Kinh tế

Một phần của tài liệu Vai trò của Đạo hồi đối với sự ra đời và phát triển nước Arập ( thế kỉ VII - thế kỉ VIII) (KL03836) (Trang 32)

6. Bố cục của khóa luận

2.2.2.1. Kinh tế

Trước khi đạo Hồi ra đời, bán đảo Arập với 3/4 diện tích là sa mạc, là một miền đất nghèo nàn. Thế kỉ VI sinh hoạt kinh tế không có gì nổi bật. Đến đầu thế kỉ VII, khi cộng đồng Hồi giáo xuất hiện thì sinh hoạt kinh tế vẫn mang nặng yếu tố tự nhiên. Theo Phạm Cao Dương “Sinh hoạt kinh tế của cộng đồng Hồi giáo ban đầu không có gì đáng chú ý” [7, tr.201]. Nguồn nông sản chủ yếu lấy từ một số ngũ cốc khô cằn như rau, chà là ở các miền duyên hải như (nam Yêmen) hay trong các ốc đảo và một phần thực phẩm từ chăn nuôi gia súc như ngựa hay lạc đà.

Các bộ lạc định cư sống ở miền Nam bán đảo Arập (người Yêmen) một trong những chiếc nôi cổ xưa nhất của văn minh nông nghiệp. Được thiên nhiên ưu đãi hơn so với các vùng khác trên bán đảo, những cư dân định cư ở miền Nam đã trồng được lúa và rau, nuôi được một số gia súc và những con ngựa đẹp. Tuy nhiên, việc trồng các loại cây như chà là, chanh, cam, chuối, vải,… mới thực sự mang lại các nguồn lợi lớn cho những người nông dân.

Khoảng 5/6 cư dân trên bán đảo Arập là những người chăn nuôi du mục. Họ sống cuộc đời nay đây mai đó, gắn bó với thiên nhiên hùng vĩ nhưng khắc nghiệt, chăn nuôi lạc đà, ngựa, cừu và gia súc. Họ tự làm mọi thứ cần thiết cho đời sống như: sợi, bao da, quần áo thô sơ và thảm. Mặt khác, họ cũng biết chế tạo vũ khí thô sơ như cung, tên, lao,… Cuộc sống của những người du mục bấp bênh, không ổn định, phụ thuộc vào thiên nhiên.

Hoạt động kinh tế chủ yếu diễn ra trên bán đảo Arập đó là buôn bán. Hình thức là chuyên trở hàng hoá thuê vượt qua sa mạc bằng lạc đà. Khi đế quốc Arập tiến hành bành trướng lãnh thổ và truyền bá đạo hồi sang những vùng đất mới; những nơi có trình độ phát triển cao, kinh tế vững mạnh, nhiều tài nguyên như: Hy Lạp, Ba Tư, đế quốc Byzantine, các vùng duyên hải Syria, các thung lũng như sông Nil, sông Euphrat,… thì sinh hoạt kinh tế bắt đầu biến đổi.

Sau khi Arập trở thành một quốc gia rộng lớn, nó đã tiếp thu nhiều yếu tố, lợi dụng triệt để những kinh nghiệm của người dân nơi đây để phát triển một nền kinh tế có cơ cấu hoàn thiện hơn, xây dựng Arập trở thành một trung tâm kinh tế vững mạnh.

Về nông nghiệp: Dưới thời Ômayát, pháp luật quy định: Tất cả đất đai đều thuộc về Ala, chỉ có Tiên tri và người thừa kế Calipha mới có quyền phân phối. Trong quá trình chinh phục vương triều Sassanid của Iran và đế quốc Byzantine, tất cả ruộng đất và hệ thống tưới tiêu của họ đại đa số đều thuộc về tài sản chung của những người theo Hồi giáo.

