III. KINH NGHIỆM HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ THÔNG QUA MỘT SỐ TÌNH HUỐNG
3. Tình huống về lĩnh vực đất đa
Tình huống 1: Nhà ông Bình và nhà ông Chung là hàng xóm liền kề nhau. Năm
2003, ông Chung đào ao thả cá ở mảnh vườn sau nhà ông Bình. Thấy người nhà ông Chung đào sát vào chân bờ tường nhà mình, ông Bình liền yêu cầu ông Chung cho đào ao lùi ra một khoảng cách nhất định, nhưng ông Chung không đồng ý, vì lý do ông Bình khi xây nhà và bờ rào đã lấn chiếm đất ranh giới giữa 2 nhà, làm mất mốc giới lịch sử đã có
từ trước đến nay. Hai gia đình xảy ra mâu thuẫn từ đó, khi gia đình ông Chung cho người đào ao thì ông Bình kêu con cháu đến cản lại và nhiều lần xảy ra xô xát, cãi vã.
Quá trình hoà giải: Tiến hành tìm hiểu sự việc, phối hợp với cán bộ địa chính của Uỷ ban nhân dân xã để tìm hiểu về lịch sử 2 mảnh đất trên, trực tiếp xem xét hiện trường. Tìm thời điểm thích hợp để gặp gỡ đối tượng và phân tích cho các bên hiểu các quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 268) về nghĩa vụ bảo đảm an toàn đối với công trình xây dựng liền kề và quy định của Luật Đất đai khi các bên tranh chấp về ranh giới liền kề.
Được biết, khi xây bờ ao, ông Bình đã thoả thuận với ông Chung về việc phá mốc giới lịch sử là hàng cây dứa gai cũng nhằm mục đích cải tạo lại vườn tạp đã được ông Chung đồng ý, nhưng hai bên không làm văn bản. Để xác định xem ông Bình có lấn chiếm đất nhà ông Chung hay không, cán bộ hoà giải cùng cán bộ địa chính xã tiến hành đo lại diện tích đất của hai hộ. Kết quả là phần diện tích đất thực tế mà hai hộ đang sử dụng lớn hơn diện tích có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà 2 gia đình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Điều này khẳng định ông Bình không lấn chiếm đất nhà ông Chung.
Kết hợp việc phân tích đạo lý ở đời, tình nghĩa làng xóm và truyền thống tương thân tương ái vốn có của dân tộc ta, cuối cùng hai bên đã ngồi lại với nhau, cùng chấp hành pháp luật và giữ được tình đoàn kết.
Tình huống 2: Năm 1999, ông Dia có mượn của ông Tình 5.000 m2 đất rừng, là khu
đất có độ dốc dưới 130 để trồng cây hoa màu ngắn ngày (ngô, dưa hấu). Vì thấy hộ ông Dia còn nghèo, nên ông Tình vui lòng cho ông Dia mượn đất để tạo điều kiện cho ông Dia phát triển kinh tế, nhanh chóng thoát nghèo. Đến năm 2004, hộ gia đình nhà ông Dia đã có nhà xây, kinh tế khá giả hơn trước. Ông Tình thấy diện tích đất cho mượn đã bạc màu, nên ông đã đến nhà ông Dia trao đổi xin lại chỗ diện tích đất cho mượn để trồng cây lâu năm. Qua nhiều năm sản xuất có thu nhập cao, nên ông Dia nảy ra ý định chiếm dụng khu đất đó, không đồng ý trả lại và nói với ông Tình là “đất của trời chứ không của ai”. Sau đó ông Dia tiếp tục đầu tư để canh tác vụ tiếp theo. Ông Tình cho người nhà mang cây keo giống đến trồng trên diện tích đất đó thì ông Dia đã ngăn cản, và cho người nhổ hết hơn 200 cây mà gia đình ông Tình đã trồng. Ông Dia tuyên bố là không bao giờ trả, muốn đến đâu thì đến.
Quá trình hoà giải: Nắm được các tình tiết trên, các thành viên tổ hoà giải đã tổ chức mời hai bên đến địa điểm làm việc của xóm để hoà giải. Tại buổi làm việc, lúc đầu ông Dia vẫn một mực không đồng ý trả lại đất cho ông Tình, cho rằng ông Tình còn rất nhiều đất rừng, còn ông đã làm từ bấy đến nay thì ông vẫn cứ làm tiếp, không cần thiết là đất của ai, muốn đến đâu thì đến. Ông Tình thì kiên quyết đòi lại đất, cho rằng ông Dia như vậy là lừa lọc, bội nghĩa, không nói chuyện tình cảm gì nữa.
