1.3.2.1. Năng lực tài chính và đạo đức của khách hàng
Năng lực tài chính của khách hàng là khả năng về vốn, tài sản của khách hàng để đảm bảo hoạt động bình thường và thực hiện các nghĩa vụ thanh toán. Khi cho vay, điều mà Ngân hàng quan tâm đầu tiên là về nguồn vốn chủ sở hữu (VCSH) của khách hàng tham gia vào hoạt động sản xuất - kinh doanh bởi vốn chủ sở hữu chính là "tấm đệm" để giảm bớt tác động xấu khi rủi ro xảy ra, đồng thời cũng góp phần nâng cao ý thức của người sử dụng vốn và là nguồn quan trọng để trả nợ Ngân hàng.
Trong khi thẩm định tín dụng, phân tích các chỉ tiêu tài chính của DN, Ngân hàng luôn quan tâm tới tỷ lệ VCSH tham gia váo dự án, phương án kinh doanh. Có thể thấy ngay sự quan tâm đó thể hiện ở việc xác định số tiền mà Ngân hàng cho khách hàng vay; khi xác định số tiền cho vay, Ngân hàng lấy tổng nhu cầu vốn cho dự án trừ đi nguốn vốn chủ sở hữu cũng như các nguồn vốn khác tham gia vào dự án; một dự án mà VCSH tham gia với tỷ lệ càng cao thì tỷ lệ rủi ro sẽ càng giảm vì VCSH như một phương pháp để giảm thiểu rủi ro đạo đức của khách hàng. Rủi ro đạo đức chỉ ra rằng: khi một người vay tiền thì anh ta có khả năng sẽ sử dụng vốn không theo như ý muốn của người cho vay, có thể đầu tư mạo hiểm hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích; vì vậy, sự tham gia của VCSH vào quá trình sản xuất - kinh doanh của DN là một giải pháp nhằm hạn chế rủi ro đạo đức của khách hàng. Khi một người vay tiền có nhiều VCSH tham gia vào dự án của mình thì ý muốn lao vào rủi ro đạo đức sẽ giảm đi nhiều do anh ta không muốn mất nhiều. Vốn chủ sở hữu tham gia càng nhiều thì rủi ro trong các ợp đồng nợi càng giảm và càng dễ vay hơn; khi đó anh ta càng có nhiều ý muốn xử sự theo chiều hướng mà người cho vay đự tính va mong muốn.
Tuy nhiên, đối với các DNVVN NQD thì chính quy mô nhỏ chính là một nguyên nhân khiến cho các Ngân hàng e ngại khi cho vay. Do VCSH và tài sản thấp, năng lực tài chính chưa cao nên chưa tạo dựng được uy tín đối với Ngân hàng; đồng thời cũng chính do thời gian hoạt động chưa lâu, uy tín chưa cao nên các DNVVN NQD cũng khó có thể tìm được người đứng ra bảo lãnh cho khoản vay của mình. vì vậy, việc khó tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng đối với các DNVVN NQD là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Yếu tố đạo đức khách hàng thể hiện ở việc lập các báo cáo tài chính khi DN muốn vay vốn Ngân hàng. Một thực tế đang diễn ra khá phổ biến là các DN lập báo cáo tài chính thiếu trung thực và tính minh bạch chưa cao, số liệu báo cáo chưa phản ánh đúng thực trựng tình hình tài chính của DN nên đã gây ra tâm lý lo ngại
cho Ngân hàng; nguyên nhân của tình hình này có thể do trình độ yếu kém về quản trị DN song cũng không ít trường hợp DN cố tình lập báo cáo tài chính không chính xác để trốn thuế và để được vay vốn.
Một nguyên nhân khác khiến cho Ngân hàng e ngại khi cho các DNVVN NQD vay vốn là do có hiện tượng một số DN "ma", hoạt động mang tính chất lừa đảo, thực tế cho thấy số DN đang hoạt động thấp hơn nhiều so với số đăng ký kinh doanh; một mặt do số DN đăng ký rồi nhưng chưa đi vào hoạt động, còn một số DN đăng ký rồi nhưng không hoạt động cũng không ít; chính điều này làm cho các Ngân hàng ngại cho vay đối với các DN thuộc khu vực này.
1.3.2.2. Chất lượng dự án, phương án sản xuất - kinh doanh
Khi khách hàng nộp hồ sơ vay vốn, Ngân hàng phải kiểm tra tính khả thi và hiệu quả của dự án; đây là yêu cầu bắt buộc đối với khách hàng khi nghiên cứu để đưa ra quyết định có cho vay không.
Một dự án phải có tính khả thi thì mới được Ngân hàng chấp nhận cho vay; song các DNVVN NQD thường có xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm nên Ngân hàng rất e ngại khi cho DNVVN NQD vay vốn.
Mặt khác, đa số các DNVVN NQD thiếu kinh nghiệm lập dự án, phương án sản xuất - kinh doanh còn thiếu sức thuyết phục. Muốn vay vốn thì DN phải lập được dự án đầu tư có tính khả thi nhưng việc xây dựng dự án khả thi đối với nhiều DNVVN NQD là một việc không phải dễ, trong khi dịch vụ tư vấn hỗ trợ DN lại chưa phát triển nên có trường hợp DN có dự án khả thi song do không lập được dự án thuyết phục nên không vay được Ngân hàng.