1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Phú Yên: Vài Thắng Cảnh 4 doc

9 292 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 9
Dung lượng 208,62 KB

Nội dung

Phú Yên: Vài Thắng Cảnh 4 Sông Ba Sông Ba là một trong những hệ thống sông lớn nhất của tỉnh Phú Yên. Sông Ba phát nguyên từ dãy núi Ngọc Rô (cao 1.500 mét) trên cao nguyên Kontum, chảy qua các tỉnh Kontum, Gia Lai rồi vào địa phận Phú Yên. Sông có nhiều tên gọi khác nhau qua các địa bàn của tỉnh. Phần thượng lưu chảy qua địa bàn các huyện Sơn Hoà, Sông Hinh, Phú Hoà, Tây Hoà có tên là sông Ba hay Ea Ba, Krông Pa. Phần hạ lưu từ Đồng Cam đổ ra biển ở phía Nam thành phố Tuy Hoà thì có tên là sông Đà Rằng. Diện tích lưu vực ở thượng nguồn 13.220km2. Riêng địa phận Phú Yên, lưu vực chỉ có 2.420km2 và dài 90km. Sông Ba khi chảy đến Cheo Reo (Phú Bổn) nhận thêm nước của phụ lưu Ayun Pa; đến giữa địa giới Phú Yên-Gia Lai, nhận thêm nước của sông Krông Năng (dài 130km); đến địa phận huyện Sơn Hòa nhận nước của sông Hinh (dài 85km, phát nguyên từ núi Chư Mu, Dak Lak) và sông Cà Lúi, sông Thá. Ở thượng lưu, sông hẹp, sâu, lắm ghềnh nhiều thác, có những đoạn hai bờ dốc thẳng đứng và sâu hoắm như đoạn đèo Tô Na (địa phận Cheo Reo); nhưng khi vào địa phận Phú Yên, do tiếp nhận nước từ các sông khác đổ vào nên sông lớn hơn, lòng sông bằng phẳng, giữa dòng có nhiều cồn lớn nổi lên như cồn Phú Lễ, cồn Ngọc Lãng tạo thành làng mạc trù phú. Phù sa sông Ba tạo nên cánh đồng phì nhiêu với diện tích trên 20.000ha. Chẳng những thế trên sông Ba còn có hai công trình thủy điện quan trọng là Ayun Pa và thủy điện sông Ba Hạ. Sông Ba còn là nguồn cảm hứng cho các nhà thơ hiện đại và thơ ca dân gian: Nước sông Ba chảy qua Thạch Hội Lỡ quen biết rồi, nỡ vội đi đâu TRUYỀN THUYẾT: Sông Ba cũng có nhiều huyền thoại, và mỗi đoạn sông đều có một huyền thoại riêng: Chuyện kể rằng, xưa kia vương quốc Hỏa Xá (Pơlao Apưi) thuộc lãnh địa của người Giarai thường xuyên bị nắng hạn thiêu đốt khiến cỏ cây muôn vật đều bị cháy khô, chết khát. Trong khi đó ở địa vực phía Tây-Nam thuộc vương quốc Thủy Xá (Pơtao Eâ) luôn có thần mưa làm mưa đều đặn, chẳng những thế mà Trời còn tạo ra biển Hồ mênh mông cho vương quốc này. Siu Luynh là thần dân của vương quốc Hỏa Xá được các thần linh chỉ bảo là phải tìm cho ra lưỡi gươm thần có khả năng tạo ra nước và lửa. Siu Luynh bái yết quốc vương nói rõ ý định rồi một mình lên đường tìm kiếm chiếc gươm thần kia. Ông đi mãi, đi mãi hết ngọn núi cao này đến rừng già khác, lội suối trèo non những mong cầm được thanh kiếm trong tay để tạo nguồn nước cho cả vương quốc đang chờ chết. Cuối cùng, Siu Luynh đã tìm được lưỡi gươm về dâng lên cho vua Hỏa Xá. Từ khi có được thanh gươm thần trong tay, vương quốc Hỏa Xá không còn bị hạn hán như xưa. Nhưng thanh gươm thần thì không còn tìm thấy nữa, vì vua Lửa đã cất giấu trong hang núi gần bờ sông Ba đoạn hợp lưu với Ayun