Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác giao đất và cho thuê đất trên địa bàn huyện Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2013. (Trang 29)

4.1.1.1. Vị trí địa lý

Phổ Yên là huyện thuộc vùng bán sơn địa. Trung tâm huyện cách thành phố Thái Nguyên 26 km về phía Nam và cách Hà Nội 55 km về phía Bắc. Là một trong những cửa ngõ của thủ đô Hà Nội đi các tỉnh phía Đông -Bắc.

Huyện Phổ Yên có các vị trí giáp ranh sau:

- Phía Bắc giáp thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công - Phía Nam giáp Thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Giang

- Phía Đông giáp huyện Phú Bình

- Phía Tây giáp huyện Đại Từ và tỉnh Vĩnh Phúc

4.1.1.2. Địa hình, địa mạo

Huyện Phổ Yên thuộc vùng bán sơn địa của tỉnh Thái Nguyên, bao gồm vùng núi thấp và đồng bằng. Địa hình của huyện thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và chia làm 2 vùng rõ rệt:

Vùng phía Đông gồm 11 xã và 2 thị trấn có độ cao trung bình 8-15m, đây là vùng gò đồi thấp xen kẽ với địa hình bằng.

Phía Tây gồm 4 xã, 1 thị trấn, là vùng núi của Huyện địa hình đồi núi là chính. Độ cao trung bình ở vùng này là 200-300m.

Nhìn chung, địa hình của Phổ Yên cũng giống như các huyện khác thuộc vùng đồi gò và vùng trung tâm của Thái Nguyên có đặc điểm địa hình bằng phẳng xen lẫn địa hình gò đồi tạo thành hai nhóm cảnh quan.

4.1.1.3. Khí hậu

Theo phân vùng khí hậu thì Phổ Yên chịu ảnh hưởng của khí hậu vùng miền núi phía Bắc. Theo tài liệu của trạm khí tượng thủy văn huyện cho thấy các đặc điểm khí hậu thể hiện như sau:

- Nhiệt độ

Nhiệt độ trung bình năm là: 23,5 0C, tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất là 36,8 0C vào tháng 6, tháng thấp nhất là 8,8 0

C vào tháng 12. - Lượng mưa

Lượng mưa trung bình năm là 1.321 mm. Lượng mưa năm cao nhất là 1.780 mm tập trung vào tháng 6,7,8, lượng mưa năm thấp nhất là 912 mm tập trung chủ yếu vào tháng 12 và tháng 1.

- Độ ẩm

Độ ẩm không khí trung bình năm 81,9 % cao nhất là 85 %, tháng 12 có độ ẩm thấp nhất là 77 %.

- Chế độ gió

Có 2 loại gió chính: Gió mùa Đông Bắc và gió Đông Nam.

+ Gió mùa Đông Bắc kèm theo khí hậu lạnh làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng vụ Đông Xuân, thường xuất hiện vào tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau.

+ Gió Đông nam xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 11 trong năm khí hậu mát mẻ kèm theo mưa nhiều.

+ Ngoài ra còn gió Tây Nam thường xuyên xuất hiện xen kẽ trong mùa thịnh hành của gió Đông Nam, mỗi đợt kéo dài từ 2 - 3 ngày, gió Tây Nam khô, nóng ẩm, độ không khí thấp, đôi khi xuất hiện sương muối.

Tóm lại: Thời tiết và khí hậu có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Lượng mưa thấp, ít sương muối, mưa xuân đến muộn, độ ẩm không khí quá cao, lượng bức xạ nhiệt trung bình, đó là những yếu tố thuận lợi tạo điều kiện phát triển nông nghiệp.

