thấy ở mọi nơi, mọi lúc Người đều tranh thủ học tập, tích lũy kiến thức. Cách học của Người là luôn chủ động nắm bắt tri thức, cập nhật thông tin mới, có lẽ vì thế, Người đã sử dụng thành thạo rất nhiều ngôn ngữ, rất sáng tạo trong học tập và vận dụng lý luận cách mạng, Người là tấm gương sáng về việc học tập suốt đời mà ngày nay bất cứ ai dù làm ở vị trí công tác nào cũng cần noi theo học tập. Trên đây là những nét cơ bản nhất về truyền thống hiếu học Bắc Trung Bộ. Truyền thống hiếu học có mặt ở nhiều nơi, song ở mỗi địa phương, mỗi vùng miền lại có biểu hiện, mức độ khác nhau. Xưa kia, so với đất Kinh Bắc, thì Bắc Miền Trung là đất trại, nhưng dù có phân loại thế nào chăng nữa thì các thế hệ sĩ tử hiếu học cũng có điểm giống nhau, vì bản thân nền giáo dục họ sử dụng là Nho học, ở đấy, con đường tiến thân không xa rời lý tưởng của nhà Nho. Cái khác là ở chỗ, việc học đã được nâng lên thành một triết lý đổi đời, thành tiêu chuẩn thiêng liêng đặc trưng cho gia đình, dòng tộc, xóm làng và phiên trấn, và do đấy nó nâng đỡ cho các nỗ lực cá nhân vượt qua các xuất phát và địa vị để thành đạt bằng học vấn, vì thế, hiếu học dần dần trở thành một giá trị ổn định dù cho cơ cấu xã hội đã có thay đổi căn bản về lịch sử. Tuy nhiên, nếu bê nguyên xi truyền thống này vào bối cảnh xã hội hiện nay tất sẽ vấp phải những kháng cự chống lại sự phát triển. Chỉ đơn cử một trường hợp, cái hiếu học ngày xưa là đặc quyền của đàn ông, còn phụ nữ thì không được coi trọng, ngày nay nam nữ bình đẳng nhu cầu học tập chính đáng là quyền và nghĩa vụ của mọi người. Đâu đó, đã xuất hiện tình trạng người khác họ, khác làng, khác tỉnh ghanh đua, tranh quyền đoạt lợi bất chấp, khôi phục truyền thống nhưng lại đào sâu sự khác biệt, sự hằn thù của quá khứ, mua quan bán chức, chạy việc, chạy tội, chạy chức quyền,….làm cho thuần phong mỹ tục bị biến dạng, thật giả lẫn lộn, người tài bị thành kiến, chèn ép, trù dập, cái cổ hủ trá hình hoành hành ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, đây là những trở ngại cần sớm được khắc phục trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bắc Miền Trung. 3. Một số kiến nghị Thứ nhất, cần đẩy mạnh hơn nữa các cuộc vận động, các phong trào: gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, làng hiếu học. Gắn tiêu chí hiếu học với những tiêu chí liên quan khác như, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội,… Cần kêu gọi sự đóng góp nhiều hơn nữa của các bậc mạnh thường quân, của nhân dân để hỗ trợ và tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều được đi học. Chú ý đến sự bình đẳng trong việc thực hiện quyền được học tập. Cần ưu tiên, tạo điều kiện cho con em các dân tộc ít người, vung cao, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn được đi học. Thứ hai, đối với những đền, miếu thờ các bậc trạng nguyên, tiến sĩ, các dòng họ hiếu học trước đây nếu còn cơ sở cần được tu sửa và chỉnh trang. Nếu chúng ta không làm sớm công tác này, về sau đô thị hóa sẽ nuốt hết các di tích, lúc đó rất khó phục hồi. Do đó, trước hết, cần tiến hành khảo sát lại địa điểm, vị trí, giá trị xã hội và truyền thống của các đền, miếu hiện còn để có kế hoạch tu sửa chỉnh trang. Thứ ba, cần chú trọng giải quyết công ăn việc làm nhiều hơn nữa cho những con em đã tốt nghiệp. Có chính sách thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực, kêu gọi người tài ở lại phục vụ cho việc phát triển kinh tế địa phương. Ngày nay, người tài là nguồn lực quan trọng nhất, mà ở Bắc Miền Trung lại có nhiều người tài, có truyền thống hiếu học, do đó, phát huy và sử dụng hiệu quả được nguồn lực này thì sẽ phát triển và khởi sắc được cái bản sắc của Bắc Miền Trung. Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng, cũng như bao giá trị truyền thống khác, tinh thần hiếu học cần được quan tâm và xử lý trên tinh thần khoa học một cách biện chứng để hướng tới một xã hội học tập. Cần chú ý là, tinh thần hiếu học không mâu thuẫn với đổi mới giáo dục đào tạo hiện đại, với thiên hướng xây dựng các cộng đồng học tập, các cá nhân học tập suốt đời, vì ở đâu, bao giờ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy” – cái chân lý xưa đúng, nay đúng và tương lai sẽ tiếp tục đúng khi Bắc Miền Trung cùng cả nước đang vận triển vào nền kinh tế tri thức. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Việt Anh – Cao –Lê Thu Hương (2002), Chuyện kể về các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội. 2. Quốc Chấn (2001), Chuyện thi cử và lập nghiệp của học trò xưa, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 3. Nguyễn Khoa Điềm (2002), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 4. Nguyễn Văn Năm (2007), Đạo học với truyền thống tôn sư, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 5. Lê Minh Quốc (2002), Các vị nữ danh nhân Việt Nam (phần hai), Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh 6. Ngô Đức Thịnh (1993), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 7. Nguyễn Thế Long (2006), Truyền thống gia đình và bản sắc dân tộc Việt Nam, truyền thống hiếu học & tôn sư trọng đạo, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 8. Nguyễn Thừa Hỷ (2001), Lịch sử văn hóa Việt Nam truyền thống giản yếu, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 9. Cao Xuân Hạo (2001), Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. 10. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, Hội văn nghệ dân gian Nghệ An (1997), Văn hóa truyền thống các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 11. Lê Thông (2002), Địa lý các tỉnh và thành phố Việt Nam, tập 3 (các tỉnh Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 12. Hỗ Sĩ Vịnh (2002), Đôi nét về dòng chảy văn hóa và người Quảng Trị, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [1] Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. [2] Các di chỉ khảo cổ: Núi Đọ (Thanh Hóa), Thẩm Òm (Nghệ An), Bàu Tró (Quảng Bình) [3] Đến nay cả nước đã có hơn 5 triệu gia đình đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu Gia đình hiếu học, hơn 3 triệu gia đình được công nhận là Gia đình hiếu học, hơn 5 vạn dòng họ được công nhận là Dòng họ khuyến học. [4] Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, Hội văn nghệ dân gian Nghệ An (1997), Văn hóa truyền thống các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 118. [5]Cao Xuân Hạo (2001), Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, tr 305 – 323. [6]Nguyễn Thế Long (2006), Truyền thống gia đình và bản sắc dân tộc Việt Nam, truyền thống hiếu học & tôn sư trọng đạo, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr 9 – 30. [7]Vũ Ngọc Khánh, Đoàn Khôi, Phan Kiến Giang (2002), Truyện Trạng Việt Nam, Nxb Thanh Hóa, tr 32 – 34. [8] Nguyễn Văn Năm (2007), Đạo học với truyền thống tôn sư, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr 225 – 227. [9] Nguyễn Văn Năm (2007), Đạo học với truyền thống tôn sư, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr 21. [10] Ban Tuyên giáo Trung Ương, Trung tâm thông tin công tác tư tưởng, Những mẫu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr 30 – 31. . Tinh thần hiếu học - Một giá trị tiêu biểu của văn hoá Bắc Miền Trung Lê Văn Tùng Đặt vấn đề Bắc Trung Bộ là dãi đất gồm 6 tỉnh[1] trải dài từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Đây là một miền. như bao giá trị truyền thống khác, tinh thần hiếu học cần được quan tâm và xử lý trên tinh thần khoa học một cách biện chứng để hướng tới một xã hội học tập. Cần chú ý là, tinh thần hiếu học không. ở Bắc Miền Trung. 3. Một số kiến nghị Thứ nhất, cần đẩy mạnh hơn nữa các cuộc vận động, các phong trào: gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, làng hiếu học. Gắn tiêu chí hiếu học với những tiêu