Tình huống về lĩnh vực dân sự

Một phần của tài liệu Tìm hiểu công tác HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ (Trang 30)

III. KINH NGHIỆM HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ THÔNG QUA MỘT SỐ TÌNH HUỐNG

1.Tình huống về lĩnh vực dân sự

Tình huống 1: Ông Kha có ý định mua mấy con bò cái để nuôi. Biết được bà Mai ở

gần có nuôi rất nhiều bò và định bán để lấy tiền sửa chữa lại nhà, ông Kha đến nhà bà Mai để mua. Sau khi kiểm tra, xem xét, ông Kha chọn được 2 con bò vừa ý, ông Kha và bà Mai đồng ý với giá 21 triệu đồng. Ông Kha đặt cọc trước 3 triệu, hẹn hôm sau sang trả đủ tiền và dắt bò về. Đúng hẹn, ông Kha đem tiền đến, nhưng sau khi kiểm tra lại thấy bò bị thương ở chân, đi không vững, nên ông Kha không đồng ý mua và yêu cầu bà Mai trả lại tiền cọc. Bà Mai cho rằng do sơ suất trong lúc chăn giữ, nên bò bị một vết thương ở chân, bà đã mời cán bộ thú y đến chữa trị, vài hôm sau sẽ hết. Bà Mai đề nghị ông Kha trả đủ tiền, dắt bò về, không đồng ý trả lại tiền cọc cho ông Kha. Sau đó hai bên cãi vã, to tiếng và nặng lời với nhau. Sự việc trên được đưa đến tổ hoà giải.

Quá trình hoà giải: Tổ hoà giải phân tích việc con bò bị thương ở chân là rủi ro nằm ngoài ý muốn của người bán; vết thương nhẹ không chạm vào xương, sẽ lành hẳn trong vòng hai tuần (theo lời cán bộ thú y), việc ông Kha đòi lại tiền cọc và không mua bò, thì sẽ gây khó khăn cho bà Mai, trong lúc bà Mai đang cần bán bò để có tiền sửa lại nhà, chuyện rủi ro xảy ra, các bên phải cùng nhau chia sẻ, gánh vác.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, nếu việc mua bán đã được đặt cọc, bên mua không đồng ý mua thì mất tiền đặt cọc, còn bên bán đổi ý không bán thì phải trả gấp đôi số tiền cọc lại cho bên mua, nhưng đây là sự việc xảy ra ngoài ý muốn của hai bên.

Để giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ… thể hiện đạo lý con người, tổ hoà giải đề xuất hướng giải quyết là: để bò ở lại nhà bà Mai, bà Mai có nghĩa vụ chăm sóc, chữa trị vết thương. Trong hai tuần, nếu bò trở lại bình thường và không ảnh hưởng đến việc đi, đứng của nó sau này (phải có sự theo dõi, kết luận khách quan của cán bộ thú y) thì ông Kha đem tiền đến trả đủ cho bà Mai để dắt bò về. Sau hai tuần bò vẫn chưa lành vết thương, thì bà Mai có nghĩa vụ trả lại tiền cọc cho ông Kha. Nếu 2 bên đồng ý thì ký tên vào biên bản, căn cứ vào biên bản để thực hiện, không nên có lời qua tiếng lại mà làm mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tình làng, nghĩa xóm.

Ông Kha và bà Mai sau khi nghe hòa giải viên phân tích, đề xuất hướng giải quyết, cả 2 người đã thống nhất theo đề xuất này, bắt tay xin lỗi về những lời nói, hành động không hay đã xảy ra và cùng ký tên vào biên bản hòa giải.

Sau hai tuần, được bà Mai chăm sóc tốt, con bò bị thương đã lành vết thương. Ông Kha đã trả đủ tiền cho bà Mai và dắt bò về nuôi, kết thúc việc tranh chấp trong sự ấm áp tình nghĩa xóm làng.

Tình huống 2: Nhà bà Bảo và nhà bà Trinh liền kề nhau. Do chuyển lên thành phố

sống với con nên bà Trinh bán lại nhà cho ông Tú. Ông Tú làm nhà và đào ao để nuôi cá, khi đào ao đã gây nứt móng nhà của bà Bảo và có nguy cơ làm sập đổ nhà của bà. Bà Bảo yêu cầu ông Tú không được đào ao như vậy và nếu ông cứ cố tình đào thì bà sẽ cho con sang dạy cho ông một bài học để ông không ở đây được nữa. Ông Tú không chịu vì ông cho rằng đất ông bỏ tiền ra mua thì ông muốn làm gì thì làm, miễn là không lấn sang phần đất nhà bà Bảo, còn việc nhà bà bị nứt móng thì phải có biện pháp mà khắc phục. Sự việc trên đã gây mâu thuẫn rất căng thẳng giữa hai gia đình. Là cán bộ hòa giải ông (bà) hãy hòa giải tình huống trên.

