trong kiểm soát nguồn thu thuế GTGT.
Kiểm soát nguồn thu thuế GTGT là một hoạt động của quản lý Nhà nước, được điều chỉnh bằng một hệ thống Luật pháp hoàn chỉnh. Do vậy, nó cũng có tính xã hội và phải mang tính xã hội, trong đó có sự giám sát của nhân dân.
Mặt khác, hoạt động kiểm soát phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cơ quan chức năng, trong đó có sự lãnh đạo của Chính quyền các cấp.
Tại hầu hết các nước có nền kinh tế chuyển đổi, Cơ quan Thuế được tổ chức theo ngành dọc thống nhất tổ chức từ Trung ương đến địa phương, nhằm tập trung nguồn thu vào NSNN. Ở Việt Nam, việc thống nhất quản lý, chỉ đạo điều hành cũng theo mô hình đó. Tuy vậy, do nhu cầu thực tế của công tác tổ chức hành thu và thi hành Luật thuế, phải cần có sự phối hợp của Chính quyền địa phương nên Chính quyền địa phương có ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức và chỉ đạo của Cơ quan Thuế ở các địa phương và việc quản lý nguồn thu có nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu chi tiêu cho bộ máy Chính quyền địa phương. Hơn nữa, Việt Nam đang trong quá trình cải cách, nền kinh tế xã hội chưa phát triển, trình độ dân trí và pháp luật còn nhiều hạn chế, sự tuân thủ tự nguyện pháp luật nói chung và pháp luật về thuế nói riêng chưa cao, do đó đòi hỏi sự phối hợp chỉ đạo của các
cấp Chính quyền và sự phối hợp thực hiện của các cơ quan chức năng khác: Công an, Quản lý thị trường. v.v..
Trong kiểm soát nguồn thu thuế GTGT, các lực lượng này có vai trò quan trọng, đặc biệt là trong việc phát hiện các hành vi trốn lậu thuế, mua bán hoá đơn thật, hoá đơn giả v.v.. Các lực lượng này còn thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế theo chức năng, nhiệm vụ của mình, giúp việc thi hành Luật thuế trở nên có hiệu lực hơn.
Theo tác giả, sự phối hợp giữa Cơ quan Thuế và Hải quan địa phương trong thời gian qua chưa thật sự đồng bộ, nhất là trong việc kiểm soát thu thuế GTGT hàng nhập khẩu. Để bảo đảm thống nhất công tác hành thu, Chính phủ cần xem xét đề án thống nhất tổ chức ngành Thuế và Hải quan tại các địa phương nhằm tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm soát thu thuế trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa ngành Thuế và hệ thống Ngân hàng thời gian qua chưa được thuận lợi. Nhiều Ngân hàng, do yêu cầu của khách hàng đã không thực hiện lệnh thu cưỡng chế thuế của Cơ quan Thuế. Theo tác giả, Nhà nước cần có những biện pháp xử lý đối với những Ngân hàng không thực hiện lệnh thu của Cơ quan Thuế nhằm tạo ra sự nghiêm minh của Luật thuế.
Tóm lại, kiểm soát nguồn thu thuế GTGT không chỉ là hoạt động độc lập của riêng ngành Thuế. Để thực hiện tốt công tác này, cần phải có sự phối hợp một cách đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như của toàn xã hội.
KẾT LUẬN
Qua 2 năm triển khai thực hiện trên địa bàn Hà Nội, Luật Thuế GTGT đã thực sự đi vào đời sống kinh tế – xã hội. Việc thực hiện Luật Thuế GTGT đã khuyến khích các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và đầu tư, góp phần tăng kim nghạch xuất khẩu của Thủ đô hàng năm 20 %, tăng GDP hàng năm trên 9 %. Với đặc tính chuyên môn hoá cao, công bằng và trung lập, thuế GTGT đã trở thành công cụ hiệu quả điều tiết vĩ mô nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn và sâu hơn với nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Bên cạnh đó, việc thực hiện Luật Thuế GTGT cũng góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận nhanh hơn với thị trường quốc tế trong bối cảnh Việt nam hội nhập với các tổ chức kinh tế và thương mại trong khu vực và trên toàn thế giới.
Quá trình triển khai thực hiện Luật Thuế GTGT cũng là quá trình ngành Thuế Hà Nội thực hiện một bước cải cách phương thức quản lý thu thuế, trong đó nổi bật nhất là áp dụng quy trình quản lý thu thuế mới mà nội dung cơ bản là các doanh nghiệp tự kê khai và nộp thuế vào Kho bạc Nhà nước. Việc thực hiện quy trình quản lý thu thuế mới đã thể hiện những ưu điểm rõ nét là nâng cao ý thức chấp hành Luật thuế của các doanh nghiệp, đưa hoạt động nộp thuế vào NSNN trở thành một hoạt động thường xuyên của các doanh nghiệp. Tuy vậy, phương thức quản lý thu thuế mới vẫn chưa được thực hiện tốt, kết quả thu thuế từ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt thấp, các hiện tượng vi phạm Luật thuế, trốn thuế và tránh thuế còn diễn ra dưới nhiều hình thức, ngày càng tinh vi hơn đang là một thách thức đối với ngành Thuế Thủ đô.
Trong bối cảnh đó, bằng những lý luận và thực tiễn, trên cơ sở phân tích quá trình triển khai việc thực hiện Luật thuế GTGT, kết quả thu thuế GTGT trên địa bàn Hà Nội, cơ cấu tổ chức của bộ máy Cục thuế Hà Nội cũng như quy trình quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp đang được áp dụng tại Cục thuế Hà Nội. Chuyên đề đã nêu lên thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đề ra giải pháp cụ thể để tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát nguồn thu thuế GTGT từ các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể chuyên đề đã hoàn thành một số nhiệm vụ sau :
1- Hệ thống hoá các vấn đề lý luận về kiểm soát nguồn thu thuế GTGT từ các doanh nghiệp. Nêu rõ được tầm quan trọng của công tác kiểm soát nguồn thu thuế GTGT.
2- Phân tích và đánh giá thực trạng công tác kiểm soát nguồn thu thuế GTGT từ các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong những năm qua. Chỉ ra nguyên nhân và một số bất cập về cơ chế chính sách và quy trình quản lý thuế.
3- Đề ra những giải pháp cụ thể để tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm soát nguồn thu thuế GTGT từ các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới.
Các giải pháp chủ yếu luận án đưa ra là: - Giải pháp về cải cách bộ máy quản lí thuế. - Những giải pháp về nghiệp vụ quản lí thuế. - Xử lí và khiếu nại về thuế.
- Một số giải pháp nhằm khắc phục những vướng mắc trong Luật thuế GTGT
Những giải pháp, kiến nghị trên còn mang nhiều tính gợi mở. Do vậy tác giả rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến, thẳng thắn trao đổi của các Thầy, Cô giáo, các vị Lãnh đạo và các đồng nghiệp. /.