Hiệp định đối tác toàn diện Việt Nam-EU

Một phần của tài liệu Tiến trình đi đến hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA) (Trang 59)

Hiệp định khung về hợp tác giữa Việt Nam và EU được ký kết tháng 7/1995 là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc phát triển quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, hiện nay, cả Việt Nam và EU đã có những phát triển quan trọng. EU tiếp tục lớn mạnh, mở rộng thành 28 nước thành viên với những liên kết ngày càng sâu rộng cả về kinh tế, chính trị, an ninh. Do đó, hai bên đã đàm phán và đi đến việc xây dựng một hiệp định có phạm vi rộng hơn, bao trùm hơn. Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) đi đến kết luận vào năm 2010 và được ký kết ngày 27/06/2012. Theo lời nhận xét của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh thì “PCA là minh chứng sống động cho sự phát triển toàn diện và sâu sắc của quan hệ Việt Nam và EU

trong hơn 20 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao và là một dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU lên tầm cao mới. Đó là mối quan hệ đối tác bình đẳng và hợp tác toàn diện, phù hợp với mức độ liên kết sâu rộng và tầm vóc của EU trong thế kỷ 21, cũng như thế và lực ngày càng tăng của Việt Nam sau hơn 25 năm đổi mới.”

Hiệp định PCA mới thể hiện sự cam kết của EU tiến lên quan hệ hiện đại trên diện rộng và cùng có lợi với Việt Nam. Hiệp định này sẽ mở rộng hơn nữa phạm vi hợp tác EU-Việt Nam trên các lĩnh vực như thương mại, môi trường, năng lượng, khoa học và kỹ thuật, quản lý công tốt, cũng như du lịch, văn hóa, di cư, và cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức.

Hiệp định PCA cũng cho phép Việt Nam và EU, vốn chia sẻ lợi ích chung trong hệ thống đa phương mạnh mẽ dựa trên các quy định và các thể chế vững chắc của quản lý toàn cầu, tăng cường hợp tác hơn nữa trước những thách thức trong khu vực và thế giới, bao gồm biến đổi khí hậu, chống khủng bố và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tất cả các vấn đề mà Việt Nam sẵn sàng đóng một vai trò ngày càng tích cực.

PCA áp dụng cho EU và các quốc gia thành viên, từ đó mang lại cơ hội để tăng tính gắn kết và hiệp trợ giữa các chính sách của EU và giữa EU với chính sách của các quốc gia thành viên riêng lẻ. Chính Phủ Việt Nam và EU đã xác định những ưu tiên cần thực hiện ngay theo hiệp định PCA.

Theo Hiệp Định Đối Tác và Hợp Tác Toàn Diện EU-Việt Nam, một Ủy Ban Hỗn Hợp, bao gồm đại diện của hai bên, được thành lập cho các cuộc thảo luận cấp cao về phát triển kinh tế chính trị trong EU và Việt Nam, trong đó có sự tiến triển liên tục của Việt Nam về cải cách kinh tế, hành chính, luật pháp và tư pháp và sự thực hiện các chương trình hợp tác EU. Ủy Ban Hỗn Hợp tổ chức họp thường niên, và các cuộc họp của Ủy Ban Hỗn Hợp được chuẩn bị bởi các cơ quan trực thuộc hiện hành, làm việc trên các lĩnh vực cụ

thể sau: Ban Làm Việc về Đầu Tư và Thương Mại để họp trực tiếp với Ủy Ban Hỗn Hợp một năm hai lần. Tiểu Ban EC-Việt Nam về "Hợp tác trên các lĩnh vực xây dựng thể chế, cải cách hành chính, chính quyền và nhân quyền" được thành lập vào năm 2005 và tổ chức họp hàng năm. Vấn đề Hợp Tác và Phát Triển được thảo luận tại Ban Làm Việc Hợp Tác hàng năm. Bên cạnh đó, vào tháng Sáu 2009, Tiểu Ban Hợp Tác Khoa Học và Công Nghệ EC-Việt Nam đã được quyết định thành lập.

EU cũng đang hướng tới các nguyên tắc về đầu tư thương mại theo PCA được bổ sung bởi Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam - EU (EVFTA), giúp đưa thương mại và đầu tư hai chiều lên một tầm cao mới. Vào ngày 26/6/2012, EU và Việt Nam chính thức khởi động tiến trình đàm phán Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam - EU. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra vào tháng 10/2012. Vòng đàm phán thứ năm và thứ sáu lần lượt diễn ra vào tháng 11 năm 2013 tại Hà Nội và vào tháng 1 năm 2014 tại Brussels. Dự kiến lộ trình đàm phán sẽ kết thúc trong năm 2014 và hai bên sẽ ký EVFTA vào tháng 9/2014.

Như vậy, PCA đã tạo cơ sở, nền tảng để hai nước đàm phán, ký kết các hiệp định hợp tác cụ thể khác, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mà điển hình là EVFTA trong lĩnh vực thương mại. Việc ký chính thức PCA và khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU là hai sự kiện quan trọng, tạo đà cho việc phát triển quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thiết thực trên tất cả các lĩnh vực. Hiệp định PCA và việc đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam - EU là những bước phát triển hết sức quan trọng, đưa quan hệ Việt Nam - EU chuyển sang một giai đoạn mới theo tinh thần đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài, mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Hai bên thường xuyên có các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn, kể cả ở cấp cao nhất. EU cũng là đối tác đầu tiên của Việt Nam có chiến lược tổng thể về hợp tác và Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở Đông Nam Á đưa ra một chiến lược hợp tác toàn diện với EU.

Một phần của tài liệu Tiến trình đi đến hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA) (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)