Khoản chi thường xuyên NSNN cho sự nghiệp văn hóa

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VỀ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO SỰ NGHIỆP VĂN HÓA (Trang 31)

2. Thực tiễn chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp Văn hóa tại Thừa Thiên Huế.

2.1 Khoản chi thường xuyên NSNN cho sự nghiệp văn hóa

Như đã trình bày ở những phần trên, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, do đó việc Nhà nước chi một phần ngân sách cho sự nghiệp văn hóa là điều tất yếu. Thừa Thiên Huế hiện nay được xem là một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước, bởi nơi đây là nơi ghi dấu của triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta, chứa đựng rất nhiều những truyền thống văn hóa tốt đẹp do cha ông ta để lại. Để có thể giữ gìn và phát huy những giá trị đó, hàng năm, Nhà nước ta luôn chi cho tỉnh Thừa Thiên Huế một phần ngân sách không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của Tỉnh.

Hàng năm, căn cứ vào các quy định của pháp luật, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên và yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình, cơ quan quản lý văn hóa các cấp của Tỉnh sẽ tiến hành phối hợp với cơ quan tài chính và cơ quan kế hoạch và đầu tư cùng cấp lập dự toán NSNN của đơn vị, sau đó nộp cho cơ quan cấp trên có thẩm quyền để tổng hợp và quyết định. Trong thời hạn quy định trong Thông tư hướng dẫn hàng năm của Bộ Tài chính, HĐND tỉnh sẽ quyết định Dự toán NSNN năm của toàn Tỉnh, trong đó có chi ngân sách cho sự nghiệp văn hóa.

Mỗi năm, mức chi Ngân sách cho sự nghiệp văn hóa của Thừa Thiên Huế được quyết định chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong dự toán ngân sách của Sở Văn hóa-thể thao và du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế:

Bảng Dự toán chi NSNN cho sự nghiệp văn hóa của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Tỉnh giai đoạn 2010-2012. (Đơn vị: Triệu đồng)

Năm 2010 2011 2012 Tổng chi 40.524,000 45.363,000 62.884,742 Chi sự nghiệp văn hóa 14.685,000 17.285,000 17.966,000

( Nguồn: Sở Tài chính Tỉnh Thừa Thiên Huế)

Qua bảng trên ta có thể thấy, mức dự toán ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp Văn hóa của Tỉnh Thừa Thiên Huế khá cao. Năm 2010 mức chi cho sự nghiệp Văn hóa chiếm 36.23%, năm 2011 là 38.1% trong tổng mức chi của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Tỉnh, như vậy có thể thấy, Thừa Thiên Huế luôn có sự quan tâm đáng kể trong việc đầu tư phát triển sự nghiệp Văn hóa của địa phương. Qua các năm mức chi cho sự nghiệp văn hóa của Tỉnh luôn tăng lên cùng với sự tăng lên của tổng chi ngân sách của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2010 dự toán chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp văn hóa của Sở là 14.685 triệu đồng và tăng lên 17.966 triệu đồng năm 2012.

Năm 2010, tổng chi NSNN mà Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế được UBND Tỉnh giao là 40.524 triệu đồng, trong đó chi cho sự nghiệp

văn hóa là 14.685 triệu đồng, chiếm hơn 36% tổng dự toán chi NSNN của Sở, kết quả thực hiện đạt 16.223 triệu đồng, tăng 10% so với dự toán, chiếm trên 40% tổng chi NSNN của Sở. Số vượt chi so với dự toán được sử dụng từ nguồn kinh phí dự phòng NSNN đã bố trí đầu năm và một phần nguồn vượt thu ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2010.

