Chính trị

Một phần của tài liệu Vai trò của Đạo hồi đối với sự ra đời và phát triển nước Arập ( thế kỉ VII - thế kỉ VIII) (KL03836) (Trang 35)

6. Bố cục của khóa luận

2.2.2.2. Chính trị

Người Arập trong quá trình truyền bá đạo Hồi đã sử dụng những hệ thống hành chính của những vùng đất mà họ chiếm được. Nền thư lại và hệ thống cai trị của Byzantine và Sassanid. Sau khi được chỉnh sửa nó trở thành khuôn mẫu của chính quyền trong thế giới Hồi giáo. Đồng thời họ cũng đem đến cho đế quốc Arập những đặc tính riêng biệt. Với họ, cộng đồng Hồi giáo không còn mang nặng tính cách tôn giáo nữa mà đồng thời trở thành một cộng đồng chính trị, ngôn ngữ và xã hội. Họ đã tổ chức lại toàn bộ đế quốc, đã bắt đầu biến đổi ngôi vị Calipha thành thế truyền, kiến tạo nên một guồng máy hành chính tập trung triệt để.

Trong lĩnh vực chính trị, vai trò của Hồi giáo thể hiện trên hai cương vị chính: Tổ chức Nhà nước và pháp luật.

Về tổ chức Nhà nước:

Dưới vương triều Ômayát, Calipha là người đứng đầu Nhà nước, tập trung cả thế quyền và thần quyền. Triều đại này đã tiến hành những cải cách quan trọng trong tổ chức cộng đồng Hồi giáo (tổ chức lại toàn bộ đế quốc, biến ngôi Calipha thành thế truyền, xây dựng cộng đồng Hồi giáo vừa là cộng đồng chính trị, ngôn ngữ và xã hội). Cải cách này không xa rời tinh thần chung của kinh Coran, không xa rời tư tưởng của nhà Tiên tri Môhamét. Các giáo chủ trị vì như những hoàng đế mặc dù không được vượt qua giới hạn do kinh Coran đề ra vì kinh Coran là nguồn gốc quyền lực của họ.

Theo Phạm Cao Dương “Dưới quyền của Khalifa là các Emir, người đứng đầu các địa phương; các Emir này trong những trường hợp hỗn loạn chính quyền trung ương suy yếu thường ly khai rồi tự xưng là Khalifa” [7, tr.196]. Đây chính là nguyên nhân mà từ thế kỉ X trên lãnh thổ đế quốc Arập có nhiều Calipha đồng thời tồn tại.

Dưới quyền Calipha còn có các Ulemas (hiền triết), Muftis (cố vấn luật pháp), Cadis (thẩm phán kiêm chưởng khế) và những người bảo trợ cho các cô nhi quả phụ…

Đến triều đại Abát cơ cấu tổ chức Nhà nước đã quy củ và hoàn thiện hơn. Đứng đầu vẫn là chính quyền trung ương; dưới là các cơ quan, các bộ ngành. Các bộ ngành quan trọng của chính phủ là: Bộ tài chính, Cơ quan thuế, cơ quan quản lí nhà nước, cục ngân khố nhà nước, văn phòng chính phủ thảo và ban hành các quyết định nhà nước, cơ quan quản vụ quản lí toàn bộ quân đội trong đế quốc, ngoài ra còn có cục cảnh sát lo giữ gìn an ninh và trật tự, cơ quan bưu chính,…

Người Arập đã biết kế thừa những thiết chế nhà nước của các quốc gia phong kiến tiến bộ khác mà nó chiếm được như Byzantine và Ba Tư để xây dựng một nhà nước của riêng mình.

Theo Will Durant “Người Arập nhận rằng họ đã chiếm các nước tuy suy nhược nhưng rất có tổ chức, nên áp dụng ở Syria chế độ cai trị của Byzantine, ở Ba Tư chế độ của dòng Sassanid… Triều đại Abbaside thành lập một hệ thống phức tạp gồm chính quyền trung ương, chính quyền thuộc địa và chính quyền địa phương, thành thử dù nhà vua có bị hành thích, ngôi vua có bị chiếm đoạt thì các quan lại trong đế quốc cũng tiếp tục cai trị, không chịu ảnh hưởng nhiều” [6, tr.169].

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thọ Nhân “Đế quốc Arập trong quá trình bành trướng lãnh thổ đã giữ nguyên chính quyền cũ, chỉ cử người đến điều khiển công việc chính quyền nên rất ít xáo trộn các tập tục dân bản xứ…” [18, tr.56-57]. Nhờ đó mà người Arập Hồi giáo làm chủ được các con đường thông thương buôn bán trên biển và trên bộ. Cũng vì vậy mà một nền văn minh Hồi giáo được hình thành dưới triều đại các giáo chủ dòng U-may-ya đóng tại Syria.

