Hiệu quả là mức độ một can thiệp y tế đạt được các mục tiêu đề ra khi sử dụng các nguồn lực ở mức tối thiểu. Hiệu quả là việc đo lường chất lượng và/hoặc số lượng kết quả đầu ra (ví dụ như kết quả sử dụng dịch vụ y tế/chăm sóc sức khoẻ) với đầu vào cố định (ví dụ kinh phí) [3]
Hiện nay việc cung cấp các dịch vụ y tế tại Việt Nam đã đạt được những kết quả và thành tựu nhất định với các nguồn lực còn hạn chế cả về kinh phí và nguồn lực.
Năm 2008, tổng chi phí cho y tế của nước ta chiếm 6,4% GDP, và chia cho dân số thì chi phí y tế bình quân đầu người là 1.095.000 VND (khoảng 60 USD/người theo giá hiện hành). Chi công cho y tế chiếm 42,9% tổng chi y tế năm 2008. [38] Số tiền này được sử dụng để cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, thực hiện TCMR có độ bao phủ cao, giảm suy dinh dưỡng trẻ em, củng cố và mở rộng hệ thống y tế để nâng cao sự sẵn có và chất lượng
của dịch vụ y tế.... Các nỗ lực này đều là những đóng góp vào các thành tích trong lĩnh vực y tế của Việt Nam.
Việt Nam chi cao cho y tế so với các quốc gia cùng mức thu nhập
Nguồn: Tài khoản y tế Quốc gia Việt Nam, 2010
Việc tiếp tục nâng cao sức khỏe của người dân đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn hơn nữa. Mở rộng dịch vụ y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe ban đầu và KCB tới các vùng sâu, vùng khó khăn sẽ cần nhiều vốn, chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các bệnh không lây nhiễm, mạn tính, bệnh tâm thần đang ngày càng trở nên phổ biến và nhiều người đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế trong thời gian kéo dài, chi phí cao để điều trị các bệnh này. Điều này tạo ra thách thức lớn cho quỹ BHYT và tài chính hộ gia đình.
Câu hỏi được đạt ra là “Với các nguồn lực sẵn có, làm thế nào để đạt được nhiều kết quả hơn?”
Các nghiên cứu tính chi phí bệnh viện gần đây cho thấy chi phí cung ứng dịch vụ y tế cho cùng một bệnh dao động nhiều giữa các bệnh viện, giữa các tuyến, và thậm chí giữa các cán bộ y tế trong cùng một bệnh viện do lựa chọn sử dụng đầu vào khác nhau, đặc biệt các loại thuốc khác nhau. Có thể minh họa bằng ví dụ về viêm phổi trẻ em, bệnh có phác đồ chẩn đoán và điều trị tương đối chuẩn và người bệnh ít có bệnh kèm theo. Trong một nghiên cứu về 30 bệnh viện đa khoa tỉnh, chi phí điều trị viêm phổi trẻ em bình quân một
người bệnh là 834.500 VND. Tuy nhiên, trong 690 hồ sơ bệnh án được nghiên cứu, trường hợp có chi phí cao nhất thì cao gấp 79 lần trường hợp rẻ nhất. (7.911.800 VND so
với 99.000 VND). Kể cả khi tính chi phí điều trị bình quân một bệnh nhân theo bệnh viện, chi phí trung bình ở bệnh viện có mức chi cao nhất đã cao gấp 5 lần so với chi phí điều trị ở bệnh viện rẻ nhất (1.935.600VND so với 398.300VND).[39] Kết quả này gợi ý rằng chúng ta vẫn còn nhiều tiềm năng để giảm chi phí điều trị bằng cách xác định bệnh viện và thầy thuốc nào hoạt động hiệu quả trong việc cung ứng dịch vụ y tế an toàn và có chất lượng, khiến các bệnh viện và thầy thuốc khác phải thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ để giảm chi phí giống như các bệnh viện hoạt động hiệu quả.
Nguồn: Nghiên cứu chi phí một số nhóm bệnh tại bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 2005 Chúng ta cần phải nỗ lực rất nhiều trong việc ban hành chính sách sao cho các bệnh viện chủ động giảm nhập viện khi không cần thiết và giảm số ngày điều trị trung bình, giống như các nước giàu hơn đang làm, nhằm tăng hiệu quả của hệ thống y tế.
Các can thiệp YTDP và y tế công cộng trong hệ thống y tế thường là hành động có hiệu quả chi phí cao nhất. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm năng để nâng cao hiệu quả hơn nữa. Phân tích kinh tế về đầu vào được sử dụng, kết quả thực hiện và các khoản tiết kiệm được thông qua lồng ghép các chương trình vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ tạo ra cơ sở khoa học để đổi mới cách thực hiện các can thiệp YTDP nhằm tăng tính hiệu quả. Đối với chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã cũng cần nghiên cứu tìm phương án tổ chức hoặt động hiệu quả hơn, chất lượng hơn để thu hút người bệnh và giảm quá tải tại các tuyến y tế trên, đồng thời bảo đảm công bằng y tế.
Về nguồn nhân lực và vật lực, Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, năm 2010 số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 20,5 giường, đạt mục tiêu Chính phủ giao. Đặc biệt, sau 2 năm triển khai Đề án 1816 đã có 35 bệnh viện Trung ương thuộc Bộ, 185 bệnh viện tỉnh, thành phố và 322 bệnh viện huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án. Nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: 40.531 cán bộ y tế tuyến dưới được tập huấn về công tác KCB; 4.206 kỹ thuật tiên tiến đã được chuyển giao cho tuyến dưới; khám và điều trị cho 995.392 lượt người bệnh. Việc cung cấp các dịch vụ y tế đã đạt được hiệu quả cao tại nhiều đơn vị trên cả nước. Trong năm 2010, tại 9 đơn vị hành chính huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế có 81.520 đối tượng được hưởng chính sách KCB người nghèo theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh-Xã hội. Với số lượng 81.976 thẻ bảo hiểm y tế cấp cho người nghèo trong năm 2010 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả đã đạt và vượt kế hoạch 100,56%. Trong năm 2010, các bệnh viện đã khám, điều trị ngoại trú cho hơn 111,1 triệu lượt người bệnh. Trong đó, số lượt khám bệnh tại các bệnh viện trực thuộc Bộ chiếm 6,5%, tăng 104,8% về số lượng so với năm 2009; số lượt khám tại các bệnh viện tư nhân tăng 118,8% về số lượng so với năm 2009; có 47,4% người bệnh được khám, điều trị tại tuyến huyện, tăng 102% so với năm 2009; có 36,9% bệnh nhân khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh tăng 96,9% so với năm 2009. [40]
Với những hiệu qủa đã đạt được như vậy, tuy nhiên chúng ta cũng cần phát huy hơn nữa hiệu quả đã đạt được bằng việc tăng cường công tác tổ chức, điều hành bộ máy, nâng cao năng lực quản lý và giám sát; trách nhiệm quản lý đối tượng và xét duyệt cấp thẻ bảo hiểm y tế; tổ chức công tác KCB cho người nghèo có chất lượng và hiệu quả. Đồng thời cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng nguồn quỹ, truyền thông giáo dục và tiếp thị xã hội về chính sách y tế cho người dân.