2. Phân loại các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp
2.2. Các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tài phán
Về bản chất, đây là những biện pháp giải quyết tranh chấp bằng hòa bình thông qua các phương pháp, thủ tục tư pháp. Biện pháp này do các bên tranh chấp tự do lựa chọn dựa trên sự đồng thuận.
2.2.1. Biện pháp thông qua Trọng tài quốc tế
Biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài đã có từ rất sớm và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là trong tranh chấp liên quan đến việc giải thích các điều ước quốc tế, được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương như: Hiến chương liên hợp quốc, Công ước viên 1969 và 1986 về Luật điều ước quốc tế, Công ước Chicago năm 1944 về hàng không dân dụng, Công ước luật biển 1982…
Trọng tài là một cơ quan giải quyết tranh chấp được thành lập dựa trên sự tự do thỏa thuận lựa chọn giữa các bên, vì vậy thẩm quyền của trọng tài không đương nhiên mà chỉ phát sinh khi các bên nhất trí giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó cho trọng tài, sự nhất trí này phải được thể hiện một cách rõ ràng, minh bạch trong một điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương về trọng tài (thừa nhận thẩm quyền của trọng tài trước khi có tranh chấp) hoặc các bên trong tranh chấp ký thoả thuận chọn trọng tài quốc tế bằng văn bản (thừa nhận thẩm quyền của trọng tài sau khi có tranh chấp).
Thành phần của hội đồng trọng tài cũng do các bên thỏa thuận và phải đảm bảo nguyên tắc công bằng như: số trọng tài viên thường là số lẻ để có thể biểu quyết, các bên có quyền lựa chọn số trọng tài viên bằng nhau của nước mình hoặc của công dân một nước thứ ba, những trọng tài này lựa chọn thêm một chủ tịch hội đồng trọng tài.
Có 2 loại trọng tài:
Trọng tài thường trực: là hội đồng trọng tài có trung hoạt động thường xuyên, có trụ sở riêng giao dịch ổn định, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và có nhiều trung tâm tham gia giải quyết tranh chấp
Ví dụ: tòa trọng tài thường trực Lahaye, Hà Lan. Đây là trung tâm trọng tài uy tín nhất, lâu đời nhất – thành lập năm 1900, chính thức hoạt động từ năm 1902 có các thành
viên là thành viên của Liên hợp quốc, như vậy trung tâm trọng tài Lahay ra đời trước cả Toà án công lý quốc tế ICJ. Trọng tài viên do các thành viên đề cử, không được quá 4 người. Người đứng đầu Trung tâm là Ngoại trưởng của Hà Lan.
Trọng tài vụ việc (trọng tài Ad hoc): là những trọng tài hoạt động không thường xuyên, liên tục; là một hội đồng trọng tài với số lượng trọng tài viên là số lẻ để có thể quyết định theo số đông được thành lập để giải quyết những vụ tranh chấp cụ thể, sau khi giải quyết xong thì tòa sẽ chấm dứt hoạt động, trọng tài viên làm việc tự do, không hoạt động ở 1 trung tâm nhất định.
Ví dụ: hội đồng trọng tài được thành lập năm 1988 để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Ai Cập và Ixraen.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài khác với các hình thức giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao ở chỗ: đây là một thiết chế giải quyết tranh chấp dựa trên những thủ tục tư pháp và quy định của Luật quốc tế, được quy định trong một điều ước quốc tế nên giá trị của phán quyết, quyết định giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có giá trị chung thẩm và ràng buộc đối với các bên. Các bên có nghĩa vụ thi hành và có thể khiếu nại nhưng trọng tài không có nghĩa vụ giải quyết khiếu nại đó. Trọng tài chỉ xem xét lại phán quyết khi có những sự kiện mới làm ảnh hưởng đến phán quyết mà trước đó trọng tài chưa biết. Tuy nhiên trong những trường hợp sau thì phán quyết của trọng tài không có hiệu lực và các bên không có nghĩa vụ phải thực hiện:
− Điều ước quốc tế mà các bên kí kết về trọng tài vô hiệu
− Trọng tài vượt quá thẩm quyền mà các bên giao cho
− Có dấu hiệu trọng tài viên của hội đồng bị mua chuộc
− Trong quá trình giải quyết tranh chấp thì trọng tài đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Tuy có giá trị pháp lý ràng buộc nhưng không có một cơ chế cưỡng chế nào để buộc các bên thực hiện phán quyết trên nên việc thi hành còn dựa vào thiện chí giữa các bên và dựa trên các nguyên tắc của luật quốc tế.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là sự giải quyết linh hoạt, mềm dẻo dựa trên sự thỏa thuận của các bên; tiết kiệm được thời gian vì thủ tục do các bên tự thỏa thuận nên có phần đơn giản mà ngắn gọn hơn; giải quyết tranh chấp một cách kịp thời, tránh trường hợp sự việc trở nên phức tạp; hơn nữa phán quyết của trọng tài thường không mang tính đối nghịch rõ ràng nên các bên vẫn có thể tiếp tục gặp gỡ, giao dịch bình thường; việc giải quyết bằng trọng tài được giữ kín nên có thể giữ uy tín, danh dự và bí mật đối với những tranh chấp liên quan đến bí mật quốc gia;
Tuy nhiên, phương pháp này do trọng tài giải quyết cả các tranh chấp về chính trị nên thường kết quả không được triệt để, các thành viên trong hội đồng trọng tài do các bên tranh chấp lựa chọn nên dễ có nguy cơ bị mua chuộc. Cơ chế thwucj thi tuân thủ phán quyết của Trọng tài cũng không mạnh, tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào sự tận tâm, thiện chí của các bên tranh chấp.
2.2.2. Biện pháp thông qua Toà án công lý quốc tế ICJ
Tòa án quốc tế là một thuật ngữ pháp lý chung để chỉ cơ quan tư pháp giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các chủ thể luật quốc tế là quốc gia. Đây được coi là biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính pháp lý cao, áp dụng theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp chặt chẽ, chính xác và có hiệu quả cao.
Kết quả của việc giải quyết tranh chấp bằng Toà án quốc tế thể hiện bằng các phán quyết của Toà án có giá trị chung thẩm và bắt buộc các bên liên quan phải tuân thủ và thực hiện. Phán quyết của Toà án thường đảm bảo tính công bằng và khách quan, vì thế tranh chấp quốc tế thường được giải quyết triệt để. Mặt khác, cơ chế thực thi các phán quyết của Toà án quốc tế cao hơn các biện pháp khác vì phán quyết được đảm bảo thực thi bởi các cơ quan có thẩm quyền của tổ chức quốc tế thành lập nên nó.
Tuy nhiên, giải quyết tranh chấp quốc tế tại Toà án quốc tế cũng có một vài hạn chế như thời gian giải quyết một vụ tranh chấp thường kéo dài, quy trinh tố tụng cứng nhắc, tính chủ động của các quốc gia tại toà không cao. Bên cạnh đó, Toà án thường xét xử công khai nên không đảm bảo được bí mật cho các bên tranh chấp, đặc biệt là bên thua kiện. Vì thế, thực tiễn không có nhiều vụ tranh chấp giữa các quốc gia được giải quyết tại Toà án quốc tế.
Giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua Toà án quốc tế là một nội dung rộng và là một trong những trọng tâm của bài tiểu luận nên sẽ được trình bày ở chương sau
Phần 3: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP QUỐC TẾ THÔNG QUA TÒA ÁN CÔNG LÝ QUỐC TẾ