4.1.1.4. Thủy văn

Phổ Yên có 2 con sông chính chảy qua:

Sông Cầu: nằm trong hệ thống sông Thái Bình, lưu vực 3.480 km2, bắt nguồn từ huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Cạn), chảy qua các huyện Bạch Thông, Chợ Mới (tỉnh Bắc Cạn), Phú Lương, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên, Phú Bình về Phổ Yên. Trên địa bàn Phổ Yên, sông Cầu chảy theo hướng bắc - đông nam, lưu lượng nước mùa mưa lên tới 3.500 m3

Sông Công: hay còn gọi là sông Giã (Giã Giang), sông Mão, có lưu vực 951 km2, bắt nguồn từ vùng núi Ba Lá (huyện Định Hoá), chảy qua huyện Đại Từ, thị xã Sông Công về Phổ Yên.Sông Công chảy qua địa bàn huyện Phổ Yên khoảng 25 km, nhập vào sông Cầu ở thôn Phù Lôi, xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên. Năm 1975, 1976, hồ Núi Cốc được xây dựng tạo ra nguồn dự trữ nước và điều hoà dòng chảy của sông. Cảng Đa Phúc trên sông Công là cảng sông lớn nhất tỉnh Thái Nguyên.

Do phía tây Phổ Yên có dãy núi Tam Đảo đón gió đông nam, nên lượng mưa ở lưu vực sông Công rất lớn. So với lũ sông Cầu, lũ sông Công lớn và đột ngột hơn, thường xảy ra vào mùa nóng (từ tháng 5 đến tháng 10), lên nhanh, xuống nhanh và biến động lớn, biên độ lũ từ 5 mét đến 7 mét. Đặc biệt, ở các xã ở ven dãy núi Tam Đảo (Phúc Thuận, Thành Công, Vạn Phái) thường xảy ra những trận mưa lớn, trong phạm vi hẹp, gây lũ quét (ngày 21/10/1969, ở suối Quân Cay, xã Phúc Thuận, lượng mưa 1 giờ trong phạm vi 200 km2 tại đây lên tới 325mm, tạo nên lũ quét, nước chảy như thác đổ làm chết 26 người). Đoạn hạ lưu sông Công (từ xã Nam Tiến xuống thôn Phù Lôi, xã Thuận Thành) có 15 km đê ở 2 bên sông.

Vùng phía nam huyện Phổ Yên (gồm các xã: Thuận Thành, Trung Thành, Tân Phú, Đông Cao, Tiên Phong, Nam Tiến, Tân Hương) nằm kẹp giữa vùng đê sông Công và sông Cầu nên khi mưa lớn, hoặc khi nước sông Cầu dâng cao, thường bị úng, lụt.

Ao hồ: ao phần lớn là nhỏ, độ sâu từ 1m đến 2m, nằm rải rác ở các xóm, xã trong huyện, tập trung nhiều ở những xóm, xã có mật độ dân số lớn.

Hồ Suối Lạnh: nằm trên địa bàn xã Thành Công, là hồ nhân tạo lớn nhất huyện Phổ Yên.

Đặc điểm nổi bật của huyện Phổ Yên là có đường Quốc lộ số 3 và đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên chạy dọc từ nam lên bắc, mang lại cho huyện nhiều thuận lợi về kinh tế - xã hội.

4.1.1.5. Các nguồn tài nguyên a) Tài nguyên đất

Tổng diện tích của Huyện là 25.886,90 ha, theo kết quả điều tra và tổng hợp trên bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/25.000, huyện Phổ Yên có 10 loại đất chính sau:

- Đất phù sa được bồi (Pb), diện tích 2.348 ha, phân bố chủ yếu ven 2 hệ thống sông Cầu và sông Công, thuộc các xã Minh Đức, Đắc Sơn, Thành Công, Nam Tiến, Vạn Phái, Tiên Phong, Tân Phú, Thuận Thành và Trung Thành.

- Đất phù sa không được bồi (P), diện tích 1.148 ha, chủ yếu phân bố ở các xã vùng thấp như Đồng Tiến, Đông Cao, Tân Phú, Thuận Thành và Trung Thành.

- Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng (Pp), diện tích 273 ha, phân bố ở 2 xã Trung Thành và Thuận Thành.

- Đất phù sa ngòi suối (Py), diện tích 360 ha, phân bố ở Đắc Sơn và Vạn Phái.

