1.1. Nguyên tắc tích hợp
Tích hợp là sự kết hợp, lồng ghép các mục tiêu khác nhau thông qua một hoạt động dạy học nào đó. Phương pháp tích hợp giáo dục là cách thức, con đường để đạt được các mục tiêu giáo dục ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai thông qua môn Công nghệ ở cấp trung học phổ thông. Tích hợp giáo dục ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai trong môn Công nghệ phải dựa trên mối quan hệ vốn có, tự nhiên giữa mục tiêu, nội dung của môn Công nghệ với mục tiêu và nội dung của giáo dục ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai; tránh sự gò ép. Đồng thời, nó phải luôn phù hợp, dựa trên thực tiễn cuộc sống và trải nghiệm của bản thân học sinh. Việc dạy học tích hợp giáo dục ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai đã làm tăng giá trị, ý nghĩa thiết thực của môn Công nghệ đối với đời sống con người.
1.2. Đổi mới phương pháp dạy học môn Công nghệ
Nội dung giáo dục ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai được tích hợp trong môn Công nghệ, vì vậy phương pháp dạy học tích hợp giáo dục ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai cũng là các phương pháp dạy học Công nghệ ở trung học cơ sở. Nội dung môn Công nghệ và nội dung BĐKH, phòng chống thiên tai có tính thực tiễn rất cao. Do vậy, dạy học tích hợp giáo dục ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai trong học tập môn Công nghệ phải được thực hiện thông qua các phương pháp học tập tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, gắn lí thuyết với thực hành, gắn với môi trường thực tế.
Một số phương pháp dạy học tích cực tích hợp hợp giáo dục ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai trong dạy học môn Công nghệ cấp trung học phổ thông là:
a) Phương pháp nghiên cứu (tìm tòi, khám phá, hay giải quyết vấn đề) Phương pháp này giúp học sinh tìm tòi, khám phá, sáng tạo về các nội dung ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu có thể là các
câu hỏi hoặc bài tập. Khi dạy học tích hợp ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai vào môn Công nghệ có thể sử dụng một số dạng câu hỏi, bài tập như sau:
- Câu hỏi hoặc bài tập giải quyết vấn đề ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai liên quan đến nội dung bài học môn Công nghệ: đặt câu hỏi hoặc bài tập liên quan đến kiến thức học sinh được học trong bài học đó.
- Bài tập dưới dạng nghiên cứu vấn đề ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai với các nội dung của một hay nhiều bài học môn Công nghệ trong một thời gian nhất định.
Phương pháp nghiên cứu được thực hiện qua các bước sau: Đặt vấn đề; Tìm giả thuyết liên quan để giải quyết vấn đề; Thu thập các số liệu thống kê và tài liệu liên quan, xử lí số liệu, tài liệu và xác minh các giả thuyết; Kết luận; Vận dụng các kết luận để đưa ra cam kết hành động.
b) Phương pháp thuyết trình
Học sinh vận dụng các kiến thức đã học, vốn sống, tự đặt mình vào vị trí người có hành động tích cực đối với vấn đề ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai để thuyết trình vấn đề, qua đó rèn kĩ năng trình bày, thuyết phục mọi người thay đổi thái độ, hành vi. Để thuyết trình có hiệu quả, học sinh (nhóm học sinh) phải tự thu thập thông tin, tư liệu về ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai liên quan đến các nội dung bài học môn Công nghệ qua các phương tiện truyền thông, tài liệu, sách tham khảo, tư liệu thực tế ở địa phương để viết báo cáo và trình bày trước tập thể lớp hoặc nhóm người cùng quan tâm đến vấn đề nghiên cứu.