hạ khi ông chết. Ngày nay, người dân ở khu vực này vẫn còn tin thanh gươm đang ẩn mình đâu đó trong hang núi sâu, dưới đáy con sông Ba và hy vọng một ngày nào đó, thanh gươm thần kia sẽ quay về với họ. Một truyền thuyết khác khá thú vị kể rằng, ngày xưa Trời phân định sông Ba là sông anh, các sông Cà Lúi, sông Ea Nho, sông Krông Hinh, sông Krông Năng, sông Con, sông Cau đều là sông em. Tuy phân định vai vế lớn nhỏ, nhưng tất cả các sông phải đúng giờ mới được chảy cùng một lúc để mang nước cho người dân, cuộn phù sa bồi đắp đồng ruộng, có đủ nước uống cho trâu bò chim muông và tưới cây cối… theo từng khu vực được chỉ định trước. Thời gian các sông chảy được ấn định như sau: canh một chuẩn bị, canh hai chuyển mình, canh ba canh tư sẵn sàng và canh năm tất cả các sông cùng chảy một lúc. Nhưng các sông em mải mê chơi không nghe lời dặn rõ ràng của Trời nên chỉ mới bắt đầu canh một, hai sông Ea Nho và Cà Lúi chảy trước. Các sông em còn lại, sông thì chảy canh hai, sông chảy canh ba rất lộn xộn. Duy nhất chỉ có sông anh là sông Ba nghiêm túc, chuẩn bị kỹ càng đúng canh 5 mới bắt đầu chảy. Trên cao, Trời nhìn xuống thấy nước sông Ba vừa mới bắt đầu, nước mới lấp lửng các bãi đá gốc dưới lòng sông, trong khi đó nước các sông em đã tràn đầy khiến Trời tức giận bắt tất cả các sông em đều nhập chung vào sông Ba: sông Cà Lúi (tức sông Ea Talui ="sông" em út) nhập vào sông Ba tại buôn Chơ buôn Học; sông BàLá, Ea Nho nhập vào ở đoạn Phú Túc, Krông Năng nhập vào Krông Hinh và cả hai nhập vào sông Ba tại Thạnh Hội, Nhiễu Giang; sông Con, sông Cau tại Ngân Điền. Sau đó Trời còn bắt các sông Krông Năng, Krông Hinh, sông Cau, sông Con phải chở đất thiệt tươi tốt màu mỡ để tạo thành đồng ruộng Tuy Hòa. Tất cả các sông đều không dám trái lệnh Trời, lập tức làm nhiệm vụ để tạo thành các hợp lưu và cánh đồng màu mỡ ngày nay của Phú Yên. BÀU TRẠNH - PHÚ YÊN Bàu Trạnh nằm ở phía dưới Bàu Hương, thuộc xã Hoà Mỹ Tây, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên. Truyền thuyết Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một ông lão chuyên sống bằng nghề bắt cá quanh khu vực bàu Hương. Buổi trưa nọ, ông lão mang dẹp đặt xuống bầu xong, lên bờ ngồi nghỉ dưới bóng cây to. Nhìn xuống lòng hồ, bỗng nhiên ông thấy mặt nước xao động, rồi sau đó một con trạnh to ngoi lên, bơi quanh bàu rồi lại lặn xuống. Một lát sau, giữa mặt bàu mặt nước lại xao động và con trạnh lại nổi lên. Nhưng lần này trên lưng nó có hai ông lão râu tóc bạc phơ, cốt cách nho nhã, ngồi đánh cờ trên lưng trạnh. Ông lão đánh cá sửng sốt nhìn hai người đang mải mê đánh cờ, chợt cơn ho đột ngột nổi lên. Nghe tiếng động con trạnh lập tức lặn xuống đáy bàu và hai ông lão đang đánh cờ khi nãy cũng biến mất. Liền lúc đó, trời đất bỗng tối sầm, sấm chớp đùng đùng nổi lên, mưa gió kéo đến phủ kín khắp cả vùng. Nước bàu Hương đang trong xanh leo lẻo liền biến thành màu đỏ bầm, loang