Khi đế quốc Arập bành trướng sang Lưỡng Hà, Ai Cập đã giúp cho các dân tộc Arập học được các kỹ thuật dẫn thuỷ của các cư dân ở đây. Theo Will Durant “Đất đai Arập cực khô cằn mà họ thành công được như vậy là nhờ một hệ thống dẫn thuỷ nhập điền khéo tổ chức, trong khu vực kinh tế đó…

chính quyền điều khiển và bỏ tiền ra để điều khiển các con kênh lớn. Sông Euphrate được đào vét ở Mesopotamie, sông Tigre ở Ba tư, và ở Bahgdad người ta đào một con kênh lớn nối hai con sông sinh đôi đó” [6, tr.123-124]. Về sau khi xâm chiếm Tây Ban Nha người Arập đã áp dụng kỹ thuật này ở đây.

Về kỹ nghệ: Người Arập phát triển mạnh mẽ ngành dệt, sản phẩm của họ trở nên nổi tiếng trên thế giới: “Người thợ làm chọn công việc từ đầu tới cuối, để hết cả sáng kiến, tài năng của mình vào, nên mỗi kỹ nghệ gần thành một nghệ thuật. Những hàng Ba Tư, Syria, Ai Cập nổi tiếng về kỹ thuật công phu và hoàn thiện” [6, tr.125].

Trong kỹ thuật chế tác, Damascus nổi tiếng về chế tạo gươm, Tyr nổi tiếng về thuỷ tinh đẹp và trong suốt không ai bằng. Bátđa nổi tiếng về thuỷ tinh, gốm. Dưới thời trị vì của đế quốc Hồi giáo “Kỹ nghệ và thương mại của Tây Á đạt tới một mức rất cao, mà Tây Âu trước thế kỷ XVI không sao bằng được” [6, tr.125].

Về thương mại: Sự thống nhất về mặt quốc gia có lợi cho kinh tế thương mại. Người Arập đã chuyển sang hoạt động ở ngành hải thương. Họ đã lợi dụng triệt để các kinh nghiệm của người dân Syria và Do Thái để phát triển ngành này.

Khi Hồi giáo trở thành tôn giáo thống nhất, trên đế quốc không còn thuế quan và các hàng rào khác, cùng với sự thống nhất ngôn ngữ tạo nên điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán. Do bản thân người Arập không khinh thương nhân như người Châu Âu (vì giáo chủ Môhamét cũng là thương nhân) nên họ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động thương mại.

Dưới thời Ômayát thương mại phát triển mạnh, quá trình hoạt động thương mại kéo theo sự xuất hiện của nhiều thị trấn, thương thuyền Arập làm chúa tể Địa Trung Hải cho tới thời Thập tự quân. Khắp nơi từ Syria, Ai Cập, Tuynidi, Hy Lạp, Ý,… đều xuất hiện thuyền buôn của Arập.

Theo Will Durant thương thuyền Arập “Đánh bại Etiôpia ra khỏi Hồng Hải. Vượt qua biển Caspiens thương nhân Arập đến Mông Cổ, dọc theo sông Volga họ từ Astrakhan tới Nôvgorod, qua Phần Lan, Scandinavơ xuống Đức, người Arập cũng phái những thương thuyền từ Ba Tư qua Ấn Độ, đến Đông Nam Á, điểm dừng cuối cùng này là Quảng Châu. Thế kỉ VIII, thương nhân Hồi giáo, Do Thái giáo đã lập cơ sở vững vàng ở đó. Trong khi đó thương mại Tâu Âu lại rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng” [6, tr.127-128].

Tóm lại, cùng với sự phát triển của đạo Hồi thì kéo theo nó kinh tế của đế quốc Arập cũng phát triển theo. Sự phát triển của các hoạt động kinh tế kể trên đã biến đế quốc Arập thành một trung tâm sinh hoạt vô cùng phong phú và xa xỉ. Nó kéo dài từ ba tới sáu thế kỉ cùng với khoa học, triết học, nghệ thuật… Như vậy, Hồi giáo có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đế quốc Arập, biến Arập thành nơi văn minh nhất thế giới.

Một phần của tài liệu Vai trò của Đạo hồi đối với sự ra đời và phát triển nước Arập ( thế kỉ VII - thế kỉ VIII) (KL03836) (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(56 trang)