a. Tập trung chỉ đạo UBND các tỉnh và thành phố, các Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan có liên quan phối hợp với Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, với BHXH Việt Nam tổ chức triển khai chính sách BHTN cho người lao động. Bởi đây là một chính sách hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam, mà thời gian thực hiện đã cận kề. Trong giai đoạn đầu thực hiện, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát và áp dụng các chế tài để xử lý nghiêm minh các địa phương, các tổ chức và cá nhân vi phạm chính sách BHTN. Đồng thời phải xử lý nhanh nhạy các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai, giúp cơ quan BHXH Việt Nam hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
b. Chỉ đạo các cơ quan ngôn luận như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời tuyên truyền và phổ biến chính sách BHTN đến mọi người lao động và người sử dụng lao động. Bởi lẽ, truyền thông hiện nay đóng vai trò cực kỳ quan trọng và rất có hiệu quả. Nó giúp người lao động và người sử dụng lao động nhanh chóng tiếp nhận các thông tin để từ đó giúp họ nhận thức rõ hơn sự cần thiết và vai trò của BHTN. Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN cần phải tiến hành thường xuyên, nhất là trong giai đoạn đầu triển khai. Có như vậy, mới tích cực góp phần đưa chính sách BHTN nhanh chóng đi vào cuộc sống.
c. Cho phép BHXH Việt Nam tuyển dụng thêm nguồn nhân lực cần thiết bổ sung vào các bộ phận chức năng của mình để thực hiện tốt chính sách BHTN. Bởi vì, thêm nhiệm vụ các bộ phận chức năng của cơ quan này tất yếu sẽ phải cần thêm các cán bộ để hoàn thành. Trước mắt là các bộ phận như thu, chi và quản lý quỹ BHTN, các phòng, ban BHTN của BHXH Việt Nam hay các trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm v.v...
d. Tiếp tục chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh - Xã hội và BHXH Việt Nam phối hợp với nhau để cụ thể hoá và triển khai chính sách BHTN theo Luật BHXH hiện hành. Đồng thời, cần phải có định hướng và chỉ đạo hai cơ quan này tiếp tục
nghiên cứu để bổ sung và dần dần hoàn thiện chính sách BHTN. Bởi vì, lần đầu tiên ban hành chính sách và triển khai, chúng ta hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Trong khi đó, việc học tập kinh nghiệm các nước lại rất bị hạn chế, do điều kiện kinh tế - xã hội nước ta trong giai đoạn hiện nay có nhiều điểm rất khác biệt so với các nước. Sự khác biệt này thể hiện cả trong nhận thức, lẫn xuất phát điểm về mặt kinh tế và xã hội v.v...
e. Chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Y tế phối hợp với cơ quan BHXH Việt Nam xây dựng và thực hiên cơ chế chuyển 1% ngân sách Nhà nước vào quỹ BHTN để BHXH Việt Nam quản lý và tổ chức chi trả cho người lao động bị thất nghiệp. Xây dựng và thực hiện cơ chế tham gia BHYT cho người lao động bị thất nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ còn đóng vai trò là "cầu nối" để tạo lập mối quan hệ quốc tế về BHTN. Giúp Bộ Lao động Thương binh - Xã hội và cơ quan BHXH Việt Nam học tập việc xây dựng và hoàn thiện chính sách BHTN, cũng như triển khai BHTN đến tất cả các bên tham gia v.v...
g. Trong giai đoạn trước mắt, để Nghị định 94/2008/NĐ-CP đi vào cuộc sống, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH, các bộ ngành và các địa phương có liên quan rà soát và củng cố lại các cơ sở đào tạo nghề và các trung tâm giới thiệu việc làm cho người lao động. Về lâu dài, những tỉnh và thành phố hay những khu vực, vùng miền chưa có những cơ sở này nên cho phép thành lập để đáp ứng nhu cầu của người lao động bị thất nghiệp. Các trung tâm này cũng cần phải thống nhất cả về tên gọi và nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp với từng ngành nghề mà người lao động bị thất nghiệp sau khi được được đào tạo sẽ dễ dàng chuyển sang.