kín các mép bờ. Mưa gió sấm chớp rồi cũng ngưng, mặt nước trở lại như cũ và ngay lúc đó có hai bóng trắng từ lòng bàu bay vụt lên trời cao, rồi biến mất nhanh như cái chớp mắt. Và lạ lùng thay, mặt nước khi nãy còn lưng lửng thì giờ đã tràn đầy bàu, chảy xuôi xuống phía đông mang theo xác con trạnh trôi đi một đoạn dài rồi mắc cạn, chắn ngang dòng chảy. Nước từ bàu cứ chảy ào ào, lướt qua xác con trạnh rồi xoáy sâu xuống bên dưới tạo thành cái hố rất sâu và rộng. Đó chính là bàu Trạnh ngày nay, mà theo dân gian cho rằng khi ngoi lên mặt nước quan sát, trạnh không phát hiện có người trần ngồi quanh bầu, để khi đưa hai tiên ông lên đánh cờ thì bị người trần nhìn thấy. Hai tiên ông tức giận, bèn chém đầu trạnh làm nước loang màu đỏ của máu, còn xác thì bị nước xói đẩy mạnh tạo thành bầu trạnh. SUỐI CHỒNG MÂM - PHÚ YÊN Suối Chồng Mâm nằm vắt ngang qua QL25 cách thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên 3km đường chim bay về phía Tây. Dân chúng quen gọi là suối Chầm Mâm. Đây là con suối nhỏ chảy ra từ các dãy đồi thấp ở phía Tây và đổ vào sông Ba. Suối sâu, lòng suối có nhiều đá tảng, đá gốc. Đứng trên QL25 nhìn chéo qua hướng đầu nguồn của suối ta có thể nhìn thấy những tảng đá tròn hay hình chữ nhật xếp chồng lên nhau. Tuy không đều đặn và liền khít như mỏm đá ở gành Đá Dĩa, nhưng có thể hình dung như những chiếc mâm khổng lồ chồng lên nhau một cách bừa bãi. TRUYỀN THUYẾT: Về lai lịch của những tảng đá nằm trên suối, người Chăm có một truyền thuyết như sau: Thuở xưa, Trời sinh hạ được người con trai và hết mực thương yêu. Nhưng chẳng bao lâu sau, đứa con trai ngã lăn ra chết đột ngột. Quá thương con, Trời cho chôn cất ngay tại bờ suối gần nhà. Đến ngày bỏ mả, Trời cho đặt những mâm thịt chồng lên nhau. Mâm dưới cùng là thịt gà, chim cu, mâm kế là chồn rắn, mâm tiếp theo là heo rừng, nai… Để có được những mâm thịt như vậy người nhà trời phải lặn lội vào rừng nhiều tháng liền săn bẫy chim thú và cũng hàng tháng liền nấu nướng chế biến cho đúng ngày để Trời cho mời tất cả các chư thần đến dự lễ bỏ mả của con mình. Sau đó Trời mời mọi người vào ăn uống. Chư thần nào đến trước thì ăn mâm trên cùng, xong đến lượt các chư thần khác ăn mâm tiếp theo cho tới mâm cuối cùng…Các chư thần ăn xong mạnh ai về nơi ở của người ấy, bỏ lại những chiếc mâm trống, không ai dọn dẹp nên những chiếc mâm ấy bị xô lệch, vất bừa bãi, lâu ngày những chiếc mâm đựng thịt hoá thành đá đen. Hiện nay, các mâm đá chồng lên nhau do thời gian và lũ lụt cuốn xô làm đổ, lệch nghiêng hay trôi ra gần đấy. SÔNG CÀ LÚI - PHÚ YÊN Sông Cà Lúi: Cà Lúi là tên con sông chảy ở phía Tây của huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên, giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Sông Cà Lúi là phụ lưu của sông Ba, nhập vào sông Ba tại xã Krông Pa. TRUYỀN THUYẾT: Về nguồn gốc hình thành con sông, trong vùng còn lưu lại truyền thuyết sau đây. Năm