Cơ sở pháp lý và Lịch sử hình thành TACLQT

Một phần của tài liệu tranh chấp quốc tế và giải quyết tranh chấp thông qua tòa công lý quốc tế (Trang 29)

Cùng với sự ra đời của Liên Hợp Quốc, yêu cầu về việc thành lập cơ quan tài phán quốc tế trong khuôn khổ hoạt động của tổ chức này, thay thế cho Pháp viện thường trực quốc tế trở nên hiện hữu trong đời sống quốc tế. Tòa án công lý quốc tế là một trong sáu cơ quan chính của Liên Hợp Quốc. Có thể sơ lược một vài điều về Tòa an công lý quốc tế như sau:

1.1. Cơ sở pháp lý

Cơ sở pháp lý để Tòa hoạt động là Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945 và Quy chế của Tòa án công lý quốc tế được thông qua 1946. Hiến chương dành cả chương XIV, từ điều 92 đến điều 96 để quy định những vấn đề cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, chức năng, và hoạt động của Tòa án. Quy chế Tòa án quốc tế gồm 70 điều, được coi là một phần phụ lục, gắn bó trực tiếp với Hiến chương. Cùng với Hiến chương và Quy chế, cơ sở pháp lý để Tòa tiến hành các hoạt động tư pháp còn bao gồm nội quy của Tòa. Nội quy của Tòa được thông qua ngày 6 tháng 5 năm 1946 cụ thể hóa các nguyên tắc được nêu trong Quy chế và không vượt quá các quy định của Quy chế. Tòa có thể sửa đổi nội dung Nội quy làm việc của mình cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tiễn nhưng phải phù hợp với quy chế. Thực tế Tòa đã hai lần sửa đổi Nội Quy vào các năm 1972 và 1978

1.2. Lịch sử hình thành

1.2.1. Sơ lược về Pháp viện thường trực quốc tế - Thể chế tài phán thường trực đầu tiên:

Từ năm 1919, Hội Quốc liên đã có vai trò quan trọng trong việc thành lập cơ quan tài phán thường trực quốc tế đầu tiên. Hội đòi hỏi các quốc gia thành viên phải đưa ra trọng tài hoặc nhờ Hội đồng của Hội khi giải quyết tranh chấp vì có thể ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ quốc tế khác (Điều 12 của Hiến ước Hội Quốc liên). Nhằm mục đích thực hiện quy định này, tại Điều 14 của Hiến ước Hội Quốc liên đã giao nhiệm vụ cho Hội đồng tiến hành thành lập Pháp viện thường trực quốc tế. Quy chế của Pháp viện này đã được Đại hội đồng Hội Quốc liên thông qua ngày 16/12/1920.

Trụ sở của Pháp viện được đặt tại Lahaye, trong Cung điện Hòa Bình, bên cạnh Tòa trọng tài thường trực quốc tế. Pháp viện thường trực đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/2/1922. Nhiệm vụ của Pháp viện thường trực là giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia và đưa ra các kết luận tư vấn đối với các yêu cầu của Hội đồng hoặc Đại hội đồng Hội Quốc liên. Trong suốt quá trình hoạt động, Pháp việc đã đóng góp 29 phán quyết, 27 kết luận tư vấn giải quyết các vụ việc đưa ra trước Tòa.

So với các hình thức tài phán khác, Pháp viện thường trực có một số đặc điểm nổi bật như là có quy chế riêng, có thư kí riêng, là một cơ quan tài phán thường trực nhưng không phải là cơ quan chính của Hội Quốc liên và có quy chế của Pháp viện là một văn kiện pháp lý riêng biệt, tồn tại song song với Hiến ước Hội Quốc liên. Bên cạnh đó, Pháp viện còn là đại diện cho cộng đồng quốc tế cũng như hệ thống pháp lý cơ bản của thế giới, điều mà các cơ quan xét xử trước đó không có.

Với sự xuất hiện của Pháp viện, thực tiễn xét xử được thống nhất dần và thể hiện tính liên tục của luật pháp trong các quyết định của cơ quan tài phán quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình pháp điển hóa luật quốc tế.

1.2.2. Lịch sử hình thành của Tòa án công lý quốc tế:

Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã làm gián đoạn hoạt động của Pháp viện thường trực. Tình hình thế giới thay đổi sau chiến tranh đòi hỏi phải có một tổ chức thế giới liên quốc gia mới, nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Và việc ra đời tổ chức mới này sẽ thay thế cho hình thức Hội Quốc liên đã lỗi thời. Đồng thời, một vấn đề được đặt ra là có cần tiếp tục duy trì hoạt động của Pháp viện thường trực nữa hay không vì Pháp viện là cơ quan tài phán do Hội Quốc liên quyết định thành lập, song tổ chức này đã giải tán. Việc quyết định đổi mới thành phần các thẩm phán và duy trì hoạt động của Pháp viện đều không có những quyết định của cơ quan thành lập nó dẫn đến những khó khăn kỹ thuật khó vượt qua.

Trong tuyên bố Matsxcova ngày 30/10/1943, chính phủ các nước Liên Xô, Anh, Mỹ và Trung Quốc đã kêu gọi thành lập một tổ chức quốc tế mới nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, tuyên bố này không hề đề cập đến việc thành lập một tòa án mới cũng như cơ cấu tổ chức của nó. Mọi vấn đề chỉ được giải quyết khi 4 quốc gia này một lần nữa ngồi lại với nhau tại Dumbarton Oaks vào ngày 9/10/1944 và đã đưa ra các đề nghị về cơ cấu tổ chức của tổ chức chính trị toàn cầu mới – Liên hợp quốc và đồng thời quyết định Tòa án Công lý quốc tế là cơ quan pháp lý chính của Liên hợp quốc. Quyết định này đã đặt nền móng cho việc ra đời một cơ quan tài phán thường trực mới , thay thế cho Pháp viện thường trực và mở rộng khả năng cho các quốc gia tại các châu lục ngoài châu Âu tham gia cơ chế này.

Tại Hội nghị San Francisco năm 1945, với việc thông qua Hiến chương Liên hợp quốc và quy chế của Tòa, Tòa án Công lý quốc tế đã được khai sinh, mở ra một chương mới cho lịch sử tài phán quốc tế. Ngày 31/1/1946, tất cả các thẩm phán của Pháp viện thường trực tuyên bố từ chức và ngày 5/2/1946 Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành bầu chọn các thẩm phán của Tòa án Công lý quốc tế. Tòa chính thức đi vào hoạt động từ ngày 6/2/1946 và chính thức thay thế Pháp việc thường trực từ ngày 18/4/1946.

Tòa án Công lý quốc tế có trụ sở chính đặt tại Lahaye (Hà Lan), trong Cung điện Hòa bình (Điều 22 khoản 1 của Quy chế). Theo quy chế của Tòa án, không chỉ các nước thành viên Liên Hợp Quốc đương nhiên là thành viên quy chế của Tòa, mà còn đối với các nước không phải là thành viên Liên Hợp Quốc cũng có thể trở thành thành viên của cơ chế này. Tại đây, Tòa tiến hành các thủ tục tranh tụng giữa các bên và thủ tục nghị án. Tuy nhiên, theo điều 55 Nội quy của Tòa án, Tòa cũng có thể tiến hành các thủ tục nêu trên ở nơi khác ngoài Lahaye nếu xét thấy cần thiết và có tham khảo ý kiến của các bên.

Một phần của tài liệu tranh chấp quốc tế và giải quyết tranh chấp thông qua tòa công lý quốc tế (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(70 trang)
w