Giáo viên cũng có thể sử dụng phương pháp này để trình bày nêu vấn đề cho HS hiểu rõ các vấn đề liên quan đến ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai. Qua đó, giáo viên truyền tư tưởng, tình cảm, thái độ của bản thân tác động đến HS giúp các em thay đổi thái độ, hành vi bảo vệ mô trường, tích cực phòng chống thiên tai.
c) Phương pháp tham quan, cắm trại và trò chơi theo chủ đề
Các hoạt động ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai được thực hiện có hiệu quả trong các hoạt động trải nghiệm thực tế. Do vậy, tổ chức học sinh tham quan, cắm trại và các trò chơi theo chủ đề ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai là phương pháp dạy học tích hợp có hiệu quả. Thông qua các hoạt động cắm trại, tham quan và trò chơi theo chủ đề, bằng trải nghiệm của bản thân học sinh và giảng giải của giáo viên, học sinh thấy được những việc đã làm và cần làm để giáo dục ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai. Một số hoạt động cụ thể như: Tổ chức tham quan nhà
máy sản xuất cơ khí, sửa chữa ô tô... giáo viên liên hệ đến việc xả chất thải ra môi trường, xử lý nước thải, rác thải để giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, liên hệ các biện pháp để ứng phó với BĐKH. Tổ chức các trò chơi giả định theo chủ đề để giáo dục thái độ, hành vi bảo vệ môi trường, chống BĐKH, giảm nhẹ thiên tai: trò chơi trồng rừng, trò chơi ai phát thải khí nhà kính nhiều nhất...
d) Phương pháp quan sát, phỏng vấn
Phương pháp quan sát, phỏng vấn nhằm thu thập các thông tin về những vấn đề liên quan đến ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai trong sản xuất công, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Nội dung quan sát, phỏng vấn phải định hướng vào những vấn đề cụ thể của môi trường, ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai.
Khi quan sát, phải tập trung vào các dấu hiệu bản chất của vấn đề làm cơ sở cho việc tìm tòi, khám phá. Đồng thời, phải ghi chép chính xác địa điểm, thời gian, các tình trạng diễn ra trong thời điểm quan sát. Để thuận lợi cho việc quan sát thu thập thông tin ta có thể sử dụng các phiếu quan sát đã được thiết kế trước.
Phỏng vấn là giai đoạn tiếp theo của những việc đã quan sát, được thực hiện với các đối tượng cụ thể. Các đối tượng thường được phỏng vấn về vấn đề ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai là: cán bộ quản lí nhà nước, cán bộ quản lí doanh nghiệp là người quản lí liên quan đến các vấn đề BĐKH và phòng chống thiên tai; người dân nghèo, trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH và thiên tai xảy ra; những nhà khoa học... Câu hỏi theo hướng gợi mở, gợi ý các vấn đề cần giải quyết: nguyên nhân, biện pháp, hậu quả, tác động... Khi phỏng vấn cần đặt câu hỏi cụ thể, rõ ràng, phù hợp với đối tượng, tôn trọng đối tượng phỏng vấn.
e) Phương pháp tranh luận
Giáo viên chia học sinh thành hai nhóm để tranh luận về những vấn đề đặt ra nhằm ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai hoặc tranh luận về một hành vi của một người hoặc nhóm người liên quan đến vấn đề trên. Giáo viên (hoặc một số học sinh) làm trọng tài. Sau khi tranh luận, học sinh tự mình rút ra kết luận hoặc giáo viên hướng dẫn học sinh rút ra kết luận đúng, sai và những bài học về ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, để tích hợp giáo dục ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai trong dạy học Công nghệ cấp trung học phổ thông, giáo viên có thể sử dụng kết hợp những phương pháp dạy học môn Công nghệ như: phương pháp hỏi đáp, trực quan, thực hành, thí nghiệm... Để tăng hiệu quả dạy học tích hợp giáo dục ứng phó với
BĐKH và phòng chống thiên tai, giáo viên cần tăng cường áp dụng một số kĩ thuật dạy học tích cực: công não (động não), thảo luận theo nhóm, điều tra (nghiên cứu giải quyết vấn đề), đóng vai, tham quan, ngoại khóa...
2. Hình thức tổ chức dạy học tích hợp ứng phó với BĐKH trong môn Công nghệ
a) Hình thức tổ chức hoạt động nhóm
Tổ chức hoạt động nhóm là hình thức dạy học phổ biến và có hiệu quả khi giải quyết các vấn đề liên quan về ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai. Hình thức tổ chức dạy học này chủ yếu thông qua sự hợp tác của các cá nhân để tìm hiểu nội dung bài học, được thực hiện trong giờ học lí thuyết,thực hành, thí nghiệm hoặc hoạt động ngoại khóa.