đó toàn vùng bị nắng hạn dữ dội, nước ở các sông hồ đều khô cạn, cây cối khô héo, súc vật và con người không có đủ nước uống. Duy nhất chỉ có con suối nhỏ Bà Lá là còn chút nước từ các lòng mạch chảy ra. Nửa khuya, ông K’Bia Djrao thức dậy gùi những chiếc bầu rỗng lên đường, để các con ở nhà còn đang say giấc (vợ K’Bia Djrao chết sớm). Ông đưa bầu hứng từng giọt nước ít ỏi. Lát sau đoàn người trong buôn cũng ra suối lấy nước. K’Bia Djrao bèn ngước nhìn và hỏi: “Có nghe tiếng con tôi khóc không?”. Mọi người nói: “Chúng khát nước khóc dậy núi rừng”. K’Bia Djrao uất quá leo lên tận đỉnh núi cao, ngửa mặt kêu khóc thảm thiết, cầu xin các thần linh hãy làm mưa để cứu dân làng. Lời than khóc vang thấu tai Trời nên Trời bắt thần mưa lập tức mưa ngay để dân có nước dùng. Mưa xối xả suốt đêm ngày, xẻ núi xẻ rừng tạo thành sông Cà Lúi. Mưa ngập đất đai, nhà cửa, làm trôi các ché túc. Các ché túc theo dòng nước trôi xuôi rồi xoắn lấy gò đất cao, đào khoét tạo thành vực sâu, đó là vực H’Tấk ngày nay. SÔNG KỲ LỘ - PHÚ YÊN Sông Kỳ Lộ còn có tên gọi khác là Cà Lố chảy trên địa bàn xã Xuân Quang 2 huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Sông bắt nguồn từ vùng rừng núi ở tỉnh Gia Lai có các phụ lưu như sông Cà Tơn, suối Cối, thác Dài, sông La Hiên hợp thành. Ở đầu nguồn, lòng sông Kỳ Lộ sâu và hẹp, hai bờ là những vách núi thẳng đứng. Xuôi về hạ lưu hai bờ là bãi cát phẳng phiu, nước quanh năm trong xanh, nhìn thấu đáy. Vì vậy nên có câu ca dao nói về con sông này: Sông Kỳ Lộ vừa sâu vừa hẹp Nước Kỳ Lộ vừa mát vừa trong Thuyền anh bơi ngược dòng sông Nhìn em cho thỏa tấm lòng nhớ thương. Truyền Thuyết Dòng sông ngắn này được gắn liền với truyền thuyết về một người làm thuê cho chủ sau dân đưa lên làm vua: vua Chi Lới. Vua Lới chính là Chi Lới ở Phước Tân trong truyền thuyết về hòn Ông. Sau khi thần dân khiêng đầu vua về xứ sở không được bèn đặt đầu vua Chi Lới tại Kỳ Lộ, lấp đất tạo thành ngôi mộ lớn. Nhưng đầu vua không yên, lúc nào cũng lúc lắc, mắt mở trừng trừng sáng quắc, sáng đến độ bao nhiêu đất lấp dày vẫn bị bắn tung ra ngoài, trong khi đó các thần dân cứ ngậm ngùi thương tiếc, cố ra sức lấp kín mộ đầu vua lại khiến đầu vua nổi giận lăn nhào từ Kỳ Lộ xuống tận La Hai và Tuy An. Vệt lăn sượt của chiếc đầu mạnh đến nỗi rạch đất đá tạo thành dòng sông, tức sông Kỳ Lộ ngày nay. Truyền Thuyết về Núi Hòn Ông Núi Hòn Ông, thuộc địa phận xã Phước Tân, huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên, nằm trong khu vực hạ lưu sông Ba. Ngày xưa, nơi đây, là vùng đất mênh mông, đồi núi, rừng cây rậm rạp chen lẫn những thảm cỏ xanh rờn trên thảo nguyên. Núi Hòn Ông, gắn liền với truyền thuyết về chàng trai Chi Lới. Chàng là người tài giỏi, sức lực hơn người., có tiếng hú vang xa kinh động núi rừng, chim muông. Chi Lới có sức mạnh phi thường, có thể dùng tay nhổ bật gốc cây kơ nia trăm tuổi, khuân tảng đá to bằng mái nhà