Thành phần các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn

Một phần của tài liệu Mức tiêu thụ lương thực thực phẩm của sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Y Hà Nội (Trang 37 - 40)

Chương 4 BÀN LUẬN

4.2.2.Thành phần các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn

Năng lượng khẩu phần:

Trung bình của sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Y Hà Nội năm học 2010 – 2011 là 1870,4 Kcal/người/ngày tương đương với mức năng lượng trung bình theo đầu người của khối gia đình có mức thu nhập khá (1881Kcal) của nhân dân phường cửa Đông – Hà Nội năm 1995 do Lê Bạch Mai và cộng sự thực hiện nghiên cứu [21] và chỉ cao hơn với mức năng lượng bình quân đầu

người của các hộ nghèo (1728Kcal) của nhân dân xã Yên Sở - Hoài Đức – Hà Tây do Lê Bạch Mai, Nguyễn Công Khẩn, Hà Huy Khôi nghiên cứu năm 2000 còn lại đều thấp hơn các hộ trung bình và khá [22]. So với năng lượng khẩu phần trung bình toàn quốc năm 2000 (1930.9 Kcal) [6] và năm 2010 (1925Kcal) [24] thì năng lượng khẩu phần sinh viên là thấp. Nhóm sinh viên nam năng lượng khẩu phần trung bình (2206,5 Kcal) cao hơn nhóm sinh viên nữ (1548,9 Kcal/người/ngày) (p<0,01). Kết quả này cho thấy, so với nhu cầu khuyến nghị dành cho sinh viên của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra năm 2007 là 2700Kcal/nam và 2300Kcal/nữ, thì sinh viên năm thứ nhất Đại học Y Hà Nội có năng lượng khẩu phần là rất thiếu, đặc biệt là các em sinh viên nữ.

Lượng protein khẩu phần:

Trung bình mỗi sinh viên tiêu thụ 71,7g/người/ngày cao hơn lượng protein trung bình trong khẩu phần của người dân thuộc nhóm hộ gia đình có mức thu nhập trung bình vùng Cửa Đông Hà Nội (63,3g) [21], và của toàn dân năm 2000 (61,95g) [6]. Tương đương với khẩu phần của người dân huyện Đông Anh 2005 (75,1g) [26]. Trong đó nhóm nam cao hơn nữ về thành phần protein khẩu phần là 83,6g so với 61,1g (p<0,001). Khẩu phần này là chưa đạt nhu cầu khuyến nghị đối với nữ (69 – 89g) và đã đạt yêu cầu với nam (81 – 94g).

Lượng lipid khẩu phần:

Đạt 32,6g/người/ngày tương đương với mức tiêu thụ của thành thị năm 2000 (31,26g) và nhân dân mức thu nhập khá vùng Cửa Đông (34,2g). Chứng tỏ có sự gia tăng tiêu thụ thức ăn động vật và thực vật có chứa chất béo trong khẩu phần ăn sinh viên. tuy nhiên so với nghiên cứu của Phạm Thị Thanh Nhàn năm 2005 tỷ lệ này lại thấp hơn [26] (57,2g/người/ngày).

Nhiều nhà khoa học đã chứng minh ở độ tuổi dậy thì, chiều cao của trẻ tăng nhanh và đạt đến “ Đỉnh của tăng chiều cao – Peak Height Velocity ” khi mà trẻ có thể tăng khoảng 8 – 10cm/1 năm và mức tăng giảm dần sau đó [37]. Sự phát triển cơ thể trong giai đoạn này ngoài ảnh hưởng của hóc môn tăng trưởng (GH) và các hormon sinh dục thì vai trò của khẩu phần ăn (năng lượng khẩu phần, protein, canxi và các chất dinh dưỡng) là rất quan trọng. Kết quả nghiên cứu trên nhóm sinh viên Đại học Y Hà Nội cho thấy:

Lượng calci trong khẩu phần sinh viên trung bình là 352,5mg/người/ngày (nữ: 310,6mg/người/ngày và nam: 396,3mg/người/ngày) so với toàn dân năm 2000 (524mg) và nghiên cứu của Thanh Nhàn 2005 (659,4g) [26] thì lượng này chỉ chiếm hơn 1 nửa. Như vậy khẩu phần này chỉ đạt một nửa so với nhu cầu khuyến nghị năm 2007 [4] đối với sinh viên (700mg). Nếu tình trạng này kéo dài sẽ hạn chế phần nào mức phát triển về thể lực của lứa tuổi của sinh viên.

Lượng sắt trong khẩu phần của sinh viên là 12mg/người/ngày cao hơn so với lượng sắt trong khẩu phần của toàn dân năm 2000 (11,16mg), chỉ bằng một nửa so với khẩu phần ăn của khu vực Đông Anh (26,5mg) trong nghiên cứu của Thanh Nhàn năm 2005 [26]. Thấp hơn cả khẩu phần của người dân khu vực Ba Vì năm 2006 (15,8mg/người/ngày) [19], đặc biệt là đối tượng sinh viên nữ chỉ tiêu thụ 10,2mg/người/ngày trong khẩu phần ăn. Lượng sắt này chưa đạt nhu cầu khuyến nghị (18,3mg/nam và 39,2mg/nữ). Việc này có ảnh hưởng rất nhiều đối với tình trạng sức khỏe của sinh viên, rất dễ mắc các bệnh mạn tính như thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt, làm giảm sút sức đề kháng cũng như khả năng học tập.

Do đặc điểm hoạt động thể lực của nhóm đối tượng sinh viên không có lao động chân tay, hoạt động đọc sách báo rất nhiều nên khẩu phần ăn nên phải giàu vitamin A và caroten để bảo vệ biểu mô và tăng tuổi thọ cho mắt. Tuy nhiên lượng vitamin trong khẩu phần sinh viên còn thấp, tổng

lượng vitamin A của khẩu phần là 444,6 mcg cao hơn khẩu phần của toàn dân năm 2000 (89,3mcg) nhưng thấp người dân Ba Vì năm 2006 (568,2mcg/người/ngày) [19]. Khẩu phần này chưa đạt nhu cầu khuyến nghị của người Việt dành cho người lao động trí óc (sinh viên: 500 – 600µg).

Các vitamin khác như vitamin C (87,7mg), B1 (1,1mg), B2 (0,7mg) và PP (12,9 mg) đều cao hơn toàn dân năm 2000 (tương ứng là 72,51; 0,92; 0,53; 11,56 mg). So với nhu cầu khuyến nghị 2007 [4] kết quả này đã đạt yêu cầu.

Một phần của tài liệu Mức tiêu thụ lương thực thực phẩm của sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Y Hà Nội (Trang 37 - 40)