1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Phú Yên: Vài Thắng Cảnh 3 docx

10 150 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 10
Dung lượng 198,63 KB

Nội dung

Bến Nước Buôn Chơ Bến nước Buôn Chơ thuộc xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm sát bên bờ sông Cà Lúi, một nhánh nhỏ của thượng nguồn sông Ba. Quanh năm sông Cà Lúi nước trong leo lẻo, đứng trên bờ có thể nhìn thấy rõ ràng khuôn mặt mình dưới làn nước trong vắt. Người dân buôn Chơ đều lấy nước từ con sông này dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Đứng trên cao nhìn xuống, thấp thoáng trong những cánh rừng thưa, mỗi sáng mỗi chiều trai gái trong buôn mang gùi nước ra bến sông, rực rỡ trong những tấm áo màu trong nắng vàng cao nguyên, toả tràn lên những tán lá rừng xanh ngắt… Bên bến nước Buôn Chơ có đó một tảng đá to, bằng phẳng trên phiến đá ấy có in sâu vết lõm hình bộ xương của con lươn khổng lồ. Bên cạnh đó là tảng đá khác cũng to lớn và phẳng phiu như vậy, in hình một dấu chân người khổng lồ. Theo truyền thuyết, đó là dấu chân Y Rít, người đã tìm ra nguồn nước. Truyền thuyết về dấu chân Y Rít Tương truyền, thuở xưa dân làng sống rất khó khăn vì thiếu nước. Mùa mưa, họ đắp bờ ngăn suối để giữ nước nhưng đến mùa khô, nước bị con rắn thần hút hết, chỉ còn trơ lại lớp sỏi cát khô khốc. Dân trong các buôn lại lại thất thểu đào bới, vét từng bụm nước đục ngầu bám đầy rong rêu trong các hang hốc. Có nhiều năm phải chặt những đoạn dây rừng, dùng ống bương hứng lấy chút nước ít ỏi để khỏi phải chết khát.Y Rít là chàng trai thông minh, quả cảm luôn ray rứt với đời sống cơ cực của dân làng. Trước cảnh tình cơ cực của người dân, Y Rít quyết tâm lên đường đi tìm nguồn nước. Chàng đi từ núi cao xuống lũng sâu, từ trảng tranh xơ xác này tới đồi núi chập chùng nọ. Đói chàng hái lá rừng ăn tạm, khát chàng chặt những dây leo chằng chịt tìm chút nước cho đôi môi khỏi bị nứt nẻ. Chàng đi và đi mãi. Hết ngày này sang ngày khác. Ngày đi đêm nghỉ, ròng rã nhiều tháng liền. Cho tới một ngày kia chàng mệt lả vì đói và khát, nằm gục bên gốc cây già, thiếp đi. Trong cơn mê, chàng bỗng nhìn thấy một khối lửa đỏ rực từ trời cao bay xuống. Và từ trong quả cầu lửa rực rỡ kia, Giàng bước ra, khoan thai đến trước mặt chàng nói: “Hỡi chàng trai quả cảm của Giàng, con hãy bước tiếp đi về phía mặt trời, cho tới khi nào nghe thấy tiếng chim hót rộn ràng, tiếng muôn thú hoan ca thì dừng lại. Đàn bướm đủ sắc màu sẽ đưa con tìm đến nơi con cần tìm”. Nói vừa dứt câu, Giàng khoan thai bước vào trong quả cầu lửa và bay lên trời cao. Y Rít bừng tỉnh, mở mắt ra nhìn thì chỉ thấy một cao nguyên bao la, cây cỏ xanh rì. Tuyệt nhiên không còn nghe và thấy điều gì khác hơn. Y Rít quơ vội những nắm lá rừng trước mặt mình cho vào miệng nhai ngấu nghiến rồi vội vã bước thấp bước cao về phía