Bốn loại đất trên có độ dốc nhỏ hơn 30 và tầng dày trên 110 cm.

- Đất bạc màu (B), diện tích 2.539 ha, phân bố ỏ các xã Đắc Sơn, Nam Tiến, Đồng Tiến, Tiên Phong.

- Đất đỏ vàng trên đá sét (Fs), diện tích 11.251 ha, phân bố nhiều ở các xã phía Tây và Bắc huyện như Phúc Tân, Bình Sơn, Phúc Thuận, Thành Công, đất có độ dốc cao, tầng đất mỏng.

- Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq), diện tích 3.619 ha, phân bố ở phía Tây sông Công, thuộc các xã Minh Đức, Thành Công, Vạn Phái. Đất có độ dốc cao, tầng mỏng.

- Đất nâu vàng trên phù sa cổ (Fp), diện tích 2.944 ha, phân bố rải rác vùng đồi bát úp, thuộc các xã Phúc Thuận, Đắc Sơn, Nam Tiến. Đất có độ dốc < 150, tầng đất dày 50-70 cm.

- Đất Feralít biến đổi do trồng lúa (Lf), diện tích 384 ha, đất có tầng dày trên 70 cm, độ dốc < 80

.

- Đất dốc tụ (D), diện tích 3.330 ha, phân bố rải rác các xã trong huyện. Đất có tầng dày > 100 cm, độ dốc < 80

Trong 10 loại đất trên, các loại đất phù sa, bạc màu, dốc tụ và đất Feralít biến đổi do trồng lúa thường có độ dốc thấp, tầng đất dày > 100 cm, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng loại đất này chỉ chiếm 35% diện tích tự nhiên toàn huyện. Trong thời gian tới, loại đất này chuyển sang đất xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp là điều bất khả kháng. Vì vậy, ngành nông nghiệp chuyển hướng theo đầu tư chiều sâu, sản xuất sản phẩm hàng hoá chất lượng cao.

Đất đỏ vàng trên phiến thạch sét, đất vàng nhạt trên đá cát, đất nâu vàng trên phù sa cổ có diện tích chiếm 61,6% diện tích toàn huyện, hầu hết có độ dốc > 250

. Đây là các diện tích mà trong quy hoạch cần lưu ý bố trí cây trồng và áp dụng các công nghệ sử dụng đất dốc để hạn chế xói mòn, rửa trôi.

b) Tài nguyên nước

Huyện Phổ Yên có hệ thống kênh tự chảy từ hồ Núi Cốc chủ động trong việc cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, nước cho công nghiệp và sinh hoạt.

Phổ Yên có 2 hệ thống sông: Sông Công là nguồn nước mặt quan trọng cho sản xuất nông nghiệp của các xã vùng cao và vùng giữa của Huyện. Sông Công chảy qua huyện Phổ Yên chia huyện thành hai khu vực khác biệt về địa hình. Sông Công có lưu vực rộng và nằm trong vùng mưa lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên. Lòng sông có chiều rộng trung bình 13m, độ dốc lưu vực 27,3%, độ dốc lòng sông 1,03%. Lưu lượng nước trong mùa mưa 29,7m3

/s và trong mùa khô là 4,2m3/s.

Hệ thống sông Cầu chảy qua Huyện khoảng 17,5 km, cung cấp nước tưới cho các xã phía Đông và phía Nam huyện. Sông Cầu còn là đường giao thông thuỷ cho cả tỉnh nói chung và huyện Phổ Yên nói riêng. Sông chảy dọc địa giới phía Đông, giáp huyện Phú Bình và tỉnh Bắc Giang. Sông Cầu có lưu lượng nước lớn, trung bình trong năm là 136m3/s. Chế độ nước phù hợp với chế độ mưa. Mùa mưa đồng thời là mùa lũ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa cạn phù hợp với mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Mùa lũ chiếm 75% lượng nước, mùa cạn chỉ chiếm 25% lượng nước cả năm.

