Tình huống về lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Một phần của tài liệu Tìm hiểu công tác HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ (Trang 32)

III. KINH NGHIỆM HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ THÔNG QUA MỘT SỐ TÌNH HUỐNG

2. Tình huống về lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Tình huống 1: Bà Dung đã nhiều năm mâu thuẫn, xích mích với con dâu, ban đầu

chỉ là những mâu thuẫn nhỏ xảy ra trong sinh hoạt gia đình, rồi cách cư xử của con dâu chưa được khéo léo trong quan hệ với mẹ chồng, sau ngày càng gay gắt, bà Dung đã đuổi con dâu ra khỏi nhà...

Quá trình hòa giải: Biết được mâu thuẫn của gia đình bà Dung, tổ hòa giải xóm 6 đã cử đồng chí Chi hội trưởng Chi Hội phụ nữ, tổ viên tổ hòa giải đến nắm tình hình, tiến hành hòa giải vụ việc.

Sau khi tìm hiểu, biết rõ bà Dung và con dâu mâu thuẫn với nhau xuất phát từ những chuyện lặt vặt trong gia đình, bà Dung khó tính, hay để ý khắt khe với con dâu, con dâu bà Dung lại nói năng thiếu lễ phép với mẹ chồng, hai mẹ con lời qua tiếng lại, nguyên nhân sâu xa chỉ vì kinh tế gia đình khó khăn, đất đai nhà cửa chặt hẹp.

Tổ viên tổ hòa giải đã gặp gỡ từng bên, phân tích, thuyết phục các bên hiểu rõ điều hay, lẽ phải, cuộc sống gia đình đã khó khăn, mọi người trong gia đình càng cần phải yêu thương, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ nhau nhiều hơn, bớt đi nỗi vất vả, cực nhọc, cùng nhau vun đắt xây dựng cuộc sống gia đình. Luật Hôn nhân và gia đình quy định các thành

viên cùng sống chung trong gia đình đều có nghĩa vụ quan tâm, giúp đỡ nhau, cùng nhau chăm lo đời sống của gia đình.

Về phía bà Dung, là mẹ chồng bà nên coi con dâu như con đẻ của mình, các cụ ta vẫn thường nói “dâu con, rể khách”. Làm cha, làm mẹ bà nên thông cảm, vị tha và hiểu cho con dâu của mình còn “trẻ người non dạ”, con dâu có điều gì không phải thì nhẹ nhàng dạy bảo, chắc chắn con dâu bà sẽ nhận ra cái sai của mình mà tự sửa chữa, cuộc sống gia đình sẽ thỏa mái, vui vẻ và con trai bà cũng sẽ không phải buồn bực, khó xử vì mâu thuẫn giữa mẹ và vợ mình.

Về phía cô con dâu bà Dung, tổ viên tổ hòa giải đã phân tích cho cô thấy việc cô cư xử thiếu lễ phép với mẹ chồng là sai. Là phận con, cô cần yêu quý, kính trọng, hiếu thảo, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, cha mẹ chồng cũng như cha mẹ đẻ, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Cô phải hiểu rằng nếu như không có cha mẹ chồng thì làm sao có chồng và các con của mình, “mẹ sinh ra anh để bây giờ cho em”. Nếu mẹ chồng có thái độ hoặc lời nói không đúng thì lựa lúc mẹ chồng vui vẻ cô giải thích để mẹ chồng hiểu và thông cảm.

Sau đó tổ hòa giải đã mời mẹ con bà Dung ngồi lại với nhau để dàn hòa. Bà Dung và cô con dâu đã hiểu và nhận ra lỗi của mình. Tổ hòa giải yêu cầu cô con dâu chủ động xin lỗi mẹ chồng. Hòa giải xong, bà Dung đã chủ động yêu cầu cô con dâu về nhà mình, cô con dâu đã quay trở về sống vui vẻ cùng gia đình nhà chồng.

Tình huống 2: Đầu năm 2004, vợ chồng anh Tỏn, chị Khuyến cư trú tại xóm Hồng, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy thường xuyên cãi cọ, xô xát lẫn nhau, dẫn đến chị Khuyến phải làm đơn xin ly dị anh Tỏn. Anh Tỏn đã đề nghị tổ hoà giải xóm giúp đỡ.