mặt trời với thể xác sắp suy kiệt. Cuối cùng chàng tìm thấy một dòng sông nước trong vắt cùng với đàn bướm đủ màu sắc bay lượn chung quanh. Y Rít từ trên bờ cao lao xuống dòng nước trong, đắm mình trong đó nghe các đường gân, thớ thịt như đang từ từ dãn ra. Bỗng có một con lươn to hơn con voi rừng, dài hơn những sợi dây mây, xé nước lao tới đâm bổ vào người chàng. Y Rít nhoài người né sang bên với nỗi bàng hoàng khôn tả xiết. Con lươn quay đầu lại, ngược dòng nước lao tiếp vào tấn công chàng. Y Rít nhún người phóng lên bờ cát. Con lươn lao theo quấn chặt chân chàng giữ lại, cố xé toạc bàn chân chàng. Y Rít dùng hết bình sinh uẩy con lươn văng ra khỏi chân. Nhưng nó đâu dễ chịu thua. Cuộc chiến dằng dai bất phân thắng bại, kéo dài mãi đến ngày thứ bảy thì cả hai bên gần như kiệt sức. Nhưng Y Rít với sự sống còn của bộ tộc mình quyết tâm không để con lươn kia giết chết chàng trước khi bộ tộc biết được nguồn nước. Và hình như con lươn kia cũng linh cảm được rằng, nếu không giết chết được chàng trai trẻ kia thì vĩnh viễn giang sơn của mình sẽ bị loài người chiếm giữ. Điều này đồng nghĩa với đất sống của nó không còn nữa. Cả hai đều cảm nhận được điều hệ trọng này nên ra sức lần cuối cùng, quyết quật chết kẻ thù. Chàng Y Rít đứng trên tảng đá thủ thế chờ con lươn lao tới, và nó đã lao tới với tất cả sức lực còn lại. Y Rít dẫm mạnh chân xuống tảng đá, tóm được đuôi con lươn, nắm chặt và nhấc bổng lên quay nhiều vòng trên không. Con lươn rời khỏi làn nước trong, hình như không còn sức lực như bình thường, nhẹ hẫng. Y Rít nghiến răng, bám chặt chân trên đá và quật mạnh con lươn xuống tảng đá kề bên rồi nằm lịm đi. Chàng nằm ngất không biết bao lâu… Trong khi đó dân làng đang chờ đợi tin vui của Y Rít tìm ra nguồn nước. Nhưng ngày này qua tháng nọ, bóng dáng chàng vẫn biệt tăm trên cao nguyên bao la và núi rừng hùng vĩ. Không thể chờ đợi lâu hơn nữa, các trai làng chia nhau đi tìm chàng, bởi Y Rít đối với họ là cuộc sống, là niềm tin, là sức mạn. Toán trai làng khăn gói tỏa đi các hướng và một ngày kia họ tìm thấy xác chàng trên tảng đá, bên cạnh là xác con lươn khổng lồ trên dòng sông nước cứ vô tình trôi. Họ bàng hoàng nhìn cảnh tượng bày ra trước mắt như thể đó không thể là sự thật. Nỗi đau khổ chen lần niềm vui sướng trào lên. Y Rít quả cảm đã hiến dâng thân xác cho Giàng để dành lấy sự sống cho cả bộ tộc. Ngoài ra còn có dị bản khác như Sau khi Y Rít quật chết con lươn khổng lồ, chàng lịm đi không biết bao nhiêu ngày tháng. Khi tỉnh dậy, chàng nghe văng vẳng bên tai: “Con hãy vốc nước rửa mặt, hái ngọn rau rừng bên bờ sông nhai và uống nước sông này sẽ mau chóng phục hồi sức lực. Con hãy mau làm đi để còn kịp về báo tin vui cho dân làng. Y Rít mở mắt ra nhưng không thấy một ai ngoài mình chàng và xác con lươn nằm bất động trên tảng đá kề bên. Chàng làm