Khái niệm rào cản kỹ thuật
1 Về khái niệm rào cản kỹ thuật thương mại quốc tế Đỗ Ngọc Kiên Rào cản trong thương mại quốc tế thông thường được chia làm hai loại là các rào cản thuế quan (tariff barriers) và các rào cản phi thuế quan (non-tariff barriers - NTB). Hiện nay, rào cản thuế quan đã được cắt giảm đáng kể trên quy mô toàn cầu nhờ những nỗ lực của các vòng đàm phán đa phương và song phương, đặc biệt với sự ra đời và phát triển của tổ chức thương mại thế giới WTO. Cắt giảm thuế quan thậm chí còn trở thành nguyên tắc cơ bản của WTO, chi phối mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia. Nhưng đồng thời với việc cắt giảm hàng rào thuế quan, nhiều nghiên cứu cho thấy các quốc gia đang có xu hướng áp dụng ngày càng nhiều hơn các rào cản phi thuế quan. Vì lý do đó, tiếp theo việc cắt giảm thuế quan thì trọng tâm của WTO và các hiệp ước quốc tế khác đã chuyển thành loại trừ các rào cản phi thuế quan trong thương mại (Kristina Kloiber, 2001). Tuy nhiên việc thực hiện tiến tình này tương đối khó khăn bởi vì mặc dù WTO thống nhất được cách hiểu thế nào là rào cản phi thuế quan 1 , nhưng rất nhiều rào cản phi thuế quan lại chưa được xác định rõ ràng. Trong số đó, nổi bật nhất là các rào cản kỹ thuật trong thương mại. Mặc dù hiện nay cơ sở pháp lý để điều chỉnh các rào cản kỹ thuật trong thương mại của WTO có tới hai hiệp định là Hiệp định về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (Hiệp định TBT) và Hiệp định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ (Hiệp định SPS) nhưng trong cả hai hiệp định này đều không định nghĩa một cách rõ ràng thế nào là rào cản kỹ thuật thương mại. Thay vào đó, Hiệp định TBT chỉ đưa ra các định nghĩa về “quy chuẩn kỹ thuật” (technical regulations 2 ), “tiêu chuẩn” (standards) và “quy trình đánh giá sự phù hợp” (conformity assessment procedures) với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật như là các nội dung áp dụng lên đối tượng điều chỉnh của hiệp định. Hộp 1. Các thuật ngữ có liên quan đến rào cản kỹ thuật trong thương mại Tiêu chuẩn: Văn bản do một cơ quan được thừa nhận ban hành để sử dụng rộng rãi và lâu dài, trong đó quy định các quy tắc, hướng dẫn hoặc các đặc tính đối với sản phẩm hoặc các quy trình và phương pháp sản xuất có liên quan, mà việc tuân thủ chúng là không bắt buộc. Văn bản này cũng có thể bao gồm hoặc gắn liền với thuật ngữ, biểu tượng, cách thức bao gói, dãn nhãn hoặc ghi nhãn áp dụng cho một sản phẩm, quy trình hoặc phương pháp sản xuất nhất định. Quy chuẩn kỹ thuật: Văn bản quy định các đặc tính của sản phẩm hoặc các quá trình có liên quan đến sản phẩm và phương pháp sản xuất, bao gồm cả các điều khoản hành chính thích hợp, mà việc tuân thủ chúng là bắt buộc. Văn bản này cũng có thể bao gồm hoặc gắn liền với thuật ngữ, biểu tượng, cách thức bao gói, dãn nhãn hoặc ghi nhãn áp dụng cho một sản phẩm, quy trình hoặc phương pháp sản xuất nhất định. Quy trình đánh giá sự phù hợp: Bất cứ quy trình được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp để xác định các yêu cầu liên quan trong các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn có được thoả mãn hay không. Nguồn: WTO (1995), Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại, Phụ lục 1 Căn cứ vào việc Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại, “mong muốn đảm bảo rằng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, bao gồm các yêu cầu về bao bì, kỹ mã hiệu, nhãn hiệu và quy trình đánh giá sự phù hợp với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật không tạo ra các trở ngại không cần thiết cho thương mại quốc tế” (WTO, 1995, 1 Theo WTO, “Rào cản phi thuế quan là những biện pháp phi thuế quan mang tính cản trở đối với thương mại mà không dựa trên cơ sở pháp lý, khoa học hoặc bình đẳng” 2 Thuật ngữ “Technical Regulations” khi dịch ra tiếng Việt còn được dịch theo nhiều cách khác nhau như “Quy định kỹ thuật, “Pháp quy kỹ thuật”. Chúng tôi thống nhất sử dụng cách dịch “Quy chuẩn kỹ thuật” cho phù hợp với Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 29/06/2006. 2 phần Mở đầu) có thể thấy rằng theo quan điểm của WTO, rào cản kỹ thuật trong thương mại bắt nguồn từ việc các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hay quy trình đánh giá sự phù hợp đã gây ra những trở ngại không cần thiết cho thương mại. Nói cách khác, WTO nhìn nhận rằng rào cản kỹ thuật trong thương mại được các quốc gia được dựng lên thông qua việc áp dụng các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hay quy trình đánh giá sự phù hợp với mục đích gây cản trở thương mại. Trên cơ sở cách hiểu như vậy, có nhiều định nghĩa về rào cản kỹ thuật trong thương mại được các học giả hoặc nhóm nghiên cứu khác nhau đưa ra. Trong ấn phẩm chuẩn bị cho khóa học “Giải quyết tranh chấp trong đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế” do UNCTAD tổ chức, tác giả Arther E. Appleton cho rằng “Rào cản kỹ thuật trong thương mại là thuật ngữ đề cập đến việc sử dụng các quy định nội địa về quy trình (sản xuất) như một biện pháp để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước” (UNCTAD, 2003). Cách hiểu rào cản kỹ thuật trong thương mại theo định nghĩa này có ưu điểm là tương đối đơn giản và đã bao quát được một ngoại diên rất rộng nhưng vẫn còn hạn chế vì chưa chỉ ra rõ nội hàm của khái niệm cần định nghĩa. Chẳng hạn, định nghĩa này chỉ đề cập đến “quy trình”. Như vậy, quy định của tiểu bang California (Mỹ) quy định rõ trên 110 loại thuốc đông ý của Trung Quốc có chứa hàm lượng kim loại nặng vượt quá mức cho phép theo tiêu chuẩn về nước uống của California và yêu cầu các vị thuốc này phải dán nhãn “độc dược” có phải là một “quy trình”, có phải là một rào cản kỹ thuật thương mại không? Một định nghĩa khác được tác giả Kristina Kloiber (2001) sử dụng để mô tả các rào cản kỹ thuật trong thương mại như sau: “Thuật ngữ rào cản kỹ thuật đề cập đến các tiêu chuẩn của sản phẩm có sự khác biệt giữa quốc gia này với quốc gia khác. Những tiêu chuẩn này có tác dụng hạn chế luồng thương mại. Các tiêu chuẩn này là các đặc điểm kỹ thuật của bất kỳ đặc tính hay quá trình sản xuất nào của sản phẩm do các thể chế công cộng hoặc tư nhân xác lập. Mặc dù việc đáp ứng các đặc điểm kỹ thuật này có thể không bắt buộc nhưng thị trường sẽ trừng phạt những nhà sản xuất không tuân theo các tiêu chuẩn này… bằng cách không cho phép bán những bán hàng hóa này hoặc không cho phép mua những hàng hóa này tại mức giá đề nghị. Các tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng những yêu cầu nhất định trước khi được phân phối trên thị trường. Những đặc điểm như vậy sẽ trở thành rào cản thương mại khi được quy định khác nhau giữa các quốc gia nhằm bảo hộ thị trường nội địa khỏi cạnh tranh từ bên ngoài.” Định nghĩa của Kristina Kloiber đi vào mô tả các rào cản kỹ thuật trong thương mại, đồng thời đã phần nào làm sáng tỏ được nội hàm khái niệm. Định nghĩa này có một số điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, các rào cản kỹ thuật hình thành khi có sự khác biệt về tiêu chuẩn của sản phẩm giữa