Năm 2011, dự toán chi ngân sách nhà nước của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch là 45.363 triệu đồng, riêng chi cho sự nghiệp văn hóa là 17.285 triệu đồng, chiếm 38,1%, ước tính thực hiện cả năm, trên cơ sở dự toán đầu năm, cộng thêm vốn dự kiến bổ sung và nguồn vượt thu NSNN, đạt 20.134,200 triệu đồng, tăng 16,5% so với dự toán, bằng 33,5% tổng chi NSNN của Sở… Trong đó, theo dự toán được giao, chi NSNN cho sự nghiệp văn hóa đã bao gồm các khoản: Tăng kinh phí hợp đồng cho Bảo tàng LSCM 180 triệu đồng; kinh phí cho Nhà hát ca kịch là 1tỷ đồng; kinh phí cho trung tâm Lê Bá Đảng 500 triệu đồng…

Việc tăng nguồn chi Ngân sách như vậy một mặt thể hiện sự quan tâm, chú trọng đầu tư đến lĩnh vực văn hóa của các cấp, mặt khác nó phản ánh thực tế là khi lạm phát tăng cao thì việc chi NSNN cũng tăng theo mạnh. Tuy nhiên việc tốc độ tăng chi chỉ xấp xỉ lạm phát cho thấy cố gắng rất lớn trong điều hành chính sách tài khóa 2011 của Chính phủ vì nhiều năm gần đây tốc độ tăng chi thường cao hơn nhiều tốc độ lạm phát.

Đến năm 2012, với mục tiêu cắt giảm chi, hạn chế lạm phát và tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa có kế thừa và phát huy chính sách tài khóa năm 2011 nên mức tăng chi NSNN, kể cả chi NSNN cho lĩnh vực văn hóa, trong giai

đoạn từ 2011-2012 là không cao. Theo quyết định số 2590/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc giao dự toán NSNN tỉnh năm 2012 thì tổng chi NSNN giao cho Sở Văn hóa-thể thao và du lịch là 62.882,742 triệu đồng, trong đó chi cho sự nghiệp văn hóa là 17.966,000 triệu đồng, chiếm 28,5% và chỉ tăng 4% so với dự toán NSNN năm 2011. Trong đó đã bao gồm các khoản chi như: Tăng kinh phí cho việc tổ chức trang trí sân khấu và chương trình ca nhạc chào năm mới, tăng kinh phí tổ chức điều tra tổng kiểm kê di tích lần thứ 3, kinh phí sưu tầm số hóa tài liệu…

Trong việc so sánh mức kinh phí chi cho sự nghiệp Văn hóa với sự nghiệp Thể thao và sự nghiệp du lịch, ta cũng thấy được, mức dự toán chi NSNN cho sự nghiệp Văn hóa cũng chiếm tỉ lệ cao nhất trong dự toán chi NSNN cho sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế được giao. Cụ thể, chi NSNN cho sự nghiệp Văn hóa thông tin là 17.966,000 triệu đồng, chiếm 43,8% trong tổng chi NSNN cho sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong khi đó chi NSNN cho sự nghiệp du lịch và sự nghiệp thể thao chiếm tỉ lệ lần lượt là 26,2% và 30%.

Từ những số liệu trên ta thấy được mức chi NSNN cho sự nghiệp văn hóa đã tăng lên đáng kể, thể hiện sự quan tâm, chú trọng của các cấp chính quyền cũng như phù hợp với tình hình thực tế của Tỉnh tạo điều kiện cho việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của Thừa Thiên Huế nói riêng và nước ta nói chung.

Trong công cuộc giữ gìn và phát huy nền văn hóa truyền thống tại Thừa Thiên Huế thì công tác bảo tồn di tích Cố đô Huế là một trong những nội