Khi tổ chức học sinh thảo luận nhóm, giáo viên cần chú ý: Chuẩn bị chu đáo nội dung, tiến trình bài giảng, chủ đề thảo luận hướng vào trọng tâm bài giảng; Phân công nhóm trưởng điều hành hoạt động nhóm; Tạo ra các tình huống để học sinh tranh luận, thảo luận; Nắm bắt tình hình, đôn đốc tiến độ thảo luận; Dự kiến những ý kiến kết luận trên cơ sở động viên học sinh thảo luận.
Hình thức làm việc theo nhóm được thực hiện theo các bước sau: Chuẩn bị; Giao nhiệm vụ; Tiến hành làm việc nhóm (thảo luận); Báo cáo kết quả thảo luận; Tổng kết thảo luận.
b) Hình thức sắm vai
Hình thức này được đặc trưng bởi hoạt động với các nhân vật giả định trong vở kịch, trong đó các tình huống trong thực tế cuộc sống được thể hiện bằng những hoạt động có kịch tính. Tổ chức theo hình thức này được tiến hành theo các bước:
Bước 1 : Tạo không khí để đóng vai. Đây là bước rất quan trọng, giáo viên cần
giúp học sinh thấy được đây là những tình huống mà bất kì ai cũng có thể gặp trong cuộc sống, vì vậy phải tích cực trong hoạt động này.
Bước 2 : Lựa chọn vai. Giáo viên có thể căn cứ vào khả năng và tinh thần xung
phong của học sinh để phân vai phù hợp. Những học sinh đóng vai người xem phải có ý thức luôn tự đặt mình vào tình huống để đưa ra cách giải quyết vấn đề được đặt ra.
Bước 3 : Trình diễn. Trong quá trình trình diễn, nếu thấy thể hiện được ý đồ giáo dục trong nội dung thì cho học sinh thảo luận. Lưu ý, khi thảo luận giáo viên khuyến khích học sinh đưa ra các cách giải quyết vấn đề khác nhau. Có thể yêu cầu các vai diễn khác trình bày vở kịch theo cách khác, với cách giải quyết khác nhau.
Bước 5 : Hướng dẫn học sinh trao đổi, thảo luận. Giáo viên cần cho học sinh tự rút ra những kết luận cần thiết về các vấn đề, nội dung trong trình diễn đặt ra. Qua đó, học sinh thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai và có ý thức vận động mọi người cùng hành động.
c) Hình thức tổ chức tham quan, ngoại khoá để tích hợp giáo dục nội dung công nghệ và giáo dục BĐKH, phòng chống thiên tai
Đây là một hình thức học tập rất có hiệu quả vì các kiến thức, kĩ năng giáo dục BĐKH, phòng chống thiên tai, công nghệ có tính thực tế rất cao. Qua các hoạt động này, HS không những hình thành được kiến thức kĩ năng mà cả thái độ và hành vi ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai cũng như đạt được mục tiêu dạy học Công nghệ - trung học phổ thông. Hoạt động ngoại khóa có thể tiến hành với nhiều hình thức khác nhau:
- Tổ chức nói chuyện, giao lưu về BĐKH và phòng chống thiên tai - Tổ chức thi, đố vui về BĐKH và phòng chống thiên tai
- Tổ chức xem phim về BĐKH và thiên tai
- Nghiên cứu biểu hiện BĐKH và thiên tai ở địa phương - Tổ chức tham quan về ảnh hưởng của BĐKH và thiên tai
- Tổ chức hoạt động giảm nhẹ BĐKH và phòng chống thiên tai trong trường học và ở địa phương...
Để đạt hiệu quả giáo dục tích hợp, các hoạt động này nhìn chung cần nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị và tổ chức, đánh giá (xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức, thời gian tổ chức, đối tượng tham gia...). Đồng thời phải tuyệt đối đảm bảo an toàn về người trong quá trình tổ chức hoạt động. Do vậy, để thực hiện được những hoạt động trên, cần phải có sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, sự nhiệt tình của giáo viên, sự ủng hộ của phụ huynh và các lực lượng giáo dục khác...
