Chỉ trong vòng 10 năm, từ năm 1987 đến năm 1997, đã có 834 dự án được cấp giấy phép đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh với tổng số đầu tư là 11.161 triệu USD chiếm 39,8% về số dự án và 36,1% tổng vốn đầu tư của cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương sớm thu hút được đầu tư nước ngoài so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước do có những ưu thế tương đối về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội và kinh tế.
Nhịp độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố có xu hướng chung là năm sau cao hơn năm trước, nhưng tốc độ tăng không đều, chưa ổn định. Những năm gần đây cùng với xu hướng chung của cả nước, đầu tư nước ngoài vào thành phố Hồ Chí Minh đang tăng ổn định nhưng không nhanh.
Trong cơ cấu đầu tư, có những ngành phát triển nhanh là địa ốc, sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và bưu điện. Dự án hạ tầng xã hội có mức thu hút chưa cao, chỉ có 16 dự án/ tổng số 834 dự án.
Hiện có các doanh nghiệp của gần 30 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào thành phố, trong đó các nước châu Á chiếm 63% tổng vốn FDI đầu tư vào thành phố. Đối tác của bên Việt Nam tham gia hợp tác đầu tư với nước ngoài chủ yếu là các doanh nghiệp của nhà nước; trong đó, phần vốn góp của phía Việt Nam trong vốn pháp định của liên doanh chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất. Chỉ có 82 dự án, chiếm 9,8% tổng số dự án và 205 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 1,8% tổng vốn đầu tư là từ các thành phần kinh tế khác.
Về hình thức đầu tư, liên doanh chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số dự án được cấp giấy phép, chiếm 60% về dự án và 73% về tổng vốn đầu tư. Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh có số dự án không đáng kể, bình quân khoảng 5 dự án/năm, và chưa có vai trò gì đáng kể trong nền kinh tế. Hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, giai đoạn 1988 - 1991 có số lượng không đáng kể, sau đó tăng dần và xu huớng ngày càng phát triển.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi dẫn đầu trong cả nước trong việc thu hút đầu tư nước ngoài theo hình thức BTO và triển khai các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung.
Sở dĩ thành phố Hồ Chí Minh đạt được những thành tựu như thế là vì:
Thứ nhất, do có định hướng và quy hoạch thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khá sớm và tương đối bài bản.
Thứ hai, do có chính sách khá toàn diện và có sức thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên thiết kế các chính sách còn trải đều và chưa có thứ tự ưu tiên rõ ràng.
Thứ ba, thành phố Hồ Chí Minh là nơi có môi trường đầu tư khá thuận lợi, là trung tâm kinh tế - văn hoá của cả nước, gần cảng biển, có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, có nguồn nhân lực dồi dào với năng lực và tay nghề khá cao, có tác phong công nghiệp.
Thứ tư, các đối tác bên Việt Nam của thành phố có điều kiện tương đối khá về vốn và trình độ quản lý so với các tỉnh, thành khác trong cả nước.