đúng theo lời dặn và vội vã lên đường trở về buôn làng cũ báo tin chiến thắng, tìm ra nguồn nước cho cuộc sống dân làng. Dân làng trong bộ tộc mừng vui khôn xiết, liền mổ trâu bò, mang ra những ché rượu ngon nhất, nổi lửa nhảy múa suốt mấy ngày liền trước khi lên đường đến nơi định cư mới. Cả bộ tộc coi chàng như vị cứu tinh, như một Giàng giáng thế để mang lại sự sống cho họ bởi sau này, những cánh đồng cỏ bao la sẽ dần dần thay thế bằng những cánh đồng trồng bắp lúa tươi tốt. Khi cả bộ tộc đến nơi thì xác con lươn không còn nữa, chỉ thấy vết lõm in hình bộ xương lươn khổng lồ, tảng đá kế bên là bàn chân lõm sâu của Y Rít. Một dị bản khác kể rằng, Y Rít là con của một vị tù trưởng, 18 tuổi chàng đã cao lớn, sức vóc hơn người; đặc biệt với sức mạnh phi thường của mình, không những tiếng tăm vang xa tới các bộ tộc khác mà còn khống chế được tất cả mọi loài thú dữ. Mỗi khi chàng đi săn, không một con thú nào có thể thoát được. Ngoài sức mạnh và tài nghệ bẩm sinh, Y Rít còn là chàng trai thông minh, có lòng nhân hậu, luôn yêu thương đùm bọc tất cả mọi người trong bộ tộc, khoan dung đối với các kẻ thù hiếu chiến của các bộ tộc khác…Cuộc hành trình tìm ra nguồn nước của Y Rít cũng được kể như trên, nhưng điểm khác biệt sau khi giết chết con lươn, Y Rít đưa dân làng đến lập làng mới ven sông Ba rồi lặng lẽ bỏ đi, chỉ để lại dấu chân rất to in trên tảng đá cạnh tảng đá hình bộ xương con lươn khổng lồ. Ngày nay, tảng đá in hình dấu chân Y Rít đã trở thành biểu tượng linh thiêng của dân làng. Mỗi khi gặp những trắc trở tình duyên, chuyện làm ăn… người dân buôn Chơ đều đến bến nước, đặt bàn tay lên bàn chân khổng lồ của chàng Y Rít cầu nguyện và được giúp đỡ. SÔNG BA - PHÚ YÊN Sông Ba là một trong những hệ thống sông lớn nhất của tỉnh Phú Yên. Sông Ba phát nguyên từ dãy núi Ngọc Rô (cao 1.500 mét) trên cao nguyên Kontum, chảy qua các tỉnh Kontum, Gia Lai rồi vào địa phận Phú Yên. Sông có nhiều tên gọi khác nhau qua các địa bàn của tỉnh. Phần thượng lưu chảy qua địa bàn các huyện Sơn Hoà, Sông Hinh, Phú Hoà, Tây Hoà có tên là sông Ba hay Ea Ba, Krông Pa. Phần hạ lưu từ Đồng Cam đổ ra biển ở phía Nam thành phố Tuy Hoà thì có tên là sông Đà Rằng. Diện tích lưu vực ở thượng nguồn 13.220km2. Riêng địa phận Phú Yên, lưu vực chỉ có 2.420km2 và dài 90km. Sông Ba khi chảy đến Cheo Reo (Phú Bổn) nhận thêm nước của phụ lưu Ayun Pa; đến giữa địa giới Phú Yên-Gia Lai, nhận thêm nước của sông Krông Năng (dài 130km); đến địa phận huyện Sơn Hòa nhận nước của sông Hinh (dài 85km, phát nguyên từ núi Chư Mu, Dak Lak) và sông Cà Lúi, sông Thá. Ở thượng lưu, sông hẹp, sâu, lắm ghềnh nhiều thác, có những đoạn hai bờ dốc thẳng đứng và sâu hoắm như đoạn đèo Tô Na (địa phận Cheo Reo); nhưng khi vào địa phận Phú Yên, do tiếp nhận nước từ các sông khác đổ vào nên sông lớn hơn, lòng sông bằng