3. Gợi ý về tổ chức dạy học tích hợp nội dung giáo dục ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai vào môn Công nghệ - trung học phổ thông
a) Biện pháp chung
Phân tích nội dung môn Công nghệ cấp trung học phổ thông và chỉ ra nội dung tri thức giáo dục BĐKH, phòng chống thiên tai. Từ phân tích nội dung bài học để lựa chọn ra được nội dung giáo dục BĐKH và phòng chống thiên tai cần được khai thác khi tổ chức các hoạt động học tập. Để làm được điều này, giáo viên phải là người am
hiểu các kiến thức chuyên môn trong môn Công nghệ và kiến thức về BĐKH, phòng chống thiên tai có liên quan. Qua phân tích nội dung môn Công nghệ, giáo viên phải chỉ ra được những nội dung cơ bản của môn học như: trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản (nông nghiệp); cơ khí, điện kỹ thuật (công nghiệp)... từ đó giáo viên cần phải:
- Xác định được giá trị, ý nghĩa của các kiến thức Công nghệ đối với BĐKH, phòng chống thiên tai.
- Nêu được những nguyên nhân làm BĐKH, xảy ra thiên tai do hoạt động sản xuất trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, cơ khí, sản xuất điện năng gây ra. Đồng thời chỉ ra tác hại của BĐKH, thiên tai đối với các hoạt động sản xuất này để có biện pháp ứng phó kịp thời.
- Chỉ ra được những hoạt động, biện pháp tác động, hành động cụ thể của con người để chống BĐKH, giảm nhẹ thiên tai dựa trên kiến thức trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, cơ khí, sản xuất điện năng trong điện kỹ thuật.
Dạy học tích hợp giáo dục ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai là việc làm hết sức cần thiết nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về biểu hiện, nguyên nhân và cách ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời, từ đó hình thành cho học sinh một số kĩ năng và thái độ ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai thông qua học tập môn Công nghệ cấp trung học cơ sở có liên quan tới vấn đề này. Để thực hiện được mục tiêu, nội dung giáo dục tích hợp ứng phó BĐKH, giảm nhẹ thiên tai đồng thời đảm bảo được các nguyên tắc tích hợp, nhất là nguyên tắc đảm bảo kiến thức cơ bản của môn học, tính lô gíc của nội dung, tránh khiên cưỡng, gò ép, làm quá tải lượng kiến thức của bài học, khi tổ chức dạy học theo yêu cầu tích hợp, giáo viên cần lưu ý một số điểm sau:
- Nghiên cứu kĩ nội dung cơ bản về BĐKH, giảm nhẹ thiên tai, mục tiêu tích hợp giáo dục ứng phó BĐKH, giảm nhẹ thiên tai qua môn Công nghệ cấp trung học phổ thông và các địa chỉ, nội dung có thể tích hợp ở từng chủ đề, từng phân môn trong
từng lớp.
- Nghiên cứu kĩ nội dung bài học có thể tích hợp giáo dục ứng phó BĐKH, giảm nhẹ thiên tai để trả lời các câu hỏi: mục tiêu tích hợp giáo dục ứng phó BĐKH, giảm nhẹ thiên tai của bài học là gì? Những nội dung cụ thể của bài học có thể tích hợp giáo dục ứng phó BĐKH, giảm nhẹ thiên tai? Mức độ tích hợp là gì?; Cách thức khai thác nội dung đó để tích hợp giáo dục ứng phó BĐKH, giảm nhẹ thiên tai là gì?? Kiểm tra,
đánh giá kết quả tích hợp giáo dục ứng phó BĐKH, giảm nhẹ thiên tai qua bài học Công nghệ như thế nào?
- Khi lập kế hoạch bài dạy, cần phải thể hiện rõ nội dung chủ yếu, hoạt động phối hợp giữa giáo viên và học sinh để đạt được mục tiêu bài học; những nội dung, phương pháp và hình thức tích hợp giáo dục ứng phó BĐKH, giảm nhẹ thiên tai trong bài học. Tùy theo nội dung, mức độ tích hợp giáo dục ứng phó BĐKH và giảm nhẹ thiên tai có thể sử dụng linh hoạt các kĩ thuật dạy học, phương pháp dạy học tích cực.