các quốc gia và hạn chế luồng thương mại. Điều này hàm ý rằng bản thân các tiêu chuẩn không nhất thiết là rào cản kỹ thuật. Thứ hai, các rào cản kỹ thuật được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật do các thể chế công cộng hoặc tư nhân xây dựng mà việc sản xuất hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật đó hay không là không bắt buộc, nhưng hàng hóa chỉ được thị trường chấp nhận khi đã đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Điều này hàm ý rằng các tiêu chuẩn không nhất thiết chỉ do nhà nước ban hành mà có thể nhà nước chỉ thừa nhận những tiêu chuẩn do các tổ chức công cộng hoặc tư nhân xây dựng. Hàng hóa trong nhiều trường hợp sản xuất ra không nhất thiết phải phù hợp với tiêu chuẩn, nhưng thị trường sẽ chỉ chấp nhận hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn. Thứ ba, các rào cản kỹ thuật được sử dụng với mục đích bảo hộ sản xuất nội địa. Điều này phù hợp với tinh thần của Hiệp định TBT vì theo Hiệp định TBT, các tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ thuật trong nhiều trường hợp là cần thiết và thúc đẩy thương mại trở lên lành mạnh hơn, chẳng hạn khi các tiêu chuẩn được áp dụng để bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc gia hay để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng… 3 Định nghĩa này cũng còn một số hạn chế như: quá đi vào mô tả các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, chưa tách bạch tính “bắt buộc” của yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa để phân chia thành “tiêu chuẩn” và “quy chuẩn kỹ thuật” như quan điểm của WTO 3 . Trong Từ điển thuật ngữ thương mại trực tuyến của Hệ thống thông tin ngoại thương (SICE) do Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OAS) thiết lập thì khái niệm “Rào cản kỹ thuật trong thương mại” được định nghĩa: “Một tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ thuật, hoặc một quy trình đánh giá sự phù hợp của các tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ thuật sẽ trở thành một rào cản kỹ thuật trong thương mại nếu được sử dụng với mục đích gây cản trở đối với thương mại quốc tế hơn là với các mục đích hợp pháp khác” 4 . Cách tiếp cận khái niệm của OAS rất gần với cách tiếp cận của WTO ở những khía cạnh như: đã xoay quanh ba nội dung mà Hiệp định TBT tác động lên đối tượng điều chỉnh là “tiêu chuẩn”, “quy chuẩn kỹ thuật” và “quy trình đánh giá sự phù hợp”; đã đề cập tới tính chất cản trở tới thương mại của “tiêu chuẩn”, “quy chuẩn kỹ thuật” và “quy trình đánh giá sự phù hợp”. Cách định nghĩa này cũng thể hiện rõ quan điểm của OAS rằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hay quy trình đánh giá sự phù hợp bản thân chúng không nhất thiết là các rào cản kỹ thuật trong thương mại, mà chúng chỉ trở thành rào cản kỹ thuật khi được sử dụng với mục đích gây cản trở thương mại. Tuy nhiên, hạn chế của định nghĩa này là ở chỗ: trong đa số các trường hợp việc các quốc gia áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hay quy trình đánh giá sự phù hợp với mục đích gây cản trở thương mại thường lại không tách rời các mục đích khác. Ví dụ, việc Nhật Bản áp dụng quy định về dư lượng chất kháng sinh đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam với mục đích rõ ràng là cản trợ không cho những thủy sản “không an toàn”, theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, vào thị trường Nhật Bản. Nhưng cũng có thể hiểu mục đích của quy định này là để bảo vệ sức khỏe người dân Nhật Bản. Trên cơ sở các định nghĩa vừa