Khi nhận được đề nghị của anh Tỏn, tổ trưởng tổ hoà giải đã trực tiếp gặp riêng anh Tỏn để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn, anh Tỏn cho biết: về kinh tế, tài chính của gia đình anh giao cho chị Khuyến quản lý, nhưng khi mệt nhọc thèm rượu bảo chị Khuyến mua thì chị không mua. Khi anh em bạn bè mời ăn cưới hoặc mừng nhà mới, anh bảo chị Khuyến đưa tiền để đi mừng, chị cũng không đưa. Vì lý do trên mà khi anh Tỏn đến nhà anh em bạn bè có lòng cho ăn uống thì anh thường uống say, khi về nhà hay chửi bới, doạ nạt chị Khuyến (theo anh nói là làm thế để cho chị Khuyến bỏ cái tính ki bo ấy đi - “thuyền theo lái, gái theo chồng”).

Về việc xin ly hôn, chị Khuyến cho biết việc chị đòi ly dị là vì anh Tỏn hay uống rượu say, chửi bới, doạ nạt chị, anh Tỏn sống không có tình cảm.

Quá trình hoà giải: Khi đã có được những thông tin từ cả hai bên về nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, tổ trưởng tổ hoà giải đến từng nhà hàng xóm của anh Tỏn, chị Khuyến để tìm hiểu, còn nguyên nhân nào khác không. Biết được không còn nguyên nhân nào khác, tổ trưởng tổ hoà giải đã định ngày và địa điểm hoà giải tại nhà ông chú của anh Tỏn. Thành phần của buổi hoà giải gồm có: các thành viên trong tổ hòa giải, anh Tỏn, chị Khuyến, đại diện của một vài gia đình lân cận, ông chú của anh Tỏn, anh của chị Khuyến.

Tổ trưởng tổ hoà giải yêu cầu chị Khuyến và anh Tỏn lần lượt trình bày mâu thuẫn dẫn đến việc chị Khuyến xin ly hôn. Cả hai anh chị vẫn đưa ra ý kiến như trong những lần

tiếp xúc trước và nêu lên những bức xúc của riêng từng người. Đại diện gia đình hàng xóm phát biểu cho rằng cả hai anh chị cư xử như vậy là chưa phải đạo vợ chồng, còn có sự ích kỷ trong suy nghĩ.

Sau khi lấy ý kiến tất cả mọi người có mặt, tổ trưởng tổ hoà giải phân tích cái đúng, cái sai của hai vợ chồng. Đối với chị Khuyến, đầu tiên ông nói về hoàn cảnh gia đình, nói về cuộc sống, về những điều tốt đẹp mà anh chị đã xây đắp trong gần 10 năm chung sống, về niềm hạnh phúc mà không phải gia đình nào cũng có được. Anh chị có hai đứa con khôn lớn, trai có, gái có, cuộc sống gia đình tuy còn vất vả, song cũng tạm ổn. Thế mà vì một sự xích mích va chạm giữa vợ chồng, trong đó cũng có phần lỗi của chị Khuyến, mà chị đòi dứt bỏ tình nghĩa vợ chồng. Khi chồng có điều không phải, chị đã không dùng tình cảm để thuyết phục chồng, lại thường đổ thêm dầu vào lửa. Là đàn ông ai cũng thường có những lúc vui bạn vui bè, chén trà chén rượu, những khi như thế, chị nên dành thời gian để an ủi, tìm hiểu tâm tư của chồng. Chị cần nghĩ đến lợi ích của các con khi chúng phải chia lìa chị em, có đứa phải sống thiếu tình cảm chăm sóc của cha hoặc mẹ.

Đối với anh Tỏn, việc khuyên dạy vợ con là trách nhiệm của người làm chồng, nhưng bằng tình cảm, bằng lời khuyên răn, chứ không phải bằng lời chửi bới doạ nạt. Người chồng phải gương mẫu, những lời khuyên nhủ phải đúng lúc, đúng chỗ, phải thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Anh cũng phải biết tôn trọng vợ, vợ chồng phải bình đẳng, chứ không phải là vợ thì phải nhất nhất nghe theo chồng, đáp ứng những đòi hỏi vô lý của người chồng đặt ra. Quyền của người phụ nữ được pháp luật bảo vệ, không ai xâm phạm được.

Sau khi tổ trưởng tổ hòa giải nói những lời tâm huyết của mình, các thành viên của tổ và những người được mời dự phát biểu ý kiến. Mọi người đều thống nhất lời của tổ trưởng là thấu tình đạt lý, vừa nói lên tình cảm gia đình, truyền thống dân tộc, vừa nêu được các quy định pháp luật về quyền và trách nhiệm của vợ chồng, phân tích cái được, cái đúng, cái sai trong cư xử của vợ chồng để anh chị Tỏn - Khuyến thấy được mà sửa chữa. Hai vợ chồng phải biết giữ gìn hạnh phúc gia đình và cùng nhau nuôi dạy con cái.