Trước tình hình đó, các thành viên tổ hoà giải thay nhau kiên trì phân tích: về pháp luật, thì đất của ông Tình đã được cấp có thẩm quyền giao hợp pháp, có sổ đỏ, việc ông đòi lại đất trước đây cho ông Dia mượn là đúng pháp luật, được Nhà nước bảo vệ. Ông Dia cố tình giữ đất mượn là vô lý và trái pháp luật, vi phạm quyền của chủ sử dụng đất
hợp pháp. Việc làm của ông Dia đã vi phạm pháp luật về đất đai của Nhà nước và gây bất hoà giữa hai bên, gây mất ổn định của thôn xóm. Về khía cạnh đạo đức, tổ hoà giải cũng phân tích để ông Dia thấy đáng lẽ ông phải cảm ơn lòng tốt của người đã cưu mang, cho mình mượn đất, tạo điều kiện cho gia đình mình làm ăn khi khó khăn, đến nay kinh tế gia đình đã phát triển, vì vậy mà ông cần có cách cư xử phù hợp, giữ gìn tình làng nghĩa xóm và đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Vì lẽ đó mà ông Dia nên nhận thấy sai lầm của mình mà tự nguyện trả lại đất cho ông Tình, không nên gây căng thẳng, buộc ông Tình phải đề nghị cấp trên có thẩm quyền giải quyết, sẽ bất lợi cho chính ông Dia (ông Dia không những phải trả lại đất mà còn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm dụng đất, phá hoại sản xuất của người khác, gây ảnh hưởng đến tình đoàn kết xóm làng).
Cuối cùng ông Dia cũng đã nhận sai, hứa sẽ tự nguyện trả đất cho ông Tình. Qua vụ việc trên cho thấy, có những vụ việc tranh chấp xảy ra không phải do không hiểu biết mà là do một bên tranh chấp đã tỏ ra coi thường pháp luật, coi thường lợi ích của người khác, dẫn đến cố chấp. Khi xác định sự việc đúng sai của các bên đã rõ ràng, cần có những biện pháp cứng rắn, kiên quyết để họ nhận thấy hành vi của họ là hoàn toàn sai và sẽ rất bất lợi cho họ nếu như sự việc này không được giải quyết sớm, mà cần sự can thiệp của cơ quan pháp luật. Qua đó cũng thấy rằng công tác hoà giải là vô cùng khó khăn bởi sự đa dạng của mâu thuẫn trong xã hội. Để thực hiện công tác này có kết quả cao, thì ngoài việc cần nắm vững các quy định của pháp luật, còn phải nắm được cả thái độ tâm lý của đương sự, biết cách khai thác các điểm yếu trong họ, khơi gợi lương tâm, đạo đức để giúp họ thoát ra sự cố chấp, coi thường kỉ cương pháp luật.
Tình huống 3: Tại xã Cộng Hoà, huyện Kim Thành, tỉnh H có hai chi của dòng họ
nhà ông Hiệu và nhà ông Khoẻ cùng chung cụ tứ đại, hai cụ tam đại là hai anh em ruột. Các anh em nhà ông Hiệu tuy làm ruộng ở quê nhưng cũng không muốn thua kém ai, nên tháng 12/2004 đã xây bái cho cụ tam đại khá to, rộng. Ngay sau khi xây xong, các anh em nhà ông Khoẻ đã đến phản ánh về việc gia đình ông Hiệu xây dựng bái cho các cụ, đã xây đè lên bái cụ tam đại nhà mình. Nhìn mặt bằng bên trên thì không thấy sự xâm phạm, nhưng thực ra phần cốt của cụ nhà ông Khoẻ lại nằm lệch ra ngoài bái. Lập tức anh em nhà ông Hiệu không chịu, cho rằng gia đình mình xây dựng bái trên mặt bằng, không lấn sang bái các cụ nhà ông Khoẻ. Hai bên lời qua tiếng lại, dần dần trở thành to chuyện, vụ việc càng thêm phức tạp vì gia đình anh em nhà ông Hiệu có một số người là đảng viên, trong đó có một người là cán bộ xã. Thời điểm xảy ra vụ việc lại là lúc xã đang chuẩn bị Đại hội Đảng bộ xã. Vụ việc trên có thể sẽ làm ảnh hưởng đến công tác nhân sự của Đại hội Đảng bộ xã.