phẳng, giữa dòng có nhiều cồn lớn nổi lên như cồn Phú Lễ, cồn Ngọc Lãng tạo thành làng mạc trù phú. Phù sa sông Ba tạo nên cánh đồng phì nhiêu với diện tích trên 20.000ha. Chẳng những thế trên sông Ba còn có hai công trình thủy điện quan trọng là Ayun Pa và thủy điện sông Ba Hạ. Sông Ba còn là nguồn cảm hứng cho các nhà thơ hiện đại và thơ ca dân gian: Nước sông Ba chảy qua Thạch Hội Lỡ quen biết rồi, nỡ vội đi đâu TRUYỀN THUYẾT: Sông Ba cũng có nhiều huyền thoại, và mỗi đoạn sông đều có một huyền thoại riêng: Chuyện kể rằng, xưa kia vương quốc Hỏa Xá (Pơlao Apưi) thuộc lãnh địa của người Giarai thường xuyên bị nắng hạn thiêu đốt khiến cỏ cây muôn vật đều bị cháy khô, chết khát. Trong khi đó ở địa vực phía Tây-Nam thuộc vương quốc Thủy Xá (Pơtao Eâ) luôn có thần mưa làm mưa đều đặn, chẳng những thế mà Trời còn tạo ra biển Hồ mênh mông cho vương quốc này. Siu Luynh là thần dân của vương quốc Hỏa Xá được các thần linh chỉ bảo là phải tìm cho ra lưỡi gươm thần có khả năng tạo ra nước và lửa. Siu Luynh bái yết quốc vương nói rõ ý định rồi một mình lên đường tìm kiếm chiếc gươm thần kia. Ông đi mãi, đi mãi hết ngọn núi cao này đến rừng già khác, lội suối trèo non những mong cầm được thanh kiếm trong tay để tạo nguồn nước cho cả vương quốc đang chờ chết. Cuối cùng, Siu Luynh đã tìm được lưỡi gươm về dâng lên cho vua Hỏa Xá. Từ khi có được thanh gươm thần trong tay, vương quốc Hỏa Xá không còn bị hạn hán như xưa. Nhưng thanh gươm thần thì không còn tìm thấy nữa, vì vua Lửa đã cất giấu trong hang núi gần bờ sông Ba đoạn hợp lưu với Ayun hạ khi ông chết. Ngày nay, người dân ở khu vực này vẫn còn tin thanh gươm đang ẩn mình đâu đó trong hang núi sâu, dưới đáy con sông Ba và hy vọng một ngày nào đó, thanh gươm thần kia sẽ quay về với họ. Một truyền thuyết khác khá thú vị kể rằng, ngày xưa Trời phân định sông Ba là sông anh, các sông Cà Lúi, sông Ea Nho, sông Krông Hinh, sông Krông Năng, sông Con, sông Cau đều là sông em. Tuy phân định vai vế lớn nhỏ, nhưng tất cả các sông phải đúng giờ mới được chảy cùng một lúc để mang nước cho người dân, cuộn phù sa bồi đắp đồng ruộng, có đủ nước uống cho trâu bò chim muông và tưới cây cối… theo từng khu vực được chỉ định trước. Thời gian các sông chảy được ấn định như sau: canh một chuẩn bị, canh hai chuyển mình, canh ba canh tư sẵn sàng và canh năm tất cả các sông cùng chảy một lúc. Nhưng các sông em mải mê chơi không nghe lời dặn rõ ràng của Trời nên chỉ mới bắt đầu canh một, hai sông Ea Nho và Cà Lúi chảy trước. Các sông em còn lại, sông thì chảy canh hai, sông chảy canh ba rất lộn xộn. Duy nhất chỉ có sông anh là sông Ba nghiêm túc, chuẩn bị kỹ càng đúng canh 5 mới bắt đầu chảy. Trên cao, Trời nhìn xuống thấy nước sông Ba vừa mới bắt đầu, nước mới lấp lửng các bãi đá gốc dưới lòng sông, trong khi đó nước các sông em đã tràn