1.2.2.1. Xã Đội Cấn (thành phố Tuyên Quang - tỉnh Tuyên Quang) a. Điều kiện tự nhiên [17]
Đội Cấn là xã nằm ở phía Nam của thành phố Tuyên Quang. Về địa giới hành chính: phía Đông giáp xã Cấp Tiến và xã Vĩnh Lợi huyện Sơn Dương, phía Bắc giáp xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang, phía nam giáp thị trấn Tân bình thành phố Tuyên Quang, phía Tây giáp xã Đội Bình và xã Nhữ Khê thành phố Tuyên Quang.
Hình 1.6. Xã Đội Cấn
b. Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục [16]
Xã Đội Cấn có diện tích 25.89 km², dân số năm 1999 là 6,649 người, mật độ dân số đạt 257 người/km².
Thành phần dân tộc của xã bao gồm: Sán Chay (35%), Kinh (45%), Tày (10%), Dao đỏ (5%) và các dân tộc khác (5%).
Giáo dục: Xã có hai trường tiểu học, một trường trung học cơ sở và một trường trung học phổ thông phục vụ nhu cầu giảng dạy cho học sinh. Ngoài ra còn có một số trường mẫu giáo ở các thôn. 100% trẻ con trong độ tuổi được đi học.
Y tế: Xã có một trạm y tế với 10 cán bộ trong đó có hai bác sĩ, 6 y tá và hai hộ lý. Bên cạnh đó, mỗi thôn đều có một nhân viên y tế thôn bản và một cộng tác viên dân số.
1.2.2.2.Dân tộc Sán Chay [1]
Dân tộc Sán Chay có tên gọi khác là Cao Lan, Mán Cao Lan, Hờn Bận. Tiếng nói của họ thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Đai).
Dân cư và địa bàn sinh sống: Người Sán Chay chủ yếu tập trung ở các tỉnh đông bắc Bắc Bộ như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, rải rác ở các tỉnh: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn. Hiện tại có một nhóm người vào Tây Nguyên lập nghiệp được tổ chức thành các làng.
Dân số: Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Sán Chay ở Việt Nam có dân số 169,410 người, có mặt tại 58 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Sán Chay cư trú tập trung tại các tỉnh: Tuyên Quang (61,343 người, chiếm 36.2% tổng số người Sán Chay tại Việt Nam), Thái Nguyên (32,483 người, chiếm19.2% tổng số người Sán Chay tại Việt Nam), Bắc Giang (25,821 người), Quảng Ninh (13,786 người), Yên Bái (8,461 người), Cao Bằng (7,058 người), Đắk Lắk (5,220 người), Lạng Sơn (4,384 người), Phú Thọ (3,294 người), Vĩnh Phúc (1,611 người)...
Đặc điểm kinh tế: Người Sán Chay làm ruộng nước là chính, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Làm ruộng nước thành thạo nhưng nương rẫy vẫn có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế và phương thức canh tác theo lối chọc lỗ, tra hạt vẫn tồn tại đến ngày nay. Đánh cá có vị trí quan trọng. Với chiếc vợt ôm và chiếc giỏ có hom, việc đánh cá đã cung cấp thêm nguồn thực phẩm giàu đạm, góp phần cải thiện bữa ăn.
Tổ chức cộng đồng: Làng xóm thường tập trung một vài chục gia đình, sống gắn bó bên nhau.