4. Kết quả nghiên cứu
5.1. Những phát hiện chính
Luận văn này tìm hiểu mối liên hệ giữa hiệu quả hoạt động doanh nghiệp (được đo lường bởi chỉ số Tobin’s Q và ROA) và các đặc điểm của Hội đồng quản trị cho một mẫu quan sát gồm 98 doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên hai sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) và Hồ Chí Minh (HOSE) trong 5 năm (2008 – 2012). Để lựa chọn phương pháp ước lượng hiệu quả nhất trong số các phương pháp Pooled OLS, Random Effect GLS (REM), Fixed Effect Model (FEM) và Dynamic Panel Data 2 steps GMM, tác giả đã lần lượt thực hiện kiểm định sự phù hợp của các mô hình ước lượng trong cả bốn phương pháp. Kết quả kiểm định cho thấy REM là phương pháp hiệu quả nhất để xem xét mối liên hệ giữa các đặc điểm Hội đồng quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong luận văn này. Sau khi tiến hành hồi quy cho toàn mẫu, và cho các nhóm công ty (phân loại theo hiệu quả hoạt động cao hoặc thấp), cũng như kiểm định sự khác biệt (có ý nghĩa thống kê) trong hiệu quả hoạt động của các nhóm công ty (phân loại theo các đặc điểm HĐQT) tác giả phát hiện một số điểm chính (có ý nghĩa về mặt thống kê) như sau:
Thứ nhất, độ tuổi trung bình của Hội đồng quản trị có mối tương quan âm và có ý nghĩa thống kê với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp (đo lường bằng Tobin’s Q). Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu thực nghiệm của Duc Vo và Thuy Phan (2013) cho trường hợp 77 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE giai đoạn 2006 – 2011.
Thứ hai, mối tương quan âm giữa độ tuổi trung bình HĐQT và hiệu quả hoạt động mạnh hơn đáng kể đối với nhóm doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động chưa cao. Tuy nhiên, kết quả kiểm định sự khác biệt theo nhóm cho thấy nhóm có độ tuổi trung bình HĐQT cao có hiệu quả hoạt động tốt hơn nhóm có độ tuổi trung bình HĐQT thấp.
Thứ ba, trình độ học vấn của các thành viên HĐQT trong nhóm có hiệu quả hoạt động cao (Tobin’s Q ≤ 1) tương quan âm với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, và sự tương quan này mạnh hơn đáng kể so với nhóm có hiệu quả hoạt động chưa cao (Tobin’s Q > 1). Cho dù vậy luận văn cũng phát hiện nhóm doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn lại là nhóm có HĐQT gồm nhiều thành viên đạt trình độ thạc sỹ trở lên. Do vậy, trong khuôn khổ luận văn này, tác giả cho rằng chưa thể đánh giá đầy đủ mối liên hệ giữa đặc điểm này và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.
Thứ tư, tỷ lệ tham gia của thành viên nước ngoài (thường đại diện cho tổ chức nước ngoài) trong HĐQT có tương quan âm đối với hiệu quả hoạt động xét riêng nhóm những doanh nghiệp có hoạt động tốt (Tobin’s Q > 1) và tương quan dương (nhưng không có ý nghĩa thống kê) trong nhóm có hiệu quả hoạt động chưa tốt (Tobin’s Q ≤ 1), dù rằng các công ty có tỷ lệ thành viên HĐQT người nước ngoài cao có hiệu quả hoạt động tốt hơn các công ty có tỷ lệ thành viên HĐQT người nước ngoài thấp.
Thứ năm, quy mô HĐQT có mối tương quan dương với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, sự tương quan này mạnh hơn đối với nhóm các doanh nghiệp hoạt động chưa tốt (Tobin’s Q ≤ 1; ROA nhỏ hơn ROA trung vị).
Ngoài ra, trong quá trình hồi quy, tác giả nhận thấy việc lựa chọn biến để đo lường hiệu quả hoạt động sẽ ảnh hưởng đến kết quả mô hình hồi quy. Khi sử dụng Tobin’s Q để đo lường hiệu quả hoạt động, thì các kiểm định sự khác biệt nhóm theo đặc điểm, hay thực hiện hồi quy để xem xét mối liên hệ của các đặc điểm đều cho ra kết quả ước lượng tốt hơn, trong khi sử dụng ROA không đạt được hiệu quả tương tự.