ném xuống dòng suối, một mình nắm hai con voi to đứng yên một chỗ. Nhờ Chi Lới, mà thú dữ được cảm hóa không bao giờ đến phá hoại hoa màu, gia súc của buôn làng, các bộ tộc khác không bao giờ dám gây hấn, tranh chiếm đất đai. Nhưng khốn khổ thay, Chi Lới chỉ là người làm thuê cho một ông chủ giàu có, còn vợ thì làm thuê cho nhà khác. Một bữa kia, có việc đi xa ông chủ sai Chi Lới dắt ngựa ra, tra yên cương và lên đường. Chủ thì cỡi ngựa, Chi Lới đi bộ lo dọn đường, bẻ cành, chặt gai để quang đường chủ đi. Thấy Chi Lới vất vả mà không than vãn, bèn lấy làm cảm động, cởi đôi dép mo đang mang cho Chi Lới đi khỏi đau chân. Một đoạn khác lại thấy trời nắng to, bèn lột mũ đang đội rên đầu để Chi Lơi đội tránh nắng. Đi nhiều ngày ròng rã, chủ nhìn thấy áo quần Chi Lới rách bươm, bèn cởi áo khoác ngoài cho Chi Lới. Và cuối cùng, dù sức khỏe hơn người, song Chi Lới đi bộ đường xa coi đà đuối sức, nên chủ lại tiếp tục nhường ngựa cho chàng cỡi, tiếp tục đi cho tới khi bóng nắng ngả về Tây thì chủ tớ đều dừng nghỉ dưới gốc sung già, để nấu nướng ăn uống nghỉ ngơi. Chi Lới đưa con gà mang theo từ lưng ngựa xuống đất để chuẩn bị cắt tiết nấu cơm chiều, thì bỗng nhiên những hoa sung trên cao rụng xuống, gà nhìn thấy, bụng đói mổ hoa sung ăn đến căng diều trước khi Chi Lới cắt tiết, trụng nước sôi. Lúc bỏ vào nồi nấu, Chi Lới thấy mắt gà vẫn mở trừng trưng, thỉnh thoảng ngoác miệng gáy te te và chỉ chín phần từ cổ trở xuống. Chi Lới dọn lên cho chủ ăn, nhưng thấy vậy chủ chỉ ăn phần thân và bắt Chi Lới ăn phần đầu. Ăn uống xong, Chi Lới gom củi khô chất đống và đốt lên rồi sửa soạn chỗ ngủ cho hai người. Sáng dậy, hai người lại tiếp tục lên đường, chủ vẫn đi bộ còn Chi Lới thì vẫn ngồi trên lưng ngựa. Đến Đồng Dài (thuộc huyện Đồng Xuân bây giờ), dân chúng thấy Chi Lới là chàng trai vạm vỡ, tướng mạo khôi ngô bèn bắt Chi Lới về tôn lên làm vua. Chi Lới nhất quyết không chịu, nhưng do áp lực của người dân bèn ưng thuận, nhưng chỉ một thời gian ngắn. Chi Lới nhớ nhà, nhớ vợ và nhất là cảnh núi non hùng vỹ ở buôn làng cũ Phước Tân, nên đêm khuya, lén dắt chủ bỏ trốn về. Sáng ra, thần dân hay tin, bèn cử người đi rước, nhưng Chi Lới không bằng lòng, bắt Chi Lới đi nhưng chàng không đi. Thần dân bèn xúm vào trói chàng và khiêng đi. Nhưng Chi Lới quá nặng, cả đoàn người đông đúc không làm sao khiêng đi nổi, bèn dùng rựa chặt đầu khiêng đầu đi, nhưng chỉ được một đoạn ngắn, tới Kỳ Lộ là chiếc đầu trì xuống không tài nào khiêng được nữa. Đoàn người thương tiếc, bèn chôn đầu vua Chi Lới ở đầu buôn Kỳ Lộ, còn thân mình vua Chi Lới thì ở Phước Tân, sau một đêm nổi cao thành ngôi mộ cao đến hơn ngàn mét, sau này, dân trong vùng đặt tên là hòn Ông. Bên cạnh hòn Ông, có một hòn đá thật lớn mà người dân tin rằng đó là đầu Chi Lới từ Kỳ Lộ lăn về nằm cạnh thân mình. Tương truyền, dân trong vùng, người nào muốn làm ăn giàu có thì mang đến hòn Ông một ống đựng