Thuận lợi và thách thức của Việt Nam khi tiến đến EVFTA

Một phần của tài liệu Tiến trình đi đến hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA) (Trang 56)

Trên con đường tiến tới EVFTA Việt Nam đã có những thuận lợi nhất định: Trước hết việc gia nhập WTO vào tháng 01/2007 là một trong những thuận lợi hàng đầu của Việt Nam trên con đường tiến đến EVFTA. Bởi để trở thành thành viên của WTO đòi hỏi Việt Nam phải cải cách, minh bạch các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách thương mại nhằm mục đích phù hợp với quy chế của tổ chức này và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Có thể nói WTO mang

lại cho Việt Nam hay nói cách khác là hàng xuất khẩu Việt Nam vị thế bình đẳng hơn trước sự nhìn nhận của các nước thành viên khác như Hòa Kỳ, Canada… Và EU cũng không nằm ngoài số đó, EU ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trước và sau khi gia nhập WTO.

Bên cạnh đó, theo khảo sát do EuroCham thực hiện hàng quý cho thấy chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) tăng một cách đáng kể vào quý I và quý II năm 2014.

Bảng 2.2 Chỉ số niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Nguồn Eurocham

Kết quả cho thấy niềm tin và triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu gia tăng. Chỉ số BCI quý II/2014 đã trở về giai đoạn thịnh vượng của năm 2011, tăng từ 59 điểm lên 66 điểm.

Chi phí nhân công thấp vẫn được đa số các doanh nghiệp châu Âu đánh giá là điểm cộng cho quyết định đầu tư vào Việt Nam. Theo khảo sát của EuroCham, 81% số lượng doanh nghiệp dự định giữ hoặc tăng mức đầu tư, so

với 78% quý trước. Xu hướng tích cực này đồng thời tác động đến kế hoạch tuyển dung của các doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp tuyển thêm nhân sự tăng từ 48% lên 55%...

Giám đốc điều hành EuroCham, Ông Csaba Bundik nhận định, “chỉ số BCI trở lại giai đoạn thịnh vượng của năm 2011 là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, chúng ta không quên mục tiêu lớn là đạt được thỏa thuận đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do FTA EU - Việt Nam. EuroCham sẽ tích cực nỗ lực phối hợp với Chính phủ Việt Nam nhằm giải đáp những vướng mắc mà các doanh nghiệp thành viên đang đối mặt, dù thuộc phạm vi thỏa thuận FTA hay không, để đảm bảo một môi trường kinh doanh tốt nhất có thể”.

Việc ký kết sớm FTA là mục tiêu mà cả Việt Nam và EU đang nỗ lực hướng tới. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi đó, trên con đường tiến đến EVFTA Việt Nam cũng còn một số tồn tại cần được khắc phục:

Trước hết là yếu về vốn. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành chịu tác động nhiều từ EVFTA, như thủy sản, dệt may, da giày và lĩnh vực nông nghiệp, đều hạn chế về vốn.

Thứ hai, là hạn chế về khả năng tạo giá trị gia tăng. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp như dệt may, da giày… thường chỉ làm gia công. Muốn thoát khỏi gia công để có thể xuất khẩu trực tiếp, thì phải quan tâm đến công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu về hoạt động này. Hầu hết doanh nghiệp làm theo thiết kế và đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài, chứ chưa sáng tạo ra những kiểu dáng mới.

Điểm yếu thứ ba là sự kém hiểu biết của doanh nghiệp về bản chất của các hiệp định để tận dụng thế mạnh và khắc phục điểm yếu. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang rất mơ hồ và thụ động khi nói về FTA cũng như các hiệp định khác.

Và không thể không nhắc đến sự tồn tại trong hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước. Có một thực tế rằng, nhiều doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đang là gánh nặng của nền kinh tế, và đó chính là băn khoăn lớn của nhiều doanh nghiệp EU khi đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, tình hình tài chính của không ít tập đoàn, tổng công ty thiếu lành mạnh, thiếu minh bạch là một trong những yếu tố khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam mất điểm.

Cuối cùng là Việt Nam chưa được EU coi là nước có nền kinh tế thị trường là một điểm yếu lớn trong khi đàm phán FTA. Mà rào cản lớn nhất để được EU công nhận là việc luật và thực thi luật của Việt Nam. Trong đó, nổi bật nhất là vấn đề thực thi luật sở hữu trí tuệ, phân biệt quyền sở hữu đối với các công ty trong và ngoài nước, thủ tục đầu tư, thương mại... phức tạp.

Vậy, để EVFTA sớm được ký kết và Việt Nam là một đối tác hưởng lợi ích cao trong đó thì Việt Nam cần có đề ra những phương hướng cải cách, khắc phục từ quản lý nhà nước đến cơ cấu hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Tiến trình đi đến hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA) (Trang 56)