Luật pháp Arập ngày càng trở nên hoàn thiện:

Luật pháp Arập lấy nền tảng là Kinh Coran, sách Sunna, sách Hadith.

Theo Phạm Cao Dương Ngoài sự liên hệ mật thiết giữa các yếu tố thế tục và tôn giáo, các định chế của Hồi giáo đã hình thành trên hai nguyên lí căn bản sau đây:

- Tất cả tín đồ đều bình đẳng

- Nguồn gốc của luật pháp là những lời thánh (Môhamét) dạy vì ngài là người duy nhất được mặc khải thiêng liêng” [7, tr.195].

Khi muốn xây dựng một xã hội không giai cấp, bình đẳng, Kinh Coran cũng có các quy định về pháp luật, tư pháp và lập pháp. Sau khi Môhamét qua đời các lời giao giảng, những mẩu chuyện được sưu tầm và chép lại trong bộ sách Sunna. Sách Sunna quy định luật pháp của đạo Hồi, đấy là những hướng dẫn trên mặt tôn giáo, tổ chức xã hội và cả những hình phạt đối với người phạm pháp.

Luật pháp áp dụng trong đế quốc là rút ở trong kinh Koran ra. Hồi giáo cũng như Do Thái giáo cho rằng luật pháp và tôn giáo chỉ là một… Hồi giáo càng chiếm được nhiều xứ thì luật pháp do Muhammat tuỳ hứng đặt ra, càng lúng túng phải xử nhiều trường hợp mới không dự liệu trong kinh Koran, và các nhà luật học phải tạo ra những truyền thống để ám nhiên hay hiển nhiên giải quyết các nhu cầu mới; do đó các truyền thuyết (hadith) thành một nguồn gốc thứ nhì của luật Hồi giáo” [6, tr.171-172].

Như vậy, nguồn gốc của luật pháp Hồi giáo là Kinh Coran, sách Sunna, sách Hadith và những quyết định chung của các tín đồ Hồi giáo trong trường hợp cả sách Sunna và kinh Coran không đáp ứng được nhu cầu.

Trong xã hội Hồi giáo quyền lập pháp hầu như không có vì đã có cơ sở là Kinh Coran. Theo tinh thần Kinh Coran các nhà thần học đã nghiên cứu mọi vấn đề và đưa ra những kết luận. Những kết luận sau này tập hợp vào một bộ luật Hồi giáo gọi là Sharia (Nghĩa là con đường phải theo).

Vì có bốn trường phái giáo lí khác nhau nên cũng có những khác biệt trong luật pháp Hồi giáo tuỳ từng vùng. Vì luật Hồi giáo không đòi hỏi một văn bản chính thức nên các quan toà (Cadi) khi xét xử chỉ cần dựa vào các quyết định mà các cố vấn pháp luật đã đưa ra. Luật Hồi giáo có bản chất khắc nghiệt hơn luật của các tôn giáo khác vì nó xem đây là mệnh lệnh bất di bất dịch của Thượng đế trong khi luật Do Thái chẳng hạn chỉ là một hợp đồng giữa Thượng đế và dân Do Thái” [18, tr.174].

Trong luật pháp các hình phạt đều được quy định rõ ràng theo từng tội danh; nặng thì bị tử hình, nhẹ thì bị khiển trách, xử lí hành chính. Luật Hồi giáo cũng có điều khoản liên quan đến vấn đề xử dụng nước tưới tiêu trong nông nghiệp, thuế khoá,…

Với hệ thống pháp luật này, đế quốc Arập đã tạo ra được những con người mới - con người Hồi giáo, có niềm tin vững chắc vào chân lý của mình, có lòng tự hào về cộng đồng - một cộng đồng có tính đoàn kết và gắn bó cao độ. Tính thống nhất của cộng đồng còn được phát huy hơn nữa khi các tín đồ phải luôn luôn cầm vũ khí chiến đấu chống lại đạo Cơ Đốc mà chủ trương lúc ấy của đạo này là tiêu diệt hết người Hồi giáo hay ít ra cũng bắt họ bỏ đạo theo mình. Qua các cuộc thánh chiến, người Hồi giáo thấy mình hơn hẳn các dân tộc khác, tín đồ tôn giáo khác (đặc biệt là Cơ Đốc giáo) chiến đấu liên tục chống lại hai đế quốc Cơ Đốc La Mã và Byzantine, tấn công thủ đô Rôma, Constantinople rồi cuối cùng tiêu diệt đế quốc Byzantine tạo nên một đế quốc Hồi giáo hùng cường.

Một phần của tài liệu Vai trò của Đạo hồi đối với sự ra đời và phát triển nước Arập ( thế kỉ VII - thế kỉ VIII) (KL03836) (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(56 trang)