tên, một ná cung và một cốc nước van vái rồi dùng sức nhấc nổi tảng đá (dân tin là chiếc đầu Chi Lới) dưới chân hòn Ông, thì được toại nguyện, nhưng xưa nay, chưa ai nhấc nổi hay dịch chuyển nó trong vài phân ly, mặc dầu hòn đá chỉ lớn gấp 20 lần đầu người bình thường. Đến nay, huyền thoại Chi Lới và hòn Ông vẫn được truyền tụng khắp vùng núi Sơn Hòa và Đồng Xuân. SUỐI NƯỚC KHOÁNG PHÚ SEN - SUỐI KHOÁNG PHÚ SEN - PHÚ YÊN Suối Nước Khoáng Phú Sen: Nằm trong địa phận xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, cách thị xã Tuy Hòa 25 km về phía Tây theo đường Quốc lộ 25. Nguồn nước khoáng nóng ở đây nhiệt độ trên 700C, có hàm lượng các loại khoáng chất rất bổ ích cho cơ thể, được đánh giá thuộc loại nước khoáng chất lượng cao và đang được khai thác để sản xuất các loại nước giải khát với các thương hiệu như: Pi ta, Phú Sen … đã quen thuộc với người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nơi đây còn có lớp bùn khoáng rất tốt. Hiện nay, Công ty Sản xuất Kinh doanh Tổng hợp 3/2 tỉnh Phú Yên liên kết với Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng Phú Yên đang triển khai dự án Khu du lịch kết hợp chữa bệnh nước khoáng Phú Sen. Sau khi hoàn thành các hạng mục công trình và đưa vào sử dụng, đây sẽ là điểm nghỉ dưỡng, tắm chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ và vui chơi giải trí lý tưởng cho khách du lịch. Phú Yên đã có một nền văn hóa truyền thống đầy bản sắc được kế thừa và không ngừng phát triển làm phong phú và đa dạng đời sống tinh thần của các dân tộc anh em trong Tỉnh. Nếu trong những năm kháng chiến chống Pháp - chống Mỹ, nhân dân cả nước biết đến Phú Yên bởi truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm thì ngày nay nhân dân cả nước biết nhiều đến Phú Yên bởi nơi đây còn là một địa chỉ văn hóa giàu bản sắc. Chính vùng đất này, cách nay gần 3 thiên niên kỷ các bậc tiền nhân đã sáng tạo ra những nhạc cụ âm nhạc tương đối hoàn chỉnh về thanh âm và điệu thức, đó là bộ đàn đá và cặp kèn đá Tuy An đã được Hội đồng khoa học Quốc gia công bố năm 1993 và 1996, đây là 2 nhạc cụ âm nhạc có niên đại gần 1000 năm trước Công Nguyên. Nhiều trống đồng cổ được phát hiện ở Phú Yên trong những năm gần đây. Theo đánh giá của Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam, thì đây là trống đồng đẹp, có niên đại thuộc loại trống đồng sớm trong nhóm C, có tuổi từ 1 đến 2 thế kỷ trước Công Nguyên. Tương đương với niên đại tồn tại của nền văn hóa Sa Huỳnh ở Trung Bộ. Trong hai năm nay, ngành bảo tàng của Tỉnh đã phát hiện gần một tấn tiền cổ, trong đó có cả tiền cổ Việt Nam và Trung Quốc có niên đại từ Thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XVII. Nhiều di tích Lịch sử - Cách mạng - Văn hóa và danh lam thắng cảnh ở Phú Yên, như: nơi thành lập Chi Bộ Ðảng đầu tiên ở Phú Yên; Vụ thảm sát Ngân Sơn Chí Thạnh; Chiến thắng Ðường Năm, Tàu không số Vũng Rô; Mộ và đền thờ Lê