Quá trình hoà giải: Nhận được đơn của ông Khoẻ về việc tranh chấp mồ mả nói trên, Uỷ ban nhân dân xã Cộng Hoà xác định đây là một vụ việc phức tạp vì tranh chấp mồ mả, động đến lĩnh vực tâm linh. Trong khi đó, các văn bản pháp luật điều chỉnh về vấn đề này rất ít và không đồng bộ. Hai gia đình lại không cho khai quật phần hài cốt phía dưới bái để xác định xem có vi phạm hay không, nên vụ việc càng khó giải quyết bằng pháp luật. Vì vậy, hoà giải là con đường tốt nhất để giải quyết vụ việc này.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, tổ hoà giải đã phân tích kỹ tình hình, xác định hết những khó khăn và bàn phương hướng giải quyết. Trước hết tổ phân công thành viên đi gặp gỡ những người cao tuổi, người có uy tín ở hai bên gia đình để nắm tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của các bên. Sau đó tổ hoà giải đã phân tích cặn kẽ điều hơn, lẽ thiệt cho hai gia đình thấy được, nhất là phân tích khía cạnh hai gia đình còn chung dòng họ, vì vậy không nên đấu đá với nhau. Trong khi vụ việc chưa được hoà giải xong, thì bên gia đình nhà ông Khoẻ lại xảy ra một số việc được cho là do động mồ mả gây nên, như việc con ông Hay (em trai ông Khoẻ) vận hành máy nghiền ngô bị tai nạn mất hai ngón tay, hai con gái và cháu tự nhiên ốm không rõ nguyên nhân…. Vợ chồng ông Khoẻ đi xem bói nên cho rằng những vụ việc trên là do bị động mồ mả cụ Tam đại. Vì vậy, gia đình ông Khoẻ nhất định không chịu hoà giải mà đòi chính quyền giải quyết nhằm tháo dỡ một phần mộ nhà ông Hiệu.
Trước tình hình đó, có thành viên trong tổ hoà giải đã chán nản, bàn lùi không tiếp tục hoà giải, vì hai bên đều là người trong làng, trong họ. Nhưng ông tổ trưởng cho rằng nếu giải quyết vụ việc này bằng pháp luật sẽ rất khó khăn, lâu dài, thậm chí không có kết quả vì hai bên đều bám vào lý lẽ riêng của mình. Vì vậy, tổ hoà giải tiếp tục họp để bàn cách giải quyết trước khi bước vào Đại hội. Trong một tháng trời, tổ hoà giải đã họp với hai bên gia đình tới hàng chục lần chưa kể các lần gặp gỡ riêng từng gia đình. Các thành viên tổ hoà giải cũng bỏ qua những câu nói, hành động không thiện chí của hai bên gia đình khi họ đến làm việc. Sau nhiều cố gắng nỗ lực của tổ hoà giải, cuối cùng gia đình ông Khoẻ đã chấp nhận rút đơn kiện và giải quyết vụ việc bằng con đường hoà giải. Với sự tham gia của tổ hoà giải, đại diện địa chính xã, đại diện hai dòng họ đã cùng nhau ra hiện trường xác định lại mốc giới và cùng chung xây, nâng cấp bái cho các cụ hai bên. Các sự việc có liên quan đến mê tín dị đoan cũng đã được phân tích, lý giải thấu tình đạt lý. Từ đó đến nay anh em của hai bên gia đình lại vui vẻ, hoà thuận với nhau, mọi sự việc trong quá khứ cũng dần được lãng quên.
Qua vụ việc tranh chấp mồ mả trên, có thể rút ra một số điều như sau:
Một là, các vụ việc chưa đến mức giải quyết bằng cơ quan pháp luật thì nên giải quyết bằng hoà giải là tốt nhất. Vì như thế, vừa giải quyết được vụ việc, lại vẫn giữ được tình cảm xóm giềng lâu dài và không gây mất ổn định ở khu dân cư.
Hai là, khi hoà giải thì phải xác định quyết tâm cao và hết sức kiên trì thuyết phục, vận động. Không được nóng nảy, vội vàng.