đầy khiến Trời tức giận bắt tất cả các sông em đều nhập chung vào sông Ba: sông Cà Lúi (tức sông Ea Talui ="sông" em út) nhập vào sông Ba tại buôn Chơ buôn Học; sông BàLá, Ea Nho nhập vào ở đoạn Phú Túc, Krông Năng nhập vào Krông Hinh và cả hai nhập vào sông Ba tại Thạnh Hội, Nhiễu Giang; sông Con, sông Cau tại Ngân Điền. Sau đó Trời còn bắt các sông Krông Năng, Krông Hinh, sông Cau, sông Con phải chở đất thiệt tươi tốt màu mỡ để tạo thành đồng ruộng Tuy Hòa. Tất cả các sông đều không dám trái lệnh Trời, lập tức làm nhiệm vụ để tạo thành các hợp lưu và cánh đồng màu mỡ ngày nay của Phú Yên. BÃI TIÊN - PHÚ YÊN Bãi Tiên cách thị trấn Sông Cầu 15km về phía Bắc, nằm giữa đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài, thuộc địa bàn xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Bãi Tiên có phong cảnh hữu tình, êm đềm, thơ mộng. Ngoài khơi có những dãy núi nhỏ và bán đảo che chắn, trong bờ núi chạy kẹp sát như những bức tường thành. TRUYỀN THUYẾT: Theo lời kể của người dân địa phương Bãi Tiên xưa có tên là bãi Trù, bãi Mắm, biển ăn sát vào chân núi. Lúc đó chưa có đường thông quan, cây cối um tùm, nhất là cây mắm, cây sú, vẹt… những loại cây phát triển khá nhanh trong vùng ngập mặn. Càng về sau, do điều kiện sinh sống, người dân quanh vùng khai thác cây làm trại, làm chắn đánh bắt thuỷ sản nên cuối cùng chỉ còn vùng nước mênh mông. Những ghe câu, sõng nhỏ đánh bắt tôm cá trong vũng đầm cùng với việc thả lưới, đánh đăng phát triển nhanh, khiến người dân phải tổ chức canh giữ. Có truyền thuyết kể rằng, trong một đêm trăng sáng, những ngư dân nằm mơ màng trên ghe, bỗng nghe tiếng nước quẫy như có người đang ngụp lặn trong làn nước xanh, như đàn cá đang khua động mặt nước vượt vũ môn. Thấy lạ, họ mở mắt ra và thấy một cảnh tượng mà họ không thể nào ngờ tới dược. Đó là một bầy tiên nữ xuống tắm trong đầm. Khi họ đến gần để xem thì các nàng tiên biến mất, chỉ để lại mùi hương thoang thoảng mà thôi. Đêm sau và những đêm sau nữa, những ngư dân chia nhau canh thức để hòng khám phá điều kỳ diệu kia, nhưng các tiên nữ không bao giờ xuất hiện nữa. Sau này họ kể lại cho dân làng nghe và đặt bãi Trù thành bãi Tiên như tên gọi ngày nay. Cũng có truyền thuyết khác kể rằng, ngày xưa có một nho sinh trong làng tư chất thông minh, học giỏi, khôi ngô tuấn tú nhưng nhà thì rất nghèo, phải đi làm thuê cho các nhà giàu để có tiền mua sách vở. Một đêm kia người chủ sai chàng mang lưới ra đầm đóng đăng để bắt cá. Sau khi công việc đóng lưới giăng cá xong xuôi, chàng nằm gối đầu lên be thuyền và ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay, đến khi mở mắt ra thì cũng vừa lúc mặt trăng hạ tuần nhô lên khỏi đường cong chân trời. Ánh trăng như dát vàng lên những đợt sóng lăn tăn trên mặt đầm khiến chàng say sưa ngắm nhìn mà quên cả chuyện đốt đèn ôn lại sách