dung đặc biệt quan trọng. Ở nước ta hiện nay, Cố đô Huế là minh chứng rõ rệt nhất về sự tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam, nơi duy nhất còn lưu giữ lại gần như hoàn toàn các truyền thống văn hóa của chế độ phong kiến của nước ta (cả văn hóa vật thể lẫn văn hóa phi vật thể). Tuy nhiên qua thời gian, việc mai mọt, xuống cấp của các công trình kiến trúc ở Cố đô là không thể tránh khỏi, do đó đòi hỏi Thừa Thiên Huế nói riêng và nước ta nói chung cần phải tích cực trong công tác tu bổ, trùng tu các di tích hiện có tại Cố đô, đây là một nhiệm vụ vừa cấp bách lại vừa lâu dài. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền thì việc cấp một nguồn kinh phí nhất định cho công tác này là không thể thiếu. Chính vì thế, trong dự toán NSNN của tỉnh Thừa Thiên Huế luôn có khoản chi cho Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Trong mấy năm trở lại đây, tình trạng xuống cấp của các công trình kiến trúc diễn ra nhanh, mạnh, gây nên sự lo lắng trong nhân dân. Nhận thức được sự cấp bách của công tác trùng tu, bảo tồn các di tích ở Cố đô, nên khoản chi NSNN đầu tư cho công tác này không ngừng tăng lên. Nếu năm 2010, tổng chi ngân sách UBND tỉnh giao cho Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế là 73 tỷ đồng thì năm 2011 đã tăng lên 78 tỷ đồng, và trong dự toán ngân sách nhà nước mà Trung tâm được giao trong năm 2012 là 83 tỷ đồng. Như vậy, đã có sự tăng lên rõ rệt về mức chi cho công tác bảo tồn các di tích ở Cố đô, nhờ đó, công tác bảo tồn các giá trị của các di tích cố đô Huế đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Nổi bật trong đó là dự án hợp tác nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế và phục hồi điện Cần Chánh (phối hợp với Đại học Waseda) đã thực hiện được hơn 15 năm qua (1996-2012), với nguồn kinh phí

được đầu tư ngày càng lớn và bước đầu đã đạt nhiều kết quả tốt. Ngoài ra, Ngọ Môn, Thế Miếu, Hiển Lâm Các, Đại Nội...đã và đang trong quá trình trùng tu và cũng đạt được những kết quả nhất định. Hoặc dự án hợp tác với các chuyên gia bảo tồn CHLB Đức (thuộc dự án đào tạo, bảo tồn và phục chế của Đức - GCREP) phục chế thành công tranh tường tại Cung An Định. Cung An Định được xây dựng bằng các vật liệu mới theo kiểu lâu đài châu Âu, được trang trí rất công phu, đặc biệt là phần nội thất của tầng 1 với các bức tranh tường có giá trị nghệ thuật rất cao, nay đã được phục hồi hoàn nguyên...qua đó cho thấy, đầu tư ngân sách nhà nước cho việc trùng tu bảo tồn các công trình kiến trúc thuộc khu Di tích Cố đô Huế là rất cần thiết và cần phải đầu tư nhiều hơn nữa.

Cũng chính vì nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư cho văn hóa, trong vài năm trở lại đây, không chỉ riêng Thừa Thiên Huế mà cả nước ta, từ trung ương đến địa phương các khoản chi cho sự nghiệp văn hóa đều tăng lên một cách rõ rệt. Cụ thể, theo DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG

THEO LĨNH VỰC NĂM 2009 (Kèm theo Quyết định số 2704/QĐ-BTC ngày

01/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc công bố công khai số liệu dự toán NSNN năm 2009 ) thì mức chi NSNN cho sự nghiệp văn hóa là 980 tỷ đồng, nhưng đến năm 2012, con số này đã tăng lên mức 2410 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, trên thực tế, chi NSNN cho trùng tu, bảo tồn di tích Cố đô Huế vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Nhiều dự án triển khai chậm so với yêu cầu nhiệm vụ, bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục; việc phân bổ vốn không đúng với cơ cấu, chương trình được giao. Việc phân cấp quản lý NSNN chưa thật sự rõ ràng, dẫn đến các đơn vị sử dụng ngân sách không chủ

động được trong nguồn vốn, vẫn còn xảy ra tình trạng chờ đợi và “ Xin – cho”…Bên cạnh đó, hằng năm, mức kinh phí dành cho công việc duy tu, bảo dưỡng, trùng tu di tích Huế là quá ít, đó là chưa nói đến công tác đầu tư lĩnh vực khác như chống xâm hại di tích hoặc di dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích…cũng là những nguyên nhân dẫn đến công tác trùng tu chưa đạt được kết quả mong đợi.

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VỀ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO SỰ NGHIỆP VĂN HÓA (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(56 trang)
w