Qua ý kiến phân tích của mọi người, tổ hoà giải yêu cầu hai vợ chồng anh chị Tỏn - Khuyến cho ý kiến. Chị Khuyến, anh Tỏn đều nhận ra lỗi của mình, hứa sẽ sửa chữa, mong muốn gia đình đoàn tụ.

Việc hoà giải đã thành công tốt đẹp, kinh nghiệm của lần hoà giải này được rút ra là: việc hoà giải không được kéo dài, cố gắng nắm bắt được hết những mâu thuẫn phát sinh của vụ việc; tổ trưởng tổ hoà giải phải là người có uy tín, năng động trong công tác vận động, am hiểu lối sống đạo đức, truyền thống, phong tục tập quán và các quy định của pháp luật, vận dụng truyền thống đạo đức dân tộc kết hợp với các quy định của pháp luật vào hòa giải, có lời nói diễn cảm thì mới thuyết phục được lòng người. Ngoài ra các thành viên trong tổ cũng cần có lòng nhiệt tình, đoàn kết, việc hoà giải cần sự kiên trì, nhẫn nại, nhất là với những vụ việc tuy mâu thuẫn nhỏ, nhưng các bên đương sự cứ khăng khăng bảo vệ chính kiến của mình. Có như vậy việc hoà giải mới đạt kết quả.

Tình huống 3: Lý Láo Tả và Tẩn Lở Mẩy kết hôn với nhau được 6 năm và đã có 2

con chung, đứa lớn lên 4, đứa nhỏ lên 2 nhưng đều là con gái, gia đình Tả chỉ có anh là con trai duy nhất nên bắt vợ chồng anh phải sinh bằng được con trai mới thôi. Tuy nhiên, chị Mẩy không đồng ý, dẫn đến gia đình thường xuyên xảy ra to tiếng với nhau, gia đình anh Tả nói nếu chị Mẩy không chịu đẻ thêm cháu trai, họ sẽ đi hỏi cưới vợ khác cho anh Tả để có cháu trai nối dõi. Chị Mẩy đến nhà chị Tẩn - là hoà giải viên của thôn để nhờ giúp đỡ.

Quá trình hoà giải: Chị Tẩn đã xác định nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn của vợ chồng anh Tả là do gia đình anh Tả bắt vợ phải sinh cho được một cậu con trai cho dù hai người đã có 2 cô con gái, nhưng vợ Tả không đồng ý vì cho rằng có 2 đứa con là đủ rồi, con nào cũng là con, không nên đẻ nữa, đông con sẽ vất vả.

Sau khi xác định được nguyên nhân mâu thuẫn, chị Tẩn đã mời cộng tác viên dân số và cán bộ y tế xã đến gặp gia đình anh Tả để hoà giải.

- Chị Tẩn đã lựa lời khuyên can và vận dụng các quy định của pháp luật để giải thích, chị phân tích với anh Tả: Theo quy định của khoản 3 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì vợ chồng anh có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, điểm a khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh Dân số cũng quy định: công dân có nghĩa vụ thực hiện kế hoạch hoá gia đình, xây dựng quy mô gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

- Phân tích để gia đình anh Tả thấy việc sinh “gái hay trai chỉ hai là đủ” do vậy con nào cũng là con; Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, (ví dụ: nhiều gia đình đã sinh 3 hoặc 4 người con gái, sau đấy sinh thêm cậu con trai, vì có một con trai, nên nuông chiều, dẫn đến người con trai duy nhất đó sống ích kỉ, hoặc chơi bời lêu lổng, không chịu nghe ai, lớn lên thành hư hỏng, bố mẹ cũng không nhờ cậy được gì. Ngược lại, có nhiều gia đình chỉ sinh con gái, nhưng quan tâm chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ cho các con học hành đến nơi đến chốn, lớn lên thành những người con hiếu thảo là người có ích cho xã hội).

- Thuyết phục để gia đình anh Tả không ép buộc chị Mẩy phải sinh cho được con trai, càng không có quyền ép buộc anh Tả bỏ chị Mẩy để lấy người phụ nữ khác, vì pháp luật cấm cưỡng ép, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng. Nếu gia đình anh Tả cố tình làm vậy là vi phạm pháp luật.

Chị Tẩn đã cùng cộng tác viên dân số là cán bộ y tế giải thích, phân tích và thuyết phục gia đình anh Tả nhận ra việc bắt chị Mẩy đẻ thêm cháu trai là không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu công tác HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(39 trang)
w