Các nhân tố ảnh hưởng tới tín dụng Ngân hàng đối với DNVVN NQD

Một phần của tài liệu Những vấn đề cơ bản về tín dụng Ngân hàng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (Trang 27 - 28)

Không riêng ở Việt Nam, ở nhiều nước, các DNVVN đều kêu khó tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng. Trước đây, khi thị trường ít có sự cạnh tranh, các Ngân hàng ít phải chịu sức ép tìm kiếm khách hàng; nay, trong điều kiện nền kinh tế hội nhập toàn cầu, các Ngân hàng không chỉ chịu sự cạnh tranh gay gắt của các tổ chức tài chính và phi tài chính trong nước mà còn phải chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn của các tổ chức tài chính quốc tế; vì vậy, các Ngân hàng đang phải giành giật các khách hàng lớn làm ăn có hiệu quả, nhiều Ngân hàng đã nhận ra cần phải tiến công vào khu vực DNVVN hiện đang “đói vốn” và chưa được phục vụ đúng mức.

Theo điều tra của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ suất nợ/tổng tài sản của doanh nghiệp đặc biệt là DNVVN rất khiêm tốn (trung bình chỉ khoảng 8%), cũng có một nửa số DNVVN được điều tra là có vay nợ song hầu hết là nợ ngắn hạn và vay từ các nguồn khác; điều tra cũng cho thấy, rất ít DN thành công trong việc tiếp cận nguồn vốn chính thức.

Một nghiên cứu khác của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc cho DNVVN vay tại các NHTMVN cho thấy: cản trở lớn nhất là Ngân hàng không có đủ thông tin tin cậy từ khách hàng và không có khả năng thu hồi các khoản nợ xấu do hệ thống chế tài chưa hoàn thiện. Đôi khi các DNVVN cũng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng Ngân hàng song chủ yếu chỉ là ngắn hạn; 2/3 số Giám đốc các DN cho rằng: Tín dụng dài hạn để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, nhà xưởng là rất khó và có đến 80% tổng số các khoản tín dụng là vay ngắn hạn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng hoạt động cho vay đối với khách hàng là DNVVN trong thời gian qua vẫn chưa thực sự mở rộng được như mong muốn song có thể thấy có 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu: nhóm nguyên nhân từ phía Ngân hàng, nhóm nguyên nhân chủ quan từ phía các DNVVN và nhóm các

nguyên nhân khách quan. Mặc dù đã có nhiều cuộc hội thảo để tìm cách tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DNVVN trong thời gian qua song cả DN và Ngân hàng vẫn vướng trong tấm lưới vốn vay mà “chưa có đường thoát”. Trong cuộc hội thảo “dịch vụ Ngân hàng với DNVVN” được tổ chức tại Hà Nội, các đại biểu đã thống nhất rằng: “thiếu vốn đã, đang và sẽ có thể là căn bệnh muôn thuở của các DNVVN”. Vậy làm thế nào để có thể vượt qua “7 vấn đề trở ngại khi DNVVN vay vốn Ngân hàng”, để Ngân hàng và DNVVN gặp nhau và để Ngân hàng cho vay có hiệu quả?

Bảy vấn đề trở ngại khi DNVVN vay vốn Ngân hàng:

- DN có tài sản song giấy tờ chưa hoàn chỉnh nên không thể thế chấp.

- Việc định giá tài sản theo quy định không sát thực tế nên chỉ có thể vay ít so với nhu cầu và tài sản có.

- Báo cáo tài chính chưa chính xác, chưa đủ độ tin cậy, gây khó khăn cho việc thẩm định dự án, phương án sản xuất - kinh doanh.

- Quy mô và hiệu quả sản xuất chưa cao, vốn tự có thấp.

- Diễn biến thị trường phức tạp, DN có quy mô nhỏ nên khó xoay sở để vượt qua các biến động của thị trường.

- Thông tin hai chiều giữa DN và Ngân hàng còn nhiều hạn chế, do hầu hết DN chưa sử dụng thanh toán qua Ngân hàng.

- Trên thực tế, Ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn khi xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Một phần của tài liệu Những vấn đề cơ bản về tín dụng Ngân hàng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (Trang 27 - 28)