vở. Trăng lên cao thêm chút thì bất ngờ, trước mắt chàng bóng một thiếu nữ nhô lên khỏi mặt nước, thả trôi như một chiếc lá nhẹ tênh. Có lúc, người thiếu nữ lặn đâu mất trong làn nước, khá lâu sau mới trồi lên, xoã mái tóc dài như chiếc thuyền mành rồi thả người trên đó, cho tới khi mặt trăng lẩn vào đám mây thì mất hẳn. Tới rạng sáng không thấy dấu tích gì chứng tỏ là mấy canh giờ trước đó đã từng xảy ra một sự việc lạ. Tuy vậy, chàng nho sinh kia không hé lộ với ai bất kỳ chi tiết nào về chuyện mình đã chứng kiến. Đêm sau, chàng lại mang đồ nghề và chèo thuyền đi. Mọi việc xong xuôi đâu đó, chàng ngồi căng mắt chờ. Trăng nhô lên khỏi mặt biển đã khá lâu nhưng hầu như không thấy điều gì lạ. Mặt biển vẫn gợn những con sóng vàng lăn tăn, chàng trai chờ mãi, chờ mãi rồi thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi mở mắt ra thì trời đã sáng bảnh. Hôm sau, chàng lại vác lưới chèo thuyền đi, rồi hôm sau nữa, vẫn không thấy người thiếu nữ tắm trong đầm như cách đó ba hôm… Cho đến một đêm kia, khi mặt trăng chỉ còn là lưỡi cong nhọn treo lơ lửng trên bầu trời trong vắt thì đột nhiên từ mặt nước nhô lên người thiếu nữ như đêm đầu tiên. Hình như có tiếng hát du dương không rõ rệt lan nhanh đến tận nơi chàng nho sinh neo thuyền. Thiếu nữ thả trôi trên mặt nước, hai tay lúc vẩy trong sóng gợn, lúc thả xuôi, nhìn xa như một bức tượng thạch trắng, cho tới khi gà cất tiếng gáy thì nàng biến mất trong làn nước. Lần này, chàng nho sinh không thể giữ lòng, đem chuyện kể lại cho trai đinh trong làng nghe, và tối đêm đó cả đám trai bạn cùng chèo thuyền ra đầm. Nhưng tiếc thay, bọn họ không bao giờ có được may mắn nhìn ngắm người con gái huyền hoặc tắm trăng nữa. Mãi sau này, gần tới ngày chàng nho sinh về kinh ứng thí, đêm nằm mộng thấy người con gái đứng ngoài đầm nói vọng vào: “Ta là tiên nữ trên thiên đình, lỡ đánh rơi chén ngọc của Ngọc Hoàng nên bị bắt xuống trần gian mò tìm lại. Trước khi chàng nhìn thấy ta thì ta đã tìm lại được chén ngọc rồi. Ta là tiên, chàng là người trần, không thể gặp nhau, nhưng ta có thể giúp chàng thi đỗ trạng nguyên kỳ này”. Nói xong nàng biến mất. Kỳ thi ấy, chàng nho sinh đỗ trạng nguyên, được vua gả công chúa và cho giữ một chức trọng quan trong triều. Nhớ cảnh cũ và ơn xưa, trong lần qui cố hương, chàng kể chuyện này cho cả tổng nghe và đặt bãi Trù thành bãi Tiên như tên gọi ngày nay ĐẢO HÒN CHÙA - HÒN CHÙA - PHÚ YÊN Đảo Hòn Chùa: Hòn Chùa, nằm ở ngoài khơi vùng biển Long Thuỷ, thuộc xã An Phú, TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, cách bờ biển khoảng 6-7 cây số. Trên hòn này, cây cối thuộc loại lùm bụi rậm, có nhiều thỏ rừng và cheo, chồn… Mạn sườn phía Đông-Nam, có nhiều trảng mọc loại cỏ gai, từ đất liền nhìn ra, hòn Chùa tuyền một màu xanh như một tấm thảm trải trên mặt biển, dẫu rằng cấu tạo của hòn