Quá trình hòa giải: Sau khi tìm hiểu rõ sự việc, tổ hòa giải giao cho hoà giải viên trực tiếp gặp gỡ các bên để trao đổi, thuyết phục hai bên giải quyết với nhau một cách hợp lý. Sau đó hòa giải viên gặp từng bên để giải thích, thuyết phục, phân tích đúng, sai của từng bên để các bên thấy được việc nào đúng, hợp lý thì nên làm, việc nào sai, không hợp lý thì không được làm cần tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhau, giữ gìn tình cảm xóm giềng. Trong quá trình thuyết phục các bên, có thể vận dụng câu ca dao: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” hoặc “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”... Khuyên bà Bảo nên dùng lời nói đúng mực với ông Tú, đặt vấn đề nhẹ nhàng để ông Tú hiểu được việc đào ao của ông là sai, chứ không nên to tiếng, nặng lời và đe dọa nhau gây thêm căng thẳng. Với ông Tú, cũng phân tích cho ông hiểu việc đào ao của ông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngôi nhà của bà Bảo có nguy cơ gây thiệt hại về tài sản và tính mạng con người, nên ông phải chấm dứt ngay việc làm của mình, đồng thời nêu ra các quy định của pháp luật để ông Tú hiểu, cụ thể, Điều 268 Bộ luật Dân sự năm 2005 về nghĩa vụ bảo đảm an toàn với công trình xây dựng liền kề quy định: “Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng các công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định. Trong trường hợp công trình có nguy cơ đe dọa sự an toàn bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ công trình phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục; nếu gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh thì phải bồi thường”...

Trước sự phân tích có tình, có lý của hòa giải viên, ông Tú nhận ra cái sai của mình đã tự nguyện chấm dứt việc đào ao, mâu thuẫn giữa ông Tú và bà Bảo được giải quyết. Hai gia đình trở lại vui vẻ và hòa thuận.

Tình huống 3: Trên đường về nhà, ông Thắng ghé vào chơi nhà bạn. Mải vui chén

rượu, ông quên không buộc trâu, để trâu vào phá một góc ruộng ngô đang kỳ trổ cờ của nhà bà Thái - người cùng bản. Bà Thái yêu cầu ông Thắng phải đền toàn bộ thiệt hại, nhưng ông Thắng chỉ chấp nhận đền cho bà một nửa, vì cho rằng ông không cố ý thả trâu vào phá ruộng ngô. Mỗi người một ý, chẳng ai chịu ai, mâu thuẫn giữa hai nhà ngày càng gay gắt.

Quá trình hòa giải: Ông Ninh, hoà giải viên của bản đã được phân công tiến hành hoà giải giữa hai gia đình. Ông Ninh xác định mâu thuẫn giữa hai gia đình là do không thống nhất được việc đền bù thiệt hại ruộng ngô. Nguyên nhân là con trâu của ông Thắng vào phá ruộng, do ông quên không buộc.

Ông Ninh đến gặp cả hai gia đình nhằm thuyết phục, giảng giải sự đúng sai của từng bên gia đình. Ông giải thích cho ông Thắng hiểu việc để trâu nhà mình vào phá một phần ruộng ngô đang kỳ thu hoạch của bà Thái, cho dù là lỗi vô ý thì cũng trái với quy định của pháp luật hiện hành. Theo quy định tại khoản 1 Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác…”. Với bà Thái, ông giải thích, việc trâu nhà ông Thắng vào phá ruộng là do ông vô ý không buộc trâu, chứ không phải chủ định thả trâu vào phá ruộng. Hơn nữa, hai người còn là người cùng bản. Việc gây thiệt hại xảy ra ngoài ý muốn của hai gia đình, do vậy việc bà đòi bồi thường toàn bộ thiệt hại là không nên. Hai gia đình có thể thoả thuận với nhau về mức bồi thường và hình thức bồi thường cho đúng quy định của pháp luật và quy ước của bản, nhằm giữ hoà khí và sự bình yên của bản. Tại khoản 1, 2 Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về nguyên tắc bồi thường như sau:

“1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người gây thiệt hại có thể giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình”.

Sau khi nghe ông Ninh thuyết phục, giải thích, ông Thắng, bà Thái nghe ra, vui vẻ bằng lòng thoả thuận với nhau để ông Thắng bồi thường một phần thiệt hại cho bà Thái.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu công tác HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ (Trang 30)