An toàn trong dịch vụ y tế là không gây chấn thương cho người nhận dịch vụ y tế. Tại Việt Nam, có khá nhiều vấn đề đáng bàn xung quanh tính an toàn trong các dịch vụ y tế. [3]
Các dịch vụ YTDP, đã có nhiều thành tựu, phải kể đến là các chương trình phòng bệnh chủ động như TCMR. Chương trình TCMR càng ngày càng chứng minh được lựa chọn phòng bệnh bằng tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất.Bắt đầu cho việc thực hiện cam kết đó phải
tính từ năm 1985, khi đó Việt nam đã triển khai chương trình TCMR. Sau thí điểm thành công, ngành y tế đã có kế hoạch phát triển nhanh tiêm chủng phòng 6 bệnh nguy hiểm ra toàn quốc. Đến năm 1990 Việt nam đã đạt mức tiêm chủng thường xuyên, đầy đủ phòng 6 bệnh cho trẻ dưới 1 tuổi hàng năm đã đạt trên 80% làm nền tảng để tiến vào giai đoạn thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh.[41]
Tuy nhiên, còn một số bất cập như công tác quản lý chưa tốt dẫn đến các tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Trong chương trình TCMR, tính từ tháng 4/2007 đến nay đã có 10 cháu bé bị tử vong sau tiêm chủng, trong đó 7 trường hợp tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B. Bộ Y tế cũng đã có những văn bản tạm thời ngừng sử dụng những lô vaccine viêm gan B nghi gây tai biến, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là quản lý chất lượng vacine và những quy định an toàn trong tiêm chủng dường như vẫn chưa được ngành y tế thật sự quan tâm. [42]. Trong công tác KCB, sự an toàn của người bệnh phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của người thầy thuốc. Thời gian qua, dư luận lên tiếng về nhiều ca tử vong chỉ vì sự tắc trách của y bác sĩ. Bệnh nhân đã không còn tin tưởng để phó thác tính mạng của mình cho những bác sĩ và BV như thế ở tuyến dưới.
Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện cũng ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân và chính người làm dịch vụ y tế. Điều trị kháng sinh kinh nghiệm không thích hợp là yếu tố góp phần tăng tỉ lệ thất bại điều trị hoặc tử vong của người bệnh. Tuy nhiên, thực tế, nhận thức về phòng chống nhiễm khuẩn thường rất hạn chế tại các cơ sở y tế và đối với việc giám sát và phòng chống nhiễm khuẩn gắn liền với chăm sóc y tế.Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế, mức độ ô nhiễm vi sinh vật trong không khí ở các bệnh viện đều vượt quá giới hạn cho phép. Nhiều khoa phòng điều trị bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn gây bệnh và nấm mốc. Hầu hết các bệnh viện đều có muỗi, ruồi trong phòng bệnh [43]
Một vấn đề khá nổi cộm ảnh hưởng đến an toàn của người nhận dịch vụ y tế đó là tỉ lệ điều trị kháng sinh không thích hợp chiếm 74% (tương tự với kết quả của nghiên cứu do Kollef và cộng sự thực hiện năm 1998 (73.3%)). Đây là thực tế đáng báo động trong thời điểm hiện nay vì số lượng người bệnh được điều trị ngày một tăng và ngày càng có nhiều người bệnh nặng được chăm sóc tích cực do sự phát triển không ngừng của ngành y tế Việt Nam. [44]
Từ thực tế trên, ngành y tế cần có các biện pháp cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý dịch vụ y tế nhằm đảm bảo an toàn cho người nhận dịch vụ y tế và đảm bảo an toàn cho chính
người cung cấp dịch vụ y tế. Một số biện pháp có thể thực hiện là điều chỉnh luật cho phù hợp với thực tế. Nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế và tinh thần trách nhiệm, thái độ, lương tâm của người thầy thuốc. Cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là đối với chất thải y tế, vệ sinh môi trường,… Các bệnh viện phải cụ thể hóa các quy định, quy trình chuyên môn về chống nhiễm khuẩn phù hợp với điều kiện bệnh viện nhưng phải phù hợp với nguyên tắc chống nhiễm khuẩn; đồng thời cần tăng cường giáo dục nhân viên y tế thực hiện các quy định phòng chống nhiễm khuẩn, thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
III. BIỆN PHÁP CHUNG
Để đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ y tế tốt, đảm bảo 9 nguyên tắc đã nêu, một số biện pháp sau cần được thực hiện:
Với hệ thống YTDP cần:
1. Tăng cường tổ chức nhân lực và thiết bị cho YTDP ở tuyến cơ sở
• Xây dựng chính sách khuyến khích cán bộ YTDP công tác tại các địa bàn khó khăn, đầu tư trang thiết bị cho công tác dự phòng tuyến cơ sở.
• Xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho YTDP ở những địa phương khó khăn, tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ YTDP.
• Chú trọng và phát động phong trào xã hội hóa sức khỏe.
2. Tăng cường khả năng đối phó với các bệnh dịch nguy hiểm mới xuất hiện và các bệnh không truyền nhiễm
• Xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không nhiễm trùng.
• Đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thông nâng cao hành vi cộng đồng.
• Xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn khám sức khỏe cho người dân như tư vấn HIV/AIDS
• Tăng cường theo dõi giám sát thanh tra đánh giá tác động của môi trường, nhằm giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe.
Đối với KCB,
1. Nâng cao chất lượng KCB của bệnh viện
• Nâng cao năng lực quản lý cho các nhà quản lý y tế và quản lý bệnh viện
• Tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng dễ bị tổn thương.
2. Giảm quá tải bệnh viện tuyến trên
• Điều trị các danh mục kỹ thuật thực hành theo tuyến để phù hợp với sự phát triển của ngành trong thực tế và phù hợp với nhu cầu xã hội,
• Thực hiện giá các dịch vụ khuyến khích sử dụng dịch vụ y tế tuyến dưới
• Nâng cao chất lượng và giảm thời gian điều trị nội trú.
IV. KẾT LUẬN
Như vậy, khi điều kiện kinh tế- xã hội- dân cư phát triển, các dịch vụ y tế càng cần thiết đảm bảo đáp ứng mang tính bền vững. 9 nguyên tắc cung cấp dịch vụ y tế được coi là “thang đo” để đánh giá một dịch vụ y tế tốt hay không, phục vụ nâng cao sức khỏe cộng đồng ở mức nào.
Dịch vụ y tế Việt Nam nhìn chung đã đáp ứng và đảm bảo được 9 nguyên tắc cần thiết đó. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy vẫn tồn tại những hạn chế trong việc cung cấp các dịch vụ y tế. Song, những hạn chế ấy hoàn toàn có thể khắc phục bằng những biện pháp phù hợp và thiết thực. Hệ thống y tế Việt Nam nói riêng và Nhà nước Việt Nam nói chung cần xây dựng những biện pháp để nâng tính đáp ứng của các dịch vụ y tế đối với nhu cầu người dân. Nếu những biện pháp được thực hiện, những ca mắc bệnh, tử vong sẽ giảm đáng kể, sức khỏe người dân sẽ được nâng cao.