Ngoài hai con sông chính chảy qua địa phận huyện, còn có hệ thống suối, ngòi chảy qua từng vùng. Tổng diện tích mặt nước sông suối của huyện là 704,1ha. Nhìn chung, chất lượng nước tốt nên có thể khai thác mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, các nhà máy là nhà máy giấy chợ Mới tỉnh Bắc Cạn và Hoàng Văn Thụ tỉnh Thái Nguyên, các xí nghiệp thuộc khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên làm cho nước sông chảy qua địa phận huyện Phổ Yên bị ô nhiễm nặng.

c) Tài nguyên rừng

Phổ Yên là huyện chuyển tiếp giữa vùng đồi núi và đồng bằng nên diện tích đất lâm nghiệp không lớn và tập trung ở các xã phía Tây huyện. Diện tích rừng của Huyện tính đến ngày 31/12/2010 là 6.961,67 ha, chiếm 26,89 % diện tích tự nhiên. Thảm thực vật tự nhiên gồm các loại cây thân gỗ như bạch đàn, keo lá chàm, họ ve vầu. Tầng dưới là các loại cây dây leo và bụi như sim, mua, lau lách và các loại cây cỏ dại. Rừng trồng chủ yếu là rừng bạch đàn, keo lá chàm trồng theo các dự án. Cây rừng đa số đã được kháp tán. Hệ động vật rừng còn nghèo nàn, hiện chỉ còn lớp chim, bò sát, lưỡng cư, trong đó lớp chim nhiều hơn cả.

Nhìn chung, rừng của huyện Phổ Yên mang tính chất môi sinh, góp phần xây dựng môi trường và kinh tế bền vững cho huyện.

d) Tài nguyên khoáng sản

Về tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, theo kết quả thăm dò địa chất, trên địa bàn huyện có mỏ vàng ở xã Thành Công, mỏ đất sét Hộ Sơn ở xã Nam Tiến, mỏ sét Tam Sơn ở xã Đắc Sơn. Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên nằm trong khu vực sinh khoáng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương với thăm dò có 34 loại hình khoáng sản phân bổ tập trung ở Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ. Khả năng khai thác của các loại khoáng sản này có thể quyểt định đến phương hướng phát triển công nghiệp của huyện Phổ Yên.

đ) Tài nguyên du lịch

Tỉnh Thái Nguyên có tiềm năng du lịch phong phú từ hình thái du lịch nhân văn nhờ có nhiều các di tích lịch sử, các lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hoá dân tộc đến du lịch sinh thái với nhiều cảnh quan

thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Trên địa bàn huyện Phổ Yên hiện có nhiều tiềm năng du lịch nhưng chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng để khai thác như khu phía tây hồ Núi Cốc, các công viên, hồ nước trên vùng hồ Suối lạnh xã Thành Công và hồ Nước Hai, tổ hợp sinh thái và làng văn hóa Trà xã Phúc Thuận...

e) Tài nguyên nhân văn

Theo số liệu niên giám thống kê năm 2011 dân số huyện Phổ Yên là 139.410 người, với 37.297 hộ cư trú ở 15 xã và 3 thị trấn. Chủ yếu là dân tộc Kinh…

Người Phổ Yên có truyền thống yêu nước, anh dũng trong tranh đấu chống kẻ thù xâm lược. Truyền thuyết còn ghi những con trai Phổ Yên đã cùng ông Gióng đánh tan giặc Ân. Hiện nay, ngôi đền Giá (xã Đông Cao) là một minh chứng cho một thời kỳ lịch sử của huyện Phổ Yên.

Trải qua gần nửa thế kỷ, nhân dân các dân tộc trong huyện đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, quê hương. Nhân dân Phổ Yên đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những tinh hoa văn hóa và truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc càng được củng cố và phát huy. Những thành quả đạt được trong các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội trong thời gian qua đã khẳng định các giá trị nhân văn luôn được giữ gìn và phát triển, phù hợp với xu thể phát triển của thời đại.

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác giao đất và cho thuê đất trên địa bàn huyện Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2013. (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)