Thành Phương, Lương Văn Chánh; Tháp Nhạn; Ðầm Ô Loan; Gành Ðá Ðĩa, Chùa Ðá Trắng đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng là các di tích lịch sử - Cách mạng - Văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Chính vùng đất này đã sản sinh ra các nhạc sĩ Nhật Lai, Trương Tuyết Mai, Kpă Y Lăng, nhà thơ Nguyễn Mỹ; nhà văn Võ Hồng, nhà thơ Văn Công; họa sĩ Văn Dương Thành, Lê Thị Hiệp; nghệ sĩ Măng Thị Hội; các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Ka Sô Liễng, Bùi Tân, Trần Sỹ Huệ, Nguyễn Ðình Chúc, Ngô Sao Kim, ; các nhà văn Y Ðiêng, Liên Nam, Tô Phương, Huỳnh Quang Nam, Ðào Minh Hiệp, Triệu Lam Châu, Huỳnh Thạch Thảo và hàng chục nghệ sĩ trẻ khác đang tiếp bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật mà các thế hệ đi trước đã khai phá. Hơn 80 vạn dân với các dận tộc anh em (Kinh, Hoa, Ê Ðê, Ba Na, Chăm, Tày, Nùng, ) đã tạo nên một nền văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Hàng chục trường ca các dân tộc thiểu số đã được các thế hệ đi trước sáng tạo và hiện đang lưu truyền trong dân gian. Trong đó gần 10 trường ca đã được các nhà nghiên cứu ghi lại và in thành sách, như: trường ca "Chi Lơ Kok", "Xing Chi Ôn", "Hbia Ta Lui- Ka Li Pu", "Anh em Chi Blong", "Giàng Hlăh xấu bụng", "Tiếng còi ông bà HBia Lơ Ðă", "Chi Liêu", và "trường ca Chi Mơ Nâm". Hàng chục các nhạc cụ cổ truyền được nghiên cứu sử dụng cùng hàng trăm các làn điệu dân ca, hát ru và hàng ngàn câu chuyện kể dân gian phong phú hấp dẫn được sưu tầm, tuyển chọn in thành sách. Nhiều lễ, hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã được khơi dậy và phát huy, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có nhiều lễ hội truyền thống đã được ngành VHTT và Viện VHDG Việt Nam tổ chức sưu tầm, nghiên cứu và đưa vào lưu trữ ở Viện lưu trữ Quốc Gia như: "Lễ hội đánh bài chòi", "Lễ đâm trâu" dân tộc Ba Na, Lễ "bỏ mả" dân tộc Ê Ðê, "Lễ mừng nhà mới" của dân tộc Ê Ðê, lễ "cúng đất" người kinh, "Lễ hội cầu ngư", "Hò khoan" của người kinh. Nhiều hoạt động văn hóa đã trở thành truyền thống không thể thiếu như: lễ hội Lương Văn Chánh, lễ hội Lê Thành Phương, hội thơ Nguyên Tiêu, hội đua thuyền đầm Ô Loan, hội đua thuyền Sông Chùa, hội hoa xuân, nhạc hội xuân v.v. Nguồn: saigontoserco.com . Phú Yên: Vài Thắng Cảnh 4 Sông Ba Sông Ba là một trong những hệ thống sông lớn nhất của tỉnh Phú Yên. Sông Ba phát nguyên từ dãy núi Ngọc Rô. Lịch sử - Cách mạng - Văn hóa và danh lam thắng cảnh ở Phú Yên, như: nơi thành lập Chi Bộ Ðảng đầu tiên ở Phú Yên; Vụ thảm sát Ngân Sơn Chí Thạnh; Chiến thắng Ðường Năm, Tàu không số Vũng Rô;. Đồng Xuân. SUỐI NƯỚC KHOÁNG PHÚ SEN - SUỐI KHOÁNG PHÚ SEN - PHÚ YÊN Suối Nước Khoáng Phú Sen: Nằm trong địa phận xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, cách thị xã Tuy Hòa 25 km về phía Tây theo

Ngày đăng: 10/07/2014, 01:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w