Bên cạnh những cơ hội có được thì gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam phải đối mặt với những thách thức khi thâm nhập và cạnh tranh trên thị trường châu Âu
Thứ nhất, các nước châu Âu có xu hướng ban hành nhiều hơn các hệ thống rào cản phi thuế quan tinh vi theo chuẩn mực quốc tế để bảo hộ thị trường nội địa và các doanh nghiệp sản xuất trong khối. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen thực hiện theo các chuẩn mực như vậy nên còn lung túng và vấp phải nhiều khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Châu Âu dẫn đến việc không giữ được thị phần.
Thứ hai chính sách hỗ trợ của chính phủ triển khai không hiệu quả như tinh thần của nó. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ không thể tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi vì nhiều lí do khác nhau như phải thế chấp tài sản trong khi họ không đủ tài sản đem thế chấp, phải đưa ra được phương án kinh doanh trong khi vẫn quen kiểu kinh doanh gia truyền, sản xuất manh mún nên không có phương án rõ ràng
Thứ ba, sự cạnh tranh trên thị trường châu Âu rất cao, đặc biệt là đối trọng đến từ Trung Quốc.Thị trường châu Âu đang bị chi phối rất nhiều bởi sản phẩm gốm sứ Trung Quốc với nhiều mặt hàng đa dạng, độc đáo và giá cả phù hợp túi tiền của người tiêu dùng châu Âu. Ngoài ra sản phẩm gốm sứ Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ai Cập đang càng ngày được ưa chuộng và chiếm ưu thế
Thứ tư, thị hiếu, phong cách tiêu dùng, ngôn ngữ, văn hoá kinh doanh của mỗi nước, mỗi vùng trong khối EU khác nhau, trong khi đó hàng hoá vào thị trường EU lại được lưu thông trên toàn bộ 27 nước. Như vậy, việc tạo ra một sản phẩm và đưa sản phẩm vào được một nước và phải thích ứng với 26 nước còn lại là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa vào khẩu thiết kế và hoàn thiện chất lượng sản phẩm gốm sứ.
Thứ năm, việc xây dựng các tiêu chuẩn ISO, thương hiệu, nhãn mác, bao bì tiến hành chậm chạp không đồng đều, thông tin quảng bá tiếp cận thị trường còn rất hạn chế. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn quá nhiều tồn tại. Đặc biệt là việc tuân thủ Hiệp định SPS, tiêu chuẩn REACH vẫn chưa được quán triệt đầy đủ tới các doanh nghiệp xuất khẩu gốm sứ. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đang đẩy mạnh việc kiểm tra an xuất xứ hàng Việt Nam, điều tra gian lận thương mại...