phân tích có thể thấy một định nghĩa đầy đủ về rào cản kỹ thuật trong thương mại cần thể hiện được rằng rào cản kỹ thuật trong thương mại: - Là rào cản phi thuế quan, tức là biện pháp phi thuế quan mang tính cản trở đối với thương mại mà không dựa trên cơ sở pháp lý, khoa học hoặc bình đẳng - Gây cản trở tới thương mại - Bắt nguồn từ những quy định liên quan tới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hay quy trình đánh giá sự phù hợp - Hình thành do có sự khác biệt giữa các quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hay quy trình đánh giá sự phù hợp. Như vậy, bản thân các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hay quy trình đánh giá sự phù hợp không nhất thiết trở thành rào cản kỹ thuật trong thương mại. Chúng tôi cũng tán thành cách tiếp cận của WTO khi cố gắng phân biệt các biện pháp phi thuế quan (NTB) và các rào cản phi thuế quan (NTM) theo nghĩa các quy định của WTO cố gắng hạn chế các rào cản phi thuế quan nhưng vẫn nhìn nhận các biện pháp phi thuế quan là công cụ quản lý nhập khẩu quan trọng và hợp pháp. Các quốc gia hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp phi thuế quan với điều kiện không để các biện pháp này trở thành một rào cản phi thuế quan. Bản thân các rào cản kỹ thuật cũng là một loại rào cản phi thuế quan nên chúng tôi lưu ý rằng trong cách hiểu rào cản kỹ thuật trong thương mại cần làm rõ sự khác biệt với các biện pháp kỹ thuật trong thương mại. 3 Tuy nhiên, nhiều ấn phẩm hiện nay thống nhất sử dụng từ “tiêu chuẩn” như thuật ngữ chung để chỉ “tiêu chuẩn” và “quy chuẩn kỹ thuật” khi không có giải thích gì thêm. Một số khác thận trọng hơn, dùng các thuật ngữ như “đặc điểm kỹ thuật”, “quy cách phẩm chất”, “yêu cầu kỹ thuật” với ý nghĩa đại diện cho cả “tiêu chuẩn” và “quy chuẩn kỹ thuật”. Theo quan điểm của chúng tôi, việc sử dụng “tiêu chuẩn” để đại diện cho “tiêu chuẩn” và “quy chuẩn kỹ thuật” khi không có giải thích gì thêm có thể chấp nhận được. 4 http://ctrc.sice.oas.org/Dictionary/TBT_e.asp 4 Trên có sở những phân tích ở trên, chúng tôi đưa ra cách hiểu về hai khái niệm “Biện pháp kỹ thuật thương mại” và “Rào cản kỹ thuật thương mại” như sau: Biện pháp kỹ thuật thương mại là một biện pháp phi thuế quan được xây dựng dựa trên các quy định của một quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hay quy trình đánh giá sự phù hợp đối với các đối tượng trong quy trình thương mại và có liên quan hoặc ảnh hưởng tới luồng thương mại. Rào cản kỹ thuật thương mại là một biện pháp phi thuế quan hình thành do có sự khác biệt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hay quy trình đánh giá sự phù hợp giữa các quốc gia đối với các đối tượng trong quy trình thương mại và gây cản trở tới thương mại mà không dựa trên cơ sở pháp lý, khoa học hoặc bình đẳng”. Như vậy, khi các biện pháp kỹ thuật trong thương mại gây cản trở tới luồng thương mại mà việc gây cản trợ không có căn cứ khoa học, pháp lý hoặc các biện pháp này không được vấn dụng một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử thì các biện pháp kỹ thuật trong thương mại sẽ trở thành các rào cản kỹ thuật trong thương mại. THAM KHẢO Kristina Kloiber (2001), “Removing Technical Barriers to Trade: The Next Step Toward Freer Trade”, Tulane Journal of International and Comparative Law, Vol. 9, 2001, Louisiana UNCTAD (2003), Dispute Settlement: World Trade Organization 3.10 Technical Barriers to Trade, New York and Geneva WTO (1995), Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại 123doc.vn