này toàn đá lớn nhỏ chồng chất. Mạn sườn phía Đông-Bắc, là vách đá thẳng đứng do sự xâm thực liên tục của sóng biển đập vào. Trong lòng biển quanh hòn Chùa, là những ghềnh rạng san hô nhiều màu sắc sặc sỡ, thích hợp cho cua, tôm hùm ẩn trú. Càng ra xa, mực nước càng sâu dần. Hòn Chùa, còn nổi tiếng với con mực nang như đã dẫn ở trên. Du khách có thể dùng thuyền ra đây, theo hành trình dã ngoại khép kín từ Hang Hổ-Long Thuỷ-Hòn Chùa. TRUYỀN THUYẾT: Trên đỉnh hòn Chùa, mạn Tây-Nam có một nền đất đá phơi mưa gội nắng thi gan cùng năm tháng, mà nhiều người nói rằng, đó là nền cũ của một ngôi chùa cổ. Có nhiều truyền thuyết quanh ngôi chùa này. Tương truyền, ngôi chùa là do một bà phi của chúa Nguyễn Ánh đã không còn đủ sức bôn tẩu cùng Vương, nên đã trốn lại ẩn tu trên chùa. Sau khi Vương lấy lại giang sơn, cho người dò tìm khắp nơi và biết được bà đang tu trên một ngôi chùa ngoài biển Mỹ Á, bèn xuống chiếu vời về cung. Sau khi bà đi ,thì không còn ai hương khói lạy phật, và theo thời gian, sóng gió biển vùi dập, ngôi chùa đã bị lụi tàn. Trong dân gian còn kể thêm một câu chuyện khác, với những tình tiết ly kỳ hơn: Thuở xưa, giặc Tàu Ô hoành hành ngang dọc biển Đông, không ai địch nổi. Chúng cướp phá, bắt cóc đàn bà con gái hãm hiếp rồi quẳng xuống biển sâu mất xác. Một trong số thủ lĩnh cao cấp của bọn giặc Tàu Ô, một ngày kia, đến vùng biển Phú Yên, Bình Định cướp phá, thì bị một thiếu nữ giỏi võ nghệ, xinh đẹp giong thuyền ra gành đá mạn Đông-Bắc hòn Chùa thách đấu với chúa giặc. Hễ người thiếu nữ thua thì sẽ bằng lòng theo tên chúa giặc, còn ngược lại thì phải giải tán bọn lâu la giặc cướp, để dân chúng sống yên ổn làm ăn. Trận đánh ra sao không được mô tả, nhưng tên giặc kia bị đánh cho đại bại, nên xin qui thuận trở về hoàn lương, xây ngôi chùa trên hòn núi này sống cuộc đời còn lại bên cửa phật. Nhưng không rõ do lòng tham chưa dứt hay vướng bận mùi tục luỵ, cảm thương và nhung nhớ cô gái trước kia đánh bại mình, mà một đêm mưa gió, đã bỏ chùa ra đi mất dạng. Cũng có người nói, thần Nam Hải cho nổi sóng vào một đêm tối trời kéo hắn về thuỷ cung trị tội. Nguồn: saigontoserco.com . thượng nguồn 13. 220km2. Riêng địa phận Phú Yên, lưu vực chỉ có 2.420km2 và dài 90km. Sông Ba khi chảy đến Cheo Reo (Phú Bổn) nhận thêm nước của phụ lưu Ayun Pa; đến giữa địa giới Phú Yên-Gia. phận Phú Yên, do tiếp nhận nước từ các sông khác đổ vào nên sông lớn hơn, lòng sông bằng phẳng, giữa dòng có nhiều cồn lớn nổi lên như cồn Phú Lễ, cồn Ngọc Lãng tạo thành làng mạc trù phú. . nay của Phú Yên. BÃI TIÊN - PHÚ YÊN Bãi Tiên cách thị trấn Sông Cầu 15km về phía Bắc, nằm giữa đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài, thuộc địa bàn xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Ngày đăng: 10/07/2014, 01:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w